Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

I come with the Rain - A film by Trần Anh Hùng




Sau chuỗi ba bộ phim về Việt Nam, “Mùi đu đủ xanh” , “Xích lô”, “ Mùa hè chiều thẳng đứng” , Trần Anh Hùng ra mắt bộ phim nói tiếng Anh đầu tiên của mình, “I come with the rain.” Một cái tên nếu dịch ra thì đẹp vô cùng “Và anh đến trong cơn mưa”. Tình cảm chăng ? Hay bạn trông chờ vào một bộ phim đầy chất thơ như “Mùa hè chiều thẳng đứng”, bạn sẽ nhanh chóng thất vọng – vì “i come with the rain là một bộ phim sặc mùi bạo lực. Nói thế, nếu bạn nghĩ nó giống như “Xích lô”, một hiện thực trần trụi về Sài Gòn, bạn cũng sẽ thất vọng. Vì “I come with the rain” là một cái gì đó rất khác, rất khác của Trần Anh Hùng.

Phim tập trung vào 4 nhân vật, Kline, một thám tử bị ám ảnh bởi một kẻ sát nhân điên và tởm năm xưa, đến Hongkong tìm kiếm tung tích của Shitao. Shitao, con của một doanh nhân nổi tiếng và giàu nứt vách, chạy trốn và sống trong một túp lều giữa cánh đồng xanh bạt ngàn, có khả năng hấp thụ những căn bệnh và nỗi đau của chúng sinh. Su Dong po, một tay trùm xã hội đen, có cô bồ là Lili. Những dấu hiệu chữ thập, một kẻ điên rồ sơn những vệt sơn vàng và nói về một Chúa đang ở giữa chúng ta, những đấu tranh giữa thiện và ác, giữa tình yêu và sự trả thù, giữa hiện thân của chúa và tội lỗi nơi trần thế, giữa bạo lực và tình dục, giữa những nỗi đau của con người.

Bạn đã đọc sơ qua nội dung, một nội dung đậm tính hình sự, bạn lại trông chờ vào một bộ phim hành động bắn giết đì đùng của Hollywood ư ? Điều đó không có đâu.

I Come with the rain là một bộ phim cá tính, phản phất một chút gì đó thuộc về dòng phim Noir, pha lẫn vào đó một chút màu sắc của riêng Trần Anh Hùng, tạo nên một nồi lẩu thập cẩm đầy rẫy đồ ăn từ tứ phía. Cái Noir của phim thuộc về chủ đề của câu chuyện, một câu chuyện về sự đấu tranh thiện ác, một vụ án mạng, một cảnh sát điều tra, và những tên xã hội đen. Thuộc về cách sử dụng ánh sáng chủ nhẹ ở một số cảnh, tạo ra một sự tương phản mạnh mẽ giữa ánh sáng và bóng tối trong phim, cũng như làm nổi bật lên cuộc đấu tranh trong nội tâm nhân vật lẫn hành trình tranh đấu của cái thiện chống lại cái ác.

Màu sắc trong phim đậm đà và sặc sỡ - như “Mùa hè chiều thẳng đứng” - nhưng có độ tương phản mạnh hơn, không tươi rói mà đầy u uất, ánh sáng đa phần là nhiều trong những cảnh ngoại. Sự đối xứng trong cách sử dụng ánh sáng (ánh sáng chủ nhẹ và ánh sáng bình thường) cho ta thấy một hình thức không tương đồng, một sự quá thật của một bộ phim hành động Hollywood thông thường và một phong cách đậm đà tương phản theo kiểu Noir khiến cho phim mang nhiều sắc thái khác nhau.

Sắc thái nào đi chăng nữa thì nó cũng chỉ cho ta về một điểm : sự bất ổn và hoang mang của nhân vật. Ánh sáng đậm và nhiều cho ta một thứ ảo giác và phê thuốc. Ánh sáng chủ nhẹ cho ta một chốn bất ổn và tâm tối. Cùng những góc máy động đậy với những vị trí lạ, lia nhanh theo diễn biến hành động của nhân vật, những khúc mờ chồng mê mang càng tạo cho ta thấy đây là một bộ phim với những nhân vật với tâm lý không mấy bình thường, day dứt và dằng xé.

Âm nhạc lại là một điểm khác đáng nói đến. Bạn sẽ thấy những khúc lồng nhạc vào rất lãng nhách. Nhưng đấy có lẽ cũng là một chủ đích của Trần Anh Hùng, âm nhạc của phim chủ yếu là post-rock, và đôi ba ca khúc của Radiohead. Nhạc xuất hiện bâng quơ và yểu mệnh, với bản chất của nó là mỏng manh – dễ vỡ - bay như phê thuốc lào và khơi gợi tâm hồn một cách cấu xéo, lên xuống vô ra liên hồi và bất thường, tạo nên một nhịp điệu rất lộn xộn cho phim. Âm nhạc khiến một bộ phim vốn đã chậm rãi thêm phần thê lương và mệt mỏi. Đôi khi, không cần thoại, âm nhạc trong phim đưa đẩy mạch câu chuyện. Sự phiêu và day dứt trong âm nhạc cũng là một thứ khiến ta quay về chủ điểm của phim : sự bất ổn và hoang mang của nhân vật. Cái ảo giác và sự mơ hồ.

