Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

27/10/2012


Tôi muốn đến ngồi ở một quán café mà ở đó mùa xuân trông ra rộn ràng nhất. Cái cây sau nhà mùa đông trụi lá, cộc cằng; chớm xuân đổ rạp hoa trắng xuống nền đá và giữa xuân thì xanh rợn người. Đài báo tuyết sẽ rơi trắng thành phố, nhưng trông mãi chỉ thấy xám xịt mưa và gió. Lê mình lên từng đoạn dốc chỉ để thấy gió cuốn quanh mình.

Tôi muốn đến ngồi ở một quán café mà ở đó mùa xuân trông ra rộn ràng nhất. Dạo này café chẳng mấy khi. Vị chợm đắng len chua của chúng không tài nào nếm được. Gần hết xuân nắng và mưa chen vào nhau. Mặt trời lặn lúc tám giờ tối. Nhiệt độ tối đa 17 độ. Ngày nào cũng như nhau trong một thói quen đều đặn chán ngán sau khi mọi thứ học hành đã đường hoàng chấm dứt. Chỉnh đốn lại phòng ốc cho ngăn nắp; vò giấy vụn vứt đi. Ăn uống trông chờ vào lò vi sóng. Thi thoảng nấu cơm rồi để đó, rồi đổ đi.

Tôi muốn đến ngồi ở một quán café mà ở đó mùa xuân trông ra rộn ràng nhất. Mùa xuân bắt đầu bằng những đêm trắng cùng Bò Cụng và những điếu thuốc cuộn dang dở bị vứt vào chai nước Lipton cũ. Mùa xuân dở dang với những đợt hiềm khích không nói thành lời với bọn Kiwi cùng nhà. Anh bạn người Úc phòng trên học làm nhạc sĩ và thành thạo tiếng Đức chuẩn bị bay sang Berlin hội hè. Khi đã quen nhau, chúng tôi hay ngồi ở khoảnh sân sau nói chuyện. Anh bảo, anh đã từng nấu ăn cho anh chàng nam chính trong Goodbye Lenin hồi anh còn làm đầu bếp ở Đức. Anh bảo, Berlin là một chốn thập cẩm với đủ loại người, đủ màu da. Anh bảo, giờ này Berlin chớm đông, lạnh và trời tuyết rơi. Anh bảo, anh đã từng ở London hai tháng nhưng anh không thích London vì nó là một chốn hỗn loạn.

Tôi muốn đến ngồi ở một quán café mà ở đó mùa xuân trông ra rộn ràng nhất. Hôm nay cuối xuân, trời nhiều mây, ba giờ chiều 16 độ. Tôi đương ngóng vọng vào hạ.

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Mệt


Dọn nhà. Mệt. 2 ngày chạy tới chạy lui. Khiên tới khiên lui đủ thứ đồ. Vác trên vai một cái bàn to oành trên đường rồi trên dốc rất tốn sức. Chị họ từ dưới quê lên thành phố thi đậu đại học. Mẹ mua nhà mới, chuẩn bị xây. Tôi có phòng mới. Phòng nằm cạnh bếp và sân sau của một căn nhà nằm trên dốc nhìn xuống thành phố và xa lộ bên dưới. Tôi ra sân sau để một chai nước suối xuống cái bàn gỗ giữa sân làm tàn thuốc. Trời lạnh thấu xương. Bạn tôi ngạc nhiên khi thấy máy giặt và máy sấy không cần bỏ xu vào vẫn chạy. So với chốn cũ, đó là một phép màu.

Dọn nhà. Tôi gọi thằng bạn thân nhất theo giúp. Bị trẹo mắt cá do đá banh, thế nhưng bạn vẫn đủ mạnh. Chúng tôi trò chuyện với nhau trong lúc khiên vác đồ đạc, không phải để đỡ mệt, mà để đỡ cảm thấy cô đơn.

Tối thứ 6 và 7, thành phố nhộn nhịp hơn mọi khi. Đi ngang qua một quán rượu mà người ta đến cũng chỉ để xem múa thoát y. Đi ngang qua một căn hẻm mà người ta dọn ra bán sách cũ 1 đồng một cuốn. Đi ngang qua những thanh niên trượt ván giữa đường thi thoảng nhìn lại phía sau trông chừng xe hơi vọt đến. Đi ngang qua những cột đèn và những tấm poster dán dầy trên tường. Đi ngang qua những nghệ sĩ đường phố vác guitar trên tay, râu tóc xồm xoàm miệng lúc nào cũng ngậm thuốc. Đi ngang qua một tấm bảng mà phía sau in đậm hàng chữ “Mơ là gì?”, bên dưới kí tên: Roger.

Dạo này lên mạng thấy ai cũng chính chị chính em, gặp ai cũng nghe rao giảng đạo đức và tri thức. Mệt.

