Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

30/7/2010

Chiều nắng khiếp. Đi gửi chuyển phát, đi qua bên kia đường mới sực nhớ là chả mang theo cái địa chỉ mới của hắn, điện thoại cũng cất nhà. Đành lội bộ về. Rồi lại lội đi. Vẫn nắng.

Bưu điện có mấy bà già nhân viên khó chịu phết, gặp ai cũng gắt gỏng. Hên là mình lễ phép, vâng dạ liên hồi nên bả cũng êm tính. Hàng gì đây hả em ? Dạ, sách ạ. Thủ tục, mở ra săm soi. Lấy giấy bìa gói lại, dán bụp bụp. Rồi, xong. Một bà người Bắc vô gửi hàng, một hộp thuốc đau mắt gửi lên Chùa ở Vũng Tàu, đống quần áo gửi về Hà Nội- người ta gọi là 'gửi về thành phố'. Lơ đãng thế nào mà bả cầm đến 2 tờ hóa đơn. Báo hại bà nhân viên giục mình chạy ra kêu la ầm trời không thì "bả đi mất đó em." Vô, mấy bả cười hề hề. "Á, thì ra là tờ của em." . Mình cũng cười lại, rồi nhận tờ giấy một cách nhẹ nhàng. Khiếp, vẫn nắng.

Cười qua cười lại thế mà chả ai chịu giảm cho mình cái phí chuyển phát nhanh đắt đỏ ấy.

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

Sỏi đá

Thật là đau giò. Ôi những con đường Sài Gòn về đêm, khó nhằn đến thế. Báo hại chạy lạc đến tuốt Quận Tân Bình rồi mới biết mình bị lạc. Đèn đuốc mờ mịt, đường phố lô cốt dựng đầy, gồ ghề. Một quán cafe quá rộng cho những buổi trình diễn nhạc sống như thế. Một con đường ngược chiều. Tối thui.

Xe tải chạy vùi đầu về phía trước. Tạo ra những tiếng động vang lừng dưới những viên sỏi, viên đá khắp đường, những mảnh chắp vá, những mảnh chắp vá.

Ánh đèn vàng vọt, như thôi miên. Hoa mắt. Chả thấy bóng dán một đồng minh nào cả. Chạy giữa gió, cát, những chiếc xe tay ga rù rì, những chú xe tải ầm ĩ. Âm binh.

Có gì đâu ? Hử, có gì đâu. Chỉ một vài chỗ ngồi là trống. Những tiếng vỗ tay lộp bộp trong quán, một chú bé được chàng ca sĩ - với chất giọng như Tuấn Ngọc - hát tặng bài Happy Birthday to you. Chú bé thổi nến, cay xè.

Có một cái gì đó ngột ngạt trong không khí, nơi những bản tình ca cũ kĩ cất lên.

Chị Quỳnh như nhỏ nhoi, mừng cho chị vì đã có được chỗ ở tốt mà không có một tí công sức của mình trong đó. Có một thứ gì đó khó hiểu. Một người con gái Bắc. Trông thì nhỏ nhoi, nhưng có một sức lực gì đó khó tả, một bản lĩnh, của một người con gái học Đạo Diễn. Chị kể, chị là một người gặp nhiều may mắn trong đời. Ừ, hi vọng là thế, và với may mắn đó có lẽ chị sẽ vui, sẽ sống vui trong cuộc đời này. Kéo nhau về, chị reo lên : "Ô, xe em có cái chống chân này, đỡ quá, thế mà khi nãy chị không thấy." .Lại đèo chị về, giữa âm binh xa lộ, quặc quẹo trong một con hẻm vồ vập xấu xí gần bờ kè. Gió không thổi.

Thế là mình lại lạc, một mình trong bóng tối, quay cuồng vật lộn giữa một đêm trắng xóa, chốn Sài Gòn vĩ đại.

Chị nhắn, Tối nay chị thật vui - nhưng thấy em vất vả quá. Chả biết trả lời thế nào. Vất vả đã không phải là từ mình hay dùng để than vãn, mình thường dùng "Mệt chết cha chết mẹ. Mệt vãi lu", hay đại loại những câu chửi hồn nhiên như thế. Vãi hết cả mồ hôi.

Có lẽ, cái cốt yếu là làm sao ngày mai mình đi bơi (và thiền) được với cơn nhức chân này.

trò chơi đầu đời – em đào mồ chôn dưới nắm sỏi quơ được

trong hoang mang em hụt hẫng
em ngồi một mình khóc/ cười trước mọi ảnh tưởng
tuổi thơ và hình bóng của nó
quê hương và mảnh đất

-Sỏi đá- Tuệ Nguyên

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Mình là ai ?

Hôm nay tôi ăn chay. Và từ mai trở đi, tôi quyết định ăn chay, càng lâu càng tốt.

Đầu tiên là để tĩnh tâm, thứ hai là để tĩnh cái bụng lại. Thịt cá dầu mỡ nhiều quá khiến đầu óc rối bời, u mê, không sáng suốt - hay chắc là tại mình đổ thừa nó như vậy.

Tôi cũng chẳng biết nữa, có lẽ Phật sẽ giúp tôi.

Với tôi, bơi lội, có lẽ là một cách thiền. Thiền, là tĩnh, là hành trình đi đến đối diện với cái tôi, đắm mình trong cái cốt lõi bên trong nhất, sâu thẳm nhất của riêng mình. Đó là tự do.

