Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Tướng về hưu


Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Khắc Lợi. Một câu chuyện của một tác gia họ Nguyễn, một bộ phim với một đạo diễn cũng họ Nguyễn. Nói thế là để thấy rằng, sự đồng bộ trong tư tưởng của hai nhân vật ấy đã được biểu hiện rõ ràng ngay từ đấy. Chẳng phải khó khăn gì để nhận ra bộ phim bám sát vách với cái sườn nguyên bản. Nhưng một người tên Lợi, một ông tên Thiệp. Hằn đó những dấu vết thay đổi, không dở đi, cũng chưa hẳn hay hơn, nhưng thể hiện một tư duy và một cái nhìn của riêng đạo diễn với tác phẩm chuyển thể. Tướng về hưu, đó đây một bầu không khí u ám và nặng nề của một xã hội Việt Nam thời hậu chiến, mở cửa, đồng tiền ùa vào.

(MK. Cái mở đầu vô duyên quá chừng ....)

Phim mở đầu bằng một cảnh dùng tracking shot dõi theo chiếc xe Jeep quân sự đang chạy băng băng qua một cây cầu sắt, với góc máy làm tôi nhớ đến vài đoạn trong ‘Trăng nơi đáy giếng’ của Nguyễn Vinh Sơn. Sau đó, từ góc máy khách quan, phim đổi bất chợt qua góc máy chủ quan – điểm nhìn từ trên xe đối với đường phố và đời sống nhộn nhịp, như một lời báo hiệu cho cái nhìn chính yếu, hay nói cách khác – nhân vật chính của bộ phim – ông Tướng về hưu. Đối với - cuộc sống thời đó. Chủ đề tư tưởng bộ phim đã được bày ra ngay từ những giây phút đầu tiên. Đó là một sự đối nghịch, một mâu thuẫn đang ngầm ẩn chứa. Phải chăng những thanh sắt chằng chéo của cây cầu càng nhằm muốn nói cho chúng ta thấy rõ hơn cái mâu thuẫn, cái đối nghịch đó, với chiếc xe quân sự chở ông Tướng dường như bị giam cầm giữa cái cuộc sống mới đang chạy ro ro chung quanh.

Sau đó, cảnh đến nơi và chất đồ đạc lại báo hiệu cho chúng ta bối cảnh nơi xảy ra tấn kịch này, một căn nhà với nhiều con chó. Hình ảnh những con chó với tiếng sủa dữ dội rơi vãi rất là nhiều nước dãi  – lại là một lời cảnh báo. Nó giống như một cánh cổng biệt lập, một sự bày tỏ, nhắn nhủ khéo léo cho khán giả rằng, bạn chớ có rớ vào phim nì. Nó dữ dội đấy, nó đồi bại đấy, bạn có khả năng sẽ bị shock đấy. Nó cũng biểu hiện lấy sự đe dọa khi bước vào một gia đình vốn được xem là khá giả và rất mực vinh quang, nhưng thật ra là một căn nhà tha hóa và tồi tệ trên từng mặt nghĩa. 

Nhân vật ông Tướng bao giờ cũng là hình ảnh của niềm vinh dự, tự hào. Cả ở trong họ, trong làng, tên tuổi ông được mọi người ngưỡng vọng. Ông Tướng là một con người đi biền biệt, thỉnh thoảng cũng ghé về nhà, nhưng những lần về đều ngắn. Nói cách khác, cuộc đời của ông gắn bó với vận mệnh của dân tộc, cuộc đời ông, là ở chiến trường. Sự thành công nơi chinh chiến khiến cho ông được suy tôn như một vị anh hùng, một niềm tự hào của cả họ, cả làng, khiến ai ai cũng phải vỗ tay, hô hào và ra vẻ đồng thuận nhiệt liệt khi ông phát biểu. Đấy là một ông tướng, với quân hàm sáng chói và được ghi công oai ra phết, nhưng lại hiện hữu như một chủ thể bất lực trước hiện thực không như ông mong đợi. Một hiện thực thối nát.

