Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010

I Don't Want To Sleep Alone


I DON'T WANT TO SLEEP ALONE
Đạo diễn : Tsai Ming Liang (Thái Minh Lượng)

Không có gì vui vẻ khi làm ra những bộ phim luôn vắng khách nhưng đó là trường hợp của Tsai Ming Liang, đạo diễn của những bộ phim độc lập độc đáo, người đã mang về cho điện ảnh Malaysia nhiều vinh quang nhưng lại chịu sự đối xử không mặn mà của nhà nước. Tsai Ming Liang hài hước nhắc khéo khán giả đến rạp xem phim của mình : “Khi xem phim tôi nếu bạn ra về xin hãy giữ trật tự để những người còn lại ngủ.” Tuy vậy, Tsai Ming Liang không bị đẩy về phía lạc lõng mà ngược lại nhiều khán giả đồng cảm đã tìm thấy tiếng nói vong thân, niềm thầm kín cô đơn không sao thấu hiểu con người từ những bộ phim của ông. Đơn giản ông là một đạo diễn diễn tài tình trong việc lột tả sự cô đơn của con người.Ở đây, dùng từ lột tả như để nói lên rằng, cái cô đơn của Tsai Ming Liang là cái cô đơn được đẩy đến tận cùng gốc rễ,cái cô đơn mà ta không thể chịu được.

I Don’t Want To Sleep Alone là một minh chứng cho tài năng của Tsai Ming Liang. Từ cái tên, ta đã thấy dụng ý của ông, “I Don’t Want To Sleep Alone”. “Không muốn” chứ không phải là “không thích”. “Like” là hình thức yếu nhất của nhu cầu trong đời sống, mang tính chất chủ động của mỗi cá thể. Nhưng, “Want” cho ta một hình thức khác, dựa trên nhận thức của mỗi chúng ta, đó là một hiện thân của một nhu cầu cao hơn, mang tính chất bị động và có tính tuyệt đối hơn. Như vậy, “Tôi không muốn ngủ một mình” mang lại cho ta một cảm giác của sự cô đơn không thể nào kiểm soát được, như nó là một việc bị ép buộc, bị kìm hãm hơn là “Tôi không thích ngủ một mình” – một ca khúc nổi tiếng của Paul Anka.

Phim không có cốt truyện cụ thể, thuộc dòng phim “cảm giác”. Cả phim như là một thứ chủ đề vể nỗi cô đơn trong sâu thẳm - như những bộ phim khác của ông, là một cái theme của riêng ông, một bộ phim chỉ nhằm miêu tả cảm xúc thầm kín của bản thân đạo diễn cũng như những khán giả đón nhận nó. Bởi thế, phim Tsai Ming Liang luôn kén người xem và cần đến những khán trả trung thành của nó.

3 nhân vật chính : một kẻ vô gia cư, một người cứu rỗi, một cô gái. Cả 3 đều là những sinh linh cô đơn, tình cờ va đập vào nhau. Kẻ vô gia cư bị trấn lột ở đầu phim, vật vạ bên đường thì được người cứu rỗi khiêng về giúp đỡ. Cô gái chăm sóc cho một kẻ bị liệt, nằm bất động một chỗ trên chiếc giường trắng, đối diện với một chiếc gương. Họ câm như hến, không nói một lời nào cả trong suốt phim. Điều đó khiến cho I Don’t Want To Sleep Alone gần như trở thành một phim câm nếu không có âm thanh nền. Những nhân vật hầu hết không dc ai gọi tên, buồn cười và khó khăn. Phải chăng, cái tên gọi đó để làm gì khi mà mỗi người trong họ đều tượng trưng cho một thân phận thân quen ở đời, một thế giới quan của những người cô đơn, một lối sống cô đơn, một lớp người cô đơn. Hay cả thế giới đang cô đơn ? Đó là câu hỏi đau thương của Tsai Ming Liang.