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

bad weather



Then there was the bad weather. It would come in one day when the fall was over.” – first lines of Hemingway’s A Moveable Feast

Mùa đông ở đây được đánh dấu bằng những cơn mưa và gió. Mưa nhỏ thôi, nhưng mưa, mưa rả rít suốt ngày đêm, mưa dai dẳng, mưa buồn. Và gió, gío mạnh thúc bạn đi giữa những con đường không bao giờ quá lớn, không bao giờ quá đông hay bừa bộn. Người ta đi vội; dường như họ luôn lỡ một thứ gì đó.

Chiều trôi hững hờ. Tôi dừng lại ở một hiệu sách cũ tên Book Haven, nằm giữa Newtown, bên rìa thành phố. Đối diện hiệu sách là nơi tôi thường hay mua thịt; bên phải hiệu sách vài trăm mét là chỗ tôi thường hay mua cá; và đối diện chỗ tôi thường hay mua cá là thư viện Newtown, nơi tôi từng vào một lần và vì khiếp sợ bởi những tiếng khóc thét của đám trẻ con mà đành thoái lui không hẹn ngày đến. Ông bà chủ tiệm cá người Ý. Tôi chả bao giờ quan tâm cá họ bán là cá gì; tôi chỉ nhớ giá. Ông chủ tiệm thịt người Ấn Độ. Thịt ông bán ngon nhưng thứ gạo Ấn ông bán khô đến nỗi nó khiến mồm tôi trệu trạo cả một ngày sau khi ăn phải.

Book Haven nhỏ; mấy cây đèn bàn vàng vọt đặt ngẫu nhiên trên những hàng kệ lộn xộn tạo cảm giác ấm cúng của một nơi trú ngụ thật sự. Ông chủ hiệu là một ông già hói nửa đầu, râu và phần tóc còn lại bạc trắng. Ông để bên ngoài cửa hàng một sạp sách giảm giá. Bên trong, ngoài cùng là ngăn dành cho những Dos những Camus những Joyce những thứ sách mà người bình thường hoặc ngại đọc hoặc mê muội cắm đầu vào đọc. Bên cạnh là những sách bớt hàn lâm hơn; vào sâu trong cùng là sách bestseller kinh dị, diễm tình hoặc khoa học viễn tưỡng đồng giá 10 đồng rẻ mạt và nặng mùi khi dễ. Tôi chọn một cuốn hardback dày cộm 10 đồng vì thích tác giả của nó. Tôi thấy một cuốn thơ in rất đẹp của Paul Mccartney. Ông chủ vừa lúc đóng cửa giới thiệu tôi trang web bán sách của hiệu. Tôi bảo, lượn lờ quanh cửa hàng như thế này vui hơn. Bên ngoài, trời vừa tối.

Vào ngày cuối cùng của lớp Literature, cả lớp được xem bộ phim phỏng theo cuốn tiểu thuyết mà chúng tôi dành 2 tuần để phân tích. Không ai mang theo bắp rang. Bộ phim overdramatize và dở hơn nguyên bản. Dương bảo, nó nằm trong số những bộ phim Châu Á Thái Bình Dương hay nhất mọi thời đại. Anh bảo anh chưa xem nó. Dương là thế và vì lẽ đó tôi không bao giờ tin tưởng anh cả.

Để về đến nhà tôi phải lên dốc mấy đoạn, và nếu không nhờ cái máy nghe nhạc thì hành trình đó sẽ trở nên chán ngắt, nhất là khi trời rét buốt thế này. Ở mỗi ngã tư đều có đèn qua đường, nhưng tôi thường xuyên băng bừa qua mỗi khi không thấy xe đến. Kể ra cũng mạo hiểm.

Mấy ngày nghỉ này thường xuyên trong tình trạng không có gì làm. Thời tiết mùa đông thích hợp cho việc trùm mền và ngủ. Chực chờ đống sữa và café trong tủ. Dạo này làm biếng nấu ăn; món cá kho đã xơi hết từ chặp tối. Mở tủ lạnh chỉ thấy nước lã.

Một hôm, quyết định đem bán vài cuốn sách free lấy từ common room lẫn thư viện trường và bù thêm 6 đồng để mua A Moveable Feast bản năm 1965 mỏng dính thơm mùi sách cũ ở một tiệm sách cũ ở trung tâm thành phố. Để rồi tối hôm đó trong tiếng hú của gió cắm đầu vào đọc để nhận ra Paris trong A Moveable Feast cô độc hơn bạn nghĩ. Để rồi nhận ra cái Paris của tình yêu và tình dục trong một cuốn sách của một tay nhà báo Úc nhộn nhạo hơn bội phần với mớ hình ảnh minh họa đầy thú vị. Để rồi đóng sách cái rụp và cất nó vào ngăn tủ cùng chung với cuốn từ điển dày cộm và hàng đống sách khác. Để rồi nhận ra rằng có rất nhiều sách vẫn chưa đọc. Lời biện hộ: có những cuốn sách, chỉ nhìn bìa thôi, là đủ để biết là sách để dành cho mai sau. Để rồi nhận ra rằng thói lười biếng sinh ra từ việc nhận thức rằng mình còn quá nhiều thời gian phía sau, tự mặc định tương lai mình luôn rãnh rỗi, dù tương lai là một thứ nhờ nhợ chẳng tài nào biết chắc được.

