Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Nhớ Hà Nội

Tôi có thể nghe thấy ở tiếng nhạc của The Black Heart Procession một âm u Hà Nội. Tôi có thể nghe thấy tiếng cầu hồn của những dãy phố ngân nga, tôi có thể nghe thấy những dãy nhà không tuổi, những con người không tên, những động đậy khôn cùng trong một khoảng thời gian chết. Ở Hà Nội, thời gian luôn chết, có một cái gì đó đọng lại ở từng bước ta đi, khắc khoải thời gian, mênh mông thời điểm.

Tuổi trẻ vui như hội. Rồi tuổi trẻ cũng buồn như đưa đám. Con người luôn khát vọng chộp lấy sự bất tử, rồi chợt nhận ra thời gian quấy quá, rồi đổ thừa cho những con ruồi. Hạnh phúc chỉ là thời điểm, còn rạn vỡ và đối diện với các vấn đề mới là cái hàng ngày của cuộc sống. . PĐDi nói đúng quá. Ai chối bỏ được. Cuộc đời này luôn chạy. Thời gian chết chỉ là một cảm thức nhất thời. Đứng trước thế giới, khó ai có thể làm ngơ, bỏ mặc cuộc đời (vốn vui như hội), chỉ sợ con tim ta không đủ. Nhưng cuộc vật lộn để đạt tới đỉnh cao tự nó đã đủ để lấp đầy trái tim một con người.

Nhớ một Hà Nội dù chưa được đi qua năm cửa ô - năm cửa gió, dù chưa được đi qua ba mươi sáu phố - bao nhiêu mảnh vỡ, chưa được nghe tiếng chuông chiều tan lễ trên vòm cao nhà thờ cửa Bắc (mà Phú Quang khéo léo sửa thành 'tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân'), chưa được nhiều thứ. Đến tận cổng Lăng Bác cũng chỉ biết đứng chép miệng thở dài trông anh gác lăng đứng thế chào cờ nghiêm nghị. Ra tận cột cờ cao vút ngó lên nắng vàng le lói. Cầm cái chai nhựa trống rỗng quơ quào trông cho ai đó trông thấy. Ai đó nghĩa là không ai cả, họa chăng chỉ có một 'mặt trời đi qua trên lăng' ngó nghiêng cúi chào. Vẫn chỉ là không ai cả. Chỉ còn em, một màu xanh thời gian, một màu xám hư vô.

Nhớ một Hà Nội im lìm trong đêm vắng, lặn lội ra quán hội vịt lộn đầu hẻm kêu vài ba trứng, người Hà Nội ăn đến lạ, họ lột trần quả trứng đến cùng cực, ăn kêu rôm rốp vui tai. Người bán cầm quạt thổi cho qua cái lặng lẽ nơi đây. Người ăn gần đấy thổi phù phù những hương ớt nồng cay kịch liệt của một tô hủ tiếu, một tô mì không giá. Chả ai nói một tiếng nào.

Tôi trân trọng những sự im lặng thật sự chứ không phải giả dối.

Tôi nhớ một Hà Nội còn đó những phút giây thật sự của một niềm vui cảm giác, một bầu không khí sướng khoái kinh hồn chẳng cần cái gì cao sang. Một buổi chiều đẹp bên một bờ hồ nhỏ bé xinh xinh, một buổi tối đẹp qua những con đường lớn nhưng vắng người với nỗi lo sợ nơm nớp về một ai đó đang dõi theo sau lưng mình, một buổi sáng dọc theo những mảng trưng bày lạ lùng nơi Bào tàng dân tộc học, một rạp chiếu bóng lạ lùng - mặt đối mặt, một show múa rối nước oành oành vui tai chẳng hiểu mô tê gì.

Tôi chưa kịp yêu mùi vị của một tô bún ốc to bành nhưng nhạt nhòa hay một bát bánh đa Hải Phòng lềnh kềnh đống thịt thà bánh tráng. Tôi chưa kịp thích tiếng chửi yêu kiều của một cô bán hàng ngoài chợ làm xanh xao mặt mày người mua hay kịp chửi lộn với một chàng thanh niên tôi lỡ đâm phải vào ngày đầu tiên đến Hà Nội. Hắn ta chửi, "Địt mẹ mày chạy xe thế à ?". Nhận ra phần lỗi thuộc về mình nên tôi cứ "sorry, sorry" liên hồi (cứ như mình là Việt kiều vậy), rồi vọt lẹ đi mất.