Bơi lội, tôi luôn đi thật sớm, khi những người làm vệ sinh còn ngọ nguậy xung quanh, trán rửa, lọc nước. Tôi thở đều, lắng sâu một bầu không khí trong veo, mang tí mùi nước khử, với ánh mặt trời chưa kịp rạng, một cái lạnh trong cơn gió nào đó. Mê man.

Tôi như muốn trút bỏ mọi thứ khi nhảy ùm vào bên trong. Nước, xanh, tinh khiết. Sự trôi nổi giữa hai thế giới, dưới nước - và trên bờ, làm tôi thững mình. Tôi bơi nhẹ, một mình một cõi, thả lỏng, nhưng cố gắng. Dĩ nhiên có những niềm tin nào đó, những suy nghĩ trôi bâng quơ nào đó, nhưng tôi sẽ không nghĩ gì cả, có đúng thế không ?

Và có lẽ, trong sự bếp bênh giữa hai môi trường, hai thế giới, tôi như chợt nhận ra - và nó như chợt chiếu sáng, tôi đang thiếu thốn, một cái gì đó. Cho chính mình. Của chính mình.

Cuộc sống, xét ra là một cuộc truy tìm khốn khổ, để tìm ra được "Mình là ai ?" . Nó không phải là cái danh vọng, cái chỗ đứng trong xã hội, mà là cái hiện hữu.

Xem Into the Wild, thương anh này đến thế, yêu anh này đến thế, mà chả làm theo được.

Cuộc sống, lẽ ra là để nhìn thấy, vũ trụ chạy xung quanh ta thế nào, chứ chả phải ta chạy trong vũ trụ thế nào.

Và dù gì đi chăng nữa, hành trình truy tìm "Mình là ai?" chẳng phải dễ dàng.

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

Ôi buồn

Em biết chưa ?
Hay - chưa biết
Tình ta thực tại ?
Chết chưa đây ?
Mùa đông quay
Với những con tàu
Co xiết trên ray.

Ôi buồn,
Cái buồn lay cả đời ta
Không qua
Gió đạp

Ôi buồn
Cái buồn
quay cả đời ta.

Thứ Năm, 15 tháng 7, 2010

Lay

Anh đến tìm em trong những âm thanh giòn giã của bánh gạo
Hay những chiếc chuông gió cuồng quay trong im lặng
Hay những cây bồ đà phiêu du trong sương ảnh
Hay những hạt thóc tràn em gánh chịu trên vai

Anh đến tìm em trong cơn say quờ quạng
Kéo bấm nút quần trong con thú đăm chiêu
Anh tìm một chút cõi tình trong suốt
Vì tâm anh bao ảnh mãi không còn.

Anh nhìn em qua cửa kính tràn bờ
Bầy sói hoang nhìn anh lo sợ
Gầm gừ mãi những bài ca hoang độc
Tàn rụi một tình kéo lửa dần lay

Anh chờ em trong thùng rác công viên,
Với đôi cánh gãy, vụn tràn ngày
Của thần tình yêu không bao giờ xác thịt
Nhân thế ánh lấp mãi bụi trần gian.

Em đến tìm anh khi hoang tàn ánh lên những cơn giông tố đầu tiên
Dần lay khúc ca cuối cùng của loài người không còn đất sống
Không còn em anh sống để làm gì hử,
Em ?

Agalloch


Khiếp, chả bao giờ nghe Agalloch bao giờ. Hôm qua mới mở lên nghe thử. Người ta mân mê ca tụng nó là thứ âm nhạc Doom Metal sầu thảm của thiên nhiên này nọ. Nếu thiên nhiên theo kiểu Empyrium gió mát trăng sao buồn vu vơ thì chả phải. Acoustic chả phải là thứ chiếm quá nhiều trong Agalloch, chả bao giờ cả. Những band khác, sự lạnh được mang đến với acoustic - mỏng manh - như gió. Cái lạnh trong Agalloch là của tiếng riff nặng nề đeo bám, lập hoài một chu kỳ lạnh lùng. Cái lạnh của những cơn bão tuyết kéo rắt gọt da thịt ra thành từng mảnh.

Nghe Agalloch như bị cuốn theo cơn bão tuyết đó. Nếu như cái buồn của thiên nhiên thì phải tỏ ra dàn trải sâu rộng thấm trời đất thì Agalloch làm ngược lại, họ tạo nên cái buồn kín đáo, queo quắt, như ép chặt ta. Trong cô độc.

Với những lời nhạc ngắn ngủi, như thơ, như những lời thở dài.

Thứ âm nhạc khép chặt trái tim, ru ta trong nó. Giữa những cay cú của cuộc đời, những hỉ nộ ái ố, giã tan đi mất, giòn giã như những nhịp drum cuồng vĩ và day dứt.

Thật ngạc nhiên là họ lại đến từ nước Mỹ.

Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010

Đắng

Đắng lắm một mùa hoa
Tìm bao nhân ảnh ai về
Ai còn
Mặc ai chờ đón
Ngõ đưa
Lưa thưa vài hàng,
Vài dòng nước mắt
Trôi lững lờ như con lắc dao động
Quanh co
Ngõ thưa

Vắng lắm một mùa nắng
Thuyền đưa ai trôi một ảo ảnh mù khơi
Xa về
Mặc ai tìm đến
Ai hay
Buông tay
Ngó nghiêng vài người
Vài khuôn mặt
Trôi thoáng khóc như những con tàu bay
Âm u
Thôi say.

Nắng lắm
Và vắng lắm
Một mùa không mưa
Một mùa bay
Trơ trọi
Vô hồn
Mặc cảm

Đường về đâu khi tứ xứ hư vô
Hư vô vang vọng
Hư vô vấn vương
Hư vô tìm hư vô
Khi tứ xứ dần lay
Xót xa
Xót xa
Lá bay
Xót ta

...