Để rồi nhận ra rằng mùa đông buồn quá, buồn hơn tôi nghĩ. Để rồi tự hỏi: liệu những con người bước vội trên đường đang lỡ mất một thứ gì đó, hay chính là tôi đang lạc mất chính mình?

“I know I'm afraid, I know I'm afraid,
I'm drunk and I'm tired,
And the city I walk in, the city I walk in,
It feels like it swallows,
With my hand in my pocket,
I feel like a shadow, I feel like a shadow.” – Warpaint

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Nhân dịp tán gẫu với một bạn gái người Na Uy

Luôn có một sự khó khăn trong việc giao tiếp và hỏi thăm một người khác để hiểu sâu hơn về họ. Nói chuyện xã giao, hỏi thăm thời tiếc, đó là một chuyện; chú tâm vào họ, đó là một chuyện khác. Làm điều đó với một người trong cùng một vùng văn hóa đã khó, huống hồ chi với một vùng văn hóa khác (hẳn). Trong sâu thẳm, luôn có một khoảng cách giữa tôi với một người NZ, giữa tôi với một người Nhật Bản, một người Ukraine, một người Đức, hay ngay cả với một người Malaysia đã phải sống quá lâu ở Mỹ.

Lạ kì, tôi không gặp điều đó vào buổi sáng hôm nay, khi mà mưa rả rít bên ngoài, và trời vẫn còn âm u lắm. Đó là một bạn người Na Uy, một bạn gái mà tôi chưa bao giờ tiếp xúc trên Facebook, một lời nhắn cũng không. Cái ký ức về việc tôi đã add bạn ấy như thế nào, tôi cũng không hề nhớ. Bạn bảo, thời gian trôi nhanh, ít nhất là đối với bạn, rất là bình thường khi bạn quên đi những điều nhỏ nhặt, như việc có một mẩu đối thoại với một người bạn trên một trang mạng xã hội như Facebook. Bạn 18 tuổi. Ở Na Uy, cũng như nhiều nước Bắc Âu khác, mùa đông lạnh lẽo lắm. Mùa đông, khác hẳn hoàn toàn so với các mùa khác trong năm, bởi vì tuyết rơi, và việc tuyết biến mất hoàn toàn vào mùa xuân khiến bạn ấy ngạc nhiên, vì chúng nó đã từng quá dày đặt chỉ vài tháng trước đó. Cái sự khác biệt lớn lao ấy làm cho con người, vào mùa đông, có khuynh hướng rơi vào trầm cảm, trở nên cô độc hơn rất nhiều. Điều đó tốt, cho những người nghệ sĩ với những thứ âm nhạc sầu điên đảo, và có lẽ vì lí do đó, Bắc Âu sản sinh ra nhiều band nhạc buồn bã, âu sầu. Mặc dù bạn khẳng định con người rất cần sự ấm áp của tình bạn hữu, nhưng bạn không nghĩ là chúng ta đang sống hạnh phúc; và những nhà nghệ sĩ cần phải cho chúng ta thấy sự thật về thế giới này; rằng con người không cần phải sợ về việc phải rơi vào nỗi buồn, rằng có một điều gì đó mỏng manh và hiếm hoi bên trong chúng, như là ma thuật, như là một điều kì diệu mà chúng ta phải trân trọng.

Bạn bảo, Opeth đã từng là band nhạc ưa thích của bạn. Nhưng rồi bạn tìm thấy tình yêu, khiến bạn nghĩ khác đi, cảm giác khác đi, xử sự khác đi; để rồi bạn để lại sau lưng những thứ cũ, bởi vì chúng gợi bạn nhớ về ký ức những năm cô độc và trầm cảm. Nhưng rồi bây giờ bạn lại tự vấn bản thân mình về nghĩa lý của tình yêu, và bạn không chắc rằng cái con người khi yêu đó có phải là bạn không, hay chỉ là một lớp mặt nạ giả tạo. Cuộc sống giới thiệu cho bạn những điều mới. Tôi hỏi, liệu những thứ âm nhạc bạn nghe, có phù hợp với con gái; và bạn trả lời, nhưng chúng quá tuyệt vời, quá hoàn hảo để mà né tránh. Âm nhạc, là một thứ gì đó kì diệu, là một thứ gì đó ở lại với bạn theo thời gian, để nói với người khác rằng bạn là ai.

