Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Đi tìm Gatxbi (2)

Đã có lần, anh nói với tôi : "Trong đầu anh chỉ có hai thứ : làm điện ảnh và đá phò."

Tôi (có) tin điều đó.

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Chỉ đơn giản là con người

Hôm nay, tôi bắt đầu sợ. Một số hạng người không biết sợ. Nhưng tôi đoán họ không thành thật. Ai mà chẳng sợ cái gì đó, hữu hình hay vô hình. Sợ con người thì là hữu hình hay vô hình, vì cái mà bạn sợ có phải là cái thân xác hiện hữu đó đâu, cái mà bạn sợ là thứ khác, là thứ nằm sâu thẳm bên trong nó chứ.

Hôm nay, tôi bắt đầu sợ. Không, nói như thế chẳng lẽ cho rằng từ trước đến nay tôi là một kẻ không biết sợ sao. Chính xác hơn, hôm nay tôi bắt đầu sợ một số người. Một số người có thể là hình ảnh điển hình cho một số loại người nào đấy. Nhưng, tôi chưa gặp đủ số người cần thiết với những đặc điểm y như thế để có thể dùng phép suy luận quy nạp rút ra kết luận rằng có tồn tại một số loại người như vậy trên thế giới này. Vả chăng, tôi cũng chưa đủ trí tuệ và bản lĩnh để thực hiện cái phép suy luận về một vấn đề to lớn như thế, vấn đề con người. Thế nên, nói 'hôm nay tôi bắt đầu sợ một số người' có lẽ là đã đủ. Đủ vì dù gì đi chăng nữa, đây vẫn là ý kiến chủ quan của tôi, và ý kiến đó là để nói về một số cá nhân nào đấy.

Nỗi sợ làm chúng ta mù. Có thể nói như thế không ? Khi bạn sợ, bạn chẳng thể nào quá ý thức được về hành vi, hành động của mình. Vì thế, bạn phản kháng dữ dội mà ít khi dùng đến lý trí. Do đó, khi tôi viết nên những dòng này, là tôi đang phản kháng, lý trí tôi bị đóng kín, tâm hồn tôi mịt mù. Và cũng do đó, trước mọi sự trách cứ chửi bới sau này (nếu có), tôi sẽ chỉ mỉm cười và nói "Khi đó, tôi đang sợ quá đấy thôi."

Trước hết, tôi sợ một người uyên bác. Nên hiểu theo nghĩa nào cho tường. Là học rộng, hiểu nhiều, nắm giữ nhiều tri thức ; hay là một người có vẻ học rộng, hiểu nhiều, nắm giữ nhiều tri thức. Tôi không quyết định được. Nhưng tôi sợ cái uyên bác ấy. Uyên bác không có nghĩa là thông minh. Uyên bác theo hướng vặt vãnh và góp nhặt kiến thức mỗi nơi một tí, đầu óc nhét đầy một thứ hiểu biết chấp vá, tạm bợ thì chẳng ra gì. Và với một nền tảng trí óc sơ đẳng chẳng mấy vững vàng, kết quả là bỗng dưng người ta trở nên mê đắm trong một chốn lạ lùng không thuộc về thế giới nào hết, người ta đâm mê mẩn các thứ từ ngữ và công thức, người ta nói năng huyên thuyên, đi đứng lảo đảo như người say rượu. Say rượu thì người ta nôn. Nôn vào người khác. Phải rồi, ở chốn lạ lùng nơi trí óc ấy, nôn không hẳn là nôn. Nhưng với những người ở thế giới này, nôn là nôn và chỉ là nôn mà thôi. Và khi bị ai đó nôn vào người, chẳng ai là không khó chịu. Bỏ qua một hai lần, lặng lẽ giặt giũ đôi ba chiếc áo bẩn. Nhưng, phải chăng ở cái chốn lạ lùng nơi trí óc ấy, khi mà nôn không hẳn là nôn, khi mà nôn không hẳn là cái hành vi khiến người khác khó chịu, thì bỗng dưng nó trở thành một nghi lễ trang trọng, phải được cử hành đôi ba ngày một lần, bất kể cái thế giới thực đang hiện hữu này nghĩ gì ?

Thứ hai, tôi sợ một cái mồm. Một cái mồm của một con người. Bản thân con người ấy, thiếu vắng cái mồm, tôi không sợ gì cả.  Thế nhưng, bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất. Một cái mồm biết phát ngôn đấy, nhưng toàn phát ngôn những điều vô duyên, những điều làm cho người khác khó chịu.  Lẽ dĩ nhiên, tôi không dám nói cái mồm tôi chẳng bao giờ nói bậy, phát ngôn vô duyên. Chỉ tại, cái mồm tôi còn non tuổi, phát ngôn điều chi còn đó sự rộng lượng từ người lớn. Nghe mùi ngụy biện, nhưng mà biết đâu được, tôi đang sợ quá đấy thôi (lại nghe mùi ngụy biện).

