Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Sự sợ hãi đến từ bóng tối. Anh luôn sợ hãi.

Tiếng náo động của một gian chợ, luôn trống vắn, luôn làm anh lạnh gáy.

Anh chẳng thấy gì cả.


Phòng ngủ. Vắng. Hẹp. Thời gian tối. Đèn không tắt.

Anh gập mình. Tiếng bước chân nghe rõ rệt. Mắt anh không màu.

Một đốm trắng lóa sáng, nơi tiềm thức hé lộ những gam màu đã chết, đã đi vào quá khứ. Anh biết.

Cô gái nói với anh :

_Anh còn đấy chứ ?

Một câu hỏi về sự tồn tại.

Anh gập mình. Tiếng làm tình nghe rõ rệt. Cô gái lách mình né tránh ánh nhìn của anh. Hay còn đó một ánh nhìn nào khác. Anh không cần biết. Cô không rõ.

Thở hổn hển, anh trùm lên mọi thứ. Cô gái víu lấy tay anh. Anh bỏng rát. Sự dập dìu của những cánh buồm trôi. Cô cắn. Anh gấp rút. Sự dồn nén. Gam màu đỏ. Gam màu trắng. Lan tỏa.

Anh và cô nằm bất động một thời gian rất lâu. Anh không nói. Cô lặng im.

Cô gái nói với anh :

_Anh còn đấy chứ ?


Đường. Hẹp. Thời gian không rõ. Sau vài phút. Hay vài tiếng. Anh cần biết ?

Anh. Lộ liễu trong tiếng gió thở dài. Chúng đùa và làm duyên với anh. Anh phì cười. Đôi mắt trống rỗng. Nhìn vào hư không.

Tiếng xe cộ. Những ánh đèn vàng vọt. Những bọc ni lông bay. Chúng bay, cuộn thành những vòng tròn không mỏi.

Những vòng tròn. Hay những một phần tư của chúng.

Anh. Nhìn. Trời. Trong ánh mắt của đôi tai.

Mưa.


Nhà. Một mình.

Còn có ai ? Anh hỏi. Anh hỏi lần thứ hai. Rồi lần thứ 3. Rồi lần thứ 4. Rồi lần thứ n. Rồi lần thứ n + 1. Anh thở dài. Tiếng sóng. Màu trắng đã chết.

TV không màu. Tiếng chó sủa. Dây xích kéo lê, rồi dừng tại một cái lõm lồ của đất. Mưa âm vang. Mùi đất tanh. Xộc vào mũi.

Dị. Anh nắm cổ tay. Rỏ giọt. Mưa. Dột từ mái nhà. Không thủng. Chỉ có lổ thủng của anh.

Vòng tròn.


Một giấc mơ.

Trong đó, anh đang nằm giữa bãi biển. Đang nghe một bản nhạc của Ray Charles. Anh nhún nhảy. Anh thấy ánh mặt trời. Anh thấy. Bằng đôi mắt anh.

Đó là một cơn ác mộng. Phải chứ ?


Gam màu đen.

Hay là không màu. Anh không biết. Dù gì, sự nhận thức về màu sắc của anh đã tắt từ lâu. Làm thế nào để nói nó là màu đen khi anh không còn nhớ màu trắng là gì ?

Sự tồn tại. Nó làm anh day dứt.


Làm tình. Những cô gái xa lạ. Thơ dâng. Phối cảnh kỵ mã. Phép chiếu song song. Đừng dừng lại. Đừng dừng lại. Tiếng cô rên khe khẽ. Những ánh sáng lóe lên khắp nơi. Dĩ nhiên là anh không thấy.

Những điệu Jazz buồn của quá khứ.


Gió thổi.


Phòng tắm. Sàn trắng. Trơn bóng.

Lưỡi lam. Không mùi. Không màu. Không vị.

Va chạm.

Gam màu đỏ.

Gam màu trắng.

Gam màu đen.

Những gam màu ? Còn chỗ nào cho chúng ?


Thời gian lâu lắm. Người ta mới biết. Anh không mù, về mặt thị giác. Cái sự mù của anh như là một sự giao đãi giữa gam màu đen và trắng.

Sự tồn tại.


Có còn cô gái nào đến thăm anh trong cái đêm anh chọc thủng chính mình ?

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Trong suốt


Anh. Nhìn. Nơi vô định. Cầu bắc ngang qua con rạch đen, tanh mùi. Nắng thổi, gió bay.

Cô. Ngồi. Nơi sạch sẽ. Nhìn biển. Thở dài.

Họ cùng đi. Anh băng qua cầu. Cô băng đến bờ sóng vỗ. Tiếng gió. Tiếng sóng. Hòa hợp. Nắng thổi liên khu vực, điểm đến : sự chung đụng. Đồng cảm.

Anh. Nhìn. Cô.

Anh nhúc nhích sau khi đứng lặng. Cô thở ngắn sau khi thở dài.

Biển hát bài ca cuối cùng của loài người không còn đất sống.



Thứ ánh sáng nhập nhòa của hoàng hôn sắp tắt. Lặng mình, anh lê bước theo cô. Cô vén váy, gợi tình.

Anh theo cô. Ánh sáng : tóc cô.

Những vỏ ốc, gai mình. Nét tinh tế trong những cái rãnh. Biển, vươn mình, xung quanh đầy cỏ từ đại dương.

Ánh sáng. Tắt. Điểm đến : hư vô.

Anh lạc mất cô.


Một đêm. Dậy trong sự chập choạng của ánh đèn, anh nhấc mấy và gọi.

0

1

3

Và những hàng số chợt đến. Anh nghe thấy. Giọng nói. Sắc lẻm. Một người con gái. Không còn tuổi.

Anh chợt quặn mình. Những cơn sóng đánh vào đầu.

Anh cúp máy.

Anh lạc mất chính mình.


Đêm của sự không ngủ. Anh. Đi. Vận đồ trông giàu có. Một con chó chạy qua, bóng kéo dài. Hành lang đầy sự đau thương. Anh. Đi.

Anh. Chạy.

Cô nàng vận đồ đỏ, chờ anh đã lâu. Đồ đỏ, rồi không còn gì, trong suốt.

Những đường cong, chạy chầm chậm rồi rung bầng bật. Bộ ngực đầy đặn, với những sự kích thích từ trong tim. Nó thở bập bồng. Đánh nhịp.

Thịch.

Thịch.

Anh. Rờ vào những đường cong. Tê tái. Những con chim mòng biển kêu vang bóng tối. Tiếng sóng.

Anh. Nhớ. Cô.

Cô nàng trong suốt ưỡn mình theo từng nhịp mân mê. Ngọn lửa cháy bỏng của sự thèm khát.

Anh. Ẩm ướt. Sự chiếm hữu. Thở. Rên rỉ.

Những cái bóng trong đêm nhá nhem.

Anh. Lưỡi. Liếm vào rốn cô nàng trong suốt.

Nhờn. Bóng.

Những giọt nước chảy.


Nắng thổi, gió bay. Vốn sáng.

Cô nàng trong suốt. Hút thuốc. Khép kín, trong một tấm gương. Anh. Ngoài gương, nhìn những gợn khói nhả dài.

Anh. Nhớ. Cô.


Mọi sự yên ổn. Một bước ngoặt làm anh tỉnh giấc. Một con số. Địa chỉ, khắc lên miến gỗ có mùi ẩm. Mốc.

Anh. Tìm ra. Cô.

Không có chuông cửa. Chỉ có sự tĩnh lặng. Bập bồng trong không gian.

Con vẹt la ai oán. Anh không nói. Cô. Nhìn. Anh. Thở dài.

Sự chiếm hữu không còn trọn vẹn.

Anh. Trong suốt. Hút thuốc. Khép kín, trong một tấm gương. Cô. Ngoài gương, nhìn những gợn khói nhả dài.