Đúng vậy, mơ hồ là điều có thể nói về phim này, với một câu chuyện mơ hồ, đầu cua tai nheo được phân tán tứ tung. Có thể nói, mạch phim được chia làm hai tuyến thời gian song song với nhau : 2 năm trước, và hiện tại. Hiện tại chiếm đa phần trong kết cấu câu chuyện, và tuyến thời gian trước đôi lúc nhảy vào như một đoạn flashback mà không cần phải bày tỏ dấu hiệu chi mô hết – điều này được dựng như thế nhằm thể hiện sự bất ổn của Kline, khi kí ức và hiện tại bị dồn xé trong đầu anh.

Chính sự mơ hồ đó tạo nên một sự chọi nhau giữa một chút về mặc nhịp điệu và chủ đề câu chuyện, giữa một chủ đề đầy rẫy cái động với một tính mơ hồ cao trong cách thể hiện. Thực tế, nhịp phim rất chậm, chậm một cách bế tắc, đôi lúc tôi thấy có cảm giác rời rạc trong việc kết nối giữa các cảnh phim, các hình ảnh trong phim. Tuy rằng, trong những phim trước, Trần Anh Hùng có những khuôn hình với các hình ảnh mang tính ẩn dụ cao, đôi lúc được đặt bên nhau, lồng vào câu chuyện một cách bâng quơ – rời rạc, không ăn nhập gì đến tuyến truyện chính, nhưng những hình ảnh ấy có một tính xúc tác cao cho việc thể hiện ý tưởng của đạo diễn. Nhưng, trong phim này, dường như việc Trần Anh Hùng muốn cho phim dễ đến với nhiều người hơn (với cái trailer đầy lừa tình), hoặc để bộ phim trôi chảy hơn, lại khiến cho mạch phim đôi lúc đều đều và không gì xảy ra cả. Nó dẫn đến đâu ? Hay cả bộ phim chỉ là một dòng sông chảy không có chỗ dừng. Tuy mạch phim này đều đặn hơn, phù hợp với một phong cách của phim hành động hơn – mainstream hơn, nhưng bản thân Trần Anh Hùng vẫn muốn có những khuôn hình mang tính biểu tượng, và vẫn có rất nhiều những khuôn hình như vậy. Đó là một mâu thuẫn, việc kết hợp giữa phong cách cũ và một cách thể hiện mới mẻ trôi chảy hơn tạo nên một thứ gì đó không ổn cho phim. Mọi hình ành đâm ra trờ nên quá rời rạc – vô danh và thiếu tính kết nối trong tuyến chạy của câu chuyện. Thoại cũng thế, phim nói nhiều hơn một chút, nhưng nói nhiều hơn tí mà dường như nói quá nhiều. Trong “Xích lô”, hay “Mùa hè”, nhân vật nói để bộc lộ cuộc sống, tính cách, để ngâm đầy ẩn ý, để ẩn dụ. Trong đây, nhân vật đôi lúc có những câu hơi thừa thãi, những câu chỉ nói để giải thích câu chuyện thế này thế kia, những câu dài dòng văn tự, những câu mang tính biểu cảm ko cao lắm. Đấy là một mâu thuẫn nữa, nếu Trần Anh Hùng muốn đặt ra hình ảnh để người xem tự lí giải, thì thoại trong phim lại nói lên quá nhiều thứ để có thể hiểu được.

Diễn xuất của những ngôi sao không đem lại ấn tượng lắm cho tôi. Josh Harnett diễn một vai dường như là không diễn mà cứ như diễn. Rõ ràng là Trần Anh Hùng đặt vào kịch bản, cho nhân vật quá nhiều chi tiết, quá nhiều hình ảnh để bộc lộ được cái tâm loạn của nhân vật Kline, và Josh chỉ đứng đó, làm theo nó như một con rối chứ không thể hiện được cái chi cả. Những siêu sao Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng chả khắc họa rõ nét lắm tâm lý nhân vật. Chỉ có Trần Nữ Yên Khê là làm tôi bất ngờ, tôi hầu như không nhận ra cô ta như những phim trước nữa. Cảnh âu yếm trên giường trong tiếng nhạc Radiohead theo tôi có lẽ là cảnh đẹp nhất phim.

Nhiều người khen bộ phim này hay, là một tác phẩm nghệ thuật này nọ. Có lẽ là thế, tôi không thích phim này như những phim trước của ông, có lẽ là vì câu chuyện quá từa lưa, có lẽ vì phong cách không thích hợp, hay vì một lí do cá nhân nào khác. Tôi trông chờ vào Rừng Na Uy phía trước (dù gì thì tôi vẫn thích Trần Anh Hùng làm ‘Kafka bên bờ biển’ hoặc ‘Biên niên kỉ chim vặn dây cót’ hơn), hoặc một bộ phim về Việt Nam nào đó nữa. Dù chăng hay chớ, tuy rằng tên tuổi của ông đã mang tầm thế giới, ông vẫn có một cái tên Việt Nam, đúng không : Trần Anh Hùng.

2 nhận xét:

  1. film này Yên Khê diễn xuất dở nhất. Lúc kline cầm cái đầu của tên sát nhân, chị đang ăn bánh bao, muốn nôn T T

    Trả lờiXóa
  2. Háhá. Phim dị mà (theo lời một người bạn em).

    Trả lờiXóa

Thư số 2: ‘Sự nhẹ bẫng không chịu nổi của những đám mây lang thang’ Gửi H (công chúa),  Nếu em hỏi anh anh là ai thì anh sẽ bảo ...