Thứ ba, tôi sợ một con người thích đùa. Bởi vì thích đùa nên chẳng thể nào lường trước được anh cả. Cái sự thích đùa ấy nằm trong bản chất của anh, chẳng thay đổi được. Đùa cợt giữa chốn không người, cho ma quỷ hờn ghen (vì không đùa cợt được chăng), thì chẳng nghĩa lý gì. Anh đùa cợt với con người, với bạn bè (tôi không biết chắc tôi có phải là bạn của anh không, anh thích đùa mà, nhưng tôi cam đoan trăm phần trăm tôi là con người, vì anh chẳng thể nào đùa cợt trên chuyện ấy). Trời đất ơi, nhưng mà đùa là đùa thế nào, làm sao định nghĩa được chữ đùa, nó có phải chỉ đơn giản là chọc cười thiên hạ đâu. Thôi thì cứ hiểu theo nghĩa mà tôi định nói, đùa ở đây, cứ như chuyện anh cùng tôi đi chơi, rồi ra về lem lẻm cái mồm đòi xin một cuốn sách-xứng-tầm-bố-mày, xin không được thì ra rả trên đường về rằng, nếu không đi bữa nay thì bố-mày không phải mất bấy-nhiêu-đó-tiền, mà còn được ngon giấc ở nhà, hoặc ăn được vài trăm nghìn tiền đánh bạc. Tôi cho là anh đùa. Hoặc, vẫn những khi anh không vòi được cuốn sách nào đó, anh rao lên cho làng nước biết rằng, tôi đối xử với anh thậm tệ, để rồi cái làng nước ấy chủ quan vô độ kéo tôi ra một góc và dạy cho cách đối nhân xử thế, quên đi rằng cái anh chàng thích đùa ấy đã biết bao lần quẳng đi cái gọi là tình bạn ấy biết bao nhiêu lần. Tôi cũng cho là anh đùa. Hoặc anh quá ngây thơ. Ờ nhỉ, khi mà bạn quy mọi thứ trên đời này về tiền và sách (chứ không là tri thức), thì hoặc bạn là kẻ ngây thơ quá đỗi, hoặc bạn là kẻ thích đùa vô cùng. Trời đất ơi, nhưng anh nào đâu chỉ thích đùa vì chỉ nhiêu đấy. Anh còn đùa vì thèm khát con người theo cái nghĩa bần hàn nhất, khốn khổ nhất. Chỉ đơn giản là con người, không phải là bè bạn. Chỉ đơn giản là con người mà thôi.

Hôm nay, tôi bắt đầu sợ một số người. Suy cho cùng cũng là vì tôi chỉ đơn giản là con người mà thôi.

Và hình như là tôi đang nôn.

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Mộng

Không còn ai thở dài
Vào một ngày tăm tối
Nơi quần tay quanh ngõ
Bốn bề mộng thiên thu.

Không còn ai thổn thức
Nặng trĩu trái tim đơn
Cõi mộng sầu úa lá
Sông chín lối bạc tình.

Không còn ai còn đến
Góc trời đẫm lệ mi
Đi bằng đôi mắt nhỏ
Tình để lại hư không.


Ừ thì không còn ai
Không còn ai còn đó
Mơ màng xé mộng đau
Xuân mưa nguồn tạt nắng
Tình chợt thiên thu lắm
Tình còn mãi mai sau.

Xuân 2012

Có những thứ âm nhạc nghe hoài chằng chán. Có thể nghe để vui, nghe để buồn, nghe để nhớ, để mong, để mỏi mòn, để quên, nghe để thức trắng đêm, hoặc để chìm rơi vào giấc ngủ.

Thích nghe Mono, có lẽ, đó là một thứ âm nhạc nghe hoài chẳng chán. Một ngày nhàn nhạt trong những chuỗi những ngày nhàn nhạt sau khi thi xong đại học, sáng sớm 8 giờ dậy muộn, vận Burial At Sea để ngủ thêm chút nữa, chỉ chút nữa thôi, thế mà đâm ra tỉnh, tỉnh như sáo, mắt mở thau láu, rồi cả ngày hôm đó chẳng tài nào dộng vài tai được bất-kể-thứ-âm-thanh-gì-trừ-Mono.

Nhạc Mono không phải là một thứ gì đó vui tươi cho lắm, trong trẻo thì có, nhưng vui tươi thì không. Đôi lúc rề rà, nhưng không bằng Mogwai - uể oải đến buồn nôn. Nghe hoài post rock rồi cũng thấy là dạo này chúng giống nhau quá nhiều. Lặp đi lặp lại những chiêu thức cũ, chiêu trò cũ. Nhàm tai. Thế là tìm lại nhiều thứ âm nhạc đã bỏ quên từ lâu. Nirvana với Where did you sleep last night ?, làm nhớ lại một đêm mùa hạ ẩm ương ở Hà Nội, trong một căn phòng trọ chật chội đầy sách vở, tay cầm đùi vịt nhai nhồm nhoàm, bon chen vào một thứ rượu không tên. Hay Opeth là một thứ âm nhạc mà mỗi lần nghe lại là mỗi lần thấy lạ lẫm, như nghe một band nhạc khác, ở một cõi khác, một thế giới khác. Hay Anthema mà hồi đấy 2 năm trước đã từng cùng nó vật vờ ngược xuôi trong cõi đời đáng chán để rồi nhận ra rằng, cuộc đời này vốn không buồn, không chán, nhưng người ta vẫn khoái làm cho nó chán, nó buồn. Hay Saturnus với giọng đọc ma mị và những thanh âm sắc lẹm. Hay cuối cùng chỉ là một sự im lặng để mà thở dài, thứ đã lâu lắm rồi không hiện diện trở lại quanh đây.

Xuân, lại Xuân. Từng tuổi Xuân đã già ? Đời người như gió qua. Quan trọng không phải là người ta trẻ hay già, quan trọng là người ta khoái đi tìm lại cái thuở đẹp nhất đời người. Níu kéo dù biết là vô vọng. Nghịch lý xảy ra là khi người ta trẻ, người ta khoái già hóa bản thân. Còn khi người ta già, người ta khoái trẻ hóa bản thân.

Hôm nay 24 Tết. Buổi sáng trời mưa.

‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’

  ‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’     Người Đức có khái niệm Umwelt dùng để miêu tả cảm giác tồn tại giữa th...