Và tôi
ngó nghiêng tìm đường về
Quanh co
Lững lờ
Lưa thưa
Trơ trọi.

Những con đường tôi đi
Ngạt ngào mùa tháng Bảy.
Sông vắng
Núi đôi
Mình ta chết.

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

The boy in the striped pajamas

Xem 'cậu bé vận đồ pijama' mà thật buồn. Lò sát sinh - phòng hơi ngạt, hai em bé, trần truồng, hai tay như vận vào nhau, cái kết sau dửng dưng đến thế ? Rồi cơn mưa chợt đến, với tiếng khóc xé lòng của người mẹ, với đôi mắt thẫn thờ của người bố. Rồi những bộ đồ tù trông như pijama bị bỏ lại, ẻo lã, ỏng eo. Màn hình mờ đen. Im thin thít.

Phim vừa ngây thơ vừa gai góc. Gai góc với chủ đề câu chuyện, với những xung đột mà nó dựng ra, với một tone màu xám chán ngán, trông cứng ngắc, vô cảm. Những góc nhìn như bị giam cầm, qua những hàng rào mắt điện, qua những thanh cầu thang của căn nhà, qua những khung cửa. Cuộc đời, con người như bị giam cầm, có lẽ - cái thế giới mà Hitler tạo nên chính là một thế giới giam cầm, trong những lời nói xằng bậy, tẩy não của những người được gọi với danh xưng Nhà Giáo, biện hộ cho mình với chức danh 'người cải tổ đất nước'. Ngây thơ với những khi bầu trời, những cánh rừng xanh rì. Những khi hai cậu bé, ngồi đối diện bên nhau, chia nhau những mẩu bánh mì, chơi cờ với nhau, chúng nhìn cuộc đời xám tối qua ánh nhìn trong veo.

Bộ phim là diễn xuất của những đôi mắt. Đôi mắt xanh trong veo của Bruno, ngây thơ và nhìn cuộc đời đơn giản, hồn nhiên. Đôi mắt đen và xoáy sâu của Shmuel, buồn thê thảm, trông đói meo và tội nghiệp, ánh mắt mặc cảm, ngượng ngập - trông khổ ải nhưng vẫn ngây thơ như lứa tuổi 8 của nó. Đôi mắt với ánh nhìn cứng rắn của người bố, đôi mắt bất lực và dày vò của người mẹ, đôi mắt chịu đựng và tốt bụng của ông cụ Do Thái trồng khoai tây, đôi mắt thẳng thắng, cương nghị của chàng sĩ quan trẻ.

Phim nhiều xung đột. Tình cảm của hai đứa trẻ vẫn trong vắt như bản thân chúng. Bruno vận cho mình một bộ pijama, đào đất chui vào cùng Shmeul, tìm kiếm bố của Shmeul một cách vô vọng, để rồi cậu bị vướng mình vào cái ách khốn nạn, cái ách mà bọn Phát Xít đặt ra cho những con người Do Thái. Việc vướng mắc này cũng cho ta thấy, chúng ta đều là con người, là anh em với nhau, cớ sao còn có chỗ cho những hành động vô nhân đạo như thế xảy ra. Chiến tranh trong phim u xám, khô cằn, được đẩy đối lập lên với đôi chỗ màu sắc tươi rói của hai đứa trẻ, nhưng lé loi. Buồn, trơ trọi.

Và nhiều bí mật đợi người xem khé hở, có lẽ - do bộ phim được kể dựa theo điểm nhìn ngây thơ của hai đứa trẻ, mà chúng thì làm sao mà hiểu hết cho được cái thế giới của người lớn với nhiều mưu mô và tội ác. Đạo diễn chơi trò mèo vờn chuột một cách nhẹ nhàng, chậm rãi. Phim có một bầu không khí nặng nề đè lên đầu, cho dù nụ cười của hai đứa trẻ có tươi rói đến cách mấy, phim vẫn buồn.

Và khi chúng bị dồn ép giữa những con người Do Thái khác, ốm đói, trần truồng, run rẩy, nắm tay nhau, tự nhủ : "Chỉ là chúng ta sắp sửa đi tắm thôi. Chỉ là đi tắm thôi, đúng không ?" Cơn mưa bay vào mắt ta, rơi ra những giọt lệ.

Cuộc dạo chơi của những đứa trẻ vận đồ pajamas. Hay, có lẽ là hành trình đưa nhân loại vào địa ngục.

Ồ oạp

Đôi khi mơ, thấy ta chỉ là một hằng số
Một nỗi nhớ
Vỗ ồ oạp
Bất động
Vào dòng thời gian...

Thứ Ba, 6 tháng 7, 2010

Linh tinh về phim Elephant

Tối qua Vinh hỏi mình một câu, 'Nếu chú mày nói một câu thôi - chỉ một câu thôi về phim Elephant, thì chú mày sẽ nói gì ?' Mình thoái thác, với lí do chóng mặt, bởi vì không muốn nói nhiều về nó.

Sáng nay mình mới nghĩ ra một câu, bất chợt khi nắng ngày chiếu đưa đám qua mắt mình.

A slow-mo into the youth

The youth là một thứ gì đó cần được phải nhìn lại, nhìn thật chậm, thật thật, để chiêm nghiệm lấy nó. Vì giờ đây, ai cũng có vẻ quá ngây thơ khi nói rằng ta đã lớn.

