Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Lan man trong lúc trời mưa

thành phố chiều nay có cơn mưa điếc
mưa điếc vô tình chảy xuống phố câm
anh đứng một mình vừa câm vừa điếc
nghĩ về cuộc tình vừa điếc vừa câm
-Nguyễn Lãm Thắng-

Nắng mất ngủ
Vắt ngoài sân phơi
Chuông cổ
Khàn hơi.
-Lê Thánh Thư-

Bắt chước, ăn theo cái tựa sách của Bảo Ninh một cách không hoàn chỉnh. Lan man. Lan man. 3 giờ rưỡi  chiều nay mưa đã đến trong một phút chốc ngỡ ngàng. Mẹ nó, mưa tối tăm mặt mũi, mưa mù trời, mù người, mù đất. Mưa cuốn phăn cả cái nắng chiều đẹp tươi rói (chả của gì riêng tôi). Tôi mệt mỏi quay lăn lốc ngoài đường, gió cuốn bụi mù li ti, không kịp rơi lại trên mặt đất.

Quả là trời đang mưa dữ, phải công nhận là thế. Nắng chưa lành và trọn vẹn thì đã bị xua tan bởi mây mù, đôi lúc tiếng chớp thét gào làm ai đó khựng tay lái và đổ oặp xuống đường. Tiếng còi rú xa mờ giữa những khoảng cách được căng ra bởi sự sợ hãi. Những chiếc lá rơi rụng tường đợt, từng đợt, vồ vập giữa không trung.

Tôi sợ rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ chán ngán tiếng khóc của ông trời, mà chỉ hằn nhớ đến tiếng khóc của những nạn nhân rên rỉ dưới lòng đường, những em bé quên mất gia đình bị cuốn trôi đi, những ông già bà lão chẳng còn quá khứ bị vùi lấp trong nước. Xoay vòng, như một cái miệng đầy răng nanh chực chờ ăn tươi nuốt sống con người trong một câu chuyện kinh dị của Stephen King. Nhưng, nếu ông trời không mảy may thèm khóc, thì cũng thật mệt mỏi cho nhân loại.

Đường xá ta lắm cống, lắm hố, và chẳng may chúng không được vững chắc cho lắm. Ngoại lực khiến chúng sập. Và người cũng sập theo. Lắm người chết. Lắm người chối đây đẩy. Thù ai, ghét ai ? Nào ai biết.

Đi đường trời mưa lại nhớ đến nắng. Nắng buồn không ? Nắng buồn chứ. Nắng chuyển mình nhiều lần trong ngày, rồi tàn khi màn đêm chợt tỏ, rồi lại bừng dậy nơi bình mình khơi mào hôm sau.

Tôi thấy nắng buồn, vì nắng làm tôi say, say đến độ ê ẩm đầu. Say nắng = điên và mụ mị, có lẽ trong một thời gian khá dài sau đó.

Lại nó đến chuyện mưa. Hôm bữa lâu lắm rồi chị A hát ngân nga ‘Mưa hồng’ khi mưa đang ầm ĩ. Tôi cứ băn khoăn mãi xem mưa thế này thì hồng chỗ nào. Và sự băn khoăn đó nhanh chóng chuyển thành câu hỏi không lời đáp : “Tại sao ông nhạc sĩ không đặt tên nó là mưa cam, mưa vàng, mưa tím, thành thật hơn chút nữa là mưa nâu. Tại sao mưa lại màu hồng ? ”

Nhưng lại nhớ đến sự lí giải đầy lí thú của một thi nhân về mấy câu như sau :
            Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng
            Ước gì anh lấy được nàng...

Lời ông nói : “Nhà luận lí khảo cứu mãi xem vì sao mà chuyện mây trắng mây vàng lại đưa đến chuyện anh với nàng. Luận lí chưa hiểu, nhưng cả tam hồn chúng ta đã hiểu và âm vang theo.”

Chí lí. Như muốn vỗ đùi cái đéc và hét : “Tiên sư anh Tào Tháo”, nay sẽ đổi lại thành “Tiên sư anh Nguyễn Đình Thi.”.

Mưa rơi rụng, thì có nước. Mưa bay ngang dọc xiên xéo, làm sao để có một hệ tọa độ quy chúng về một mối bây giờ ? Không thể.

Nước tràn về tứ phía. Đạp xe đạp trong mưa có cái thú của nó, không phải vì những thứ lãng mạn người ta bày ra trong các tình khúc khi xưa, mà vì cái tính tự kiêu tràn đầy khoái cảm. Lũ choai choai chạy bạt mạt, dâng sóng vỗ ồ oạp khiến tôi như đi ngược dòng nước lũ. Vui biết bao khi ngay sau đó, nước bịt kín họng của những cái bô xe vừa mới đây gầm rú kêu hãnh, nay thở không ra hơi, chỉ còn độc hành một chiếc xe đạp boong boong trước gió, nụ cười thoáng nở trên môi.