Lại nói về những cảnh phim, kế tiếp cuộc ra mắt của những con chó là cuộc ra mắt của toàn thể gia đình ông Tướng, giữa một bữa tiệc chào mừng cái hoàn cảnh ‘về hưu’ của ông. Một thủ pháp được Nguyễn Khắc Lợi sử dụng, mà người ta có thể thấy rõ nhất trong ‘Bố Già’ của Coppola. Dùng một bữa tiệc để khơi mào câu chuyện, để lần lượt điểm xuyến hết toàn bộ các nhân vật với tính cách của riêng họ. Ở đấy, giữa nền nhạc bập bùng ầm ĩ, ta đã thấy một ông Bổng mưu toan lọc lừa xảo trá nhưng lại hằn vết yếu đuối của một thời đã quá xa, quá vãng, một quá khứ giang hồ oai hùng đã mất. Đấy là Thủy, một con mẹ tính toán, vô luân. Đấy là Tuân, con ông Bổng, một kẻ lưu manh, mất dạy, chửi và hăm đánh cả bố mình. Đấy là ông Cơ – cô Lài, hai bố con bỏ quê cha đất tổ mồ mã tổ tiên để ăn nhờ ở đợ cho nhà ông Tướng, hiền lành và chịu khó nhưng bị chèn ép như những con người dưới đáy tận cùng xã hội. Đấy là một ông chồng nhu nhược, yếu hèn, không ngây thơ nhưng chẳng thèm tính toán, một con người đứng đó như một công trình ngã ba, một vị trí trung lập, chẳng biết phải làm gì ngoài việc khổ sai chính mình. Trong truyện, đấy là nhân vật xưng tôi, đã từng nói một cách vô thưởng vô phạt “Không phải trò đùa, nhưng cũng không phải nghiêm trọng"  khi nghe ông Tướng phàn nàn về cuộc ngoại tình của Thủy . Đấy là vợ ông Tướng, điên nhưng lại tỉnh, hiện hữu như một nạn nhân bị đay nén nhưng lại uất ức và muốn chống trả, muốn cười nhạo lại cái hiện thực điên rồ đang hiện hữu xung quanh. Phim còn đây đó nhiều lớp nhân vật phụ khác, rải rác, không tiêu biểu, nhưng vẫn tồn tại với cá tính riêng biệt. 

Sau những cảnh ban đầu ấy, câu chuyện của gia đình ông dần dần được bóc tách ra, những chuyện có lẽ chẳng ai ngờ được. Đó là những mâu thuẫn và xung độ : nổi và chìm, như một tảng băng trôi. Người và người, tiền và đạo đức. Một cuộc ngoại tình xảy ra ngay trong căn nhà này, không mảy may thèm che đi dấu vết của nó. Một đàn chó được nuôi dưỡng bằng những bào thai hỏng, nghiền nát trong một chiếc máy xay thịt – hình ảnh mang đầy ý nghĩa. Những nhân vật u mê dùng tiền để mưu cầu chính mình. Những kẻ đồi bại chỉ biết đến đồng tiền. Những bữa tiệc vun đầy âm thanh và tiêu pha phun phí. Tất cả để chỉ lên một sự tha hóa, mất dần nhân tính trong một cuộc sống dường như ‘đầy đủ, vui vẻ, giàu có’ đến nỗi ông tướng phải thét lên : “Khốn nạn. Tao không cần cái sự giàu có này.” .Ta phải thấy hình ảnh chiếc máy xay thịt như là một biến tướng của một cỗ máy khổng lồ nghiền nát nền tảng đạo đức con người – cho chó gặm.

Dĩ nhiên, ta thấy không vui cho ông Tướng, một người đã từng oai hùm, đã từng làm vua ngoài chiến trường. Nay về gia đình, thấy đồng tiền – như một vị vua mới không ngai -  đè đầu cưỡi cổ mọi người, một cách dễ dàng, không súng không đạn không xe tăng máy móc, chỉ lợi dụng lòng tham không đáy của con người, và ăn mòn nó.

Dĩ nhiên, nguyên nhân ‘tiền’ dẫn đến sự tha hóa con người và sự phi nhân tính là một lớp nghĩa dễ dàng để thấy. Nhưng, ta lại phải đặt ra cho mình câu hỏi nhỏ : Tại sao tên truyện lại là Tướng về hưu, tại sao lại chọn nhân vật ông tướng, tại sao lại đặt hoàn cảnh về hưu, chiến tranh có ý nghĩa gì trong này, và một câu hỏi quan trọng hơn : tại sao ông lại lạc lõng ?

