Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Nhớ một điệu tàn

Cho đến tận cùng nỗi nhớ cũng chỉ là một căn hẻm nhỏ, một cột đèn ít khi được bật, một nhà xí bằng đá không tên, một bậc thang đi lên những dây căng phơi đồ, một bát cơm, một chén sấu, và một chút Trần Tiến "Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè thôi."

Tôi đã từng viết thế, về Hà Nội. Một Hà Nội của quá khứ, tồn đọng trong cái đầu óc lộn xộn và không thành thật này. Một Hà Nội của Văn Cao còn đâu ? "Xa xa xa. Đêm đông tiếng còi tàu. Hà Nội càng thêm cũ. Gió cuối năm luồn vào phố hẹp. Ruột phố Hà Nội cũ. Nhớ một cánh buồm. Xa ngoài sông Hồng thấp thoáng. Nhớ một điệu tàn. Vũng sao khuya sóng sánh." Ông viết bài thơ vào năm 1967. Đó là một Hà Nội tôi chưa thấy. Hà Nội khi tôi đến, chỉ có một sông Hồng xa xa xa, một sông Hồng tối đen mù mịt, một sông Hồng không chảy. Cầu Long Biên, với ruột cầu là những thanh tà vẹt. Không nghe tiếng tàu chạy. Những thanh tà vẹt chết. Đó là một thời kỳ của sự ngóng vọng. Hà Nội lúc đó là Hà Nội của những con người bị thế giới này huyễn hoặc. Có đứa đã sống 18 năm ở Hà Nội, xem "Mùa hè chiều thẳng đứng" của Trần Anh Hùng, đột nhiên thốt lên, Hà Nội sao đổi thay nhanh quá. Hà Nội trong tôi còn đổi thay nhanh hơn nữa. Như anh Hoàng nói, mày thích một nơi nào đó chỉ vì ở nơi đó mày có bạn, có bè. Hà Nội trong tôi gắn liền với những con người Hà Nội, những con người (đã từng) bị thế giới này huyễn hoặc. Nhưng mà ngày tháng ngao du rồi cũng phải qua. Con người ai cũng phải lớn lên, rồi cũng sẽ tung cánh, tung cánh là một sự giải thoát. and for a moment i feel young. i call on the bird. unfurl.

Nó đã biết thế. Nó đã biết rồi sẽ có một ngày như thế. Nhưng nó lại cứ tự huyễn hoặc chính mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’

  ‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’     Người Đức có khái niệm Umwelt dùng để miêu tả cảm giác tồn tại giữa th...