Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Tình yêu có màu gì ?

Có đang nghe một bản nhạc quá hay về tình yêu ? Có đang tự hỏi, tình yêu có màu gì ?


Chúng ta đang ở giữa lòng Paris, không phồn hoa, tráng lệ, không mĩ miều, kiêu sa. Chỉ có một màu vàng, của những ánh đèn. Bên ta, cạnh ta. Da diết, màu hoan ca. Một chàng nghệ sĩ đường phố cứ quay vòng vòng quanh những vòng tròn bất định. Một nghệ nhân kịch câm giễu người đi đường. Nhưng giờ này còn mấy người đi ? Giờ này chỉ còn hai ta. Chung đụng một mối tình câm. Không giễu ai được cả.

Anh nghĩ đến ngày cưới em. Ngày đó có màu gì ? (Ngày đó là ngày bắt đầu tình yêu thật sự). Hiển nhiên là màu trắng, màu của sự trinh khiết, màu áo cưới, màu tinh khôi. Trắng, để khám phá, để lục lọi, truy tìm. Điều gì ? Anh không biết.

Ngày đó có màu đỏ, của rượu, của son môi em, của trái tim em. Màu vàng , của ánh đèn, của thân thể. Màu nâu của đất, của bánh mì, của những dãy ruy băng, của tiếng đàn ghita. Màu xanh của mắt em, của bầu trời (hay cả hai là một) ? ! ?

Sáo mòn thay cho việc cưới xin. Liệu có thể quẳng đi tất cả để cùng bưng bê nhau lên một con thuyền nhỏ nhắn, nơi anh khua mái chèo và em thì hát. Hát bài nào hay đi, anh không thích nghe mớ nhạc rẻ tiền về tình yêu mà bọn loắt choắt chẳng biết gì về tình yêu cứ rao rảo luôn mồm trên truyền hình vô tuyến. Đừng hát những bài ca chia tay, chúng ta vừa mới bắt đầu mà. Hãy hát Cuộc đời màu hồng, của Edith Piaf ấy. Ừ, đúng bài đấy rồi.

Nhưng hãy nghĩ thử xem. Tại sao chúng ta lại không tổ chức lễ thành hôn ? Ở đó có anh chàng nhạc công đánh piano (có khi là một người da đen), tệ lắm là một band nhạc (đầy những anh da vàng, da trắng). Anh sẽ kêu họ đánh một bài nào thật bốc, thật đỉnh, bỏ qua những thứ ỉ ôi èo uột, bỏ qua Ave Maria, bỏ qua Cát Bụi (em có tin nổi không, đám cưới mà người ta vận bài đấy) – anh từ chối nhạc Trịnh Công Sơn trong bất cứ ngày vui nào của chúng ta. Anh sẽ vận “The man who sold the world” của David Bowie (thú thật là anh thích bản của Nirvana hơn). Anh sẽ vận Ray Charles, sẽ vận Eric Clapton với bản tình ca Layla anh đã từng nghe đi nghe lại hàng trăm lần, sẽ vận Beatles – không Paul Mccartney, tức là chỉ có những bài của John Lennon, Across the Universe, chẳng hạn.

Ta có khách khứa, có bàn tiệc, có thảm đỏ, có một gã MC nói đi nói lại những điều rỗng tuếch, những điều trăm lần đám cưới đều như một. Nào là sống hạnh phúc răng long đầu bạc, nào là vĩnh cửu mãi tình yêu đôi uyên ương trẻ. Sẽ phát giấy mời bạn bè như thế nào nhỉ. Bỏ vào một phong bì vàng, đỏ, hay trắng ? Giấy xịn hay không, giấy láng cóong hay nham nhám xù xì. Ghi thế nào bây giờ ? Tiếng Anh hay tiếng Pháp, hay tiếng Việt ? Sẽ dặn dò mọi người khi cầm theo thiệp mời nhớ bỏ vào vài trăm đô hoan hỉ, để rồi đừng khóc, đừng cười, đừng trốn tránh, vì chúng tôi sẽ đến tận nhà mời bạn đi, chêm một câu, “Đồ ăn ngon lắm đấy.” Ừ mà ngon thật chứ em, nào tôm hùm cá biển, nào thịt thỏ lỗ tai heo, nào gà quay chim nướng. Thơm phức cả một phòng. Chúng ta trao nhẫn, khuyến mãi thêm một nụ hôn nồng cháy. Rượu đổ xuống trên những tầng ly. Khách vỗ hai tay, xong vội vội vàng vàng dùng một tay chộp một cái cẳng gà nhai nhồm nhoàm, một tay nâng li bia Con Cọp lên hô ào một cái, “Dzô...” . Vang dội cả một phòng. Rồi anh và em sẽ khóa tay nhau đi đến từng bàn chào thân ái, chào hữu tình, chào những người rất quen, quen, hơi quen, tạm quen, và không quen lắm. Có những người là bạn học cùng lớp cấp 3 năm xưa, hồi đấy ghét cay ghét đắng mà giờ tay bắt mặt mừng. Có những cô gái anh đã yêu, anh đã thích, gặp lại thấy xao xuyến bồi hồi, muốn véo má, véo mông nhưng đành hãm cái sự sung sướng lại. Có những thầy cô, giờ tóc bạc phơ, cố vắt óc xem sao thằng này là thằng nào trong số vô vàn đám học trò mình đã dạy, và anh chỉ cần nhẹ nhàng nhắc nhở, con là cái đứa chuyên gia ăn trứng ngỗng (hay nên nói là trứng con ngỗng, trứng của con ngỗng, trứng của con ngỗng đẻ ra) môn Toán đấy. Thầy có nhớ không ? Vẫn không nhớ. À, thế thì thôi vậy, pon a-be-ti thầy nhé. Cố phát âm ra một câu tiếng Pháp bập bẹ. Học trò thầy mà, tiếng Tây tiếng u rành lắm. Nói như nó là Mo-đơ tưng ấy. Thế mà gặp lại giáo viên Anh ngữ xưa, miệng líu ríu lại, anh như con chim ngứa cổ hót chơi, rồi anh cười một cái, tiếng cười nhơ vỡ ra thành trăm mảnh thủy tinh. Chốc chốc lại nhặt nhạnh một miếng cứa vào ký ức, đau chứ, ký ức nào chả đau, đau tóe máu, vì hiển nhiên nó chỉ còn là ký ức, chẳng hiện hữu rõ ràng, như nhân ảnh, khi mờ khi rạng. Có người anh nhớ, dù anh không cố tình nhớ. Có người anh quên, dù trong đầu cứ biết rằng người đấy đã từng rất quen thân với ta, trong một khoảng thời gian nào đó, rằng nếu ta cố gắng thêm chút nữa, màn sương mù của chứng quên đó sẽ bị xóa mờ. Nhưng anh không muốn cố gắng, vì ngày hôm nay không phải dành cho họ, ngày hôm nay là để dành cho em.