Vẫn tồn tại đâu đó một dấu vết của thời chiến tranh khốc liệc, nơi mà cái nguyên nhân cho bi kịch xã hội ấy không hẳn là tiền bạc. Một thời kỳ đầy máu, đầy giết chóc đã quá vãng chẳng qua chỉ là một lời biện hộ cho một thứ gì đó không thuộc về chính ông . Ông tướng sống trong cuộc chiến quá lâu, ông tướng hiện diện bất lực, cô đơn khi trở về, vì hẳn trong chiến tranh, nhân tính không màn đến, vì giết chóc chẳng qua đó là đang bắn giết kẻ thù đó sao.Nhưng nay, chíên tranh vẫn hiện diện như một bóng ma níu kéo ám ảnh và cũng đồng thời hiện hữu trong cuộc sống với nhiều bất đồng và mâu thuẫn gay gắt. Như thế, ngoài việc đại diện cho một nhân vật điển hình ‘người lính’ – ông còn đại diện cho một nền tảng đạo đức đáng lẽ nay ngày một đi lên sau khi thoát khỏi chiến tranh, khi đời sống đổi mới, khi đất nước vắng bóng kẻ thù, thì nó lại đi xuống - nhân tính  càng đi xuống, và những con người thân thuộc bắn chính nhau. Ông bị  động. Ông chạy không kịp. Đám ma vợ ông, ông thốt lên cay đắng “Trong đời mình, tôi chôn ba nghìn người chẳng có người nào thế này". Quả thật, chiến tranh và hiện tại gắn bó với nhau, còn hơn cả một ám ảnh, nó là một nguyên do ngầm, một nguyên do vô hình khiến ông Tướng ngày một lạc lõng trong cuộc sống hòa bình. Nói cho kỹ hơn, ta có thể hiểu, chiến tranh không chỉ là xông pha trận mạc bắn Mỹ bắn Tây hồi đó – nơi mà ông Tướng chịu được, là một anh hùng, chiến tranh vẫn đang hiện hữu như một khẩu súng vô hình bắn giết (đau lòng thay ) chính dân tộc ta, chính những con người gần ta hơn cả - nơi mà ông bất lực, như một kẻ lạc lõng. Có lẽ hình tượng người điên dùng súng bắn trong không trung và kêu pằng pằng cũng mang lớp nghĩa đó.

Với một cách nghĩ khác, chưa hẳn đã là chính xác, tôi thấy được một sự giễu nại giữa cái thật và cái ảo, và sự giễu nại ấy như bổ trợ cho việc mỉm cười với một cái chân lý cũ đang dần xói mòn, một hệ tư tưởng đã bị ăn mòn bởi hiện thực như những thanh kim loại không được chăm sóc kĩ lưỡng. Nhân vật ông Tướng, bị chiến tranh lý tưởng hoá chính mình, trở nên khô cứng. Đấy là một cái ảo tưởng do ông tạo ra (tuy xúc tác dĩ nhiên vẫn là người khác, thứ khác, một chân trời nào đó – ai biết được). Vẫn là một cái ảo tưởng khi danh xưng ông Tướng luôn được mọi người ngưỡng vọng cho dù ông chẳng bao giờ hiện diện như một con người thực sự tồn tại cho chính gia đình mình, cho chính ngôi làng mình, thế mà khi ông về biết bao kẻ xum xuê, khua mép khua mồm xin xỏ nhờ vả. Vẫn là một cái ảo tưởng khi hay tin ông được về lại cuộc đời ‘cũ’ của mình, ông đi ra phố dưới ánh mắt của một kẻ tự hào, một kẻ thấy hòa bình ươm mầm một cuộc sống ‘mới’ hạnh phúc – nhưng khi quay về đến nhà, thì sự điên rồ, sự tha hóa lại khiến ông loạng choạng, chóng mặt. Một sự nghiệt ngã khi Tướng – trận mạc lại trở thành Kẻ lạc loài – gia đình, xã hội. Đấy là cái ảo do mọi người tạo ra, do ông Tướng tự tạo ra. Có lẽ, sự lạc đường khi đứng trước ngã ba, ngã tư, giữa những thứ mình đã được lưu vào đầu như một tư tưởng khó bỏ, một sự ảo tưởng khi nhìn về cuộc sống, so sánh với những thứ đang hiện diện một cách tồi tệ như ông đã thấy – khiến ông mất phương hướng, lạc loài trong chính máu mủ, dòng tộc của mình. Ông Tướng lạc lõng khi không tìm được chính mình, không thấy được thứ mình cần, thứ cần mình, và lẽ phải.