Nó biến đổi.

Cô. Đi đến góc phòng. Đi qua tấm thảm đỏ. Đi đến chiếc giường. Con vẹt im lìm.

Anh. Trong suốt.

Cô. Trong suốt.

Sự hòa hợp trong âm vang của con vẹt. Những gợn khói nhả dài nơi vô định.


Tiếng gõ cữa. Ai đó.

Cô đi ra.

Con vẹt la ai oán.

Anh. Khóc.


Anh. Chiều hư vô. Đi lang thang bãi biển. Gió tắt, biển thở dài.

Anh nghe tiếng hát xa. Trong một vỏ sò, với những cái rãnh.

Anh. Một mình.

Một con chó chạy lại. Bóng anh trải dài.

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Chị

Chiều nay hẹn chị lúc 4g30. Mưa tầm tã, đạp xe từ 4g20 hụt hơi đến nơi. 4g40. Vẫn trễ. Để chị đội áo mưa ngồi chờ. Mình ướt chẳng sao, nhưng để chị ướt thì quả là tệ. Chưa kịp xin lỗi thì chị lôi cái DVD Amélie mình mua cho chị ở HN 3 tháng trước, cho ngay vào túi xách mình. Mình cười nhăn răng, chị cũng cười. Tranh thủ 30 phút trước khi vào học mình kéo chị ra một quán café cóc trước trường.

Mưa rơi lộp độp vào cái xô đỏ khổng lồ của bà chủ quán. Mình ướt nhẹp. Chị hỏi. Ăn vận vậy vô học luôn à ? Chị lại cười, lạ, với đôi mắt buồn.

Mình biết chị đã gần hơn một năm. Chỉ là do những thú vui tao nhã về âm nhạc mà hai người chung đụng.

Mình lẩm nhẩm một bài hát không nhớ tên của Coco Rosie.

Mưa vẫn rát.

Năm nay là năm 4 của chị ở ĐH Kiến trúc, cái trường xập xệ mưa ngập mắt cá ấy là nơi lần đầu mình gặp chị. Lần đầu nhìn vào đôi mắt buồn ấy, mình thẫn thờ. Chị và mình đi cafe dăm ba lần. Lần đầu ở một cái quán tăm tối, đèn cầy cũng thẫn thờ. Lần thứ hai ở đâu đó mà mình cũng chẳng nhớ. Dăm ba chỗ. Take. Rồi Lumineux. Rồi xa xăm. Rồi xa xăm.

Lần này gặp lại. Chị khác lắm. Nụ cườ nở hoài trên môi. Đôi mắt vẫn buồn và sâu đến lạ. Một chàng trai mới đủ để làm chị vui mà. Đúng không chị ?

Hãy mãi mãi vui nhé.

Vẫn nhớ những khi chị khủng hoảng. Trông kinh hoàng đến sợ. Chị chúi đầu vào những bản nhạc u ám từ những band nhạc xa lơ xa lắc bên tận Na Uy hay một xứ xở Bắc Âu nào đấy. Chị trưng lên cho mình những tấm hình darkroom, với những thứ ánh sáng quá dị.

Ngồi như một mình với điếu thuốc cháy dài, chờ mưa tạnh, chờ những ánh đèn ru ngủ.

Có lần chị hỏi mình. Ra Hà Nội nhé ? Mình nói đi bộ chị nhỉ. Có hơn nghìn cây thôi mà. Ừ thì cũng được. Giảm béo tốt đấy. Đi xong chắc chết giữa đường. Mà khi chết nhìn hơi đúi, không được mũm mĩm.

Mình cười riết. Sẵn dịp bò ra sàn lau nhà một thể, chị nhỉ ?

Đôi lúc mình thấy chị thật lạ. Ôi dào. Chị cũng hơn mình tận 5 tuổi.

Chị nói chi thích nghe Indie, bịp kín lỗ tai và phóng với một tốc độ cao nhất trên con đường về Biên Hòa.

Chị cũng thích xem phim. Mình cho chị mượn cả đống. Trong đống đó, không biết có phim nào đồng cảm được với mình không.

Chị khuyên nhủ mình nhiều thứ khi có vài lần mình lỡ than vãn với chị.

Đôi lúc chị giúp mình vững lòng hơn.

Dù đôi lúc chị khiến mình thấy yếu đuối trước mọi sự quá đỗi rộng lớn này.

Và mình vẫn chán mình vì đôi lúc mình nghiện được nói chuyện với chị. Thức đêm chờ chị.

Dù gì đi chăng nữa. Mình vẫn yêu nụ cười cùng đôi mắt buồn ấy. Mình nhớ đã có lần làm thơ về nó, cho chị, tặng chị.

Đôi mắt


Thôi từ nay ta bỏ
Nỗi lạnh gáy
Bập bùng

Trong bóng đêm
Tôi mơ thấy đôi mắt ấy
Nồng nàn
Một con thuyền vàng
Chìm trong giấc mộng
Với những đồng tiền không bao giờ được tìm thấy.

Con ngựa trắng
Trong bãi cỏ
Nằm thơ thẩn
Thở dài
Tôi nghĩ là tôi biết
Tôi luôn biết
Nó nghĩ gì.

Tôi thấy bầu trời
Tôi thấy biển
Với đường chân trời thẳng tắp
Và đỏ chói
Những vệt máu
Và nước mắt cuối cùng
Cho một ngày
Với những ánh dương lấp lánh
Những đồng tiền
Không bao giờ được tìm thấy.

Nó nghĩ gì ?
Tôi luôn biết.

Tôi thấy một dòng sông trong đôi mắt ấy
Tôi quay đầu lại
Bỏ đi
Và con sông tan vỡ.

Nhưng
Tôi
Sẽ quay lại
Vì thời gian là mọi thứ
Tôi sẽ là thuyền
Điều hiêu trong bao kiếp người
Tìm kiếm những đồng tiền
Không bao giờ được tìm thấy.

Đôi mắt 2

Đôi mắt ấy
Dìm sâu trong dục vọng

Nhờ đôi mắt ấy
Tôi tìm ra được chính mình
Với nỗi u uẩn chiều muôn thuở
Với bao niềm nhớ nỗi sum vầy
Với bao khúc ca chìm trong gió
Với bao nhiệt huyết tuổi mùa xuân
Đã chết ....

Xuân đương đến nghĩa là xuân đương qua
Còn tôi thì sẽ già
Chìm trong dục vọng nơi đôi mắt ấy
Chìm trong tình buồn nơi đôi mắt ấy.

Nhớ lại những chiều đã qua
Những ngày sẽ đến

Những tàn đông sắp khép đời da diết
Những tàn xuân u uẩn khúc mai tàn
Những tàn thu quanh quảnh đời mưa gió
Những tàn ngày nắng biết nhớ nhung ai ?

Chìm trong sầu đời nơi đôi mắt ấy
Vì hạt giống sẽ đâm chồi nảy lộc
Vì ngày mai sẽ đến
Vì cuộc đời sẽ quay tròn trong bão lửa
Còn lửa thì thử vàng.

Chủ nhật còn buồn còn lê thê hơn nữa
Mảnh tình còn dài còn xa xăm hơn nữa.

Vài chén rượu mừng vui.

Tất cả những linh hồn còn nhảy múa trên cõi đời
Theo tôi nhé.

Cái liếc ngược trong tan tóc
Cái liếc ngược trong hành trình cô độc
Cái liếc ngược trong tàn đông đen đúa
Cái liếc ngược bay hoài mảnh tình xưa.

Làm tôi hãi hùng và dìm trong máu
Máu của những ngày mưa không dứt
Của những ngày tàn đời
Của những phút giây chờ chết.

Đôi mắt ấy xoáy sâu từng ngõ hẻm
Trong lòng tôi ....