Ở Na Uy, bạn, 18 tuổi, đang học về xã hội học, lịch sử và tríết học; bạn không thể tưởng tượng được rằng bạn có thể học một cái gì đấy khác hơn. Bạn, ở Na Uy, 18 tuổi, không bị chi phối bởi khoảng cách tuổi tác khi đối thoại, miễn là bạn cảm thấy đồng cảm và hứng thú. 18 tuổi, bạn, ở Na Uy, biết rằng bạn còn rất trẻ, và cuộc đời chỉ mới bắt đầu - quá nhiều người đã nói thế với bạn.

Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, một thứ tiếng không phải là tiếng mẹ đẻ đối với cả tôi và bạn. Và tôi, 19 tuổi, chợt nhận ra rằng, tôi còn rất trẻ, cuộc đời chỉ mới bắt đầu - quá nhiều người đã nói thế với tôi.

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

My heart is bleeding rain drops, they're lonely rain drops

Dạo này hay mơ về những người cũ. Kí ức trở lại từng chặp trong giấc mơ, không kiểm soát được. Một hôm trời lạnh thấu xương, đắp chăn hai lớp, giật mình thoáng chốc trở lại nơi ghế ngồi lớp học toán năm xưa, nơi quạt quay mù mịt vẫn không xua đi nổi cái nóng, cái hầm cùng mùi mồ hôi của đám học sinh cặm cụi mòn đít chép ghi. Cùng lúc đó, lớp lý chật chội chen chúc thảng hoặc chen vào, hòa mình cùng với dòng chảy nhạt nhẽo lặp đi lặp lại suốt năm đấy mà tôi đồ rằng chẳng bao giờ tôi lại muốn nhớ. Thế mà bây giờ lại mơ về nó. Cũng chẳng rõ muốn mơ về ai, về những gì, chỉ biết rằng chúng xa xăm và chẳng bao giờ chạm tới được. 

Đọc một truyện ngắn, mang tên 'Những hình ảnh'. Toàn bộ câu chuyện là những hình ảnh, những ký ức về người cha của tác giả, rằng hình ảnh rõ nhất thấy được là hình ảnh ông xăn tay áo, mặc thường phục (ông vốn là một viên cảnh sát) ngồi với gia đình. Ông đã chết. Đầu và cuối truyện, tác giả không quên tự nhủ, rằng dù gì đi chăng nữa, những kí ức đó đã xảy ra quá lâu rồi, và tự cho phép mình phần nào mờ mịt về chúng. Sống ở một gia đình khác với gia đình mình, mới thấy rằng, gia đình nào cũng có những vấn đề của riêng nó. Và hình như mọi nỗi đau, mọi sự ấm ức chịu đựng rồi cũng chỉ để trút sang cho kẻ khác. Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để gió cuốn đi là quá ư hão huyền, dù cho đó là một sự hão huyền chính đáng.

Bà cụ trong nhà tôi bảo 'Tướng mày rồi sẽ sống khổ.', để rồi khi đi trong cơn mưa đập chéo chân, tôi thầm nghĩ, sống thì thế quái nào mà chẳng khổ.

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Ở một nơi ai cũng quen nhau

Chép lại từ nhật ký

Ngày 1 tháng 9 năm 2010

Nắng sớm, trời ráo mây. Ê a một mình. Kính mờ mịt. Làm quen bạn mới, nữ, sinh năm 1987, tên là Angelique Thánh Thiện.

Tôi dành cả ngày không làm gì cả. Tôi chán nản và nghĩ đến mọi thứ đã qua. Chỉ là một thứ xúc cảm vu vơ, ẩm ương. Tôi nhớ hôm thứ hai đi học, thấy máy bay. Dạo này tôi bị ám ảnh bởi những chiếc máy bay chở khách vi vu trên bầu trời. Giấc mơ đếm qua, máy bay hiện hiện khổng lồ trên bầu trời đầy mây, tôi ngồi bên trong, chăm chú nhìn qua ô kính cầu kỳ. Tôi là kẻ u mê trong quá khứ. Tôi nhớ, tay nắm chặt, che mắt lại, chỉ còn bóng đen. Rồi những hình ảnh vụt qua. Nếu xúc cảm đó đủ mạnh, tôi sẽ bay về quá khứ. Sống lại.

Nhưng không có gì xảy ra cả.

Chiều tôi gọi Dương, nói thật nhiều, để rồi bấm bụng tính lại số tiền phải trả. Tôi nói "Tôi dường như không ý thức được mọi chuyện cậu à. Hai tuần, chính xác là từ thứ tư tuần trước, tôi đã mờ dần. Tôi đi qua mọi sự kiện nhưng không ý thức được tôi thật sự đã đi qua. Tôi vẫn biết, nhưng không ý thức được, không cảm nhận được." Tôi nói "Tôi ghét XXXX rồi cậu ạ." Anh trả lời "Ừ thì con người mà, làm sao có thể hoàn hảo được. Nên tìm lấy cái tốt mà hòa mình vào nó. Mà cái xấu là gì ? Cậu có chắc rằng trước mặt mọi người cậu không đánh rắm. Bà tôi vẫn có những tật xấu cố hữu, có thể do tuổi già, nhưng tôi vẫn yêu bà."

