Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Xuân (2)

Tối. Sài Gòn. Thành phố này đang chết dần. Người ta về. Trên những chuyến xe, trên những chuyến tàu. Họ chở theo bên mình sức sống của thành phố. Thành phố này đang chết dần. Đường thưa, chỗ đông thì dân tình thúc nhau mà chạy, họ cũng phải về, trên những chuyến tàu, trên những chuyến xe. Bụi mù lan tỏa khắp phố phường, nhà nhà đóng kín cửa, họ đi chơi Xuân. Người về, người ở. Thành phố này đang chết dần. Dưa được chưng ra đường bán đầy. Phong bao lì xì cũng thế. Mai cũng thế. Quần lót áo lót cũng thế. Thứ gì cũng đem ra bán được Tết nhất này. Người ta bị thúc bởi không khí nô nức - phải buộc sắm sửa bộ hành chơi xuân. Bách bộ ngoài phố ngoài xá, không khí trong lành thoáng đãng, khó có thể không móc hầu bao mua vài thứ gì đó. Đôi khi không cần, đôi khi không thiếu. Cầu gì, cầu cho nụ cười của mấy con mụ bán hàng đi theo mình suốt năm - chúng cười tươi quá, mặc cho mồ hôi chảy nhầy chảy nhụa trên hai gò má.

Sáng. Long Hải. Nắng lên rồi, tôi đạp xe ra Chợ Long Hải, vượt qua trăm ngã tư cột đèn, vượt qua bao hạt nắng dây dưa trên đầu. Tươi tắn quá, nhộn nhịp quá. Hoa này nhiêu hử em ? Cặp dưa nhiêu hả em ? Gò má em nhiêu hả em ? Ngắm nhìn cái thẹn cái thùng mà thấy, Xuân tươi Xuân đẹp biết dường nào.

Tối đong đưa. Phố xá hàng đèn mắc võng quây nhau trong gió, trong bụi. Nhiều nhà dong cờ. Màu đỏ lóe mắt người đi, kẻ ở. Đồ ăn vứt đầy tủ lạnh. Dọn dẹp nhà cửa, nằm chèo queo ưỡn bụng và chuẩn bị đón năm mới vào lòng. Chẳng cũng khoái ru ?

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Millenium Mambo

Bạn có thấy Thư Kỳ đẹp ? Tôi thích em ấy lắm. Nhất là cặp môi. Nhất là mái tóc. Nhất là ánh nhìn.

Xem cảnh em ấy đi dọc cái đường hầm tỏa màu xanh biêng biếc nhập nhòa ấy mà phát rùng mình. Âm nhạc phiêu diêu. Em nhả thuốc, tóc trôi bồng bềnh, thi thoảng quay lại nhìn, thi thoảng quơ quào tay lên không trung, cái cách em ấy đọc "Again and again" (Baba FuFu gì đó) nghe thương dễ sợ. Ồ em, sao em cứ quay lại nhìn hoài vậy ? Em nhìn vào đâu ? Em tìm kiếm gì ở chốn nào ? Màu xanh như nuốt chửng em, có phải thế không ? Đường hầm như nuốt chửng em, có phải vậy không ? Nó hình như là vô tận. Nhưng rồi có lẽ em cũng thoát được khỏi nó, có lẽ thế, em nhỉ ? Em nhảy từng bậc xuống cầu thang, máy quay đứng lại.

Đấy, Millenium Mambo của Hầu Hiếu Hiền bắt đầu thế ấy. Một mở đầu tuyệt vời, một mở đầu không thể nào gợi hơn. Cái cách tựu trung lại toàn bộ tính chất của bộ phim chỉ với vài đôi phút khiến toàn bộ bộ phim hiện diên như một cách phục hiện cuộc đời em ấy. Lời trần thuật chối bỏ chính mình. Gọi nhân vật Vicky là 'she - cô ấy'. Có lẽ cô muốn quên đi một thời đã mất. Hay lẽ chăng, cô đang nhìn lại cuộc đời của mình qua một tấm gương.