Rồi mưa cũng tạnh. Mình lại bắt đầu tìm kiến những đồng tiền chưa bao giờ được tìm thấy.

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

Nghìn năm đợi

Có một thoáng nằm bên chiều
Gửi người
Cầu gỗ
Nhớ một tí buồn mênh mang
Gửi nàng
Đỏm đáng
Trái tim đi xa
Người nhỏ bé
Gần gũi
Một mình
thoáng cầu bay.

Tôi đang đi
Ngỡ mình vội vã
Dấu hiệu
thủ đô
đè trong nghìn năm ngủ.
Mắt xanh
Chững chạc
Mơ mình tương lai

Chập chững
Nghìn năm đợi.
Ru mình
Trong mê say nghìn tuổi
Khó thở
Lửa cuốn
Tắt rồng
Bay.

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Ngày xưa.

Hôm nay mình lại gặp bạn, trùm trên người một cái áo khoác dày cui đỏ lòm. Bạn lên tiếng mình mới nhận ra.

Bạn hỏi mình còn nhớ bạn không ? Còn không ? Chắc còn. Bạn hỏi mình còn giữ số điện thoại cũ không. Ừ thì. Số nào ấy nhỉ ? Bạn lấy điện thoại ra bấm bấm. Uhm. Nhớ rồi. Số đó đúng đấy.

Nắng làm bạn kéo mũ trùm che lấp khuôn mặt, chỉ lộ ra một mái tóc chải khôn khéo. Bạn vẫn nhỏ nhắn như ngày xưa.

Ngày xưa Hoàng thị

Mình buồn cười. Trưa đã nắng chan chan, gắt gỏng mà bạn còn vận vào mình màu đỏ. Bạn vẫn còn cái nụ cười ấy. Giọng cười ấy. Nghe giòn tan. Lạo xạo. Như tiếng bánh vỡ.

Và mình lại nói. Bâng quơ. Chỉ bâng quơ, cho ra khỏi đám đông này. Cho ra khỏi sự nhốn nháo, sự rề rà, sự bỡn cợt này. Mình lại hỏi. Bâng quơ.

Bạn lại cười. Mình lại chẳng còn nhớ đến việc cái mồm mình đang phát ra những âm thanh gì nữa. Chỉ còn lại quá khứ.

Bạn một thời là thứ động lực duy nhất khiến mình đi học. Những năm cuối cấp 2 chán òm, vô vị với những thứ bài tập chán nản - Toán Văn Anh - từ những ông thầy bà giáo mặt nhăn nhó hù dọa đủ trò. Cuối cấp. Lũ bạn nhảy nhót, quậy đùa. Sắp tự do rồi. Sắp tự do rồi. Giải phóng khỏi sự áp bức. Mình cười hề hà. Ngồi cạnh bạn, thế là vui rồi. Cần gì trông chờ đến thời khắc hạnh phúc đó. Thực ra không hạnh phúc lắm. Vì xa trường, là xa bạn, là xa khỏi cái xứ nhốn nháo đó. Xa khỏi cái mớ càn xiên đó. Xa khỏi mọi thứ đã từng âm thầm nhuốm máu trong tim.

Nghe mà bấn loạn. Bạn là lớp trưởng. Không cao ngạo, mà thực ra rất âm thầm, âm thầm chịu nhịn cái nỗi đau vớ va vớ vẩn mà bạn cày ra. Những vết sẹo mà bạn tự gieo lên cánh tay, những vệt nước mắt tự thân vận động chảy xuống bàn. Mình không giúp gì được. Bạn có vẻ may mắn vì khi đó, ai cũng nháo nhào cho bạn, mình thì không. Mình để bạn một mình.

Có những lúc mình thấy thật vui. Những thứ vui nhỏ nhặt. Như khi ai đó kéo mình ra đâu đó ngồi, bạn kéo mình lại. Như khi bạn nhìn quanh quẩn như kiếm tìm mình. Như khi bạn rủ mình đi chung đến một nơi nào đó. Như khi bạn tâm tình với mình một câu chuyện buồn nào đó. Như khi bạn lắng nghe mình chia sẻ một thứ gì đó.

Rồi một thoáng, điều đó mất đi. Đôi lúc bạn vô tâm với mình. Đôi lúc bạn chả còn nhớ mình là ai. Chỉ còn lại những vết cắt, những nỗi đau vớ va vớ vẩn. Một mình bạn, một cõi bạn, với con dao rọc giấy hay cây compa sẵn sàng trên tay.

Bạn cười. Nụ cười lạo xạo. Thêm một vẻ ngây thơ. Đôi mắt trong trẻo. Như in dấu vào cuộc đời bất cứ ai lỡ đi ngang qua bạn.

Rồi đến sự chán, rồi đến sự nhạt nhòa.

Và rồi mọi thứ đều chấm dứt.

3 năm.

Và rồi trưa nay mình lại gặp bạn. Cùng trường. Chả bao giờ gặp nhau. Bạn học chiều, mình học sáng. Đi ngang qua nhau, cũng chỉ bâng quơ. Bâng quơ.

Và nó chỉ còn là một hạt nước còn tồn động trong cái kí ức chỗ trồi chỗ sụt này.

Bạn đứng chờ một người bạn khác. Mình đi trước. Nắng, từng hạt một, từng hạt một, sự vương vấn. Đọng lại.

Ừ thì tạm biệt, người bạn cũ.

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

Điên

Dẹp đi vô hồn
Còn đâu
Xả lai
Nhìn trời
Vô khóc

Nỗi tan tành
Chênh
Vơi
Héo hon
Hoa mòn

Cỏ bay
Lá bay
Nước chay
Gỗ mặn
Oan mình

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Quizas, Quizas, Quizas

Hôm nay anh nghe Quizas, Quizas, Quizas, với chất giọng xưa cũ của Nat King Cole, trong bóng tối. Anh nhớ đến bước đi đầy tinh tế trong “Tâm trạng khi yêu”, và anh nhớ đến em.

Có lẽ gió đã thổi chúng ta đi mất, gió là một thứ gì đó chướng tai gai mắt, cùng những cơn bão bụi mù mịt ở cái chốn Sài Gòn này, đúng không em ?

Tiếng Tây Ban Nha nghe sao êm tai quá. Anh lại nhớ đến những hôm cầm Tây Ban Cầm tí tách, réo rắt những bài hát không nhớ tên, không nhớ lời, chỉ mênh mông tình cảm.

Trong những bài hát ấy, luôn có những cuộc tình.

Anh buồn vì họ toàn viết về những cuộc tình đã mất, đã đỗ vỡ, thế nên anh mới không thèm nhớ lời đấy thôi. Tiên sư họ, anh không biết một bài nhạc tình nào vui để dâng tặng em cả, vì thế anh đọc cho em những bài thơ. Của anh. Tặng em.

Em có cười khi ngân nga chúng thành tiếng ?

Anh thì có, em có biết không.

Chỉ những ánh đèn trong “Tâm trạng khi yêu” mới giúp anh đứng vững được.

Quizas, Quizas, Quizas vẫn đang ngân vang trong cái quán cafe nhạt nhẽo này. Đèn tắt ngúm. Chúng không biết anh yêu ánh đèn. Những ánh đèn nhỏ nhoi, lay lất. Chỉ có em là biết.

Anh lại cười, ngây ngất, khờ dại. Anh yêu ánh mắt ấy. Trong gương, nó luôn là vĩnh cữu. Họ không hiểu được nó, em à.

Tiếng yêu day dứt lại đang vang vọng trong một ngăn kéo, chúng chứa được muôn vàn lá thư đã bị đóng dấu, cất bỏ. Chúng không thoát ra được, có một thứ gì đó tệ hơn chúng bị giam cầm nơi đây.