Vẫn đang mất kết nối với chính mình.


Ngày 27 tháng 9 năm 2010

Dương nhắn. Chiều hắn gọi mình, định hát Dấu chân địa đàng cho mình nghe. Nhưng đang ở trong lớp, không bắt máy.


Ngày 30 tháng 9 năm 2010

Hiện thực vẫn không có gì cả. Sống. Nghe như thủng đáy. Một cái lỗ. Xuyên thấu dần hiện hữu. Hư ảo mù quán.


Ngày 21 tháng 10 năm 2010

Quý nói. "Điện ảnh VN là một miếng thịt nửa nạc nửa mỡ. Người ta thấy khi phần nạc bắt đầu dày thì bu vào và tung hô nó, cho nó là đỉnh cao, là ngon nhất, trong khi không biết màn đến một đỉnh cao hơn."

Nghệ thuật là một chốn đau thương.


Ngày 23 tháng 11 năm 2010

Tối, Quý lên chuyến xe cuối ngày về Buôn Mê.


Ngày 23 tháng 12 năm 2010

Đọc "Và khi tro bụi"

"Nỗi nhớ chỉ là sự trở lại của một khoảnh khắc. Không hề có một năm tháng nào ở giữa những khoảnh khắc ấy và hiện tại. Nó là hiện tại."


Ngày 27 tháng 12 năm 2010

Nhớ về những năm xưa u buồn. Ngày tháng lênh đênh trôi, chờ đợi một vết cắt ở cổ tay. Để rồi máu xịt ra, tung tóe. Khi đó tim ngừng đập. Máu trôi về một phương. Thần chết đứng chờ đó. Tôi cõng tôi chạy trốn bản thân. Nào ngờ nó nhanh hơn tôi vài bậc.

Chiều gió lộng, còn ai nhớ đến ngày xưa lộng gió. Hay là mưa ở kiếp sau ?


Ngày 4 tháng 1 năm 2011

Ở một nơi ai cũng quen nhau.

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Nhớ một điệu tàn

Cho đến tận cùng nỗi nhớ cũng chỉ là một căn hẻm nhỏ, một cột đèn ít khi được bật, một nhà xí bằng đá không tên, một bậc thang đi lên những dây căng phơi đồ, một bát cơm, một chén sấu, và một chút Trần Tiến "Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè thôi."

Tôi đã từng viết thế, về Hà Nội. Một Hà Nội của quá khứ, tồn đọng trong cái đầu óc lộn xộn và không thành thật này. Một Hà Nội của Văn Cao còn đâu ? "Xa xa xa. Đêm đông tiếng còi tàu. Hà Nội càng thêm cũ. Gió cuối năm luồn vào phố hẹp. Ruột phố Hà Nội cũ. Nhớ một cánh buồm. Xa ngoài sông Hồng thấp thoáng. Nhớ một điệu tàn. Vũng sao khuya sóng sánh." Ông viết bài thơ vào năm 1967. Đó là một Hà Nội tôi chưa thấy. Hà Nội khi tôi đến, chỉ có một sông Hồng xa xa xa, một sông Hồng tối đen mù mịt, một sông Hồng không chảy. Cầu Long Biên, với ruột cầu là những thanh tà vẹt. Không nghe tiếng tàu chạy. Những thanh tà vẹt chết. Đó là một thời kỳ của sự ngóng vọng. Hà Nội lúc đó là Hà Nội của những con người bị thế giới này huyễn hoặc. Có đứa đã sống 18 năm ở Hà Nội, xem "Mùa hè chiều thẳng đứng" của Trần Anh Hùng, đột nhiên thốt lên, Hà Nội sao đổi thay nhanh quá. Hà Nội trong tôi còn đổi thay nhanh hơn nữa. Như anh Hoàng nói, mày thích một nơi nào đó chỉ vì ở nơi đó mày có bạn, có bè. Hà Nội trong tôi gắn liền với những con người Hà Nội, những con người (đã từng) bị thế giới này huyễn hoặc. Nhưng mà ngày tháng ngao du rồi cũng phải qua. Con người ai cũng phải lớn lên, rồi cũng sẽ tung cánh, tung cánh là một sự giải thoát. and for a moment i feel young. i call on the bird. unfurl.

Nó đã biết thế. Nó đã biết rồi sẽ có một ngày như thế. Nhưng nó lại cứ tự huyễn hoặc chính mình.

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Trên đỉnh cô đơn tôi lặng im

Tôi ngồi đó
bên lũ bọt bèo
vờ là trí thức
giấc mơ quá độ mỗi thu về
trở lại
một mình tôi
với em
nhìn nhau và im lặng
chỉ nhìn nhau
và lặng im.

trên đỉnh cô đơn tôi lặng im
tim đập trối chết. Miệng cười
cười là một hành động tốn thời gian
cười là một hành trình ít người đi
ít người qua
kẻ lại
ít kẻ đón
người đưa.

