Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

For Q

Tôi gặp Q lần đầu ở Lít, trong một đêm trắng vĩ đại, dưới một màn chiếu cộng thêm một chiếc máy quay đĩa cũng vĩ đại không kém. Hôm đó chuyên đề điện ảnh tối thứ 6 – xem phim và bình phim, Rashomon của Kurosawa là tác phẩm mở đầu trong tháng, anh hì hục quanh cái laptop và loay hoay tìm kiếm một cái phụ đề thích hợp cho một phim Nhật thuyết minh tiếng Pháp. Rất lâu sau đó anh mới thành công, phũ phàng khi chấp nhận xem sub Anh, không sao, chả mống nào hiện hữu nơi đó giờ này ngoài những người quen thân thuộc, một vẻ gì đó khổ sở nhưng không buông thả hằn lên gương mặt anh. Tôi phải công nhận, ấn tượng đầu đó không hề đẹp, chỉ là một anh chàng gầy còm, tinh ranh, nhưng không rành rọt vi tính và công nghệ chi cả...

Phim cuối cùng cũng trót lọt, không có tiết mục bình phim, lặng lẽ ra về, tôi thấy anh cười, một nụ cười đểu giả, một nụ cười của những tên sở khanh, một nụ cười mà sau này nghe anh nói ‘vì nó mà tôi đã mất vài người bạn.’ Im lặng chờ Pip chở về, họ bàn bạc điều chi không biết. Quán đóng cửa. Đã hơn 10 giờ tối. Xe cộ chạy dữ. Gió thổi ngược.

Lần thứ hai là khi Lít chiếu The Hole của Thái Minh Lượng, một phim chậm rãi đến kinh sợ, một phim không có khán giả. Tồn đọng đây đó những tiếng thở dài rũ rượi và ngáp vặt liên hồi. Anh, rút mình vào trong một chiếc sôfa bành ki, một mình một cõi, chính diện màn ảnh rộng. Nhiều người không chịu nổi phim lần lượt ra về với một câu hỏi dạng trêu ngơi : “Ở đây chỉ chiếu những phim kiểu này thôi hử anh ?” . Tôi đồ rằng ‘sẽ không ai cười’.

Hết phim. Rất lâu sau đó đèn mới bật sáng, lác đác tiếng vỗ tay. Anh quay mình lại, vẫn với nụ cười đểu ấy, nay cộng thêm ánh mắt láo liên láo toét, hỏi hang khán giả với một thái độ ‘Đấy, tụi mày xem xong rồi đấy, nói cảm nghĩ đi’. Tôi ngồi im. Chie và Pip và một hai người khác lên tiếng. Rồi, anh nói một tràng, một tràng rất dài về ý nghĩa về subtext về âm nhạc này này nọ nọ, khiếp, tôi nghĩ bụng, thằng cha này xem được bao phim của Thái Minh Lượng rồi mà phán như thánh, cứ phong cách tác giả nì phong cách tác giả kia. Ghét thế không biết. Ấn tượng thứ hai là một kẻ vẫn tinh ranh nay còn thêm ba hoa khoác lác.

Đèo Chie về, chị nói, tại sao người ta cứ hay gán ghép ý nghĩa này nọ vào trong một tác phẩm, làm sao ta biết được, có lẽ họ chỉ thấy thích thú khi chơi đùa với nó đấy thôi. Ừ, cũng đúng nhỉ, nhưng không có sự gán ghép suy diễn đó thì làm sao có được một thứ thú vui tao nhã là bình phim kia chứ. Đúng hay sai, ai cần biết ? Ai chấm điểm tồi cho một ý tưởng lạ lẫm nào đó đâu, nếu có sự dẫn giải hợp tình hợp lý, chẳng cũng khoái ru ?

Lần thứ ba gặp Q là khi tôi rủ rê anh đi xem Chơi vơi ở BHD. Hết vé, thế là anh lại rủ rê mình ra Nhà Hát Thành Phố uống cafe. Bâng quơ sao đó mà một chai rượu nếp Hà Nội chiễm chệ thay thế hai cốc cafe đá trên chiếc ghế nhựa. Chưa say nhưng đã có những giờ phút nói chuyện thú vị. Anh không chán như tôi tưởng. Tôi biết anh sẽ là sinh viên năm cuối ĐH SKĐA TPHCM trong vài tháng kế tiếp.