Nội dung của phim không có gì rõ ràng và cụ thể cả, mọi thứ quá mơ hồ, đầy rẫy hình ảnh và biểu tượng, điều đó càng làm cho mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận khác nhau về từng hành động, từng diễn biến của phim để tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Để xem nào, xét về mặt chủ đề chính, cả phim là một sự cô đơn khó có thể chối bỏ và càng về sau càng tăng tiến cho đến tận cùng, dẫn đến sự bức bối và vẫy đạp. Mối quan hệ tay ba giữa ba nhân vật chính dường như do sự rúng động và cô đơn cùng cực mà có,người cứu rỗi xém giết chết kẻ vô gia cư. Mối quan hệ bế tắc, u ám và đồng tính. Câu hỏi đặt ra: quan hệ đồng tính chăng ? Cả phim ta thấy hai người đàn ông lo lắng chăm sóc cho nhau, từ từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất.Có thể không ? Mọi thứ xảy ra như hệ quả của sự cô đơn quá độ, cũng như cái tựa phim – Tôi không muốn ngủ một mình – không ai muốn ngủ một mình cả, không ai muốn bị ám ảnh bởi sự cô đơn mãi cả. Những sinh linh không ai đếm xỉa và quan tâm phải dựa vào nhau. Cảnh cuối, 3 nhân vật ngủ bên nhau,sự cô đơn như bị bộc phá, chúng kết nối với nhau làm thành một khối thống nhất hoàn chỉnh và trôi mãi trên mặt nước tĩnh lặng. Liệu khi đó,họ có hết cô đơn ?

Con người luôn phải tìm lấy một mục đích, một chân lý sống của mình. Họ, những nhân vật cô đơn đang tìm kiếm những thứ bị đánh mất hay bị chà đạp trong xã hội hiện đại – tình yêu, tình cảm cho nhau, cũng như cái bản ngã của chính bản thân mình. Có thể nào giữa muôn vàn sự lạnh lùng mà đời sống đem lại, họ đã lạc mất mình và chìm đắm trong một thế giới của hư vô, của Nada, của nỗi cô đơn khó có thể chối bỏ. Họ lạc, và không cần nói ra thành lời để diễn tả điều đó. Họ đi đi lại lại, làm việc như trong vô thức, họ chìm đắm trong nỗi cô đơn nhất mực không nói thành lời, thành tiếng. Mà tại sao họ cần phải nói ra cơ chứ, cái thế giới ồn ào ngoài kia có đồng cảm cho thân phận của họ đâu, mà còn như càng khuếch tán cho sự cô đơn lan rộng. Cái câm nín đó càng làm cho nhân vật chìm sâu và dấn thân hơn trong nỗi cô đơn.

Như đã nói, I Don’t Want To Sleep Alone dường như là một phim câm, nếu đâu đó không có tiếng động, âm thanh của vạn vật xung quanh : tiếng quạt quay cô độc, tiếng cười nói ý ới, tiếng tạp nham của nhiều nhân vật phụ, tiếng oai ỏai làm tình,… Những âm thanh có vẻ không có tính xúc tác lắm cho câu chuyện, những âm thanh dường như vô nghĩa, lại làm tăng thêm cái tôi cô đơn của nhân vật. Những âm thanh ấy dường như càng bao bọc, giam ép từng thân phận trong cái cô đơn của cá nhân, của mỗi người. Cái bất động đáng sợ của tâm thế con người trái ngược hẳn với sự ồn ào âm ỉ của xã hội. Đó là biện pháp lấy động tả tĩnh mà Tsai Ming Liang đã thực hiện hết sức tinh tế trong phim. Ngoài ra, với những cảnh tĩnh thật sự, cái động trong âm thanh xuất hiện với mật độ gia giảm và nhường vào đó sự hiện diện của sự im lặng khách quan. Gọi là khách quan vì cái im lặng đó không hoàn toàn là im lặng, mà được phụ họa nho nhỏ bởi cái động trong âm thanh như đã nói ở trên và những tiếng rì rè tạp âm nặng trịch như búa tạ.

Sự cô đơn cũng được cô đọng trong từng góc quay, từng khuôn hình. Toàn phim, ta thấy Tsai Ming Liang toàn sử dụng những cú fix máy (có thể tạm gọi nôm na là khuôn hình tĩnh – 4 mép màn hình không động đậy) kéo dài đằng đẵng như trêu ngơi nhãn quan khán giả. Đó là thủ pháp riêng và quen thuộc của Tsai trong suốt những bộ phim của ông. Điều đó, thứ nhất là một cám dỗ và thách thức khán giả đến với tác phẩm và thế giới của ông. Nó dụ dỗ, thôi miên họ. Nếu họ thích, họ sẽ ở lại với tác phẩm của Tsai một thời gian dài, họ sẽ bị chinh phục và ám ảnh bởi nó. Vì thế, sự tĩnh trong góc máy ở phim Tsai sẽ cuốn hút những người kiên nhẫn và cô độc ở lại, họ sẽ như được bầu bạn và chia sẻ tâm tư.