Chiều nay, hoa nở dài khắp phố
bung vãi đầy đường
cánh lệ rơi
từng giọt
từng
giọt.

 .

Hãy yêu

Cái chết, cái ý nghĩ vô vị đó đã trượt khỏi đầu tôi từ lâu lắm rồi. Dạo này chỉ nghĩ đến sự sống. Sống một cách tự do. Cái chết trở nên buồn tẻ, vô vị. Giở nhật ký ra đọc lại, thấy ảm đạm. Ký ức nào cũng buồn, chỉ vì giản đơn nó là ký ức, là thứ đã qua, không trở lại được. Nhai trệu trạo ký ức trong miệng. Trưa không buồn ăn cơm.

Tôi nhớ lại một đoạn cảm động trong La Vie En Rose, đó là khi một nhà báo Mỹ phỏng vấn Edith Piaf, trên một bờ biển đẹp và vắng. Sóng vỗ đều.

_Nếu phải khuyên một người phụ nữ, bà sẽ khuyên gì ?
_Hãy yêu.
_Còn cho một cô gái trẻ ?
_Hãy yêu.
_Cho một đứa trẻ ?
_Hãy yêu.

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Free as a bird

"... tôi đang nghĩ về cái hồ ở công viên trung tâm, gần đường Nam Công Viên. Tôi đang tự hỏi không biết khi tôi về nhà trời có đông giá không, và nếu có thì những con vịt biến đi đằng nào. Tôi đang thắc mắc không biết những con vịt sẽ đi về đâu, khi nước hồ đóng thành băng hết. Tôi tự hỏi có thằng cha nào mang cam nhông lại đem chúng đi đến một vườn thú hay gì không ?
(Tự động xuống dòng chơi)
Hay chúng chỉ bay đi là xong."
(Trích Bắt trẻ đồng xanh, J.D Salinger. Phùng Khánh dịch)


Free as a bird
It's the next best thing to be
Free as a bird
          -John Lennon

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

điêu tàn

Em thích mắt xanh
chị ra đất Bắc
hái trộm em vài hạt nắng vàng chơi

em nằm ngửa
chị về giữa ngày
trời mưa chưa dứt
chị gấp dù em trông qua kẽ mắt
mắt chị buồn
mắt chị sâu
chiều đọng lại
cổng tò vò khép vội
em hát những câu vè xưa cũ
chị đi mất rồi
còn đâu.

em nằm nghiêng
nghiêng tròn hạt nắng
tiếng rao hàng dâng đầy ngõ vắng
tiếng mặt trời vỡ trên cao
còn tiếng chị
tiếng chị đâu
em chẳng thấy
em chỉ nghe
tiếng lá rụng sau hè
tiếng tim đập
tiếng nước chảy
tiếng thở dài
chờ chết.

em như một đứa trẻ đi hoang
tìm kiếm những gì ?
_Không biết
mắt xanh em cần chi hử chị
nắng vàng rồi lại tắt đi mau
em chỉ cần đôi mắt nâu ấy
đôi mắt buồn ấy.
rồi thôi

em ngồi một mình
nơi điêu tàn giữa hai thế giới
còn chút gì để nhớ ?
còn chút gì để quên ?

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Đi tìm Gatxbi (2)

Đã có lần, anh nói với tôi : "Trong đầu anh chỉ có hai thứ : làm điện ảnh và đá phò."

Tôi (có) tin điều đó.

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Chỉ đơn giản là con người

Hôm nay, tôi bắt đầu sợ. Một số hạng người không biết sợ. Nhưng tôi đoán họ không thành thật. Ai mà chẳng sợ cái gì đó, hữu hình hay vô hình. Sợ con người thì là hữu hình hay vô hình, vì cái mà bạn sợ có phải là cái thân xác hiện hữu đó đâu, cái mà bạn sợ là thứ khác, là thứ nằm sâu thẳm bên trong nó chứ.

Hôm nay, tôi bắt đầu sợ. Không, nói như thế chẳng lẽ cho rằng từ trước đến nay tôi là một kẻ không biết sợ sao. Chính xác hơn, hôm nay tôi bắt đầu sợ một số người. Một số người có thể là hình ảnh điển hình cho một số loại người nào đấy. Nhưng, tôi chưa gặp đủ số người cần thiết với những đặc điểm y như thế để có thể dùng phép suy luận quy nạp rút ra kết luận rằng có tồn tại một số loại người như vậy trên thế giới này. Vả chăng, tôi cũng chưa đủ trí tuệ và bản lĩnh để thực hiện cái phép suy luận về một vấn đề to lớn như thế, vấn đề con người. Thế nên, nói 'hôm nay tôi bắt đầu sợ một số người' có lẽ là đã đủ. Đủ vì dù gì đi chăng nữa, đây vẫn là ý kiến chủ quan của tôi, và ý kiến đó là để nói về một số cá nhân nào đấy.