Sài Gòn vẫn nóng lắm. Và nó trở thành lò lửa kể từ ngày em ra đi. Em có biết không ?

Cuối cùng thì chúng ta là những gì, ngoài những chiếc lá rơi rụng.

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

Cát đắng

Lão rít điếu thuốc, trông khắc khoải, ánh nắng từ cửa sổ len lỏi qua tay lão, vướng vào đó những hạt bụi nhảy tưng tưng như muốn hòa mình vào những vết sẹo lõa lồ của chiến tranh. Lão ngồi trên một chiếc ghế gỗ đã mòn hết đôi chân, kêu kọt kẹt. Lão rít thuốc thật lâu, tưởng chừng như thời gian lẫn hàm lượng nicotine đều đứng lại và đi vào hư vô, nhưng, thật ra đầu óc lão đang quay cuồng.

Lão sinh năm nào đó, ở một cái thôn nào đó lão cũng không còn nhớ. Kí ức đến với lão cũng chập chờn như một ngọn đèn cầy, lúc mờ lúc rạng. Lão chỉ mang máng trong đầu rằng, đó là một nơi đầy cát, gió thổi một chập là một đoàn quân những hạt cát li ti ào lên tấn công vào những khuôn mặt đã từ lâu dãi dầm mưa nắng. Cát buồn.

Lão đang sống trong thời bình, lão ý thức được điều đó, nó cứ tự nhiên như thể nói rằng, chiến tranh là một thứ gì đó đã quá xa vời. Nhưng sự dai dẳng của nó vẫn không phai, dai dẳng, như một thỏi kẹo cao su mà thằng cháu lão vẫn hay thổi phù phù trong tiếng cười của lão. Bây giờ, nó không còn thể nào thổi một cái gì cho lão xem nữa.

Nó chết lâu lắm rồi, lâu đến nỗi lão không còn nhớ rõ chính xác việc đó nằm ở đâu trong những khoảng thời gian lộn xộn trong đầu mình, lão chỉ biết rằng, nó chết vì ma túy, cái lí do đó đã từng làm điêu đứng gia đình lão rất lâu. Cái sự nghiện ngập của thằng nhóc trông giống như một cú phóng tinh vậy. Lão buồn cười, vì đôi lúc, sự hòa bình lại chẳng có vẻ gì là thanh bình cả. Những cái chết không còn hằn vết đạn hay mảnh bom vỡ như thời chiến, nó bây giờ quá sức cầu kì, và đôi lúc quá ngu ngốc nữa.

Lão lại nhớ, vì đôi khi, quá khứ là cách duy nhất để gắn chặt lão với hiện tại, nhất là đối với những người ở cái tuổi như lão. Lão ho khan như muốn chế giễu chính mình. Và đôi mắt lão co lại, nhìn vào những hạt bụi li ti. Bồng bềnh, hư không.

Đó là một trận đánh không người lái, bốn chiếc T-54 kéo lê dây xích của mình trên những cánh đồng đầy rẫy hố bom, với cái tiếng động không thể nào kinh dị hơn. Nhưng khi đó, lão không nghe thấy gì hết ngoài tiếng gọi của đất nuớc, của đất nước, chứ không phải của trái tim. Lão phi thân như gió qua những làn đạn bay của giặc, vì đất nước, vì đất nước. Đôi lúc, chỉ đôi lúc thôi lão thấy hối hận vì sao lão không chặt đứt phăng ngón trỏ của mình đi từ trước cho rồi.

Lão mơ thấy nhiều lần cái việc điên rồ và vô song này : lão đi trong đêm tối, đó là một con đường rải thảm đỏ, với những bông hồng, những lá cờ đỏ tung bay, nhưng vắng lặng, người ta ẩn nấp vào bên trong những căn nhà đổ nát, xiêu vẹo, với những huân chương mạ đồng óng ánh treo trên tường. Lủng lẳng, con chó chạy vào chạy ra sủa những bài ca chiến thắng của riêng nó. Còn lão thì không. Lão cứ đi cho đến khi vượt qua hàng vạn, hàng vạn thân xác của những người lính, không vận đồ, khỏa thân, với những khuôn mặt giống nhau, giống i như nhau, mếu máo. Lão thấy một luồn gió đến từ phía Bắc, và một cái lạnh đến từ phía Nam, rùng mình. Lão nghe thấy tiếng khóc của những con người co quắp trên những mộ phần thắp vài ba nén nhang thơm. Lão cứ đi tiếp, cho đến khi tiếng vỗ òa của biển cả đã gần trên vai. Lão ngồi đó, trên một bậc thang nhìn ra biển, ẩn nấp một con tàu lớn đến mức vĩ đại.

Giấc mơ đứt quãng vì tiếng chuông báo thức, mặt trận phải cần có người lính, lão đã không thoái thác được nữa. Mùi mặn của biển vẫn còn đâu đó trên mái tóc người con gái ấy khi lão hôn cô ta, ánh mắt chỉ nghĩ đến chiếm hữu, và mặn nồng. Người con gái rên lên từng tiếng khẽ khàng, nhẹ nhàng rồi nhanh chóng chìm vào đê mê. Ái tình khiến lão quên đi mọi thứ, không còn gì để nhớ ngoại trừ cái cảm giác đánh nhanh rút nhanh này.

Mưa đập vào mặt lão những tiếng thở dài, người đàn ông 20 tuổi tên Quân đó có phải là lão trong quá khứ. Những vết muỗi chít thấu đáo, chỉnh chu để rồi những cơn sốt rét hành hạ Quân, khiến anh rên hừ hừ trong bóng tối.

Lão đã dần nhớ lại. Ừ phải, lão đã từng có một cái tên.

Quân. Cái tên mà cha mẹ đặt cho anh ban đầu là Tịt, nhưng khổ nỗi chiến tranh mà để một thằng mang cái tên như thế ra trận chiến đấu thì quả là kì. Anh tự đổi mình thành Quân, mặc dù giấy tờ không thể nào thần kỳ mà đổi theo cái ý thức hệ của anh được. Văng vẳng đâu đây những tiếng gọi buồn từ gia đình, họ không muốn cho anh gia nhập cuộc chiến tranh thảm khốc này. Số là, họ đã bất thần khi biết được, đứa con hàng xóm đã bị một viên đạn làm toát cả sọ chỉ một tuần sau khi thằng nhóc xấu số đó gia nhập quân ngũ.

Quân có một người bạn tên Lính , với khuôn mặt đóng dấu một vết sẹo, như tiếng cộp từ chối mà gã làm giấy tờ nhìn anh khi anh tỏ ý muốn đổi tên mình. Lính khỏe mạnh, vạm vỡ, với những bờ vai rỏ đầy nước mắt của những cô gái đã vướn vào đời anh ở mỗi nơi anh đi qua. Anh cười hề hề, vô tư : “Tao yêu tất cả thảy bọn họ.” Quân không hiểu được trái tim của Lính có lớn như bờ vai của anh không, nhưng nụ cười của Lính đảm bảo cho một sự thủy chung về tình bạn.

Và cô gái ấy, với mái tóc mùi biển, khuôn mặt trái xoan, cùng giọng nói ngọt như mía, người mà đã dính chặt với anh kể từ ngày anh gia nhập cuộc chiến tranh cứu nước này. Cô có một bộ ngực tròn trĩnh, vừa tay, với quả mông như đánh đu với cuộc đời. Anh yêu cô lắm, hay anh những tưởng rằng như thế. Cô yêu anh, và nhiều anh khác nữa. Anh không buồn, vì chiến tranh làm cho người ta chả còn mấy để ý đến những điều ất ơ đó nữa. Những đêm ái ân khiến cho tiếng bom đạn như bay xa sang tận phía bên kia lục địa, mùi đất khét. Cô thở dài, nhưng cái điệu bộ càng khiến anh mê tợn. Anh cũng thở dài.