Rồi chết. Sự bi quan đã được hạn định trong phim, khi những điểm nhìn của đạo diễn về nguyên tác được thấy. Tôi xin mạn phép nói về những thay đổi của đạo diễn đi kèm với phần quay phim. Đầu tiên, Ông Cơ và cô Lài không về quê giữa buổi như trong truyện, ở đây, hai người nói nôm na là bị đuổi – mang danh xưng giúp đỡ gầy dựng tương lai trong mắt vị Tướng. Ông có lẽ rất vui vì có thể giúp người, nói nôm na là ông đang Cách mạng đấy, ông đang giải phóng dân tộc đấy, không còn bóc lột, tất cả đều có quyền được sống như ai. Nhưng cuối phim, khi cô Lài lại được trông thấy như một kẻ cắp, ông Cơ chết, thì ông Tướng quay cuồng. Nhà quay phim Trần Trung Nhàn đã xử lý khéo léo trong cảnh này, đó là một sự quay cuồng, đảo lộn mọi giá trị, Trần Trung Nhàn cho góc máy chủ quan của ông Tướng, nhìn cảnh cô Lài bị công an bắt trong choáng váng, khuôn hình bị xoay dần dần, rồi lật ngược 180 độ, không còn giữ vị trí của nó lúc ban đầu nữa. Đấy là một xử lý khéo, tôi nghĩ là còn hơi lộ và không tinh tế lắm, nhưng khéo, và bắt nhịp hình thức được với nội dung, vốn đã đồng bộ ngay từ những cảnh đầu tiên. Còn nhiều thú vị nữa với quay phim, đôi khi ông xử lý ánh sáng để nổi bật lên một hình tượng, một hình ảnh nào đó – như cảnh cái máy xay. Như đã nói, quay phim hay dùng góc máy chủ quan với cái nhìn của ông Tướng, tuy đôi lúc còn lạc và chưa bật lên được chủ đề chính. Thay đổi thứ hai là cái chết của ông Tướng nơi chân cầu thang, trước đó, âm nhạc nổi lên tạo xúc cảm, khuôn hình động đậy liên tục, chóng mặt nơi ông Tướng cũng như người xem, rồi những khuôn hình cận thi nhau xuất hiện, như sự thể hiện con người đã điên rồ đến mức nào.

Khi đó, ông bước lên cầu thang, loạng choạng, chết. Thú vị nhất là ông chết ngược, 180 độ, đâm đầu xuống nền đất. Cảnh đấy là một xử lý tinh tế của đạo diễn. Trong khi ông Tướng đang cố gắng đi lên, thì cái chết lại đến với ông khi ông ngã xuống ngược ngạo như thế, cảnh đã đạt đến sự công phu và dụng ý rất mực kỹ lưỡng, một sự châm biếm toàn kỳ - nhân tính đang ngày một đi xuống với nền tảng đạo đức phải đi lên như chúng ta muốn nó vốn phải thế. Đấy cũng là một sự chống chọi bất lực dẫn đến cái chết. Cũng như vợ ông, khi thấy cảnh ngoại tình, đã liên tục đập cửa ầm ĩ, rồi đi ra vườn cười một cách điên dại, liên miệng hô ‘đùng đoàng’, rồi nhảy xuống sông, huơ tay múa chân chi đó. Sau đó ít lâu, bà chết. Thủy, kẻ ngoại tình cắt những miếng vải trắng tan, khi bà còn đang nằm quay qua quay lại, rồi nói với anh chồng một cách ngạo nghễ “Mẹ già rồi.