Nỗi sợ làm chúng ta mù. Có thể nói như thế không ? Khi bạn sợ, bạn chẳng thể nào quá ý thức được về hành vi, hành động của mình. Vì thế, bạn phản kháng dữ dội mà ít khi dùng đến lý trí. Do đó, khi tôi viết nên những dòng này, là tôi đang phản kháng, lý trí tôi bị đóng kín, tâm hồn tôi mịt mù. Và cũng do đó, trước mọi sự trách cứ chửi bới sau này (nếu có), tôi sẽ chỉ mỉm cười và nói "Khi đó, tôi đang sợ quá đấy thôi."

Trước hết, tôi sợ một người uyên bác. Nên hiểu theo nghĩa nào cho tường. Là học rộng, hiểu nhiều, nắm giữ nhiều tri thức ; hay là một người có vẻ học rộng, hiểu nhiều, nắm giữ nhiều tri thức. Tôi không quyết định được. Nhưng tôi sợ cái uyên bác ấy. Uyên bác không có nghĩa là thông minh. Uyên bác theo hướng vặt vãnh và góp nhặt kiến thức mỗi nơi một tí, đầu óc nhét đầy một thứ hiểu biết chấp vá, tạm bợ thì chẳng ra gì. Và với một nền tảng trí óc sơ đẳng chẳng mấy vững vàng, kết quả là bỗng dưng người ta trở nên mê đắm trong một chốn lạ lùng không thuộc về thế giới nào hết, người ta đâm mê mẩn các thứ từ ngữ và công thức, người ta nói năng huyên thuyên, đi đứng lảo đảo như người say rượu. Say rượu thì người ta nôn. Nôn vào người khác. Phải rồi, ở chốn lạ lùng nơi trí óc ấy, nôn không hẳn là nôn. Nhưng với những người ở thế giới này, nôn là nôn và chỉ là nôn mà thôi. Và khi bị ai đó nôn vào người, chẳng ai là không khó chịu. Bỏ qua một hai lần, lặng lẽ giặt giũ đôi ba chiếc áo bẩn. Nhưng, phải chăng ở cái chốn lạ lùng nơi trí óc ấy, khi mà nôn không hẳn là nôn, khi mà nôn không hẳn là cái hành vi khiến người khác khó chịu, thì bỗng dưng nó trở thành một nghi lễ trang trọng, phải được cử hành đôi ba ngày một lần, bất kể cái thế giới thực đang hiện hữu này nghĩ gì ?

Thứ hai, tôi sợ một cái mồm. Một cái mồm của một con người. Bản thân con người ấy, thiếu vắng cái mồm, tôi không sợ gì cả.  Thế nhưng, bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất. Một cái mồm biết phát ngôn đấy, nhưng toàn phát ngôn những điều vô duyên, những điều làm cho người khác khó chịu.  Lẽ dĩ nhiên, tôi không dám nói cái mồm tôi chẳng bao giờ nói bậy, phát ngôn vô duyên. Chỉ tại, cái mồm tôi còn non tuổi, phát ngôn điều chi còn đó sự rộng lượng từ người lớn. Nghe mùi ngụy biện, nhưng mà biết đâu được, tôi đang sợ quá đấy thôi (lại nghe mùi ngụy biện).

Thứ ba, tôi sợ một con người thích đùa. Bởi vì thích đùa nên chẳng thể nào lường trước được anh cả. Cái sự thích đùa ấy nằm trong bản chất của anh, chẳng thay đổi được. Đùa cợt giữa chốn không người, cho ma quỷ hờn ghen (vì không đùa cợt được chăng), thì chẳng nghĩa lý gì. Anh đùa cợt với con người, với bạn bè (tôi không biết chắc tôi có phải là bạn của anh không, anh thích đùa mà, nhưng tôi cam đoan trăm phần trăm tôi là con người, vì anh chẳng thể nào đùa cợt trên chuyện ấy). Trời đất ơi, nhưng mà đùa là đùa thế nào, làm sao định nghĩa được chữ đùa, nó có phải chỉ đơn giản là chọc cười thiên hạ đâu. Thôi thì cứ hiểu theo nghĩa mà tôi định nói, đùa ở đây, cứ như chuyện anh cùng tôi đi chơi, rồi ra về lem lẻm cái mồm đòi xin một cuốn sách-xứng-tầm-bố-mày, xin không được thì ra rả trên đường về rằng, nếu không đi bữa nay thì bố-mày không phải mất bấy-nhiêu-đó-tiền, mà còn được ngon giấc ở nhà, hoặc ăn được vài trăm nghìn tiền đánh bạc. Tôi cho là anh đùa. Hoặc, vẫn những khi anh không vòi được cuốn sách nào đó, anh rao lên cho làng nước biết rằng, tôi đối xử với anh thậm tệ, để rồi cái làng nước ấy chủ quan vô độ kéo tôi ra một góc và dạy cho cách đối nhân xử thế, quên đi rằng cái anh chàng thích đùa ấy đã biết bao lần quẳng đi cái gọi là tình bạn ấy biết bao nhiêu lần. Tôi cũng cho là anh đùa. Hoặc anh quá ngây thơ. Ờ nhỉ, khi mà bạn quy mọi thứ trên đời này về tiền và sách (chứ không là tri thức), thì hoặc bạn là kẻ ngây thơ quá đỗi, hoặc bạn là kẻ thích đùa vô cùng. Trời đất ơi, nhưng anh nào đâu chỉ thích đùa vì chỉ nhiêu đấy. Anh còn đùa vì thèm khát con người theo cái nghĩa bần hàn nhất, khốn khổ nhất. Chỉ đơn giản là con người, không phải là bè bạn. Chỉ đơn giản là con người mà thôi.