Thứ hai, những cú fix máy, sẽ tạo ra một không khí cô quạnh trong tâm tư nhân vật và khuếch tán nó lên. Ở mặt này thì Tsai dùng hai thủ pháp : một là tĩnh và động xen kẽ, hai là tĩnh hoàn tòan. Dù kiểu nào thì góc quay không bao giờ di chuyển, để mặt nhân vật hành động bên trong, khi thì nhỏ nhoi, khi thì gần gũi. Thời gian dài đủ để nhân vật diễn thuyết bài ca cô đơn của mình một cách chỉnh chu. Ở thủ pháp thứ nhất, sử dụng nhiều góc quay rộng và sâu bao quát cả một vùng, nhân vật chính xen lẫn với những hình ảnh động, từ đó dẫn đến cái tĩnh trong cái động ở mặt hình ảnh, đúng cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Sự chênh lệch động tĩnh đó, với khuôn hình cố định một cảnh duy nhất, máy tĩnh luôn tạo nên những hình ảnh và hiệu ứng bất ngờ. Nhân vật lầm lũi trong khuôn hình như nổi bật hơn với những cảnh động xung quanh, sự song hành của vật thể động và vật thể tĩnh bên nhau như đang khắc chế mà lại bổ trợ cho nhau. Sự cô đơn dường như tăng cao hơn bởi sự song hành đó, bởi vì có lẽ sự cô đơn cao nhất là khi nó hiện diện giữa một biển người. Nó còn khiến cho ta thấy được sự cô đơn trong xã hội và giữa những con người với nhau. Ngoài ra, những cú fix máy còn hiện diện trong những khung cảnh tĩnh lặng thật sự, với góc quay chú tâm toàn bộ cho nhân vật chính, khi đó nhân vật đang đơn thân độc mã không ai hay, không ai biết, như đang thì thầm với tấm gương phản chiếu bóng dáng của họ vất vưởng. Những lúc này,hình ảnh dc hiện ra đẹp hơn bao giờ hết, kết hợp với những âm thanh của sự vật – vang vọng đều đều - như đang im lặng thở dài, tạo nên một bầu không khí cô đơn khó có thể phá bỏ được, nó cũng giúp nhân vật được nhìn nhận sâu hơn ,như những khúc đối diện với chính mình, trong nỗi cô đơn vô cùng tận.

Thứ ba, khuôn hình tĩnh tạo nên một vẻ gì đó kĩ lưỡng và chăm chú hơn cho khán giả khi xâm nhập câu chuyện của Tsai, với bố cục nền hợp lý, tạo cảm giác mệt mỏi và gây bất động mọi không gian và thời gian. Nó giúp cho ta phải chú ý hơn đến từng cử động và hơi thở của nhân vật, săm soi từng hình ảnh, để một thoáng nhỏ cũng đủ làm ta rung động. Bởi vậy, dùng khuôn hình tĩnh luôn là một thách thức cho đạo diễn cũng như người quay phim, đòi hỏi một sự cẩn trọng và chu đáo nhất mực.

Thứ tư, những cú fix máy ấy của Tsai tạo nên những hình ảnh đẹp và đậm chất ciné, như khi ta bất chợt pause một khung hình lại cũng đủ cho ta một pô ảnh đẹp tuyệt vời. Những khung cảnh đen tối và hoang tàn,những bức tường nháp nhúa và tróc vẩy, những hành lang sâu hút và kín mít, những đường phố đông đúc và sống động. Và một hình ảnh tượng trưng tuyệt vời cho sự mô tả nhiều tầng nhiều lớp của nỗi cô đơn : ngôi nhà cao tầng bỏ hoang với những bậc thang vô cảm , vô tận và một hồ nước tĩnh lặng và bí ẩn bên trong.