Những khuôn hình tràn ngập màu xanh. Và những con người đang nhảy múa chơi bời ấy, họ bị chúng che mất, họ chỉ còn là những cái bóng hữu hình, lập lờ. Hãy xem cảnh Hao Hao hun hít Vicky, anh xuất hiện trong căn phòng, bị một màu xanh che lấp. Anh vận áo sẫm màu, dường như càng khiến anh lún sâu hơn vào nó. Hao Hao là một nhân vật bất lực, một kẻ nhu nhược và chối bỏ sự vươn lên để sống, để làm chính bản thân mình. Đàn ông trong phim là thế đấy, họ đều chạy trốn khỏi bản thân, khỏi hoàn cảnh, họ yếu đuối. Họ vô vọng. Vicky thì khác, ngay cùng trong cảnh đó, cô mặc áo lót trắng tinh, cô hút thuốc, cô vận áo khóac đỏ, cô cầm cốc nước đỏ, cô nổi bật hẳn lên. Cô muốn sống. Cô muốn làm chính mình. Cô muốn nổi loạn, nhưng cái cách mà cô nổi loạn lại làm cho cô dính sâu hơn vào ngõ tối. Cô chạy trốn Hao Hao, nhưng 'she always came came back'. Cô đến nhà Jack, nhưng Jack lại chạy trốn khỏi chính mình - đến tận Nhật Bản. Cô tìm Jack, nhưng vô vọng, Yubari đầy tuyết. Cô nghĩ rằng, Hao Hao chỉ như một người tuyết, mặt trời lên, sẽ tan mất. Sự vận động của phim là sự vận động của riêng cô, sự vận động của phái nữ. Đàn ông nhu nhược. Cô mạnh mẽ, nhưng rồi liệu cô có thoát khỏi cái đường hầm đầy đèn xanh đó. Tôi phải tự hỏi, liệu cái cách trần thuật theo góc nhìn thứ ba ấy có phải để nói lên rằng, đó là một quá khứ đã mất, đó không còn là tôi lúc này - hay là chỉ để nói lên rằng, tôi đã đánh mất bản thân mình. Và cái kết nữa, máy tĩnh, long take, đường tuyết như dài vô tận, một vài con chim đen vỗ cánh và bay lên, một vài con sóc nhảy trượt. Cánh cổng. Điều đó có nghĩa lý gì cơ chứ. Tôi thích sự lạc quan, và thiên niên kỷ mới có lẽ là một điều khởi nguồn cho sự lạc quan đó.

Giới trẻ phóng túng sa đọa với những hành trình mệt mỏi. Có vẻ như họ bị lạc giữa cái vòng quay để đi tìm chính mình. Tại sao Hầu Hiếu Hiền lại cho nhân vật phục hiện về giới trẻ - một lứa tuổi mà đáng lẽ phải sinh động nhất, sống nhất; nhưng nay lại u uẩn bế tắc. Ông hoài niệm và nuối tiếc về một quá khứ cũ kỹ - một tâm hồn tươi mới. Sự giao đãi giữa phong cách và chủ đề khiến cho dường như câu chuyện nhuốm màu một nỗi buồn, không phải chỉ là nỗi buồn về cái cách mà giới trẻ lạc lối, đó là nỗi buồn về cái cách mà quá khứ và hiện tại (lẫn tương lai) như hòa vào nhau nhanh chóng - nhanh đến nỗi nó thúc con người đi trong miễn cưỡng trước sức ép thời cuộc. Này Thư Kỳ, sao đôi lúc em kể chuyện trước khi nó bắt đầu, sao đôi lúc em kể song song. Sao đôi lúc em im bặt ? Sao thế hả em ?