Hôm nay, tôi bắt đầu sợ một số người. Suy cho cùng cũng là vì tôi chỉ đơn giản là con người mà thôi.

Và hình như là tôi đang nôn.

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Mộng

Không còn ai thở dài
Vào một ngày tăm tối
Nơi quần tay quanh ngõ
Bốn bề mộng thiên thu.

Không còn ai thổn thức
Nặng trĩu trái tim đơn
Cõi mộng sầu úa lá
Sông chín lối bạc tình.

Không còn ai còn đến
Góc trời đẫm lệ mi
Đi bằng đôi mắt nhỏ
Tình để lại hư không.


Ừ thì không còn ai
Không còn ai còn đó
Mơ màng xé mộng đau
Xuân mưa nguồn tạt nắng
Tình chợt thiên thu lắm
Tình còn mãi mai sau.

Xuân 2012

Có những thứ âm nhạc nghe hoài chằng chán. Có thể nghe để vui, nghe để buồn, nghe để nhớ, để mong, để mỏi mòn, để quên, nghe để thức trắng đêm, hoặc để chìm rơi vào giấc ngủ.

Thích nghe Mono, có lẽ, đó là một thứ âm nhạc nghe hoài chẳng chán. Một ngày nhàn nhạt trong những chuỗi những ngày nhàn nhạt sau khi thi xong đại học, sáng sớm 8 giờ dậy muộn, vận Burial At Sea để ngủ thêm chút nữa, chỉ chút nữa thôi, thế mà đâm ra tỉnh, tỉnh như sáo, mắt mở thau láu, rồi cả ngày hôm đó chẳng tài nào dộng vài tai được bất-kể-thứ-âm-thanh-gì-trừ-Mono.

Nhạc Mono không phải là một thứ gì đó vui tươi cho lắm, trong trẻo thì có, nhưng vui tươi thì không. Đôi lúc rề rà, nhưng không bằng Mogwai - uể oải đến buồn nôn. Nghe hoài post rock rồi cũng thấy là dạo này chúng giống nhau quá nhiều. Lặp đi lặp lại những chiêu thức cũ, chiêu trò cũ. Nhàm tai. Thế là tìm lại nhiều thứ âm nhạc đã bỏ quên từ lâu. Nirvana với Where did you sleep last night ?, làm nhớ lại một đêm mùa hạ ẩm ương ở Hà Nội, trong một căn phòng trọ chật chội đầy sách vở, tay cầm đùi vịt nhai nhồm nhoàm, bon chen vào một thứ rượu không tên. Hay Opeth là một thứ âm nhạc mà mỗi lần nghe lại là mỗi lần thấy lạ lẫm, như nghe một band nhạc khác, ở một cõi khác, một thế giới khác. Hay Anthema mà hồi đấy 2 năm trước đã từng cùng nó vật vờ ngược xuôi trong cõi đời đáng chán để rồi nhận ra rằng, cuộc đời này vốn không buồn, không chán, nhưng người ta vẫn khoái làm cho nó chán, nó buồn. Hay Saturnus với giọng đọc ma mị và những thanh âm sắc lẹm. Hay cuối cùng chỉ là một sự im lặng để mà thở dài, thứ đã lâu lắm rồi không hiện diện trở lại quanh đây.

Xuân, lại Xuân. Từng tuổi Xuân đã già ? Đời người như gió qua. Quan trọng không phải là người ta trẻ hay già, quan trọng là người ta khoái đi tìm lại cái thuở đẹp nhất đời người. Níu kéo dù biết là vô vọng. Nghịch lý xảy ra là khi người ta trẻ, người ta khoái già hóa bản thân. Còn khi người ta già, người ta khoái trẻ hóa bản thân.

Hôm nay 24 Tết. Buổi sáng trời mưa.

Thư số 2: ‘Sự nhẹ bẫng không chịu nổi của những đám mây lang thang’ Gửi H (công chúa),  Nếu em hỏi anh anh là ai thì anh sẽ bảo ...