Mày sẽ không lớn được nếu như mày chối bỏ tuổi trẻ của mình. Dù gì đi nữa, trưởng thành chính là tái sinh. Và có lẽ, tuổi trẻ chỉ là thứ tương đối, đồng đều. Tuổi trẻ không là tuổi, tuổi trẻ là tinh thần.

Tinh thần ? Vậy ánh sáng ở đâu khi cuộc đời của những đứa trẻ trong Elephant lại u ám đến thế, những thước phim chiếu chậm như đưa câu chuyện vào bãi tha ma. Đúng vậy, tiết tấu của phim chính là một hành trình đưa ta vào nghĩa địa. Kết thúc là hạ huyệt, chôn cất.

Ai là người tiễn đưa ?

Quê là gì ?

Vừa từ Long Hải, quê ngoại, về. Long Hải nằm cạnh Bà Rịa, Vũng Tàu. Biển đẹp và còn hoang sơ, không bày bừa du lịch dịch vụ om sòm như hai anh em bên cạnh. Long Hải còn có núi, cây rừng âm u. Sáng nay nghe tiếng chim kêu vượn hú mà nao lòng.

Con đường đất vào khu rẫy của bà con mình gập gềnh, cây cối xum xuê, trời mưa nên đường lầy lội. Vào trong thì tuyệt diệu, gió thổi lộng. Đi xe đò từ Sài Gòn đến đây chắc chỉ tốn khoảng 2 tiếng hơn tí. Trời lúc đi hơi nắng nóng, gặp đường xấu, cộng thêm ông lái xe la hét ỏm tỏi với bồ bịch của ổng qua điện thoại vì thua độ trận Brazil khiến chuyến đi đã mệt nay còn mệt hơn. Ổng hơi tưng tửng, vừa nghe nhạc xưa vừa lầm bầm chửi rủa vừa cười hô hố.

Vô trong rẫy, được nằm vỏng đung đưa, trời ươm nắng và gió hè xua tan đi mọi mệt nhọc. Được ăn con ngao (chắc cùng họ với con nghêu), con cúm (chắc cùng họ với con ghẹ), ăn cá lóc kho tộ, ăn hủ qua dồn thịch, leo lên một vách đá cao vút ngắm hết phố phường Long Hải, nhìn ra xa xa thấy cả Vũng Tàu. Đẹp vô cùng.

Quê nội, ở Plâyku, cao vút, đường sá lượn sóng thích cực kì. Đi xe Mai Linh mất khoảng một đêm là đến. Đi vào tháng 5, buổi sáng trời trong, mát rượi, trưa và chiều nóng cực, tối thì êm ru, lâu lâu mưa vài trận. Đường sạch. Bà con bên nội gốc Húê, nhưng vào đây sinh sống. Mình đông anh em cực kì.

Plâyku có một cái hồ, lớn đến mức người ta gọi nó là biển. Biển hồ. Con đường đi vào thật đẹp. Hai hàng cây bên đường như muốn ôm chặt lấy những người đi bên trong.

Mình đi thăm mộ ông nội. Khu nghĩa trang được xây trên một khu đồi. Những ngôi mộ kề bên nhau, sắp thành từng hàng hàng lớp lớp, trời mát mẻ cùng tiếng quạ kêu làm bầu không khí đặc quánh lại. Đi quanh thắp nhang cho những người thân đã mất, miệng cứ a di đà phật liên hồi.

Quê ngoại xưa hơn nữa là ở Tiền Giang, với những con sông đục màu, những chuyến đò ghe, những lần nhảy xuống sông tắm táp, những chiếc cầu lượn sóng. Quá khứ đó đã xa vời. Đất khó sống, mưa lũ khiến họ hàng bên ngoại nhà mình chuyển lên Long Hải.

Xưa hơn nữa, là ở Bảo Lộc, qua một khúc đèo đầy sương, mưa phùn rơi lất phất, nguy hiểm khôn cùng. Lên đến nơi rồi thì tuyệt đẹp. Bảo Lộc vừa được lên thành phố, bắn pháo đông đầy trời. Nhà cửa nhỏ bé, xinh xinh. Trời mát mẻ. Mưa ban đêm khi thành phố đã tàn, trong veo, khỏi phải nói. Cafe pha ngọt ngay, chắc để chống chọi cái lạnh. Thích và say trong Bảo Lộc. Bảo Lộc lãng đãng mơ màng, đường sá ngay hàng thẳng lối, hồ lớn thật đẹp.

Còn quê nào nữa ? Đó là ở trong tim, ở cái đất Sài Gòn này. Mưa nắng nắng mưa, hai mùa trái khoấy, những tiếng reo vang của hạt nắng, hạt nóng, hạt bụi mù mịt khi ta đi ra đường. Của những chuyến xe bus trông hiện đại nhưng với những con người cay cú phát vé bên trong. Của những con người chạy mãi trong cái kiếp sống nhỏ hẹp này.

Và của Hà Nội, của một trái tim đã lưu lạc nơi khác, chờ ngày kéo lại. Của một đợt nóng hổi kéo dài day dứt, đêm cúp điện thâu ngày. Của những trái sấu thương nhau chưa dứt. Của tiếng hát rồng bay Thăng Long nghìn năm tuổi.

Và cuối cùng thì, quê là gì ?