Đây không là một bộ phim dễ dàng để thấu triệt. Tôi cũng nghĩ rằng muốn hiểu được nó, vài ba lần xem cũng bỏ công. Tôi chỉ mới xem một lần. Phim cảm giác quá mức. Chả có gì xảy ra ngoài những công chuyện hằng ngày của những con người trẻ tuổi. Câu chuyện cá nhân phảng phất đâu đó nỗi buồn của cả một thế hệ. Một thiên niên kỉ mới bắt đầu. Tôi như lạc vào bên trong bộ phim. Tôi thích màu xanh của phim. Tôi thích cả cái cách ép nhân vật vào bên trong khuôn hình, bức bối, ngột ngạt, và cái cách ông cho nhân vật điều khiển thời gian của chính họ- long take dài lê thê, làm não nề mệt mỏi thêm bầu không khí vốn đã ngột ngạt từ ma túy, từ khói thuốc, từ âm nhạc, và từ sâu thẳm bên trong nhân vật nữa.

Phim tự nhiên và trong suốt - mọi chuyện diễn ra như nó vốn phải thế, không màu mè kiểu cách, không lên án hay răng dạy giáo điều. Tôi muốn yêu luôn các nhân vật, tôi thích hành động của họ. Tôi yêu cái cách Hao Hao đi tìm và van nài Vicky. Cái cách mà cô ấy từ chối, cái vẻ mặt của Hao Hao, cái vẻ mặt của những người bảo kê.

Tôi sẽ xem lại Millenium Mambo lần thứ hai, lần thứ ba, và có lẽ sẽ nhiều hơn thế nữa. Tôi sẽ xem lại hàng chục lần những giây phút đầu tiên ấy, khi mà em nhả thuốc, khi mà em quay lại nhìn, khi mà em quơ quào tay lên không trung.

Và tôi sẽ nói, "Baba FuFu" (Again and Again).

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Xuân

Kìa Xuân đang về. Lại một cái Tết đi qua. Hãy lắng nghe âm thanh trong lòng. Phải sống! Phải sống cho ra giá trị cuộc sống con người, dù cho thế nào đi nữa...

-Nguyễn Huy Thiệp-

Xuân chớm đến. Vướn người ra và bạn sẽ thấy mọi nguồn cơn gió xuân vỗ ồ oạp vào người. Từng hơi thở lập lờ lưỡn lẹo, từng hạt bụi vướn lại chân mây.


Ừ thì rồi Xuân cũng phải đến chứ, vượt bao cửa đày cửa ải của thời gian. Dạo này trời lạnh, sáng sớm đi ra đường thấy mù sương, chung quanh xám xịt, hay tại cái mặt trời đỏ lòm chắn ngưỡng trên cao đó khiến ta mất hồn mất vía. Có lẽ vậy, có lẽ không. Bật một bản nhạc của Can - một band nhạc lụm lặt từ Rừng Na Uy của Trần Anh Hùng - thấy tê tái cả người và muốn chạy ngay ra ngoài đường mà thét lớn

She brings the rain, it feels like spring, 

- có thể thét đi thét lại vài lần. Lẽ dĩ nhiên, không còn chỉ là một cảm giác về mùa xuân nữa. Đó là một mùa xuân chính cống đang hiện diện nơi đây.

Cũng có lẽ vì thế mà sáng nay, dường như cái sự ấp ủ từ lâu của ông trời nay đã vỡ òa. Trời Sài Gòn lắt rắt mưa xuân. Bầu không khí thoáng đãng. Mưa nhỏ thôi. Nhưng mưa. Dù chỉ một chút thôi. Rồi tắt.

Mưa, Nguyễn Huy Thiệp đã từng viết : Cuộc sống cơ bản là buồn, phải thế không ? 

Cái truyện ngắn ấy tên là mưa. Nhớ mưa, nhớ những cảnh làm tình trong Rừng Na Uy.

Mở 'Mùa hè chiều thẳng đứng' ra xem. Không tài nào xem trọn vẹn bộ phim (tôi nghĩ xem một lần là quá đủ), bật cảnh Trần Nữ Yên Khê nhún nhẩy trong tiếng nhạc của Velvet Underground và The Married Monk. Ui chao. Ấy, cái bài Tell her Tell her ấy, cô lắc thật điệu nghệ, thật gợi cảm. Tôi xuýt xoa mái tóc. Cộng thêm cái hậu cảnh chung quanh. Khó có thễ cưỡng lại được sức hút đó.

Hết ngày, vận Day is Done - Nick Drake.