Tôi chỉ kịp diện kiến một vụ móc túi quy mô kinh hồn, nạn nhân là tôi. Địa điểm, một trạm xe búyt trung tâm. Thời gian, trưa thứ sáu. Vụ việc xảy ra như sau, cái quần kaki vốn lỏng lẻo nơi túi đựng nhanh chóng được hai thằng du côn nào đấy nghía. Xe buýt đến, một thằng vọt lẹ lên xe, một thằng áp vào sau tôi. Tôi bước lên, thằng đó lùi dần lại và trong một phút đông đúc người ra vào, hắn thò tay vào túi tôi - trong đó có một cái ví chứa chứng minh nhân dân và tiền và thẻ ATM và vé máy bay bận về - tôi nhột, nghi ngờ cái hành động của thằng du côn đội mũ lưỡi trai ngược đó, tôi quay phắt lại vào chụp tay hắn. Hắn chửi "Địt mẹ mày làm gì thế. Bỏ tay tao ra." Rồi nhanh chóng lùi ra sau chuồn đi mất. Thằng du côn khi nãy lên xe trước cũng đột nhiên lủi xuống. Tôi toát mồ hôi. Những người trên xe đưa một cặp mắt - chẳng biết sắc thái gì - nhìn tôi. Tôi nhìn họ. Tôi biết rằng tôi gặp nhiều may mắn khi ra Hà Nội. Có nhiều cái chẳng tin nổi nữa kia kìa.

Ra Hà Nội được nghe nhiều tiếng chửi thề phong phú, dù bây giờ chả nhớ được mấy chử để đi chửi lộn với thiên hạ, thiên hạ bao gồm vài người tôi ghét, vài người tôi không ưa, và vài người đôi lúc chả biết nên ghét hay thương.

Ngày đầu tiên đến Hà Nội, tôi đâu có reo lên "HN là một chiếc máy điều hòa khổng lồ." như ai đó nói. Tôi chỉ lặng căm kéo lê cái vali của mình trên con đường gồ ghề như rải sỏi. Nhận ra cái bầu không khí xám xịt này là thứ mình cần, cái phong cảnh trong vắt này là thứ mình mê, cẩn thận khi bước lên cái xe bus Hà Nội đầu tiên với một màu vàng khè, cái màu của cái thời xưa cũ, níu kéo mãi không được. Giữ trọn nó trong tay cũng không xong.

Nhớ một Hà Nội với bao cốc nước sấu dọc đường ta uống, bao mảnh lá khô ta nhặt, bao ngọn đèn đường ta ngắm, bao cô gái ta lẽ đưa mắt nhìn - trong một khoái cảm tuyệt nhiên hề không bậy bạ. Nhớ Hồ Gươm đi hoài không hết, một tháp bút chỉ kịp lướt tay sờ, một cơn mưa chỉ kịp dóng lên một chút lòng thanh thản giữa bao giờ cúp điện. Khi đó tối om, bật một ngọn lửa nhỏ nhoi ở một cái bật lửa chỉ để thấy mặt nhau. Im lặng thở dài.

Tôi trân trọng những sự im lặng thật sự chứ không phải giả dối.


Tôi chưa kịp thấy cơn mưa phùn xứ Bắc, những mảnh quà nhỏ như trong Hà Nội 36 phố phường, cũng chả kịp thấy mấy cái bảng hiệu chằng chịt chữ Tây như Thạch Lam có tả.


Tôi chỉ kịp thấy Điện Ảnh không phải là chốn để khoe mẽ cho nhau những kiến thức hàn lâm ta có - những khái niệm trừu tượng triết học này này nọ nọ, điện ảnh cốt để sẻ chia cảm xúc, và sẻ chia những nỗi lòng con người. Lắng đọng bên trong một Lespace xem 'Trăng nơi đáy giếng', trước đó có dịp ăn vài tôi bún bụi đời, lững thững qua vài gian phố sách. Rồi lại lặng im trong những tiếng mở cửa đóng cửa hòa quyện với nhịp đậm trái tim của một thằng nhóc chưa bao giờ đặt chân đến Huế.