Đất lỗ chỗ hố bom. Mọi nơi anh đi qua đều hoang tàn như thế. Khói bốc lên những màn sương mờ mịt, che phủ cả tương lai của một đất nước. Chiến tranh là một thứ gì đó hữu hình, tượng trưng và phi lý còn hơn những cuốn tiểu thuyết của Kafka. Anh không thích đọc sách, nhưng Vàng thì có, với một thân hình mảnh khảnh nhỏ con, với cái kính cùng những quyển sách dấu diếm mọi người, vì “Tao muốn ra trận để giết”, chỉ len lén đem ra vào những lúc tối mịt khi mọi người đã ngủ. Chỉ có mình Quân biết rõ việc đó.

Quân treo mình giữa tiếng máy bay rơi, cười sảng khoái. “Ồ, một thằng tàu bay đã rớt.” Tối nay sẽ là một bữa tối linh đình. Giữa đêm, trăng và sao. Nhưng Quân chợt thấy buồn, khi đó anh còn nhỏ lắm. Và nỗi nhớ nhà chả có nghĩa lí gì với anh cả. Anh buồn vì băn khoăn quá đỗi. Lính kéo một em nào đó vừa cưa được vào bụi cây làm tình. Vàng đắm mình vào trong suy nghĩ cao thâm nào đó. Chỉ có mình anh là đối diện với chính mình.

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn nguây.


Anh cười thầm, ít ra mình cũng còn nhớ được một đoạn. Khiếp, nghe sao mà buồn lay lất. Trời khua mình nhưng đất vẫn khôn nguây.

Đó lại là một trận đánh không người lái. Lính vẫn nói : “Tao ghét cái vùng đất đầy rẫy vong linh đó. Mỗi lần tao nhớ lại, nước mắt lại trào ra. Khô quánh”. Những người đồng đội của cả Lính và Quân và Vàng đều đã giã từ cõi đời nhăng nhố này, trong những khắc an thần nhanh như chớp, một cái báng súng nào đó, một khẩu tiểu liên nào đó, hay một quả bom rơi rụng nào đó.

Chẳng có thằng tàu bay nào rớt trong trận đánh đầy máu thịt anh em đó cả.

Tất cả chỉ là phi lý. Quân ghét nó. Quân ghét phải giết người. Quân ghét phải giả vờ rằng mình sinh ra là để cứu nước. Tất cả chỉ là phi lý.

Những chiếc xe tăng kéo theo nó vô số những mảnh thịt vụn bị đay nghiến. Quân rùn mình. Những mảnh thịt rồi sẽ được cạo rữa sạch sẽ sau cơn mưa. Nhưng, trời vẫn tối mịt đường về. Anh lê mình cùng khẩu tiểu liên qua xác một em bé lõa lồ, đôi mắt ánh lên một chút gì đó hi vọng. Tiếng rên mình ư ử của một bà già bị rách toạt cả vai, nhưng không chết. Chả có thứ gì giết được dân tộc này, đúng không ?

Khi đó Quân 20 tuổi, và một cuộc chiến còn hằng dài phía trước. Bây giờ, lão đã 70, với một cuộc chiến dài đã bị bỏ lại phía sau.

Lão kéo thêm một hơi thuốc, với nắng vẫn còn vướng trên tay. Những kí ức bây giờ vẫn lộn xộn, chắp nối. Lão nghe tiếng hàng xóm, một cửa hàng nhỏ nhắn, với bà chủ đã ngoài 60. Lão vẫn hay sang chơi với bà, vì nỗi cô đơn. Bà có nhiều con, mỗi đứa một phương trời. Chúng rất có hiếu. Bà vẫn lủi thủi một mình nhìn chăm chăm vào chiếc TV mà chúng nó tặng, “Để má xem đỡ buồn.” trong khi chúng thì càng rời xa bà.

Lão không thích sang đó hôm nay, vì có một thứ gì đó đang níu lão lại. Tiếng kót két của chiếc ghế gỗ đã tìm được chỗ đứng của nó ở một thế giới khác, không phải ngay bây giờ. Rõ ràng là Quân đang bám lấy vai lão, giục lão nhìn lại.

Quân kéo chiếc ghế, nhìn vào gã đại tá. Đôi mắt hắn ta trông như muốn bóp chết Quân. Ừ thì cô ấy là của tao đó, mày không nên quan hệ nữa, mày biết đó, tao cũng yêu mùi biển trên tóc cũng như quả mông đánh đu đó, mày nên kết thúc mà thôi, nếu không thì cuộc đời mày cũng không tốt lành gì cho lắm đâu, và so với cuộc chiến này thì nó có lẽ nó sẽ còn tệ hơn đó. Hắn nói thẳng thắn quá mức Quân có thể chịu được. Nắm đấm như được tương ra. Và số phận của nó là sẽ nằm thẳng trong khuôn mặt đáng ghét của hắn. Hắn chảy máu, nhưng không khán cự. Ừ, tốt lắm, thế là mày sẽ chấm dứt với cô ấy, mày rõ chưa ?

Tên đại tá không phản khán, đó là điều làm Quân kinh sợ, hắn không nói gì cả. Điều đó càng chứng tỏ, nấm đấm chả có đôi chút nghĩa lý gì. Sự khinh miệt có thể thấy rõ.

Quân nhìn vào mắt cô ấy. Anh không khóc, cô ấy cũng thế. Mọi chuyện kết thúc trong im lặng.

Anh lân la vào những ngôi làng anh đi qua, tìm kiếm những cô gái khác, như Lính. Anh không thấy được sự thoải mái trong đó. Trái tim anh đã vỡ. Nó không còn chứa được ai cả.

Bốn miến đạn gim vào người anh trong một trận đánh đồn địch. Anh thở gắt, mắt quay tròn, lòng đen và trắng lảo đảo va đập vào nhau, tay anh run lẩy bẩy. Trận đánh thất bại. Bọn chúng bị một trận chổng vó, nhưng chúng ta cũng chết sặc sụa. Lính mất đôi tay.

“Mày có nhớ cuộc đời này nó đã như thế nào không ?”. Ngay hôm trước trận đánh, Lính nói với Quân như thế. “Ý tao là trước khi cuộc chiến này xảy ra.”. Quân im lặng, không, có lẽ anh chẳng nhớ gì cả. Có chăng đó chỉ là những mảnh vẽ rời rạc và dối trá. Lính hút một điếu thuốc, khói tỏa lên bay theo gió, vượt qua những dòng sông đã cạn và về với tuổi thơ.

Lính sinh ra ở một thành phố cảng, nơi có những cây phượng đỏ rợp trời. Cuộc sống vô tư và phóng khoáng. Lính sống vui lắm. Không gia đình. Người thân là những anh em chung chiến giang hồ. Lính tình nguyện đi lính. Anh nói với Quân : “Đời tao sinh ra là để sống chết trên chiến trường mà.”. Lính không đọc nhiều sách như Vàng, nhưng anh luôn ngâm nga một bài thơ để cưa cẩm các cô gái mà anh lỡ đi qua trong hành trình của mình.

Phải từ hạt sáng bình minh
Mở ra em – một nguyên xanh rạng ngời
Ta nâng khúc hát đón mời
Cỏ cây như cũng bừng tươi khác thường.

Sông hồ trải mấy yêu thương
Mái đầu đốm bạc, chặng đường còn xa;
Một lần thôi mắt bỗng nhòa
Một vòm che, một thiết tha ngọt ngào.

Gặp em phải giấc chiêm bao
Sao ngờ ngợ quá, hương ngào ngạt say.
Lặng yên chớ động bờ mây
Chỉ nhìn thôi, thế đã bay khúc đàn.