When the day is done
Down to earth then sinks the sun
Along with everything that was lost and won
When the day is done.


Mọi thứ rồi cũng sẽ mất, có đúng vậy không. Ừ thì Xuân đang đến đấy. Có cần thưởng ngoạn nó cho đến cùng, như tuổi trẻ, ừ thì phải sống! phải sống cho ra giá trị cuộc sống con người, dù cho thế nào đi nữa...

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

hẹn

anh có hẹn với hôm nay
chủ nhật rầu qua khung cửa sổ
đừng quên quá khứ
lẫn ngày mai
đang chảy

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

The Hole, The Remains of the Days, Memento, CĐBT, Up

July 30, 2010 : The Hole
 
Phim thứ hai của Thái Minh Lượng mà tôi xem được.

Có một cảm giác chung sau khi xem hai phim của ông này, đó là sự cứng và tê hết cả người.

Đó là sự tĩnh : cái tĩnh trong từng khuôn hình - với những cú fixed máy (mặc dù đã thấy vài khuôn hình động trong nì - hay mình hoa mắt nhỉ), cái tĩnh trong tiết tấu, đạt đến mức mà nó như đang lê mình chậm rãi soi mói bên trong từng nhân vật.

Xem phim mà như nhìn thấy chính bản thân con người trong đó. Nó có một cái gi đó, xuyên qua cái lỗ thủng trên sàn, như một chiếc ống nội soi - sự cô đơn của nhân vật.

Ừ đúng, họ cô đơn, hay bị cô lập với cuộc sống bên ngoài, người đàn ông tìm đến con mèo. Người đàn bà tìm đến những mảnh giấy, chùi mình, chà mình, những khoảnh khắc dục vọng, và cả những bài ca.

Đó là tính ảo - là việc cô gái trong những cảnh ca nhạc đối với cô gái dưới lầu. Cũng giống như trường hợp một người ba vai trong I Dont Want To Sleep Alone vậy. Điều đó thể hiện những ham muốn và khát vọng, bị đè nén (bởi những tiếng mưa rơi, bởi cô đơn, bởi bệnh dịch, hay là một thứ gì khác ?), chuyển hóa thành.

Thái Minh Lượng như đang dồn nén nhân vật. Qua tiếng mưa rơi không ngơi nghỉ, qua tiếng động đậy của con người, qua cả sự giai tiếp dành cho nhau, qua cả sự im lặng với cái tiếng tạp âm dai dẳng, qua cả hình ảnh nước dân lên và rỉ xuống từng chút một. Chúng, mọi thứ đang giam cầm nhân vật trong cái cô đơn bức bối đáng sợ của chính mình. Chỉ chờ cho khán giả soi mói sự chuyển động của nó.

Và những hình ảnh. Ấn tượng.

Cũng như I Dont Want To Sleep Alone, hai con người cuối cùng lại đến với nhau qua một sự bộc phá. Ở phim này, đó là khi cô gái đau đớn trong căn bệnh, đó là khi chàng trai đập những tiếng đinh tai nhứt óc vào cái lỗ dưới sàn. Ở phim trước, đó là sự làm tình trong khói độc.

Cuối phim, hay người nắm tay nhau cùng hát. Cũng như I Dont Want To Sleep Alone, ba người nắm tay nhau và trôi trên dòng sông lững lờ.

Không thích bằng I Dont Want To Sleep Alone. Nhưng có một cái gì đó nặng nề hơn, đau óc hơn.

May mắn là có những màn ca kịch, nếu không thì ngủ mất rồi =))

Lít Cafe chiếu phim này hôm nay, hầu hết khán giả đều bỏ về sau vài chục phút đầu. Nhớ đến câu nói của Thái Minh Lượng : “Khi xem phim tôi nếu bạn ra về xin hãy giữ trật tự để những người còn lại ngủ.”

September 29, 2010 : The Remains of the Days

Phỏng theo tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro (tác gia này được biết đến ở VN qua bản dịch Mãi đừng xa tôi của Trần Tiễn Cao Đăng).