Nhiều lần lêu bêu với anh sau đó, tôi biết rõ về anh hơn. Như một kẻ cuồng vĩ, một kẻ say mê triết học hiện sinh, một kẻ thích nói về ý nghĩa cuộc đời với giọng điệu chán ghét và phi lý, một kẻ có thể thao thao bất tận về Albert Camus với người hùng Sisyphus đẩy tảng đá lăn tròn lên đỉnh và sau đó lại rơi xuống, một kẻ triết lý cao siêu mang tầm vĩ mô vi mô đủ cả, một kẻ thích thú với những bộ phim phức tạp tầng tầng lớp lớp nghĩa của Bergman, những văn phạm điện ảnh trong Kurosawa và những tìm tòi đậm đặc chất thơ trong phim của Tarkovsky. Và là một kẻ ghét phim Vương Gia Vệ.

Anh đã từng nói, “Tôi sẽ chết khi tôi 35 tuổi.”

Anh đã từng nói, “Thế hệ già nua của những đạo diễn ‘gạo cội’ như NVS, như ĐNM đã phải chấm dứt. Bây giờ, những đạo diễn trẻ lên ngôi.”

Anh đã từng nói, “Điện ảnh Việt Nam vốn dĩ là một miếng thịt nửa nạc nữa mỡ, và khi phần nạc bắt đầu đung đầy, thì người ta như những con ruồi đu bám vào đó, tung hê thấu mây xanh mà quên rằng chúng ta chỉ mới bắt đầu, còn những chân trời khác xa xăm ngoài kia nữa đấy sao ?”

Đúng thế, còn những chân trời khác đó, ai bay ?

Một bộ phim như một con thuyền đu đưa ra khơi, chỉ bám vào những hòn đảo nhỏ, và lại nhờ sóng biển đẩy đưa tìm kiếm sự kêu gào của những con người xa xăm nhìn ngắm, có cần chi đích đến, có cần chi ảo tưởng, chỉ là một hành trình đi tìm lấy cội nguồn của chính mình. Chẳng cũng khoái ru ?

Trong một quán cafe ở gần đài truyền hình, trời lâm râm mưa, trước khi bưng vác cứu trợ đồng bào miền Trung, anh đưa tôi đĩa phim ‘Căn phòng’ , được Hội Điện Ảnh tài trợ, được trang trọng liệt kê một góc báo Tuổi trẻ như những cái tên đạo diễn trẻ sáng giá hiện nay.

Tấm bìa đen thui, không ấn tượng. Tôi hỏi , “Phim ma à ?” . Anh tủm tỉm.

Đến hôm nay mới có dịp thưởng thức trọn vẹn một phim dài gần 30 phút này.

Phim chật hẹp, không phải chỉ là trong bối cảnh, mà chật hẹp trong cả nhân vật. Một lão già có vẻ liệt giường, một cô gái có vẻ là một người hầu việc. Cô gái chăm sóc lão già, trong sự ân cần quá độ. Hai nhân vật rụt rè với nhau. Cô gái đọc thơ và những cuốc sách chất đầy trên giá cho lão già nghe. Đêm về, lôi cuốn nhật ký khi xưa của ông ra đọc. Cô tìm được sự đồng cảm nơi đó.

Quá khứ đã bay mất, đã quá độ, cũng như một cuộc sống của ông lão khi đó chỉ dựa vào bên trong một giấc mơ in màu đen trắng, với một vùng biển trời mênh mông, nơi ông lão tha hồ cựa quậy, tha hồ bơi tung tóe. Và rồi ông lại mở mắt, khi giấc mơ đã cạn. Cô gái cũng chìm mình vào trong những suy tư về quá khứ, nơi người chồng đã chết, hoặc có lẽ đang in dấu chân vào những vết nhan tàn của đời cô.