05-07-2010

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

I come with the Rain - A film by Trần Anh Hùng




Sau chuỗi ba bộ phim về Việt Nam, “Mùi đu đủ xanh” , “Xích lô”, “ Mùa hè chiều thẳng đứng” , Trần Anh Hùng ra mắt bộ phim nói tiếng Anh đầu tiên của mình, “I come with the rain.” Một cái tên nếu dịch ra thì đẹp vô cùng “Và anh đến trong cơn mưa”. Tình cảm chăng ? Hay bạn trông chờ vào một bộ phim đầy chất thơ như “Mùa hè chiều thẳng đứng”, bạn sẽ nhanh chóng thất vọng – vì “i come with the rain là một bộ phim sặc mùi bạo lực. Nói thế, nếu bạn nghĩ nó giống như “Xích lô”, một hiện thực trần trụi về Sài Gòn, bạn cũng sẽ thất vọng. Vì “I come with the rain” là một cái gì đó rất khác, rất khác của Trần Anh Hùng.

Phim tập trung vào 4 nhân vật, Kline, một thám tử bị ám ảnh bởi một kẻ sát nhân điên và tởm năm xưa, đến Hongkong tìm kiếm tung tích của Shitao. Shitao, con của một doanh nhân nổi tiếng và giàu nứt vách, chạy trốn và sống trong một túp lều giữa cánh đồng xanh bạt ngàn, có khả năng hấp thụ những căn bệnh và nỗi đau của chúng sinh. Su Dong po, một tay trùm xã hội đen, có cô bồ là Lili. Những dấu hiệu chữ thập, một kẻ điên rồ sơn những vệt sơn vàng và nói về một Chúa đang ở giữa chúng ta, những đấu tranh giữa thiện và ác, giữa tình yêu và sự trả thù, giữa hiện thân của chúa và tội lỗi nơi trần thế, giữa bạo lực và tình dục, giữa những nỗi đau của con người.

Bạn đã đọc sơ qua nội dung, một nội dung đậm tính hình sự, bạn lại trông chờ vào một bộ phim hành động bắn giết đì đùng của Hollywood ư ? Điều đó không có đâu.

I Come with the rain là một bộ phim cá tính, phản phất một chút gì đó thuộc về dòng phim Noir, pha lẫn vào đó một chút màu sắc của riêng Trần Anh Hùng, tạo nên một nồi lẩu thập cẩm đầy rẫy đồ ăn từ tứ phía. Cái Noir của phim thuộc về chủ đề của câu chuyện, một câu chuyện về sự đấu tranh thiện ác, một vụ án mạng, một cảnh sát điều tra, và những tên xã hội đen. Thuộc về cách sử dụng ánh sáng chủ nhẹ ở một số cảnh, tạo ra một sự tương phản mạnh mẽ giữa ánh sáng và bóng tối trong phim, cũng như làm nổi bật lên cuộc đấu tranh trong nội tâm nhân vật lẫn hành trình tranh đấu của cái thiện chống lại cái ác.

Màu sắc trong phim đậm đà và sặc sỡ - như “Mùa hè chiều thẳng đứng” - nhưng có độ tương phản mạnh hơn, không tươi rói mà đầy u uất, ánh sáng đa phần là nhiều trong những cảnh ngoại. Sự đối xứng trong cách sử dụng ánh sáng (ánh sáng chủ nhẹ và ánh sáng bình thường) cho ta thấy một hình thức không tương đồng, một sự quá thật của một bộ phim hành động Hollywood thông thường và một phong cách đậm đà tương phản theo kiểu Noir khiến cho phim mang nhiều sắc thái khác nhau.

Sắc thái nào đi chăng nữa thì nó cũng chỉ cho ta về một điểm : sự bất ổn và hoang mang của nhân vật. Ánh sáng đậm và nhiều cho ta một thứ ảo giác và phê thuốc. Ánh sáng chủ nhẹ cho ta một chốn bất ổn và tâm tối. Cùng những góc máy động đậy với những vị trí lạ, lia nhanh theo diễn biến hành động của nhân vật, những khúc mờ chồng mê mang càng tạo cho ta thấy đây là một bộ phim với những nhân vật với tâm lý không mấy bình thường, day dứt và dằng xé.

Âm nhạc lại là một điểm khác đáng nói đến. Bạn sẽ thấy những khúc lồng nhạc vào rất lãng nhách. Nhưng đấy có lẽ cũng là một chủ đích của Trần Anh Hùng, âm nhạc của phim chủ yếu là post-rock, và đôi ba ca khúc của Radiohead. Nhạc xuất hiện bâng quơ và yểu mệnh, với bản chất của nó là mỏng manh – dễ vỡ - bay như phê thuốc lào và khơi gợi tâm hồn một cách cấu xéo, lên xuống vô ra liên hồi và bất thường, tạo nên một nhịp điệu rất lộn xộn cho phim. Âm nhạc khiến một bộ phim vốn đã chậm rãi thêm phần thê lương và mệt mỏi. Đôi khi, không cần thoại, âm nhạc trong phim đưa đẩy mạch câu chuyện. Sự phiêu và day dứt trong âm nhạc cũng là một thứ khiến ta quay về chủ điểm của phim : sự bất ổn và hoang mang của nhân vật. Cái ảo giác và sự mơ hồ.

Đúng vậy, mơ hồ là điều có thể nói về phim này, với một câu chuyện mơ hồ, đầu cua tai nheo được phân tán tứ tung. Có thể nói, mạch phim được chia làm hai tuyến thời gian song song với nhau : 2 năm trước, và hiện tại. Hiện tại chiếm đa phần trong kết cấu câu chuyện, và tuyến thời gian trước đôi lúc nhảy vào như một đoạn flashback mà không cần phải bày tỏ dấu hiệu chi mô hết – điều này được dựng như thế nhằm thể hiện sự bất ổn của Kline, khi kí ức và hiện tại bị dồn xé trong đầu anh.