Điện ảnh, có ngôn ngữ của riêng nó. Những câu chữ được chuyển hóa thành một bộ phim đầy rẫy sự bức bối. Cái bầu không khí , nặng nề, ngột ngạt, bối cảnh - một tòa lâu đài mang tên Darlington tận nước Anh xa xôi. Và những nhân vật ấy, những nhà chính trị đầy quyền thế, những chức trách quan trọng nhà nước, bàn tán chuyện đại sự. Trước chiến tranh TG thứ 2. Trong CTTG2. Hậu chiến. Những mảnh vụn lịch sử được vịn vào khéo léo, qua những buổi gặp mặt hoành tráng và nghiêm trọng đến toát mồ hôi.

Nhưng thật ra, phim không nhằm kể về một quá trình lịch sử. Nó chỉ là điểm tựa để kể về nhân vật chính : Stevens con, quản gia của lâu đài Darlington. Có lẽ Miss Kenton (và cả Stevens Cha) cũng là một sự hiện hữu khá quan trọng trong phim. Như một kết nối giữa cái bề mặt phẳng lì và cái bên trong vẫn còn tình cảm của Stevens. Nhưng Stevens có chối bỏ cái tình cảm đó không ? Có lẽ thế ? Có lẽ trong cái phút giây mà Kenton dồn ông đến tận chân tường - ông chợt tỉnh. Cái sự thức tỉnh đầy bất ngờ, ngoài sự mong muốn của ông. Rồi lại như cũ. Ông cố thoát, nhưng có cái gì đó ngăn ông lại.

Dĩ nhiên tôi vẫn coi Hopkins là một diễn viên có những vai diễn đáng sợ, xét về cả khuôn mặt lẫn cái tâm tính bên trong. Một cái gì đó đa chiều, và cô độc.

Tiết tấu chậm rãi như tờ, nó soi sâu vào hành trình của những con người mà người ta gọi là giúp việc, quản gia, hay này nọ này nọ - những con người yếu thế phục vụ cho những nhân vật quyền lực hơn. Sự nặng nề giữa cái mối quan hệ, trong đó có tình yêu, và tình cha con. Nhưng những tình cảm đó được dấu nhòa bởi tính nghiêm trọng và quy củ của bản chất công việc được giao cho họ. Tính lịch sử trong một thời kỳ đầy biến động cũng góp phần nâng lên sự nặng nề trong bộ phim.

Phim lai ghép giữa hai tuyến thời gian, thoạt trông không có vẻ nhuần nhuyễn lắm. Nhưng sự hay ho của nó là câu chuyện được kể và tiếp diễn cả trong hai tuyết thời gian - và được nhấn nhá qua thoại phim. Nói cách khác, tính giản lược của tuyến thời gian quá khứ được thể hiện trong tuyến thời gian hiện tại. Và nó làm cho ta thấy ngân lên một sự hẫng, như tiếc nuối - và ta rõ là tiếc nuối cho một sự ám ảnh đầy tính mỉa mai của cái mối nối là công việc của Stevens, và chính bản thân ông ta. - Là gì ? Liệu cái sự lạnh lùng ấy chỉ là một bức tường để giam hãm ông ta với một sự thật, một tuyến thời gian thật đang hiện hữu bên ngoài đấy (nơi đó có ong bướm và cả cá), và nó chỉ để phục vụ cho một ám ảnh, cho một chuyến du hành trong bề mặt của công việc. Một mặt thì đầy vẻ tự hào, nhưng chỉ là sự cô đơn, và sự trống rỗng trong con người ông ta, là một sự phục tùng mang cái hảo danh là tuyệt vời - cho những kẻ mang địa vị cao quý hơn.

Cuối phim, con chim bồ câu lạc vào căn phòng nơi xưa kia đã có những buổi họp mặt quan trọng của TG. Nó mắc kẹt. Và khi cánh cửa sổ mở ra, nó bay vào chân trời lạc quan nhất. Máy quay từ bên ngoài cánh cửa sổ, Stevens đứng đó - với ánh mắt như nhìn vào vô tận. Và ông đóng cửa lại. Cuối cùng thì ông vẫn mắc kẹt. Mắc kẹt mãi mãi. Tự do, hay không tự do ?