Nhớ đến Bát Tràng trong một ngày bụi bặm, đèo nhau đi trên những xa lộ không đèn, lặn lội vào trong một cái xưởng tí ti chỉ để xoay cho mình những thứ đồ vật tí ti tặng cho nhau. Nhòa mình vào trong những con người Hà Nội rồi cũng thấy mình lập bập lai giọng Bắc kỳ. Cứ lơ lớ lơ lớ vui tai, chả ra gì.


Cho đến tận cùng nỗi nhớ cũng chỉ là một căn hẻm nhỏ, một cột đèn ít khi được bật, một nhà xí bằng đá không tên, một bậc thang đi lên những dây căng phơi đồ, một bát cơm, một chén sấu, và một chút Trần Tiến "Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè thôi."


Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

All the Boys Are Called Patrick



All the Boys Are Called Patrick là một phim ngắn dài 21 phút của Godard. Phim ngắn nên gọn, đẹp, một tình huống thú vị. Hai cô sinh viên đợi nhau. Một cô trắng, một cô đen. Patrick với cái mồm dẻo tán tỉnh cô trắng. Vào quán nước, anh uống coca. Hẹn xem phim ngày sau đó. Cô đen chạy đến, với cặp kính đen, Patrick quẩn quanh rào đón và lại vào quán nước đó, cô uống coca. Hẹn xem phim ngày sau sau đó, với một lí do bịa ra nhất thời là đi gặp ông chú của anh. Làm sao anh biết được cô trắng cô đen ở chung phòng, với một tấm poster James Dean tô đùng che chắn và một tấm gương soi. Hai cô đỏm đáng khoe nhau về chàng Patrick của mình. Rồi hôm sau, trong một thoáng đường đông phố đúc, hai cô thấy được Patrick cùng một cô gái thứ ba khác, vội vã trèo lên taxi. Cuộc hẹn xem phim ngày sau và ngày sau sau đó kết thúc trong tiếng nhạc. Mờ dần và hết phim.

Cái hay ho của phim là khả năng dàn dựng của Godard. Cùng một quán nước, hai thời gian khác nhau, hai cô nàng khác nhau (trắng và đen) về tính cách. Cô trắng, vận đồ trắng, trông mong manh, anh chàng Patrick mang cặp kiếng đen, rủ rê cô nàng hút thuốc, khi đó Patrick uống Coca, một người đàn ông với tờ báo Arts (Nghệ thuật) sau hậu cảnh, Patrick nói với cô rằng anh học Luật. Cô đen, vận đồ đen, vận một cặp kính đen, trông mạnh mẽ, học Luật, cô uống Coca, cô hút thuốc, một người đàn ông với một tờ truyện tranh sau hậu cảnh. Ta thấy những chi tiết đối xứng nhỏ nhoi nhưng tinh tế.

Hai người đàn bà đều chia sẻ với nhau trò láu lỉnh của anh chàng Patrick, một nụ hôn bất ngờ khi chia tay, và những lời hứa hẹn. Những câu thoại lặp lại nhưng sắc thái khác nhau được sử dụng triệt để xuyên suốt phim. Với một chút gì đó tiên phong và sơ khai trong cách dựng nhảy vọt.

Với cô trắng, Patrick chiếm chủ động. Với cô đen, Patrick dường như yếu thế hơn đôi chút. Trong căn phòng chung, lúc thì hai khuôn hình chứa trọn hai cô, lúc thì tách bạch riêng lẻ. Hai cô chia sẻ nhau người tình mới gặp Patrick - với niềm tin rằng có vô vàn chàng trai như thế trên đời. Một anh chàng học Luật ư ? Nhiều quá. Quá nhiều. Những câu thoại tưởng như vô nghĩa lại được quay ra dùng đi, dùng lại, lộ rõ ràng hơn cá tính hai người.

Câu chuyện đơn giản, chẳng có bí mật gì dấu diếm người xem. Godard, phim ngắn, thú vị, kết thúc. Nhạc hay.

‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’

  ‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’     Người Đức có khái niệm Umwelt dùng để miêu tả cảm giác tồn tại giữa th...