Tiết tấu phim chậm rãi (dĩ nhiên rồi), chậm như người ta chơi một bản nhạc buồn với một cây cello. Ngẫm lại, thực ra không phải câu chuyện di chuyển chậm, vì bản thân Tsai có kể câu chuyện của mình theo cách cổ điển đâu, mà bởi vì nó đạt đến độ tĩnh để soi mói nội dung ẩn ý bên trong, vì thế nên nó chậm. Như thế, mọi thứ làm cho nhân vật càng ngập ngụa trong dòng nước sâu thẳm cô đơn và không đáy của bản thân họ.

Đó là sự kết hợp hoàn hảo và nhuần nhuyễn trong âm thanh và hình ảnh của Tsai Ming Liang, dùng nhiều thủ pháp để tạo nên hiệu ứng của riêng mình. Phim đơn giản ở một cách chừng mực, không zoom, không travelling, không lia, không kỹ xảo, không hành động li kỳ, chỉ có đi qua đi lại, chỉ có nhịp sống, chỉ có tiếng thở đều, cũng đủ làm ta phải kinh ngạc khôn cùng. Trong khi những nền điện ảnh lớn, với điều kiện tài chính cho phép, có nhiều tác giả lạm dụng kĩ thuật máy móc hiện đại, tạo ra những cú máy “biến hóa khôn lường” đến mức Jean Cocteau phải thốt ra một cách trách móc : “Tại sao phải travelling song song với con ngựa đang chạy, khi mà làm như vậy con ngựa lại có vẻ như đứng yên !?” ; thì Tsai Ming Liang, cũng như nhiều tác giả phim nghệ thuật hay độc lập khác, sống trong một nền điện ảnh nhỏ bé, kể một câu chuyện nhỏ nhắn, và có một kinh phí làm phim khiêm tốn, lại tỏ ra thông minh khi xử lí vấn đề, đem về tính hài hòa giữa nội dung và hình thức, tạo nên những hiệu quả bất ngờ cho người xem.

Tsai Ming Liang cũng đưa vào phim những hình ảnh, những chi tiết nhỏ nhoi như cánh bướm, một biện pháp nhằm đưa đến những thông điệp kín đáo hơn lẽ thông thường. Với toàn bộ phim, ta dường như thấy sự sống dường như bị đứng lại, không còn tồn tại, bị cuốn trôi đi bởi những thứ vô nghĩa. Nhưng với hình ảnh cánh bướm đẹp đẽ khôn cùng đó, nó mang đến cho ta sự bình lặng nhất mực của sự vật, của sự trống rỗng, đó là khỏanh khắc tối cao, đó là sự đơn giản và cụ thể hóa nhất của sự cô đơn mà ở đó, với sự vỗ cánh dập dìu của con bướm, sự trống rỗng sẻ sản sinh ra nhiều thứ vô hình. Như vậy, qua chi tiết cánh bướm, qua cái tĩnh, qua cái trống rỗng ấy, ta biết mọi sự đã bị đưa đẩy đến tận cùng, và ta còn biết có một sự vận động mạnh mẽ nơi sâu thẳm tâm hồn người. Có thể nào, một cách lý giải khác cho hình tượng con bướm, là một hình ảnh tượng trưng cho sự ảo tưởng và không xác định, một sự mơ hồ, hay tựa như một giấc mơ.

Chỉ riêng nói về cảnh ấy đã làm cho cái cô đơn thêm đáng sợ. Việc gã vô gia cư ngồi câu cá với cánh bướm trên vai càng làm cho việc xây dựng hình ảnh của bộ phim thêm phần hoàn hảo. Ta thường nói, câu cá là để tâm thức tĩnh, như mặt nước hồ vậy. Sợi dây câu, như là sợi dây của tâm thức, nối kết với sự cô đơn quá độ, sự tĩnh lặng quá độ dưới mặt nước hồ. Như vậy, sự cô đơn đang được mặt đối mặt với nhân vật và như đang bổ sung cho nó, truyền tải cho nó thêm phần khốc liệt. Cánh bướm chỉ là giọt nước làm tràn li khi thể hiện cái đỉnh cao nhất của sự việc. Cái đỉnh cao ấy là một tiền đề cho cái kết phim.