Quân luôn hỏi Lính một câu, mày có hiểu bài thơ không ? Không, tao chả hiểu chi sấc, tao không phải là một con người Văn Học, mày biết đấy. Lính lại rít một hơi dài, với bàn tay sẽ mãi không còn trong chốc lát nữa thôi. Chỉ trong chốc lát nữa thôi.

Lính luôn mơ về một khi đất nước hòa bình, tao yêu màu đỏ lắm, mày biết đó. Đó là màu của máu, của chiến thắng. Lính cười hề hà, như một anh hề thứ thiệt. Giờ đây thì nụ cười đã nhòa đi mất. Lính ném điếu thuốc vào khoảng không trống rỗng. Anh sẽ không còn cơ may nào nữa. Với cánh tay cụt, anh được gửi về nhà. Dĩ nhiên là Lính buồn, cái nỗi buồn chính hiệu không a dua hợp thời. Quân đôi lúc phải đặt cho mình một câu hỏi, liệu số phận có còn đi đôi với hiện thực ?

Lính buồn lắm, “Đất nước này cần có tao, Quân ạ. Mày thì khác, mày cần có chính mày, còn tao thì không.”. Đôi lúc Quân thấy Lính quả thật rất u uẩn, khác hẳn với vẻ hào sảng vẫn có. Quân thì khác, ừ phải, Quân không có được cái tinh thần như Lính. Mặc, liệu anh có cần điều đó không ? Tiếng ai đó,cùng gió, cuốn theo một bài thơ.

Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ

Lính đi mất, bỏ mặc lại Quân nằm u mê chờ lành đạn. Vàng yêu một cô gái thôn quê, trốn khỏi cái cuộc chiến chinh đầy giông tố này. Người ta gọi Vàng là kẻ bội phản. Quân không bình luận gì về cái tin đó cả, những chuyện như thế nay đã quá thường để ta có thể gọi nó là bất ngờ.

Quân gieo vào mình những câu chuyện mộng mị về một thế giới bên kia, nơi mà anh sẽ được gặp lại những đồng đội đã chết. Anh reo lên vui sướng khi một ai đó kể cho anh những câu chuyện về việc nằm mơ thấy bạn hữu năm xưa. Quân ngủ vùi trong trạm xá. Anh chả gặp được ai cả. Chỉ có những giấc mơ về một ngôi nhà ọp ẹp, giữa một chốn đầy cát. Hoa mắt.

Anh bình phục với một gương mặt chưa dứt bụi, anh nhớ về ngôi trường cấp Ba nhỏ bé yêu dấu thời quá khứ, với những ông thầy hăng như hổ đói, mà đúng là đói thật, la vang dưới ánh mắt của lũ học trò bên dưới : “Không có gì quý hơn độc lập tự do đâu, chúng bây có hiểu không ? Chết vì đất nước là một điều vinh hạnh lắm đó, chúng bây có hiểu không ?” Bọn học trò nhăng nhít như anh, với ánh mắt chưa nếm mùi đời, tỏ lên một vẻ anh hùng rơm thấy rõ, hò hét bài ca chiến trường nào đó. “Nếu tao là chúng bây, tao sẽ gia nhập ngũ, chúng bây có hiểu không ?” . Ừ, nhưng rốt cuộc, những người thầy đó không phải là “chúng bây” , có đúng thế chăng ? Họ dìm mình vào những cơn say, những quân cờ tứ sắc sau giờ lên lớp, với những lý tưởng cao cả và đẹp đẽ trong mồm. Ừ thì, không có gì quý hơn độc lập tự do. Ai cũng hiểu rõ được điều đó.

Quân không tình nguyện đi lính. Vì rớt Tú Tài, anh phải khăn gói ra đi. Có cái gì đó âm vang trong những câu chữ này, Tịt. Anh nghĩ, tên anh phản ánh đúng chất liệu đó chứ.

Đó là một năm khác, khi Quân hành quân trên những con đường đèo tiến về cao nguyên, gió thét gào những bài ca không tên của riêng nó. Rõ là vui thật, tuy hơi nhọc. Những tiếng xe rào rạc trong tiếng kêu của côn trùng, băn khoăn, băn khoăn. Và rồi có ai đó toan gieo mình xuống vực, với những tiếng la í ới, í ới. Mở ra, mở ra, tiếng đầu máy của vực thẳm điên rồ của địa ngục, mở ra mở ra. Ai đó hát thế, sự điên loạn trong câu chữ thấy rõ. Có lẽ những đêm ngày chiến tranh này đã làm cho con người cùng quẫn. Quân lại nhớ đến Lính, và nỗi buồn lại xoắn sâu vào lòng anh.

Nỗi buồn trong chiến tranh là một thứ gì đó thật trừu tượng. Pháo sáng. Thằng nào đó đang điên loạn, có một cơn điên ngầm trong những người lính. Người ta chịu đựng quá nhiều, quá nhiều băn khoăn, quá nhiều nỗi đau. Ai đó nói, rồi mày sẽ chai lì. Nhưng Quân biết rằng không phải thế, sẽ không bao giờ thế.

Sẽ không bao giờ thế. Quân thở hì hục trong cơn đau nhứt. Có lẽ anh sắp chết, có lẽ những viên đạn đã không được gắp ra một cách hoàn hảo, có lẽ anh sẽ sống chết trên chiến trường đầy bom đạn này. Cũng có lẽ không. Cuộc đời khó đoán, và rõ là thế khi Quân hay tin Vàng dày công trở lại binh đoàn cứu quốc, chịu hình phạt, nói : “Rõ khổ, nó đày đọa em quá các bác ạ.” Quả là rõ khổ đối với một con người tri thức đầy mình như thế.

Có lẽ, cái chết và sự đày đọa đó có một ranh giới nào đó, không quá mỏng manh nhưng cũng đủ gần để chơi đùa với con người.

Và rồi người ta nói hòa bình rồi sẽ chóng đến, chóng đến. Quân cũng không biết được, vì người ta vẫn hay nói thế để lên gân đồng đội. Có thể hòa bình sẽ không bao giờ đến được, trong đầu anh chỉ chất chứa những mảnh đạn, những mảnh bom mà vùng đất âm u này gánh chịu. Nếu có được hòa bình thì anh vui chứ. Có lẽ thế. Anh không biết cái cảm giác đó như thế nào, vì chiến tranh đã sống trong anh quá lâu rồi.

Quân thở phào khi nhận được thư hồi âm từ gia đình, ít ra anh còn có điều đó trong tim. Họ mừng khi còn nhận được tin tức của anh. Anh mừng vì không ai trong số họ xui xẻo dính phải một quả bom nào đó thả lơi giữa trời cả.

Ba má vẫn khỏe. Con có còn nhớ con Mực năm xưa ? Nó chết rồi con ạ, nó đạp phải một quả mìn chưa kịp tháo. Tội cho nó, lúc con ra đi, nó nhớ con lắm, nó quẫy đuôi nhìn theo bóng con mãi. Con có nhớ không ? Ai cũng ghét chiến tranh cả, vì họ sợ, con à, sợ ma đấy. Họ sợ khi những bóng ma vất vưởn ngày một tăng, ngày càng nhiều. Càng nhiều, con à. Họ sợ những tán cây cao to rồi sẽ đổ rạp xuống, mình hằn đầy vết đạn. Buồn lắm, buồn lắm con có biết không ?

Việc tiếp tục tồn tại của Quân là chỉ để chờ đợi và kiểm chứng ngày hòa bình sẽ đến. Có lẽ trong âu lo của những mảnh tàn bom với những quả mìn chưa kịp tháo, có lẽ trong hội hè, có lẽ trong tiếng cười, tiếng khóc. Anh không biết rồi nó có vinh quang như người ta vẫn nói, vẫn làm thơ về nó. Chỉ là những tiếng lạc quan vô tư và hi vọng trong cái thời kì xám xịt của nhân loại.