Mưa Hà Nội khác mưa Sài Gòn. Mấy kiểu, vài ba thứ lai rai đủ để thấm tháp được một cơn mưa đã trôi qua. Nhưng số trời rong ruổi cho hai đầu nỗi nhớ những vang vọng quá buồn, quá khác. Mưa Sài Gòn lúc nào cũng dữ, cũng thét, cũng đến khi chưa kịp trở mình. Mới nắng còn tươi ám lên lớp gạch ngói đỏ au của một ngôi nhà giả Tây nào đó, thì sau dăm ba phút mây đen đã kéo đến, ầm ầm những bài ca tụ mưa tụ bão của riêng mình. Và rít. Ghét sấm, chúng luôn đến bất chợt, làm tôi thót cả tim hồi hộp chờ một nhánh cây to rơi xuống – và điều tệ nhất là người ta chẳng mảy may ghi chú ban hành luật lệ gì về việc đội nồi cơm điện khi đi xe đạp cả. Rớt oành, là tiêu tan.

Không biết may mắn hay xui xẻo mà tôi đã được nếm thử vị mưa Hà Nội đầu tháng Sáu. Đó là một sáng tinh khôi, đang đứng nép mình trong một chiếc xe bus vàng vọt, đài ra rả về con đường me Pasteur Sài Gòn, thì mưa đến. Mưa thưa, ấy là cái khoảng cách giữa từng giọi, đẩy nhẹ, rồi mau mắn ưỡn ra. Mưa khiến các con phố trông đẹp hơn, sạch hơn mấy độ. Mưa Hà Nội trong, mưa Sài Gòn đục. Mưa Hà Nội đẩy đưa như một nàng công chúa lõa lồ thân thể, mưa Sài Gòn vồ vập như một cô em người mẫu Playboy với cửa mình thơm tho nóng bỏng. Hít hà kĩ lưỡng đều ra mùi đàn bà, khoái cảm .

Mưa nào cũng có nước. Nước nào cũng có thời. Nhớ Mùa Len Trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Phim đầu tay mà đâm ra cũng tốt chán. Xem nhờ Phương Nam hảo lòng phát hành DVD, chất lượng cũng không đến nỗi nào.

Nước tràn ngập trong phim, nhưng ta nhớ đến con người nhiều hơn. Có một vài cảnh làm tôi thé lòng : cảnh Kim sững mặt cầm rựa, bố anh níu tay anh lại. Cảnh cái xác bọc trong chiếu giữa biển nước, treo lắc lư, quạ bu và kêu réo. Cảnh những ngọn lửa lập loè trong đêm, giữa bốn bề, bóng tối và nước bao trùm. Tắt, rồi bùm lên trở lại. Lay lất. Con người, ba chìm bảy nổi, bấp bên giữa đời, nhưng vẫn kiên quyết được sống, được vươn lên – như những cây khô còi cọc mọc cô độc giữa biển. Đến cái chết vẫn còn mang đâu đó khát vọng được sống.

Thích những đoạn im lặng, dù xài có hơi quá đà. Thích âm nhạc cóc cóc, như níu kéo, dập dìu như sóng. Nghe rợn, dù giống nhạc phim Xích lô quá độ.

Nước làm rũ mục tất cả. Để rồi mùa mưa sẽ qua, mùa cạn sẽ đến. Con người vẫn sống, sẽ chết, lại sống, kéo dài mãi cho đến bất tận thời gian.

Một hôm mưa bão khác, chạy băng băng qua những con đường xa vắng vướn đầy lô cốt. Bóng tối trỗi dậy. Q chỉ chỏ một hình ảnh nhập nhòa trong làn nước. Một người đàn bà, lưng còng, ngồi đó, kéo căng ra những sợi thép người ta dùng làm vòng hoa tan lễ, chất lên chiếc xe chở ve chai của mình. Ra rằng những thứ dùng cho cái chết cũng có ích cho người sống gớm.

Mưa, đứng dưới một tán cây, cao vút, bao trùm, trời âm u. Nghe ai đó nói, ‘Bi đừng sợ’ đã không được chiếu ở IDECAF, lí do : ‘phim có vấn đề’. D nói, vấn đề của phim không là sex, không là bạo lực, mà vì hình ảnh con người bên trong quá xấu xa, quá tha hóa. Và chúng ta không chấp nhận nó.

Chấp nhận cái gì cơ chứ ?

Lan man trong lúc trời mưa. Rồi mưa cũng hết. Hết trong khi nước chưa rút kịp. Cũng như ghế đá công viên dời ra đường phố. Bạn bè hãn hữu, phố xá điều hiêu, dây điện mắc đều, vòng vèo rồi cũng tận.

Mưa thoáng chốc lại rơi. Mưa tạnh, mưa rơi ở chốn khác. Ở trong từng khúc ca của chính chúng ta đếm được bao nhiêu lần mưa ? Vô nghĩa. Đẹp một nét buồn khốn khổ là chính ở trong mưa, chúng ta đều đi tìm cho mình một chỗ trú. Để cứu rỗi chính mình.   

Và rồi, sau cơn mưa, tôi sẽ bỏ lại mọi thứ, khi còn cô đơn. Khi còn ngồi vững trên sự vấp vá, mọi thứ sẽ dễ chịu hơn nếu ta từ bỏ.

Biết sống thế nào khi không biết mình sống thế nào ?

Tôi chỉ ngồi chờ dưới cột đèn bỏ. Và nhìn một cột đèn khác. Rơi, vào trong bóng tối.


Tuy nhiên, mưa vẫn đang nặng hạt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thư số 2: ‘Sự nhẹ bẫng không chịu nổi của những đám mây lang thang’ Gửi H (công chúa),  Nếu em hỏi anh anh là ai thì anh sẽ bảo ...