Hai nhân vật : người con bại liệt dc chăm sóc bởi cô gái và người vô gia cư được đóng cùng một diễn viên. Điều đó như một hằng số được song hành với nhau, đều là những người không nói ra một lời nào cả, đều được sự chăm sóc của người khác. Đó là sự bị động, sự tê liệt trong tiềm thức con người hay trong nỗi cô đơn trước lối sống hiện đại. Cả hai đều được quan tâm chăm sóc cẩn thận, tuy nhiên bản chất của sự quan tâm khác nhau rõ rệt. Với người vô gia cư, đó là sự quan tâm chân thật, còn với kẻ bại liệt, đó là sự máy móc và có phần giả dối của cô gái, khi cô bị bà mẹ cưỡng ép : xoa dầu, thủ dâm cho đứa con trai. Sự thủ dâm tỏ ra nhớp nhúa với cánh quạt quay qua lại trái phải một cách đều đặn và đáng sợ, sự việc được lặp lại trùng lặp khi người vô gia cư thủ dâm cho bà mẹ ở một ngõ hẻm vắng. Và những thứ liên quan đến tình dục đó được đẩy mạnh vào cảnh cô gái làm tình với kẻ vô gia cư ở cuối phim. Như vậy, mối quan hệ giữa các nhân vật hầu như đều kết nối với nhau qua hình thức đó là dục vọng. Cô gái thường quan sát đứa con qua khe hở trên nền nhà, cô cùng bà mẹ nắm tay mà thủ dâm cho đứa con, cô quan sát kẻ vô gia cư khi hắn đùa giỡn với những cái li. Kẻ vô gia cư quan sát cô gái ở ngòai quán nước. Đó là sự xây dựng tình huống một cách tĩnh lược nhất để nói lên mối quan hệ tình cảm của nhân vật. Cũng như với người cứu rỗi và kẻ vô gia cư, mối quan hệ được miêu tả bằng những hành động cử chỉ nhỏ nhặt : bịch nước, cái giường, sự song đôi khi ngồi cùng hồ nước lặng lẽ. Tsai Ming Liang dùng sự tối giản ấy để tạo độ ‘nặng’ cho câu chuyện, làm người xem phải suy nghĩ hơn khi chìm sâu vào thế giới của bộ phim để tìm ra mối liên quan và đào sâu hơn vào phần hình ảnh và ý nghĩa của nó.

Đầu phim, ta thấy đứa con bại liệt nằm im lặng, cửa sổ mở và chiếc rèm thấp thoáng rung động. Radio phát ca khúc nào đó bằng tiếng Thái mà tôi không hiểu, nhưng đoán có lẽ là một bài hát về bộ mặt con người. Có thể nào cả phim chỉ là một ảo ảnh, một giấc mơ của sự bị động trong cô đơn của đứa con bại liệt, sự chuyển hóa tinh thần thành một cá thể thực ngòai cuộc sống, sự phân thân của tâm thức con người. Điều đó cũng có thể giải thích việc một người đóng hai vai. Chúng ta biết, sự ham muốn được biểu hiện trong giấc mơ thường là những ham muốn bị cấm đoán, hay không thể thực hiện được ở hiện tại. Những ham muốn vô thức ấy luôn chờ cơ hội để được bộc phát. Đó có thể là sự ham muốn của đứa con bại liệt, được chuyển hóa thành một giấc mơ hay kinh khủng hơn, một nhân vật giống i đúc ngoài xã hội. Để làm gì ? Để được yêu và làm tình thật sự với cô gái. Để thỏa mãn dục vọng của hắn. Để được tự do bay bổng ngoài xã hội. Nhưng, dù như vậy, sự cô đơn vẫn không thể bị hóa giải. Sự cô đơn ấy, nó đều là cội nguồn của mọi chuyển biến nhân vật trong phim. Điều đó có thể cũng đúng nếu xét thêm về mặt cánh bướm là hình tượng cho ảo tưởng và giấc mơ như trên. Khi người vô gia cư đang đối mặt với cái hồ nước tĩnh lặng, cánh bướm dập dìu lay động, sự cô đơn là kết nối của hiện thực và giấc mơ, cái ranh giới mỏng manh ấy. Hồ nước và chiếc gương trong phòng đứa con bại liệt có thể là hai mặt của hai thế giới thực và ảo. Ở đó, người vô gia cư nhìn vào hồ thì người con bại liệt được phản chiếu lại nơi tấm gương. Họ chỉ có một hình thể hiện hữu duy nhất, một “cục” cô đơn.

