Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Chị (2)

Hôm nay nghe tin chị từ bỏ nhạc buồn để nghe New Age. Nhạc buồn bao gồm đủ mọi thể loại, doom - depressive - suicidal các kiểu, không buồn nhạc cũng buồn lời. Ngạc nhiên ghê. Ấy mà lúc trước chị sầu đau ghê lắm. Lần gặp gần đây nhất với chị là vào ngày 23 tháng 8 năm 2010. Nhớ rõ vì bữa đó có chép lại : http://kingpersnake.blogspot.com/2010/08/chi.html

Thôi từ nay ta bỏ
Nỗi lạnh gáy
Bập bùng


thôi, thế cũng tốt.

thôi, ngủ.

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Trà đá, nước ngọt.

Gặp Vinh lần nào cũng chóng vánh, rồi đi. Ngồi nói chuyện, chuyện lảm nhảm, đúng chính xác là như thế. Vì biết nói gì ? Lần gặp gần đây nhất là từ Tết, cũng nói chuyện, chuyện lảm nhảm. Thế mà vui. Vừa có cái gì xa cách cũng vừa có cái gì rất gần. Tối nay ngồi giữa một xa lộ không đèn, xe chạy theo đợt, lúc ào ạt ầm ĩ, lúc êm ả như ru. Nước ngọt tận miệng, trà đá tận răng. Không uống càfê, hay chất kích thích. Chẳng bỗ bã, chẳng ồn ào, chỉ rù rù thu lú ngồi yên đó, cười những nụ cười đơn độc.

Gặp Vinh lần nào cũng vui. Vui vì chẳng có gì đáng kể xảy ra cả. Ngồi lảm nhảm, chỉ thế thôi. Lần này lảm nhảm những gì lần trước đã lảm nhảm rồi, thế mà vẫn vui, vì có nhớ lần trước nói những gì đâu. Vẫn cười hà hà những câu chuyện cười đã kể, vẫn chửi rủa những cái đã chửi, vẫn khâm phục những người đã khâm phục. Vinh thoạt trông có vẻ hấp tấp, nhưng anh sống không vội, vì anh còn trẻ lắm (sinh năm 1989 thì phải), thế mà lại hay, hay vì chẳng phải mất công ú ớ tụ năm tụ bảy bạn bè lại – rồi tìm cách lấy lòng nhau, bợ đích nhau, nịnh bợ nhau, thảo mai nhau, rồi dần dà quên mất nhau - những người bạn tự đến với Vinh, thầm lặng. Vinh không phô trương, mặc dù tôi thấy anh rất giỏi, giỏi ở những gì anh biết, giỏi ở chuyên môn (anh học Đại học Kiến Trúc TPHCM), ở cách nói, ở chỗ đối nhân xử thế. Đôi khi cơn bốc đồng lại dấy lên trong anh, để rồi chửi đổng lên một tiếng, để rồi tiếng chửi lọt thỏm vào hư không, lại rù rù thu lú ngồi yên đó, cười những nụ cười đơn độc.

Có lẽ vì chưa gần Vinh đến mức tận tường mọi thứ nơi anh, để rồi chỉ thấy những thứ mà anh muốn cho tôi thấy. Nhưng tôi tin anh sống thật, thật từ việc tụ tập bạn bè lại cover bản Down in the hole cùng 3 bè đệm, thật từ việc mải mê cùng đống tranh Fractal khó hiểu, thật từ việc tổ chức những trò chơi tâm lý đánh đố cho bạn bè nơi một quán càfê thưa thớt nào đó, thật từ chỗ làm một bộ phim cùng cú máy tĩnh dài 5 phút – thật atmospheric, thật cảm giác - để rồi cười cợt khi nghĩ đến chuyện phát giấy mời cho những Trần Anh Hùng, cho những nhà đạo diễn điện ảnh lớn trên toàn thế giới, để rồi xem xong có thể hất mặt hỏi nhau : “Ê Hùng, thấy phim tui thế nào ? Khá khẩm chứ ? Đem dự Cannes được chứ ?”. Còn nếu giả như là tôi chỉ nhìn thấy một Vinh giả tạo, thì chẳng sao. Vì đôi lúc, chỉ cần những người bạn để ngồi nói chuyện, chuyện lảm nhảm, để khỏi mất công lo âu cho nhau, nghĩ suy về nhau, bực tức vì nhau.

Có lẽ lần gặp sau với Vinh sẽ là vào 3 tháng nữa, 6 tháng, hay một năm không chừng. Nhưng có lẽ anh vẫn chỉ thế, vẫn là Vinh như thể lần đầu gặp mặt, chẳng là ai, vì anh chẳng cần là ai cả. Để rồi lại nói chuyện, chuyện lảm nhảm. Không càfê, không chất kích thích. Chỉ nước ngọt, chỉ trà đá. Chẳng bỗ bã, chẳng ồn ào, chỉ rù rù thu lú ngồi yên đó, cười những nụ cười đơn độc, trên một xa lộ không đèn, nơi mà gió chẳng tài nào thổi tới được.

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Trích dẫn

Dạy cho con người một chuyên ngành là chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng.
---Albert Einstein


Gửi ai đấy (học rất cao, biết rất nhiều).

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Ai cần lấy khoảnh khắc ?

Cầu lấp lánh sao trời. Ngõ tối đen kịt. Cảnh sát dí, huýt còi. Thủ Thiêm trong tiếng tàu xa. Mân mê tiếng rao hàng ban đêm. Leo lên. Leo xuống. Dốc như dựng đứng. Những cọng hành dăng đèn như muốn đổ sụp. Tan tành. Xe đạp, xích gần đứt, lọc cọc gõ nhịp xuống đường. Mọi âm thanh dồn lại. Mọi hình ảnh dồn lại. Ai cần lấy khoảnh khắc ? Chuyến tàu bay ban xa.

Gần hơn chút nữa. Mùi thơm của gió, của rét, của bụi, đương tỏa trong không khí. Miệng lưỡi nếm một mẩu bánh đa, trông ra mảnh trăng cuối làn nước, mờ đục. Ai bảo thành phố này buồn ? Tôi không bảo. Xe máy nẹt pô trên đường. Họ va vào nhau, rồi với một cú liếc ngược, mồm tỏa búa xua thứ ngôn ngữ mà bất cứ người lương thiện tử tế nào khi nghe cũng thấy ngượng mặt. Ai bảo thành phố này vui ? Tôi không bảo.

Tiếng nhạc rập rờn trong đầu. Không phải tiếng violin. Không phải tiếng guitar. Là tiếng đàn đáy, tiếng trống chầu, bần bật trong không trung. Thời gian, không gian như căn ra giữa chúng. Chỉ căn vừa đủ, thở nhẹ là đứt. Thế mà cô đào nương thở mạnh, vậy là chẳng xảy ra chuyện gì. Nhịp chạy loạn xạ trên xa lộ không đèn. Tốc độ trôi của mây, có ai tính được ?

Xa hơn chút nữa. Có thế nhìn thấy gì ? Không thể nhìn thấy gì cả, ai đó bảo. Tôi thì thấy. Tôi nhìn thấy tôi.

Gravity, một ca khúc của cô ca sĩ Thái Lan nào đấy, vang lên, nghe nhẹ bẫng, nghe như đang đứng ở rìa vũ trụ, vục mặt xuống, thì chạm đất.

in this dead hour
when all is blank
minutes are worthlesss


                              chờ ngày nghe lại Katatonia...

‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’

  ‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’     Người Đức có khái niệm Umwelt dùng để miêu tả cảm giác tồn tại giữa th...