Thứ Năm, 15 tháng 7, 2021

Những Linh Hồn Sống (1)

 Những Linh Hồn Sống 

1: Về cái khe hở bao trùm cái bóng màu đen của móng chân phủ lên thịt chân, 

hòn sỏi chứa linh hồn của Jung, 

những-thứ-không-thể-nắm-bắt-được-trọn-vẹn, 

làm thể nào để cạo đứt vệt sơn của Francis Bacon,

và cái xác chết có linh hồn của Marcel Duchamp 

(phần 1) 

Mọi người bảo, nhìn bàn chân của nó phẳng thế chắc sau này sướng lắm. Nó bảo, chưa thấy sướng gì cả chỉ thấy rất lười đi bộ: phẳng quá làm chân không đủ độ đàn hồi. Làm sao mà cái độ cong của bàn chân có thể ảnh hưởng đến vận mệnh? 

Ở công ty có một đứa tỉ lệ móng chân với tỉ lệ thịt chân rất nhỏ: không biết điều đó có ảnh hưởng gì đến việc hằng ngày con bé phải leo cầu thang lên xuống mấy tầng mới đến được chỗ ngồi một cách đều đặn và không khoan nhượng cả năm nay? 

Liệu việc mang dép quá nhiều thay vì mang giày có ảnh hưởng đến sự nhỏ bé của móng chân hay không vì Sài Gòn mấy bữa nay nóng, hầm, và mưa xen kẽ. Cái nũng nịu mưa đầu mùa có làm da chân co rúm lại sau hàng giờ ngồi máy lạnh rồi ra đường hít lên mùi đất ẩm? Hình như mưa gió mùa có khả năng ảnh hưởng đến việc mọc tóc (càng mưa dữ dội tóc càng mọc nhanh?). Hay nó chỉ đang suy nghĩ theo một lối nghĩ ma thuật phỏng theo những niềm tin cổ xưa của shaman giáo? 

Năm trước, nó dùng Jesmonite để tạo khuôn của bàn chân nó để làm mô hình thạch cao. Một thứ ẩm ướt và nhõng nhẹo được dùng để tạo ra một thứ cứng cáp. Gần gũi với đôi bàn chân của chính mình là một cảm giác thú vị. 

Nó hỏi, liệu cách khoảnh hở giữa móng chân và thịt chân có phải là nơi để linh hồn của nó thoát ra ngoài môi trường. Hay cái môi trường vật lý xung quanh nó có lọt vào cơ thể nó bằng cách ấy được không? Người ta bảo, mắt là cửa sổ tâm hồn. Nhưng nó bảo không: cái khe hở bao trùm cái bóng màu đen của móng chân phủ lên thịt chân mới là cửa sổ tâm hồn chứ.  

Thầy cô nó hỏi: tại sao mày đi học kiến trúc mà lại lo lắng về chuyện móng chân và linh hồn?   

Những đôi giày của nó không bao giờ khít và vừa vặn cả. Nó chỉ biết dùng dây buộc dày để nới lỏng hay khít vào tùy vào kích thước linh hồn nó co vào hay dãn ra tùy ngày mưa hay ngày nắng. 

Người ta cứ phải quy định công năng chi chít cho những công trình mà quên rằng Corbusier đã nói thêm một câu ‘Nhưng con người cũng có trái tim’ sau cái câu nói nổi tiếng ‘Nhà là những cỗ máy được sống trong’. Con người là một động vật sáng tao luôn muốn rũ bỏ sự cầm tù để tìm ra được tự do nhưng kiến trúc sư thì luôn tìm cách để định đoạt về sự ở của con người. Corbusier còn chép lưỡi khi đến Pessac bao nhiêu đấy năm sau để thấy những người ở đã định đoạt thay cho ông số phận của cái công trình ấy mất rồi. 

Nó nghe bảo rằng những tòa nhà của Phát Xít ở Đức thời Hitler phải làm cửa to lắm để đủ cho những người phát xít đi qua một cách vừa vặn. Nó cũng nghe thầy nó năm ngoái bảo ở Doge Palace ở Venice có một cái cửa đôi: một đủ to để vừa cho cái tôi của Doge và một đủ nhỏ để vừa cho cả thảy người khác. 

Làm thế nào để một thứ mang tính vật chất có thể tương tác được với một thứ không-thể-nắm-bắt-được như linh hồn? To hay nhỏ, vừa hay không vừa, mạnh mẽ hay yếu đuối, chua chát hay nhu mì? 

Nó nhớ đến cái nắm cửa phòng làm việc của bà Marie Curie vẫn bị ám lấy bởi chất phóng xạ.

Nó nhớ đến Carl Jung. Jung vốn là một đứa trẻ bệnh tật yếu đuối nên hằng ngày ông ra bờ sông, ngồi lên một hòn sỏi và đem nó về cất giữ. Hòn sỏi trở thành một vật chứa linh hồn. Bảo vệ hòn sỏi là bảo vệ lấy chính linh hồn thật của Jung. 

Nó nhớ đến cái căn phòng mà Ilya Kabakov đã sắp đặt, chứa một cái slingshot to oành bắn chủ nhân của căn phòng đó lên vũ trụ. Cái trần hở một lỗ toang hoác. Ta thấy một khoảnh khắc sau cuộc nhưng ta cũng thấy sự ám ảnh của một người muốn thoát khỏi một nơi tù túng để được dạo chơi một mình ngoài không gian. 

Linh hồn là một thứ không tài nào nắm bắt được. Cái chuyện biết và chưa biết và không tài nào biết được nó khác nhau lắm chứ. Có một lần một ai đó bảo nó: những thổ dân hồi xưa họ rất nhạy bén, dường như có một sự kết nối giữa linh hồn họ, những bộ phận giác quan trên cơ thể họ, và thế giới bên ngoài. Họ có thể linh cảm được bao giờ trời mưa bằng cách áp tai xuống đất, hay ngửi mùi gió mà cảm được bao giờ núi lửa sẽ phun trào. Cái trực giác siêu phàm đó là một thứ mà con người hiện đại đã đánh mất. 

Xưởng vẽ của Francis Bacon nằm ở 7 Reece Mews, South Kensington, London. Căn phòng là một hiện thân của cái bạo lực hỗn loạn của Bacon trong lúc vẽ, in dấu lên tranh của ông. Bacon bịt kín một nguồn sáng tự nhiên duy nhất trong phòng là cái skylight và chỉ dùng ánh sáng nhân tạo. Vì thế, những cái bóng trong tranh ông thường là bóng đổ mạnh. Ông vẫy sơn mạnh bạo để chúng ám dày chi chít lên tường, cửa ra vào, và sàn. Người ta không thể nào cạo chúng ra được nữa. Ông đi tới đi lui qua những mẫu báo cắt dàn bùi nhùi có ảnh người hay vật mà ông dùng để thay thế người mẫu. Những thứ của Bacon được nghiêm khắc sắp xếp một cách hỗn loạn nhưng đậm đặc cái đặc tính của Bacon-duy-nhất. 

Khi nó nhìn vào cái lỗ nhìn trộm của Étant donnés, tác phẩm cuối cùng của Duchamp, tất cả những gì nó thấy là một cái xác chết đột nhiên sống dậy, được trao cho linh hồn, đổi ngôi, và nhìn trộm ngược lại nó.






















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thư số 2: ‘Sự nhẹ bẫng không chịu nổi của những đám mây lang thang’ Gửi H (công chúa),  Nếu em hỏi anh anh là ai thì anh sẽ bảo ...