Nếu xem xét theo chiều hướng ảo này, ta còn có những phát hiện kinh sợ hơn nữa. Quan hệ đồng tính lúc này dường như tỏ ra có lí hơn. Hai người đàn ông giống hệt nhau được coi như là sự chuyển hóa do ham muốn dục vọng. Có lẽ nào, cô gái, dưới những sự cưỡng bức, đã dần dà trở nên ham muốn tình dục với đứa con bại liệt mà nguyên do có thể là sự tò mò trong vô thức và sự ám ảnh về dục vọng một cách ảo tưởng, và nhân vật người cứu rỗi là do cô gái chuyển hóa thành. Câu hỏi đặt ra : Nữ thành nam. Tại sao ? Sự ức chế và bế tắc trong cuộc sống, sự coi thường thân phận phụ nữ hiện hữu đầy rẫy nơi phố xá, có lẽ đã hình thành nên một thôi thúc chuyển giới trong cô. Điều đó có vẻ cũng có lí, nếu như ta xét một vài cảnh trong phim : cô gái (cùng bà mẹ) thủ dâm cho đứa con, sau đó cảnh chuyển qua hai người đàn ông đối mặt nhau nhìn qua nhìn lại một hồi, rồi sau đó lại chuyển cảnh qua cái hồ nước (kết nối thực và mơ) ; hay ở một cảnh, ta dường như thấy có vẻ người cứu rỗi đang đi tiểu ngồi (hay tôi sai – hắn đang đi ị hay sao ? – mà tôi chỉ nghe tiếng nước chảy).Và trong khi cô gái đang chăm sóc đứa con bại liệt thì người cứu rỗi lại đang chăm sóc kẻ vô gia cư. Cô gái dùng nước lau mồm lau miệng cho hắn thì người cứu rỗi kéo quần cho gã vô gia cư đi tè và dùng nước giặt quần lót cho hắn. Những hành động song song và giống nhau có thể là ẩn ý của tác giả chăng ? Sự chuyển hóa hoàn toàn được toại nguyện : kẻ vô gia cư làm tình với cô gái, còn người cứu rỗi gầy dựng được mối quan hệ với kẻ vô gia cư. Sự khát khao dục vọng đầy rẫy trong phim. Tuy nhiên,một câu hỏi cuối lại được đặt ra : Nếu thế thì tại sao nhân vật cứu rỗi lại tỏ ra ghen tị khi kẻ vô gia cư ngủ với cô gái ? Chẳng phải, cả hai là một sao ? Đó chính là sự phá bĩnh, một sự phá bĩnh tuyệt vời của ảo giác và giấc mơ. Có thể nào, những bản sao đã gặp nhau và đụng độ trong một mê cung chằng chịt của cái vô thức đó. Cái thực và cái ảo gặp nhau đã gây nên những ức chế kinh khiếp, một sự đấu tranh, vận động mạnh mẽ trong sâu thẳm tâm hồn người, như hình tượng cánh bướm lúc đó dập dìu khẽ bay và sau đó va đập vào mặt nước hồ nhiều lần, như sự va chạm thực và ảo, mơ và tỉnh, với việc người vô gia cư câu cá ở hồ nước. Ở gần cuối phim, người con bại liệt đã nhìn trừng trừng mắt lên trần nhà trong lúc kẻ vô gia cư nhìn xuống qua khe hở. Cái thực và ảo gặp nhau. Giấc mơ và hiện thực đối mặt đều gây ra những đỉnh cao chấn động : cánh bướm dập dìu, sự ghen tuông, sự làm tình.

Từ đó, ngoài nỗi cô đơn ngự trị trong phim, ta như còn thấy một sự chao đảo, bất ổn và phức tạp trong tâm hồn và bộ não con người, cùng những ham muốn ngự trị trong tiềm thức. Cả phim là một mê cung chằng chịt và đen tối. Ta không thể nào tìm được đường ra. Trong cái chốn ngã ba nhìn ra ngã bảy đó thì họa chăng chỉ có Bùi Tiên Sinh sống dậy mới có thể giúp ta thôi.