Chuyển động máy cuối cùng như một con chim, tung cánh bay xa dần ra khỏi tòa lâu đài. Có lẽ, nó mang hàm ý cho một ham muốn giải thoát, tự do. Thoát khỏi sự bức bối trong những bức tường vô hồn. Dù gì, ông vẫn cô đơn, bây giờ là trong chính ông. Có lẽ có cả sự thất vọng vì ông không dám hoàn toàn thức tỉnh trong cái đêm đó. Có lẽ ông thất vọng khi chính ông không dám liều mạng (như Kenton hay cô gái kia).

Để rồi cái giá của nó là sự vận động của thời gian đã tồn đọng ngay trong chính bản thân ông. Bức bối, và không còn lối thoát.

October 17, 2010 : Memento

"I have to believe in a world outside my own mind. I have to believe that my actions still have meaning, even if I can't remember them. I have to believe that when my eyes are closed, the world's still there. Do I believe the world's still there? Is it still out there?... Yeah. We all need mirrors to remind ourselves who we are. I'm no different. "


Memento, 2001, Nolan.

Phim chơi lạ, tạo ra một quy luật riêng trong trật tự thời gian và cấu trúc câu chuyện. Có hai tuyến thời gian chạy trong phim, một xuôi, một ngược, một màu, một đen. Rồi đụng nhau tại một mắc xích nào đó. Hiệu quả của nó : thách thức khán giả, buộc họ phải phá bỏ cách lập luận theo một hướng thông thường và kinh nghiệm sẵn có, điều chỉnh - tiếp nhận cách chơi của đạo diễn, và chính khán giả sẽ thâm nhập vào cuộc chơi đó, là người chơi, và cảm giác thỏa mãn khi thắng cuộc là điều không thể chối bỏ ; tạo nên sự mơ hồ, như một dẫn chứng cho căn bệnh mất trí nhớ tạm thời của nhân vật, tránh né đưa ra một sự trả lời hoàn hảo.

Hai kiểu màu khác nhau, như một khối rubik, như một trò xếp hình, xen kẽ đầy lý thú, hay cũng như một chiếc chìa khóa ẩn mình, giúp phân biệt rạch ròi giữa hai tuyến thời gian. Sự nhập nhằng càng hướng ta đến trạng thái mờ mịt của nhân vật.

Ký ức và sự mỏng manh của nó. Cuộc đời và khả năng đánh mất chính mình trong vòng xoáy vô tận. Liệu nó có phải chỉ là một ảnh ảo không người lái?  

October 23, 2010 : Cánh đồng Bất Tận

Tối nay dư tiền, trăng thanh gió mát, chạy ra HTK mua một box Bergman về ngâm cứu lâu dài. Hi vọng sẽ biết thêm nhiều bài học điện ảnh hay ho.

Xong, gió xuôi chiều khiến tôi lang bang đến Megastar HV, ừ thì đi lên xem thử ‘Cánh đồng bất tận’ rầm rộ bấy lâu xem sao. Bấm bụng tốn tiền mua một vé ở một hàng ghế thứ 5 từ màn hình đếm lên, hi vọng không quá gần để con mắt lem nhem này đủ đô thưởng ngoạn tác phẩm. Tổ cha cái gói bắp rang vẫn với cái giá kinh hồn 42 nghìn. Im lặng chờ máy chiếu chạy phim. Trễ 15 phút.

Khiếp, ‘cánh đồng bất tận’ mà xem cứ như ‘chơi vơi’. Điều đó quả là không nên. Lí do là mọi thứ chỉ là nửa vời, nói dân dã là nửa nạc nữa mỡ, không ra đâu vào đâu cả. Cảm xúc nửa vời, chúng ta không mấy đồng cảm được với nhân vật vốn bộc lộ những nỗi đau khổ xót xa gì đó chỉ qua thoại. Thoại dông dài, thoại kể lể, thoại miêu tả xót xa. Nhưng rần rần đó chỉ là những cảnh rời rạc, những cảnh mang chức năng tả hời hời bên ngoài là chính, cưỡi ngựa xem hoa thì được, nhưng để gợi xúc cảm thì chả ra ngô ra khoai chi cả.