Chính sự mơ hồ đó tạo nên một sự chọi nhau giữa một chút về mặc nhịp điệu và chủ đề câu chuyện, giữa một chủ đề đầy rẫy cái động với một tính mơ hồ cao trong cách thể hiện. Thực tế, nhịp phim rất chậm, chậm một cách bế tắc, đôi lúc tôi thấy có cảm giác rời rạc trong việc kết nối giữa các cảnh phim, các hình ảnh trong phim. Tuy rằng, trong những phim trước, Trần Anh Hùng có những khuôn hình với các hình ảnh mang tính ẩn dụ cao, đôi lúc được đặt bên nhau, lồng vào câu chuyện một cách bâng quơ – rời rạc, không ăn nhập gì đến tuyến truyện chính, nhưng những hình ảnh ấy có một tính xúc tác cao cho việc thể hiện ý tưởng của đạo diễn. Nhưng, trong phim này, dường như việc Trần Anh Hùng muốn cho phim dễ đến với nhiều người hơn (với cái trailer đầy lừa tình), hoặc để bộ phim trôi chảy hơn, lại khiến cho mạch phim đôi lúc đều đều và không gì xảy ra cả. Nó dẫn đến đâu ? Hay cả bộ phim chỉ là một dòng sông chảy không có chỗ dừng. Tuy mạch phim này đều đặn hơn, phù hợp với một phong cách của phim hành động hơn – mainstream hơn, nhưng bản thân Trần Anh Hùng vẫn muốn có những khuôn hình mang tính biểu tượng, và vẫn có rất nhiều những khuôn hình như vậy. Đó là một mâu thuẫn, việc kết hợp giữa phong cách cũ và một cách thể hiện mới mẻ trôi chảy hơn tạo nên một thứ gì đó không ổn cho phim. Mọi hình ành đâm ra trờ nên quá rời rạc – vô danh và thiếu tính kết nối trong tuyến chạy của câu chuyện. Thoại cũng thế, phim nói nhiều hơn một chút, nhưng nói nhiều hơn tí mà dường như nói quá nhiều. Trong “Xích lô”, hay “Mùa hè”, nhân vật nói để bộc lộ cuộc sống, tính cách, để ngâm đầy ẩn ý, để ẩn dụ. Trong đây, nhân vật đôi lúc có những câu hơi thừa thãi, những câu chỉ nói để giải thích câu chuyện thế này thế kia, những câu dài dòng văn tự, những câu mang tính biểu cảm ko cao lắm. Đấy là một mâu thuẫn nữa, nếu Trần Anh Hùng muốn đặt ra hình ảnh để người xem tự lí giải, thì thoại trong phim lại nói lên quá nhiều thứ để có thể hiểu được.

Diễn xuất của những ngôi sao không đem lại ấn tượng lắm cho tôi. Josh Harnett diễn một vai dường như là không diễn mà cứ như diễn. Rõ ràng là Trần Anh Hùng đặt vào kịch bản, cho nhân vật quá nhiều chi tiết, quá nhiều hình ảnh để bộc lộ được cái tâm loạn của nhân vật Kline, và Josh chỉ đứng đó, làm theo nó như một con rối chứ không thể hiện được cái chi cả. Những siêu sao Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng chả khắc họa rõ nét lắm tâm lý nhân vật. Chỉ có Trần Nữ Yên Khê là làm tôi bất ngờ, tôi hầu như không nhận ra cô ta như những phim trước nữa. Cảnh âu yếm trên giường trong tiếng nhạc Radiohead theo tôi có lẽ là cảnh đẹp nhất phim.

Nhiều người khen bộ phim này hay, là một tác phẩm nghệ thuật này nọ. Có lẽ là thế, tôi không thích phim này như những phim trước của ông, có lẽ là vì câu chuyện quá từa lưa, có lẽ vì phong cách không thích hợp, hay vì một lí do cá nhân nào khác. Tôi trông chờ vào Rừng Na Uy phía trước (dù gì thì tôi vẫn thích Trần Anh Hùng làm ‘Kafka bên bờ biển’ hoặc ‘Biên niên kỉ chim vặn dây cót’ hơn), hoặc một bộ phim về Việt Nam nào đó nữa. Dù chăng hay chớ, tuy rằng tên tuổi của ông đã mang tầm thế giới, ông vẫn có một cái tên Việt Nam, đúng không : Trần Anh Hùng.

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010

'Thức đến sáng và mơ'

Đôi khi sự trống rỗng cũng muốn bốc cháy
và không gian nhuốm màu
em những muốn cắn vỡ khoảng cách đợi anh
như cắn vào đêm tối.

Đôi khi sự tuyệt vọng cũng muốn loé sáng
và trái tim mỉm cười
em biết khi chúng ta dày vò nhau bằng ngôn ngữ
của loài rắn độc
ấy là lúc chúng ta yêu nhau

Đôi khi mỗi người một miền
nỗi nhớ bị đuổi xô một cách thô bạo
em vẫn tin chúng có ngày trở về sau đêm tối
anh trở về bên em.

Đôi khi
chỉ bằng một niềm tin
cuộc sống sẽ khởi đầu và kết thúc
giống như nhau...

Bài thơ được rút ra từ tập 'Thức đến sáng và mơ' của Phạm Thị Ngọc Liên. Thơ tình, buồn, bay, đầy hình ảnh, thẳng thừng, ngang tàng, lắm khi đen tối. Những bài thơ như rỉ máu. Định tặng Dương một cuốn.