Một ý nghĩa khác của bộ phim là sự khao khát tự do. Người con bại liệt đã mơ một giấc mơ để thoát khỏi tình cảnh bi thảm của mình, một sự mong muốn tự do thầm kín trong tâm thức hắn. Sự khao khát tự do còn được thể hiện ở nhiều chi tiết. Như biện pháp đặt song đôi hai hình ảnh: Một người chuyển động ngoài xã hội, một kẻ nằm im lặng cái giường vô tri vô giác. Bằng mọi thủ pháp, Tsai Ming Liang làm ta phải nghĩ rằng : “Thật sự thì chúng ta bị giam cầm bởi cái gì ?” Nỗi cô đơn ? Xã hội ? Bệnh tật ? Mọi người đều bị giam cầm bởi một thứ gì đó và khao khát tìm đến tự do. Như bà mẹ của đứa con bại liệt bị giam cầm ở nhà để canh chừng đứa con, chung qui là vì tình mẫu tử. Và, người vô gia cư, là một người ngọai quốc, hắn cảm thấy như bị giam cầm trong cái nghèo đói ở đất nước cũ cho nên mới chu du sang Malaysia tìm chỗ đứng. Và rồi hắn nhận ra rằng hắn không thể thay đổi số phận của bản thân. Hắn vất vưởng, không hình hài xác định. Không biết đi đâu, kể cả nhà mình... Về hình tượng con bướm, có thể thấy rằng đó là một con vật tự do bay lượn, nên chúng ta không tài nào bắt được nó, cũng như số phận tự do vất vưởng của người vô gia cư vậy. Và khi chúng ta nhận ra rằng, ta không thể nào bắt được con bướm thì cũng có nghĩa rằng, tự do là một thứ có thể đạt được và không thể nào bị giam cầm được.

Ngoài ra, ta có thể thấy còn vài dụng ý trong bộ phim để ám chỉ những vấn đề của sự phát triển điên rồ và vô cảm trong xã hội ngày nay. Ví như cơn cháy rừng ở Sumatra khiến khói mù bao phủ thành phố. Thứ nhất, nó đem đến sự nhập nhòa giữa thực và ảo, tô điểm thêm sự lùng bùng đó. Thành phố đã đen tối nay càng chìm trong sự mờ mịt. Cái mờ mịt đó như là một hiệu ứng về mặt khứu giác và thị giác nhằm bậc ra cái tính thời sự, cũng như cái hơi thở cuộc sống trong phim. Thứ hai, ta thấy đó là một cơn khói mù từ Indonesia (Sumatra). Con người gây ra muôn tội tình để xây dựng nhà máy, xí nghiệp, … Cơn khói vượt khỏi biên giới Indonesia lan ra đến tận Malaysia, cũng như hình tượng người vô gia cư vượt khỏi đất nước mình để nghĩ về một thế giới mới và triển vọng. Đó cũng nói lên rằng cuộc sống con người ngày càng ‘khó thở’ do luồn không khí bao bịt bởi những thông tin đại chúng, kinh tế, … Nếu xét thêm tí nữa, ta sẽ thấy ngôi nhà cao tầng trống vắng đó cũng là biểu tượng ám chỉ cho một nạn nhân của sự phát triển hiện đại quá mức đến nỗi bỏ quên con người. Nhà cao tầng mọc lên càng nhiều, càng ngày càng cao hơn, ngôi nhà cao tầng đấy chưa kịp hoàn chỉnh thì đã bị che lấp và phải trở nên dang dở, bỏ hoang. Đó là một lời cảnh tỉnh xã hội của Tsai Ming Liang.

Diễn xuất trong phim thực sự là một điều khó nói. Những khó khăn như : việc một người hai vai vốn dĩ đã phần nào gây khó khăn cho Kang-sheng Lee trong việc hòa nhập hơn vào vai diễn, cộng với việc buộc phải câm nín hoàn toàn khiến cho những nhân vật chính sẽ rất khó để bộc lộ ra mọi cảm xúc. Nhưng, thật sự phải công nhận - trong tầm hiểu biết hạn hẹp của tôi - mọi diễn viên đều diễn xuất khá tốt, phù hợp với bầu không khí của phim. Những gương mặt trầm mình với cô đơn được khắc họa rõ nét. Một trong những cảnh đặc biệt đáng nhớ là cảnh người cứu rỗi định giết chết người vô gia cư, qua ánh mắt, qua nét mặt, ta thấy một cảm xúc dữ dội trong tâm can. Cảnh làm tình khó khăn cũng khá ấn tượng và đầy xúc cảm. Và ta thấy mọi diễn viên đã rất can đảm khi thực hiện những cảnh quay nặng nề về dục tính như việc cởi quần đi tè xem chim, thủ dâm , ….