Tôi hỏi, khiếp, tại sao trong truyện hay đến thế, khi ra phim lại quắn nó vào thoại, vào những hành động chả hiểu bắt nguồn từ đâu, chả hiểu diễn biến tâm lý thế nào cả, chả hiểu tác dụng gì, chả hiểu gì cả. Giống như một chùm phim ngắn, khi dựng phim thì trông ngay thẳng đấy, nhưng mạch phim chạy bên trong không thật sự chặt chẽ, không hoàn chỉnh tí nào.

Tôi hỏi, bất tận ở chỗ nào khi có vẻ như các nhân vật như đang dậm giò tại chỗ bước đều và chỉ chỏ vào nhau, tung hô rằng chúng ta khổ, chúng ta đau, chúng ta buồn, chúng ta tủi, hời hợt và khó tin.

Tôi hỏi, cái thứ âm nhạc gì đang được sử dụng trong phim thế này ? Sao lại quá đà, sao lại lạm dụng ? Nó có thật sự phù hợp cho phim, hay chỉ để màu mè che đựng cho một thứ cảm xúc giả dối, chưa tới ?

Tôi hỏi, tại sao mọi thứ đều có vẻ duy mỹ quá như thế, từ những cảnh trăng thanh gió mát, những con tàu, những vật dụng xung quanh, những phục trang, chúng chỉn chu quá, chúng làm ta hoa mắt quá. Đôi lúc, chúng Tây quá độ. Những chuyển động máy cầu kỳ vô bổ và lạm dụng. À không, chúng rất giản đơn đấy chứ, toàn trung cảnh, toàn để nền cho nv tự diễn, thì đột nhiên chúng trở thành một thứ gì đó cầu kỳ quái dị, không nhằm đạt nên một vai trò gì cả.

Tôi hỏi, không khí, phong cách chủ đạo của phim là gì ? Hay là không gì cả. Nó không có một bầu không khí nào đáng kể để minh họa cho những hình ảnh, những cảnh quay thi nhau chạy trong phim, không biết điểm đến, không rõ điểm đi, chỉ có con đường chạy bất tận, lạc nhịp.

Tôi hỏi, và tại sao phim lại chán như thế ?

Có lẽ, vì sự tình, là chuyển thể quá giống nguyên tác. Đến nỗi phim dường như chỉ là một bức vẽ lem nhem màu minh họa cho những câu chữ trong truyện. Không có sáng tạo, không có góc nhìn tác phẩm cụ thể, không có hướng đi riêng cho mình trong việc truyền tải tác phẩm. Vì thế, thay vì hùa nhau vào rạp xem một thứ tranh vẽ nhạt toẹt như thế, thì thà ở nhà đắm mình vào những câu chữ của NNT có còn hơn không.

Tôi đọc truyện ngắn ‘cánh đồng bất tận’ vào năm lớp 9, khi đó, tôi cảm thấy hơi shock, văn gì mà lạ thế, câu chuyện thô ráp đến thế, hiện thực đến thê, đau đớn đến thế mà nhìn ra vẫn đẹp, vẫn có nét gì đó tưng tửng, vô tư, như cười đùa vào chính nỗi đau con người, như cười đùa vào chính cuộc đời vốn còn chứa nhiều xót xa.

Tôi nghĩ đạo diễn đã không thể nào truyền tải được những thứ đó vào phim. Phim đau hời hợt, buồn hời hợt, cay hời hợt, cảm xúc hời hợt. Muốn lấy đi nước mắt khán giả hoặc đem đến cho họ sự sợ hãi kinh tởm, không dễ, và phim cũng không làm được. Cái kết định đem hi vọng đến, với cánh đồng lúa xanh rì, lại là một sự rẽ ngoặc không thành công - dở hơi, không thuyết phục, chung quy cũng vì cái sự hời hợt đó.

Tôi nghĩ, chỉ cho riêng tôi thôi, phim là một thất bại.