Đói. Người ta đói hòa bình. Quân cảm giác được điều đó. Người ta chạy nhanh hơn, bắn nhanh hơn, giết nhau nhanh hơn, chết nhanh hơn. Cơn đói dĩ nhiên là khủng khiếp, nó lan truyền khắp mọi nơi. Người ta cảm thấy gấp gáp và hăng hái hơn. Cuộc chiến nhanh hơn, gấp rút hơn.

Trên chiếc xe Jeep chạy khềnh khàng qua con đường đá, Quân có thể nhìn thấy những oan hồn. Họ đang đòi được giải thoát, những thân xác không ai quen biết, không ai hay được được chôn cất bừa bãi. Vô tâm.

Và đó là lúc Quân bắt đầu có những giấc mơ, điên rồ và vô song.

Tiếng khóc kéo lão về với hiện thực. Một đứa bé. Lão sợ hãi vụt tay lại.

Đó là ngày Giải Phóng. Quân đi qua những mái đầu xanh rờn, với nụ cười nở hoài trên môi. Anh đi qua những hàng cây xanh ủ bóng người về. Với những lá cờ thất thế bị đốt và ném bên lề đường. Những con chó gầy guộc, mắt trắng dã. Âm vang, âm vang. Lâu lắm rồi người ta mới vui đến thế. Ai đó nói. La hét mới đúng. Tiếng nhạc phát lên từ đài, từ những chiếc radio cũ kĩ.

Quân đi ngang qua một con đường. Nơi đó tồn tại một tiếng khóc không ai nghe thấy. Sự hân hoan quá mức đã che lấp những nỗi đau chưa nguôi kịp. Đó là một thằng bé nằm trong nôi. Tiếng khóc nghe kì diệu quá, nó đánh thức một cái gì đó trong anh. Và rồi chợt tắt. Anh cảm thấy tội lỗi. Anh bắn nó. Tiếng súng bị hòa tan cùng những tiếng reo vui, không ai biết, không ai hay. Máu chảy một màu đỏ rực.

Những quân cờ đã vào trận, trước đó rất lâu, Quân đã tìm được cho mình một thú vui mới, đó là chơi cờ với chính mình. Hằng đêm, anh nằm trằn trọc lay lất lắm mới tìm được giấc ngủ cho mình. Anh như thấy tim mình đang thổn thức. Những quân cờ trắng đen, đơn giản lắm, hóa ra lại có cái thi vị. Anh dùng nó để giết chết sự mất ngủ. Anh chơi không hay, nhưng chơi với một thằng không hay khác là chính mình thì chả sao cả. Ừ thì cờ cũng là chiến tranh đấy, với quy mô nhỏ hơn, vả lại, ngồi trên đầu người ta mà điều binh khiển tướng luôn vui hơn là làm một thằng tốt vô danh trên sa trường.

Quân gãi rột roạt trong đêm, nhìn những con muỗi bay. Rõ khổ, chúng nó làm thế quái nào chịu được cái cảm giác này. Lũ giặc ấy.

Quân đã bắt đầu thay đổi. Có một con thú đã được đánh thức. Có lẽ, Quân đã đứng trong một tấm gương và nhìn ra quá lâu rồi.

Quân bắn giết rất bạo. Một lần, anh chọc thẳng vào mắt một đứa, với con dao bấm sắc nhọn.
“Á há. Mày có còn thấy được vùng trời này nữa không ? Á há. Vùng trời rất đỗi bình yên đó.” Giọng anh tưng tửng, mang chút cuồng bạo. Vùng trời được tô điểm bằng một màu đỏ chảy dài từ hốc mắt tên giặc, trông nó như đang khóc.

Và rồi nó khịu xuống, dang hai tay lên trời. Cầu nguyện. Quân đạp cho nó một phát rõ kêu. Nó óc lên một tiếng dễ sợ rồi lao đầu vào Quân. Á há, nó thế mà khỏe. Quân vật lộn với nó. Nó đang trong cơn bấn loạn. Quân kéo con dao ra khỏi mắt nó, cho nó thêm một phát ngay cổ. Con mắt còn lại của nó trợn ngược lên, cuống họng ọc ọc nghe như tiếng rít thuốc lào, và rồi nó chết.

Quân bắn vài phát đạn vào đầu nó, óc nó phọt ra, nhờn cả một mặt đất đầy máu.

Sướng tê cả người, Quân nghĩ trong đầu. Giết chóc là một chuyện, chơi với việc đó lại là một chuyện khác. Quân không điên, trong chiến tranh, không ai có thể dùng từ đó cả. Vì chiến tranh là cuồng loạn.

Hậu quả của những cơn tắm máu đó là một cái gì đó phiêu du. Quân nghiện, như những cây cần sa, như những điếu thuốc lào. Quân vui đùa bên những viên đạn tiểu liêu. Mân mê nó. Tán chuyện với nó. Cho thỏa đầy cô đơn.

Quân thèm khát mùi thuốc súng, anh những tưởng đã có thể bắn lấy chính mình khi không còn kẻ thù để giết. Vốn kinh nghiệm chiến trường, cùng những chiến công của anh đã đủ vững để anh có được chỗ đứng riêng của mình. Nhưng, sự cô đơn vẫn còn đó. Cái cô đơn trong chiến tranh đã bị vùi lấp mất bởi những câu chuyện về tình đồng chí, hay tình yêu cao đẹp. Nhưng họ vẫn cô đơn. Họ cô đơn nhìn về một đường chân trời đã khép lại qua bao đầu súng máy, bao quả bom B52 bị thả ra và tàn phá cuộc đời. Của những con người. Của những con người, gầy còm, thở hắt nuôi con, những người con của bom, của đạn.

Quân cô đơn. Kể từ khi cuộc tình xưa chấm dứt, anh chả còn ai để mà mân mê, để mà làm tình theo kiểu đánh nhanh rút nhanh nữa. Anh thủ dâm với chính mình, trong một tấm gương như đã vỡ ra thành trăm ngàn mảnh từ lâu lắm rồi. Lưa thưa, rỉ máu.

Đó là một chiều mưa bão. Khi những hạt mưa đã tìm được chỗ đứng của nó trong những hố bom lỗ chỗ, Quân sung sướng hứng lấy hứng để những hạt nước mắt của đất trời, hít lấy hít để cái mùi đất đã ươm mầm bom đạn, đã nuôi dưỡng chúng bằng xác thịt anh em.

Cuộc diễu hành nhân ngày đại thắng đã làm Quân bừng tỉnh. Trong giấc mộng của mình, Quân vẫn ngồi đó, trên những bậc thang nhìn ra biển, ẩn nấp một con tàu lớn đến mức vĩ đại...

Lão kéo lên mình trên phiến đá đã mòn của thời gian. Chẳng mấy chốc, lão đã lại nhìn thấy khuôn mặt mình in trên cửa kính, một khuôn mặt đã già, héo úa, tàn phai nhanh chóng. Cái số phận bạc bẽo đã không cho lão nhìn thấy một hòa bình thật sự, trong tim lão. Lão cười đùa với chính mình, nặn cho mình những trái tim bằng đất, đá. Không còn ai trở lại. Đầu óc lão chỉ là những kí ức buồn thảm, không có gì vui trong chiến tranh cả.