Khi "tôi không muốn ngủ một mình" kết thúc, tôi nằm lăn ra giường, trên một tấm nệm, chuẩn bị cho giấc ngủ của chính mình. Chuẩn bị cho buổi sáng hôm sau, cho ngày hôm sau, cho nhiều ngày tiếp sau, cho nhiều tuổi tiếp sau với ồn ã xe cộ, ồn ã bài vở, ồn ã quán xá, ồn ã những tia hằn thù, ỗn ã những tiếng cười phớ lớ, ỗn ã những ồn ã...Tôi thấy gai người. Thay vì cơn buồn ngủ, sự huyễn hoặc kéo đến dắt tôi đi vào cái không gian của khu nhà xây dở ấy. Tôi nhắm mắt và tưởng tượng mình là ai trong ba người số họ? Gã người cứu rỗi, kẻ vô gia cư hay cô gái? Ở vị trí nào tôi cũng cần có một sự kết nối, không ai cả nên tôi kết nối với chính mình bởi tôi biết “từ chiều sâu của thế giới riêng mình, từ chiều rộng của nỗi cô đơn riêng mình, mà nỗi cô đơn tự nó đã là công việc, là chức vụ, là nghề nghiệp ? Cớ sao phải đánh đổi cái vô tri hiền triết của đứa trẻ lấy chống đỡ và khinh bỉ, trong khi vô tri là riêng một cõi, còn chống đỡ và khinh bỉ chính là tham dự vào chỗ mà chính mình muốn thoát ra bằng cách dùng chúng là phương tiện...” (trích Thư gửi một nhà thơ trẻ của Rainer Maria Rilke ) . Thôi thì tôi là chỉ là cánh bướm nhỏ đến và đậu trên vai Tsai Ming Liang. Nói với ông một câu: Tôi không thể ngủ trong khi, sau khi bộ phim của ông mở ra cơ hội được nhìn ngắm soi mói chính nỗi cô đơn của tôi.

3 nhận xét:

  1. kéo dài đằng đẵng như trêu "ngơi" nhãn quan khán giả

    do "luồn" không khí bao bịt bởi những thông tin đại chúng, kinh tế, …. - đã 3 chấm rồi thì ko có dấu chấm câu nữa nha cưng ^_^

    "Khi tôi không muốn ngủ một mình" kết thúc, tôi nằm lăn ra giường, trên một tấm nệm - Bỏ dấu ngoặc kép sai chỗ rồi kìa

    Ok, có vài chỗ sắp xếp câu chưa hợp lí lắm hoặc có lẽ do cố tình để tạo sự bí ẩn thì ko biết ^^
    cách dùng từ ngữ diễn tả suy nghĩ rất tốt, có điều vẫn thiếu gì đó trau chuốt và hoa mĩ - hoặc có lẽ do ko thích hay sao thì ko biết ^^
    nói nhiều đâm ra nói dại, vậy thôi, em viết tốt, viết nhiều sẽ kinh nghiệm hơn thôi, chúc em vui - trong thế giới của mình :)

    Trả lờiXóa
  2. bài cảm nhận này hay quá, đầy đủ nữa. Cậu ấm ngây thơ vào đây đọc đê !!!

    Trả lờiXóa
  3. Bàn về chi tiết con bướm thật tinh tế, vượt qua sự cảm về cái đẹp cảm xúc cậu đã có những kiến giải thật xác đáng. Tôi nhớ đến một câu của nhà văn Nathaniel Hawthorne trong cuốn tiểu thuyết Chữ A màu đỏ: “Hạnh phúc giống như là một cánh bướm, khi bị theo đuổi, luôn luôn nằm ngoài tầm tay với của bạn, nhưng khi bạn ngồi yên, nó có thể nhẹ nhàng đáp lên người của bạn.”
    Bài viết đã mở ra một cơ hội được khám phá bộ phim mình yêu thích và hiểu hơn về nó.
    Không có gì để chê ngoài rất nhiều điều đã góp ý ngoài blog này rồi.
    Mecci.

    Trả lờiXóa

Thư số 2: ‘Sự nhẹ bẫng không chịu nổi của những đám mây lang thang’ Gửi H (công chúa),  Nếu em hỏi anh anh là ai thì anh sẽ bảo ...