Sự bi quan nữa khi trong nguyên tác, ông Tướng chết khi ở quân ngũ ‘lính’, trong phim, ông chết tại cái ‘thật’ đang vây bủa lấy ông. Tại sao lại thế, sự lạc lõng được đẩy mạnh hơn trong phim, khi chính ông là người không chịu nổi nên chết tại chỗ. Trong khi sự chịu đựng của ông Tướng trong nguyên tác đã đến hồi chấm dứt khi ông trở lại cái ‘cũ’ xưa kia, cuộc sống ‘cũ’ xưa kia, và ông chết trong đó. Cái chết nào đáng sợ hơn, trong một cái hạnh phúc dường như ảo tưởng như thật ra là lẽ sống của ông, tư tưởng của ông nằm đó. Hay chết giữa một hiện thực tàn bạo, như một con tôm co lại dưới nước sôi ??? Chấp nhận nó, hay chối bỏ nó. Cái nào chân chính hơn ? Cái nào ‘người’ hơn.

Sau đó, mọi thứ lại lập lại như một vòng quay khép kín. Nguyên tác cũng thế, phim cũng thế. Kinh sợ là thế chăng, khi cái chết của ông Tướng chỉ để chấm dứt một cái gì đó mang tính lẻ đơn và nhỏ bé, xã hội vẫn thế, đảo điên vô cùng tận, chẳng đổi thay. Vẫn bi quan, vẫn chìm ngập trong sự tha hóa đó. Bán chó rồi lại có chó, Cách mạng rồi lại cũng thế, cũng như không. Cái máy xay vẫn tốt lành, xay nát những bào thai hỏng. Chó vẫn gặm.

Những diễn viên với vai diễn ấn tượng của mình đã làm cho người xem cuốn mình vào đó. Chọn diễn viên rất tốt, có lẽ là rất giống với những gì đã tưởng tượng khi đọc truyện. Một bất ngờ là ông Cơ, tôi cứ tưởng phải to con hộ pháp lắm (như truyện tả), nhưng sự thay đổi về vóc dáng trong phim lại hợp lý và tôi nghĩ hay ho hơn đến mức khó tin. Một kẻ gian xảo nhưng yếu đuối. Một sự mâu thuẫn trong nhân cách con người được tạo ra dưới áp lực của xã hội.

Âm nhạc chỉ có một bài chủ đạo, tùy vào hoàn cảnh mà nó thay đổi, hòa mình vào phim hơn, tạo nhịp điệu khác nhau và gợi cảm xúc khác nhau. Hơn nữa, đó là một bài nhạc hay. Nếu trên Internet lạc lõng đâu đó một Tuongvehuu Theme thì chẳng cũng khoái ru ?

Đây là một bộ phim với những xung đột và mâu thuẫn liên miên, hiện và ẩn, mà ẩn nhiều hơn hiện, khiến cho đạo diễn có lẽ phải chắc tay trong việc tạo không khí – một bầu không khí đảo điên, xám xịt. Hơn nữa, nguyên bản theo tôi rất khó khăn để làm ra được một bộ phim hay đúng nghĩa, vì bản thân câu chữ trong truyện tạo sức mạnh, không phải chỉ là một câu chuyện, mà nó là một câu chuyện như không có chuyện, một bầu không khí đè nặng trên vai. Phim có làm ra được cái bầu không khí đó không, tôi nghĩ là có. Có đấy, trong từng cảnh, với đôi lúc sự im lặng nói lên tất cả, đôi lúc ánh mắt diễn viên như chợt quét vào hồn ta một bận, những tiếng chó sủa vang lừng với nước dãi cũng gợi ra một không khí ám ảnh, rồi những cảnh zoom, cận, xoay máy, vòng vèo chi đó của chuyển động máy quay cũng đã tạo nên một thứ chao đảo trong phim.

Hết, bực bội vì chất lượng âm thanh DVD như ****, phim rè rè khó chịu, màu đen trắng đâm vậy mà hợp. Nằm xả lai quên mọi lo toang rằng sẽ có những thứ khó khăn đang ùa đến trong chính cuộc đời mình bây giờ. Gió không thổi, chỉ tồn đọng những tiếng kêu vù vù của một chiếc máy điều hòa đang chờ ngày quá hạng và vứt xó. Không có bắp rang, ngồi hiện đại chần dần mà xem một phim cũ mèm kể cũng tréo nghoe cẳng ngỗng, nhưng điện ảnh nào biên giới. Xóa bỏ mọi rào cản, mọi kinh nghiệm đã qua, và chỉ cần chìm mình vào nó. Chẳng cũng khoái ru ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’

  ‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’     Người Đức có khái niệm Umwelt dùng để miêu tả cảm giác tồn tại giữa th...