Đêm đó anh sẽ đọc thơ cho em nghe, một bài thơ tình (hay là không phải) .

“Anh biết em từ độ
Em mới tuổi mười hai
Anh yêu em từ thuở
Em còn tóc xõa vai...”

Anh sẽ nằm kế em, hỏi, tình yêu có màu gì ? Em sẽ cười , màu gì thì em không biết, nhưng nó sặc mùi rượu, mùi men nồng cuối xứ Mê Li. Ồ, anh chỉ hạnh phúc quá đó thôi. Anh chỉ hạnh phúc quá đó thôi.

Đêm đó là đêm của sự hoài niệm.

Tình yêu là cái tuyệt đích nên không bao giờ được thỏa mãn. Thế nên những bản nhạc tình hay nhất đều là nói về sự tan vỡ. Tình yêu có màu gì ? Ai mà biết. Chẳng ai cần hỏi những câu hỏi đậm mùi siêu hình ấy đối với một thứ giản đơn vô cùng như tình yêu. Giản đơn, nhưng làm sao chiếm trọn được nó ? Làm sao hiểu được nó ? Ai mà biết ? Anh sẽ yêu em, với bất cứ giá nào. Ai dám nói điều đó, và giữ lời. Ai dám nâng tầm nó lên ? Anh sẽ cưới em, với bất cứ giá nào. Người ta có thể nói những câu nghe vĩ đại như, Anh muốn sống bên em trọn đời, Anh sẵng lòng chết vì em. Nghe giả tạo tợn. Bình dị hơn, và chân thật hơn, ít người dám nói, và càng ít hơn những người dám làm.

Một lễ thành hôn. Tất cả chỉ là sự tưởng tượng.

Tình yêu có màu gì ? Ai trả lời giùm tôi câu hỏi đó.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Oạch

Oạch oạch
mưa lá đỏ tan hoang
những dấu chấm thang xuống dòng
đòi ngủ, ăn và làm tình như con người
chưa biết rằng con người khổ nhất là ăn, ngủ và làm tình

oạch oạch
con người chỉ cần một vai phụ
dễ dãi phóng tinh
linh kinh đồ đạc
nào thơ Hoàng Cầm
nào trần trụi
- với văn chương
nào nguyệt đài
sao chổi
ánh dương bay những khúc tàn
trơ trụi lá
lông mao
chào thế kỷ

oạch oạch
năm 2000 là năm nào
tôi không biết
cháy
nóng quá
nóng bỏng tay
rụi thế hệ buồn
buồn
vì không có linh kinh đồ đạc
không có thơ Hoàng Cầm để đọc
không có trần trụi với văn chương
hay nguyệt đài
để dễ dãi phóng tinh

oạch oạch
mưa láp nháp ngoài ngõ vắng
những vết sơn xanh lục
trên những phiến đá mòn
tan hoang
những dấu chấm câu
bị nhốt
để không bao giờ được tìm thấy
xin đừng đếm những sự tổn thương trên vai gầy nhỏ mọn
xin đừng nhỏ nước mắt dựa trên những niềm tin, lòng tin, vớ vẩn
xin đừng nói nữa, hét nữa, bỗ bã, vụn về
chặn họng lại
câm họng lại

oạch oạch
tan hoang
làm tình
phóng tinh
nơi nguyệt đài
nơi trăng tròn giữa hai thế giới
một anh
một em
một trái tim
một hi vọng
một sự sám hối
một  nhúm lông mao
một cười khi thỏa mãn
một khóc khi đớn đau
nhục nhã ê chề
vớ vẩn

‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’

  ‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’     Người Đức có khái niệm Umwelt dùng để miêu tả cảm giác tồn tại giữa th...