Cát giờ đã đổi màu trong mắt lão. Lão nhớ đến chàng trai Quân khi còn là một đứa trẻ, vốc cát thổi như reo, vang xa, vang xa. Ánh mắt trẻ thơ, nhìn mọi vật ra muôn ngàn tinh túy. Trong cái bình minh của tuổi già này, lão ý thức được, những đam mê và hi vọng của thời trẻ đã bị dấn thân vào một cái hố đen sâu thăm thẳm, của chiến tranh. Tình người vẫn hiện hữu, nhưng sao sự ấm áp không còn thơm như mới. Cáu bẩn, đáng ghét thay cho cái tinh thần của Lính, của một người trí thức như Vàng, của một cô gái với cái mông đánh đu chực ôm lấy mình. Những người đồng đội, cười đùa, chia nhau những món quà, nhỏ nhoi. Sống hết mình, vì đất nước, vì anh em. Bạn thù là một. Họ bắt tay nhau ngày đoàn tụ, trong những lời đay nghiến cho nhau. Cái tình vẫn còn đó, phải chăng là thế. Dù nó dần chết và bị che lấp bởi vô vàn lời dối trá. Không ai biết. Chẳng ai hay. Sự che dấu được tổ chức ngoạn mục, và hơn thế nữa, tốt nhất là không nên để lộ ra làm gì.

Lão động đậy.

Quân gieo mình trong những tiếng bom bay, ngày cuối cùng của cuộc chiến vốn đã quá dài. Quân tắm rửa sạch sẽ để tiếp tục quãng đường phía trước, nghe mọi người nói một cách hạnh phúc. Phúc đức thay cho những thân xác đã rũ thân mình để chúng ta có ngày hôm nay. Quân khi đó cầm không vững cây súng AK47, anh kéo lê mảnh hồn còn xót lại của mình trên những con đường lán cón. Khiếp, tụi nó trông thế mà khá ra phết nhỉ ? Họ nói với nhau bằng một thứ giọng không rõ miền nào, trung lập đến khó tin.

Những bức tường hai bên trắng toát, không ai phản khán, Quân nhớ là như thế. Gió thổi từ phương Bắc. Anh không ngờ rằng rồi sẽ có ngày hôm nay, Hòa bình, hòa bình. Anh rồi sẽ lại quay về vùng đất đầy cát. Chả biết nó đã khá khẩm hơn chưa. Dấu vết của cuộc chiến không biết đã làm hao mòn đi bao nhiêu hạt cát rồi. Dù gì thì cát vẫn buồn, buồn đến u mê. Đôi mắt của bà má anh thì không đổi màu. Bố anh thì lao lực, chạy trốn khỏi cái mà ông dối lòng gọi là chính mình. Lá cờ vẫn phất phới. Mặc cát. Mặc kệ nó.

Quân nhớ mang máng cái đêm đó, những con đĩ rống lên, những thứ bị đốt, những giọt máu. Mủ.

Rồi chiến tranh cũng nhanh chóng đi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho sự thanh bình cùng những tàn dư khó chữa. Không khí vẫn ủ dột và mênh mang, cái nghèo nàn vẫn còn đâu đó. Tuy vui hơn khi trước, nhưng vẫn đói, về thể xác. Những chuyến xe nối bao miền được gầy công sửa chữa. Bọn chúng đã cút. Thế là vui rồi.

Cái ngộp đã đến với Quân trong men rượu. Anh quay về để rồi nhận những cái bắt tay tòan là của những người xa lạ. Với những gương mặt rệu rã sau chiến tranh. Họ ôm chồm lấy anh, dù anh biết rằng mọi thứ chỉ là ảo tưởng. Cái ảo tưởng rằng anh đã làm gì đó cho đất nước này vẫn bám theo Quân cho đến tận ngày hôm nay.

Lão đã cuốn mình vào kí ức quá lâu. Điếu thuốc đã tắt tự bao giờ. Ánh sáng cũng thế. Bây giờ, trong cái căn phòng nhỏ xíu này, lão đã chìm trong bóng tối. Lão lấy ra một gói thuốc rồi nhận ra nó đã trống rỗng. Đèn đường chưa kịp bật lên, lão thu mình trong góc phòng rồi chợt nhận ra một sự thiếu thốn đến kì lạ. Lão mở toan cửa vào vội vàng tìm cho mình một gói thuốc. Lão không nghiện, nhưng bỗng dưng cái ngày kỉ niệm hôm nay làm lão day dứt đến mức khó ở. Bà lão hàng xóm đang xem một chương trình TV náo động và rùm beng, lão giục bà, có vẻ bà đang khóc. Sự im lặng ngự trị hồi lâu trong cả hai người. Rồi bà cũng ráng dấu diếm nước mắt, đưa ra cho ông một gói thuốc. Lão vẫn im lặng. Đèn đường đã sáng rực khi lão đặt chân về đến nhà.

Cát vẫn thổi những cơn bão sầu thăm thẳm.

Bố Quân đã chết trong những tiếng than khóc rầm trời. Hàng xóm, những người đồng môn, bè bạn. Chỉ có Quân và má Quân không khóc. Họ chỉ đứng nhìn với đôi mắt trống rỗng, tàn tạ. Ngôi nhà không còn gì ngoài huân chương và những con chó không màu mắt, những tiếng động của thời gian trôi, của sự im lặng không còn gì để mất.

Rồi bà cũng ra đi. Không một tiếng thở dài. Có lẽ, bà chỉ chìm trong hư vô, trong một thế giới khác – không người lái. Bà mãi trôi khi những tiếng la í ới của những con thuyền trôi ngược dòng sông. Không có bờ để đậu. Đời người mà. Một cõi đời chả tốn mấy chỗ. Những con thuyền lượn lờ kéo theo những tờ bạc người đời ném xuống. Giã, rồi vụn.

Quân còn lại một mình. Đôi khi, anh nhìn lên những tấm hình thờ phụng trên nóc tủ, thấy họ đang săm soi. Săm soi cho những ngày còn lại của Quân, từng chút một. Rồi Quân ra đi, khỏi cái nơi nắng gió và đầy cát này. Anh đốt ngôi nhà của tổ tiên xưa để lại, đốt cả vong linh của những con người đã khuất, đốt cả mọi danh vọng hão huyền năm xưa. Chỉ để lại cát, và cát. Mọi thứ lại quay về cát bụi.

Những năm tháng nhọc nhằng đi qua, Quân tự giữ chân mình ở cái nơi điên rồ mà anh đã từng chiếm đóng vào cái ngày Giải Phóng, với những thứ vô cùng mới mẻ. Những thứ hiện đại vô cùng, từ những kẻ thù năm xưa. Chúng lại quay về trấn giữ cái vùng đất của dân tộc này.

Đó là những năm thăng trầm, rồi Quân cũng có một tình yêu, rồi những đứa con ra đời, với những câu chuyện hào hùng từ bố nó. Quân kể, Quân kể với một giọng điệu bạt vía khó tin, những câu chuyện mênh mang phóng đại, kéo theo vô vàn tiếng cười sảng khoái.

Đôi khi, Quân thấy trên truyền hình, những đồng đội và kẻ thù của mình được trưng lên cho những thứ đại diện cho Thiện và Ác. Không công tâm cho lắm, nhưng thói đời là vậy.

Rồi mọi thứ cũng đi qua, những cái chết lần lượt lại kéo theo tất cả những người thân của anh. Cuối cùng, chỉ còn một mình Quân, chỉ còn một mình lão, sống trong một ngôi nhà không quá nhỏ, chỉ còn một mình lão, cô đơn. Suốt đời.

Trong những giấc ngủ chập chờn cuối đời, lão vẫn còn mơ thấy những giấc mơ điên rồ và vô song ấy.

Lão ngồi đó, trên một bậc thang nhìn ra biển, ẩn nấp một con tàu lớn đến mức vĩ đại.

Lần này, con tàu rỉ sét, mang lấy màu đỏ, giống như máu.


Sài Gòn, 25/7/2010

Thư số 2: ‘Sự nhẹ bẫng không chịu nổi của những đám mây lang thang’ Gửi H (công chúa),  Nếu em hỏi anh anh là ai thì anh sẽ bảo ...