November 9, 2010 : Up

Có lẽ, tôi mang trong mình một cái định kiến rằng 'Phim của Pixar là những phim họat hình mang tính giả tạo' khá lâu. Những kẻ bị nó hấp dẫn họa chăng chỉ là những kẻ bị huyễn hoặc bới tính 'diễn' của nó. Nói cách khác, chúng không hề nhuần nhuyễn trong việc bới móc ra một triết lý nào đó mà đem ép mình vào thế giới của trẻ con. Chúng quá pretentious, vậy thôi.

Bởi thế, xem phim nào của Pixar, tôi đều thấy một sự khô khan cứng nhắc trong nội dung và cả cách thể hiện.

Tuy nhiên, có lẽ đó là một ý kiến nhỏ hẹp của riêng tôi. Và dĩ nhiên làm thế nào để đánh giá một thứ gì đó cho đúng đắn khi trong đầu đã thù hình một định kiến nào đó.

Xem Up, tôi có một cảm giác khác hơn. Có người bảo nó sến, nhưng tôi bảo nó giản đơn. Và sự giản đơn đó khiến tôi rung động. Đó là một câu chuyện với những mối quan hệ rất lý thú, tuy còn chưa sắc sảo cho lắm. Nó người hơn, nó nhộn nhịp hơn rất nhiều. Với một tình huống khơi mào là căn nhà với những quả bóng bay đủ màu vượt gió vượt mây đến 'Thiên Đường đã mất', từ đó câu chuyện dâng lên bởi sự hòa mình vào nhau của những kẻ tưởng chừng như xa lạ và mâu thuẫn. Một ông già với một đứa trẻ, một con chó săn chim và một con chim quý hiếm, một sự ngưỡng một và một sự thất vọng ngay sau đó. Đó là những đối cực xoay vòng, khắc chế nhau, nhưng để hòa hợp cho nhau. Đó là một vòng lặp ẩn mình.

Tại sao lại thế. Dường như cái tuổi già với quãng đời quá ư là đầy khát vọng đã khiến ông lão nay muốn quay lại, đi tìm lấy thời gian đã mất, đi tìm lấy cái hạnh phúc đã dường như bị ông quên lãng một thời gian quá dài. Đứa trẻ cô đơn cũng đi tìm cho mình một hạnh phúc bằng những huy hiệu thám hiểm treo đấy trên áo, con chó vốn quên mình có một người chủ và dấn thân theo một ông già xa lạ, con chim bay đi như tìm lấy tự do (hay những thanh chocolate quyến rũ) để rồi những đứa con, những mầm xanh mới có thể đoàn tụ qua bao khó khăn giang khổ.

Có lẽ, bộ phim là một nỗi ám ảnh về con đường đi đến hạnh phúc của riêng mỗi cá nhân, của mỗi con người.

Tuy nhiên, hạnh phúc trong sự vị kỷ cá nhân chỉ là những thứ quá vãng và đơn lẻ. Sự hòa hợp là điều mà chúng ta muốn nói đến. Có nhau, bên nhau, đó mới là hạnh phúc đích thực, có thế chăng ?

Và còn đó những điều chưa nói hết, những bất hòa giữa các thế hệ, những bất hòa giữa một thế giới của con người với cái bên trong và một thế giới mới giữa những cái phát triển vượt bậc bên ngoài. Những giá trị ảo và thực ẩn chứa một sự hoài niệm, một sự níu kéo. Những ám ảnh về một chân lý ảo tưởng nào đó trong sự nhất quán vâng dạ một cách ngu ngốc của số đông.

Tuy nhiên, cũng đồng nhất với chủ đề của phim, sự hòa hợp có lẽ là hướng giải quyết mâu thuẫn tốt đẹp nhất.


Tôi vẫn thích đoạn tua vòng cuộc đời ông lão, với những hình thức đối cực rất ư dễ thương và cảm động. Tinh tế đến độ nào mới có thể làm ra những thước phim như thế.

   
Góp nhặt lại bài từ Facebook.  

‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’

  ‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’     Người Đức có khái niệm Umwelt dùng để miêu tả cảm giác tồn tại giữa th...