Dạo này hay thức khuya, đâm ra dậy trễ. Thật là đáng trách. Dẹp dọn hết bàn học, ném đống đĩa vào một hộc tủ khóa lại, quăng đống sách vào một hộc tủ không còn khóa. Phòng mình nhỏ, bàn học mình lớn, nhưng toàn để thứ không liên quan đến học.

Dẹp dọn là điều tất yếu. Dẹp dọn, mở cửa sổ ra nào để gió thổi nắng tràn ngập căn phòng. Để một chút khí trời vào, con người đâm ra thoải mái hơn. Quên hết những cơn say đêm qua.

Vì dậy trễ, đến 8 giờ mới mở được đôi mắt, nên mình đành lỡ hẹn với cái hồ bơi cùng cái thư viện IDP vậy.

Lại dọn dẹp bàn học, bật một chút post rock lên và lắc lư đầu, cứ như Faye trong Chungking Express vậy. Vui đáo để.

Hôm nay ta sẽ đọc cuốn sách gì ? Chiều đưa cuốn 'Quả của bố' cho chị Cẩm. Dương bảo, 'cậu phải tranh thủ đọc hết nó đi. Giống như tôi vậy, khi mua quà là sách hay đĩa để tặng ai đó, tôi đều coi trước nát bét.' Nhớ đợt coi In The Mood for Love chung, cái DVD trầy trật giựt liên hồi, hắn reo, 'Cái đĩa này lại sắp phải dùng để tặng quà Sinh Nhật cho ai đó rồi.' Uhm, sắp đến SN hắn, mình sẽ dùng cái trò đó.

Chỉ còn năm tháng nữa là đến Sinh nhật mình.

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

Rong chơi cuối ngày mưa bão

Hôm nay sao mệt mỏi chán chường quá trời. Trưa đang khô queo thì trời chợt mưa như trút nước, ngập đâu không ngập, ngập ngay cái con hẻm mà mình chọn làm chỗ trú chân ăn trưa và tranh thủ nghỉ ngơi chờ giờ vào học.

Đuối, mệt một cách ngán ngẩm. Đôi lúc thấy mình như thác đổ.

Mưa to quá. Mưa như đang cay cú ai đó. Mưa rạp khắp đất trời. Những sợi dây điện chưa kịp vắt lên trên mấy cái cột bê tông, nằm oằn xuống mặt đường đầy nước, đi mà không khéo chắc mình giựt chết ngắc. Còn phải lo tránh mấy cái đống cát xà bần bày ra khắp vỉa hè, những chiếc xe quẹo gấp không thèm nhìn ai hết. Để lại những cú liếc ngược trông xa xăm.

Đi chậm lại, chợt thấy mưa Sài Gòn buồn. Mưa Hà Nội buồn một kiểu, mưa Sài Gòn buồn một kiểu. Sài Gòn buồn kiểu mắng nhiếc, Hà Nội buồn kiểu trách móc.

Ngồi đau đầu nhứt mắt suốt 4 tiếng. Chiều ngồi trong một quán cafe lắm quạt quay, ngồi nhìn các bậc phụ huynh tụ tập bàn bạc chuyện thi cử lớp 10, những cái tên thầy cô trung tâm dạy thêm bắt đầu được tuôn ra. Họ tranh luận rôm rả, sôi nổi.

Quạt không quay nữa.

Mình trả tiền cho chai Xì tin Dâu, thấy đắng mồm.

Mình chợt thấy như mình đang bay. Dương có lần nhắn mình "Ngủ ngon, và mơ thấy tên mình được viết bằng ánh sáng." . Dạo này mình hay nằm mơ, mỗi lần mơ là một cuộc phiêu lưu, một hành trình đầy rẫy những thứ lạ lẫm, khó tin. Đôi lúc mơ thấy mình mọc thêm đôi cánh, bay thẳng vào mặt trời như câu chuyện của Icarus. Đôi cánh không cháy, mà dường như tâm hồn mình đang cháy. Cháy thấu trời đất.

Và những cơn mưa lại rơi. Mình chợt tỉnh giấc.

Đôi lúc đi đường mình lẩm nhẩm :

"Ta nghe từng giọt lệ.
Rớt xuống thành hồ nước long lanh.".

Ừ thì mình đang như cánh vạc bay đấy thôi.

Rồi mình lại nghêu ngao :

"Ta đi lang thang theo ngày tháng, theo đời hoang
mang buồn đi bốn phương trời.
Ta đi rong chơi như là gió, như là mây
đi tìm quên cơn mê này. "

và rồi "ta nằm im chết bên đường"

Và rồi đường phố Sài Gòn quá mù mịt và bụi bặm để mình nằm im mà chết.

Không nằm im chết được thì mình lại đi, lại rong chơi để quên cơn mê này.

Hôm bữa đi chơi với chị Cẩm, quán cafe bật bài này inh ỏi, chị ấy hỏi tại sao SG hay mưa nắng bất chợt thế, ừ thì mưa nắng bất chợt mới là mùa mưa Sài Gòn. Nóng thì nóng oi bức kinh hồn, mưa thì mưa bạt mạng. Chị ấy thích những quán cafe Sài Gòn, đẹp lắm, xinh lắm. Ừ phải, Hà Nội làm gì có thú vui cafe này. Chí ấy nói về Dương, 'cái thằng hơn chị đến hai tuổi mà chị không tài nào gọi anh cho được. Cái tính loắt choắt của nó ấy.' Nhưng rồi chị cũng chốt lại một câu 'mà anh Dương tình cảm lắm em ạ.' Nắng chiếu qua mái ngói của quán, chói mắt. Mình hẹn chị khi nào Phương đến sẽ rũ nhau đi chơi. Chị hẹn mình một hai năm nữa ra Bắc đưa mình đến Sapa đẹp vô cùng. Ừ phải, nếu khi đó mình còn sống.