Hai người, tìm kiếm và hòa mình trong những nỗi lòng của riêng họ, với tâm cảm rằng cuộc đời là một thứ gì đó đã chết, và họ khát khao được sống trở lại bên trong mình.

Họ cô đơn, hẳng thế rồi. Họ là những con chim bay lạc vào mảnh vườn của riêng mình, bị giam cầm nơi thế giới đã quên đi họ.

Cuộc đời này là một chuyến đi qua biển

và chúng ta gặp nhau trong một chiếc thuyền con

khi chết là chúng ta đến bến

và mỗi người đi về nơi thế giới của mình.

-Tagore

Cô gái và ông lão gặp nhau trên một chiếc thuyền con, được hóa thân thành một căn phòng nhỏ nhắn treo một bức tranh nhỏ nhắn, với một chiếc ghế nhỏ nhắn cùng một lọ thuốc nhỏ nhắn, với những quyển sách và những bài thơ nhỏ nhắn. Đấy là thế giới của riêng họ.

Chúng ta có thể hiểu rằng, họ đã chết và họ muốn được sống.

Day dứt được dồn tụ lại trong cái giá sách đầy rẫy sự ẩn nấp của ông lão bên trong đó.

Vì thế, ông đã muốn đốt cháy mọi thứ.

Qúy muốn cho ta chìm dòng vào những suy tư của riêng anh, của riêng cuộc sống có là gì ngoài biển cạn, và ý nghĩa của nó chỉ vô tình trùng với sự mâu thuẫn của riêng anh, sinh ra để chết, nhưng họ lại muốn sống. Sự cô đơn đồng nghĩa với việc dãy nãy và u uẩn trong chốn của riêng mình.

Để hai tâm hồn đến gần nhau. Những cú quay cận bàn tay, tai, bàn chân, như một biện pháp tinh tế, tĩnh lặng nói lên tâm hồn hai nhân vật. Họ xa nhau lúc đầu kể cả trong ánh mắt, nhưng cuối cùng, sự đối diện với nhau (cô gái nhìn thẳng vào chúng ta đấy sao) gợi lên cho chúng ta một chút hi vọng dù xa xăm, rồi con người sẽ chẳng bao giờ chết cả nếu chúng ta còn nương tựa vào nhau mà bừng lên sự sống, có thể chăng. Quá khứ của cô gái đã đồng diện với hiện tại những đoạn cuối phim, và sau nữa, khi đó, ông lão muốn châm lên ngọn lửa đốt cháy đống sách của mình. Và Q tĩnh lược, anh quay nhào đến cái kết như một sự tréo nghoe, một vòng lặp vô tận cho những con người vô tận. Sống sót, là đi qua biển.

Máy quay bập bềnh như sóng, đôi lúc chuyển động thừa thãi, khoe khoang những khi góc máy lạ, phơi bày sự diễn khi đổi nét búa xua. Màu đẹp và tươi rói. Âm nhạc giúp câu chuyện thêm phần khó hiểu nhưng rất tình, rất thú, bắt đúng cảm xúc. Nó khoan thai như một điệu hò. Tiết tấu chả có gì ngoài một bài thơ, tuy chưa hoàn chỉnh vì đôi lúc lỡ nhịp. Vài cảnh mờ chồng hơi chán. Nhưng như tôi nói, những cảnh cận rất lí thú và tinh tế. Âu đó cũng là một thành công.

Hết phim. Tôi biết, anh đã quyết định bỏ hẳn năm cuối ở trường, dấn thân, lên đường, vì đi tìm một thứ điện ảnh đích thực.

Tôi không biết anh có thành công hay không ? Chả ai biết cả. Giờ anh đã 20, và còn 15 năm nữa trước khi anh chấm dứt cuộc đời.

Chẳng qua là một thứ cảm xúc nhăng nhố đang chất chồng trong đầu anh thôi, Q nhỉ ?

For Q, một đạo diễn tuổi 20, yêu dấu .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thư số 2: ‘Sự nhẹ bẫng không chịu nổi của những đám mây lang thang’ Gửi H (công chúa),  Nếu em hỏi anh anh là ai thì anh sẽ bảo ...