Mấy hôm nay, Dương cứ lải nhải về việc tặng cho hắn cuốn Kafka bên bờ biển. Tồi thật, mình hiếm khi cho ai thứ gì mà mình đã bỏ công sức và tiền bạc mang về. Dù không thích Haruki cho lắm nhưng vẫn có một thứ lưỡng lự gì đó ngăn mình gửi cho hắn.

Ấy thế mà hắn ko thèm cho mình cuốn Tuyển tập Kafka mà hắn chôm được ở Thư Viện.

Sách mình mua thì ngọai trừ những thứ quá vớ vẩn đem đi bán ve chai, còn lại mình đều trân trọng, cho dù mình không thích thú gì với nó đi chăng nữa.

Mẹ mình cũng thế, những cuốn Doctor Zhivago cũ kĩ xuất bản trước năm 75 còn nguyên vẹn, cùng những cuốn của Hemingway, hay 'Bản Du Ca cuối cùng của lòai người không còn đất sống', Jên Erơ,...

Giấy hơi cũ, mùi khó ngửi, nhưng giá trị của chúng thì không bao giờ cũ. Những bản dịch xưa, hay và nhiều tâm huyết.

Đang nghe 'Bốn mùa thay lá'.

Hôm thứ Bảy đi cafe Hàn Thuyên với Vinh, dạo quanh Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Thành phố, nhìn những cặp vợ chồng chụp ảnh cưới, chợt giựt mình, Sài Gòn đẹp quá. Dường như mình đã sống gần nó quá lâu, quá gần đến nỗi trước nay mình luôn bỏ qua vẻ đẹp đôi lúc thoắt ẩn hiện của nó. Những thứ thân thuộc quá thường bị ta lãng quên mà.

Ngồi bệt ra vệ đường mà ngắm nhìn ông cụ râu bạc phơ, cầm cây đàn mà gảy, thảnh thơi, cô đơn giữa những dòng chảy cuộc đời đang chạy hối hả xung quanh. Sài Gòn sống nhanh, Sài Gòn sống vội, người ta chạy nhanh quá, bỏ quên tình người bơ vơ.

Hai chú nào ấy từ HTV lại tìm người phỏng vấn, về một vấn đề ất ơ nào đấy. Chắc thấy mình và Vinh ngồi ngầu quá nên chả thèm lại hỏi một câu. Mình nhìn qua một tốp sinh viên, chắc mẻm là từ ĐH Kiến trúc, một anh chàng nào đó, lãng tử cầm guitar và quẹt những hợp âm dễ nghe, tốp bạn ngồi hát. Lá xanh rợp và một trời, hợp với màu đất nung của Nhà thờ Đức bà, trông đẹp đến lạ lùng.

Trời mưa, Vinh về, mình về.

Đang nghe 'Bài không tên số 10 trở lại'.

Trở lại.

Đã hơn một tháng kể từ ngày đầu tiên mình đặt chân đến Hà Nội.

Biết bao giờ mới được trở lại.

Có lẽ là không bao giờ.

"Nếu không còn gặp lại nữa..giữ cho trọn ân tình xưa... Tôi gửi em lời cầu nguyện...được bình yên được bình yên...về cuối đời...."

Dương nhảm nhí lại đòi mình cuốn Kafka bên bờ biển. Cái thứ gì đâu mà tồi tệ đến thế.

Buồn đến chết.

Đang nghe 'Đêm nhớ về Sài Gòn'

"Ta như cậu bé mồ côi
Cố vui cuộc sống nhỏ nhoi
Cố quên ngày tháng lẻ loi để lớn"

Coi cái DVD Divas mới nhất của PBN, thấy phỏng vấn hai anh ca sĩ nào đó, một anh nói 'Giọng hát KL mộc' , một anh nói 'Giọng hát KL làm em nhớ về quê hương'. Không câu trả lời nào làm mình hài lòng.

Đôi lúc thấy thất vọng với chính mình vì mình không thèm nhớ đến quê hương của chính mình. Đêm đêm mộng thấy đi ngao du nào đó bên trời Âu hay xứ Úc. Nhìn những con kangaroo nhảy, mình nhảy, mình muốn nhảy, nhưng mình đã té.

Mưa rừng ơi! Mưa rừng…

Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên
Phải chăng mưa buồn vì tình đời,
Mưa sầu vì lòng người
Duyên kiếp không lâu.

Thích bài nì.

Thích mưa, vì mỗi lần mưa là mỗi lần mình nhìn qua lớp rào rạt trắng xóa của nó, không thấy chi hết, chỉ thấy chính mình.

Thích mưa, tối trời, vì khi đó mình lại mở 'Ướt mi' hay Uaral hay một bản Doom Metal mà nghe.

Thích mưa, vì khi đó mình có lí do chính đáng hơn để sầu đời, để tự ban cho mình một điếu thuốc và cười nhăng nhố.

Thích mưa, vì đơn giản, khi đó, trời thôi nắng nóng.

Trời nóng người ta dễ nổi điên, mà điên rồi thì chờ một cơn mưa thật buồn để tự dìm chết mình mà thôi.

‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’

  ‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’     Người Đức có khái niệm Umwelt dùng để miêu tả cảm giác tồn tại giữa th...