Mùa đông ở đây được đánh dấu bằng những cơn mưa và gió. Mưa nhỏ thôi, nhưng mưa, mưa rả rít suốt ngày đêm, mưa dai dẳng, mưa buồn. Và gió, gío mạnh thúc bạn đi giữa những con đường không bao giờ quá lớn, không bao giờ quá đông hay bừa bộn. Người ta đi vội; dường như họ luôn lỡ một thứ gì đó.
Chiều trôi hững hờ. Tôi dừng lại ở một hiệu sách cũ tên Book Haven, nằm giữa Newtown, bên rìa thành phố. Đối diện hiệu sách là nơi tôi thường hay mua thịt; bên phải hiệu sách vài trăm mét là chỗ tôi thường hay mua cá; và đối diện chỗ tôi thường hay mua cá là thư viện Newtown, nơi tôi từng vào một lần và vì khiếp sợ bởi những tiếng khóc thét của đám trẻ con mà đành thoái lui không hẹn ngày đến. Ông bà chủ tiệm cá người Ý. Tôi chả bao giờ quan tâm cá họ bán là cá gì; tôi chỉ nhớ giá. Ông chủ tiệm thịt người Ấn Độ. Thịt ông bán ngon nhưng thứ gạo Ấn ông bán khô đến nỗi nó khiến mồm tôi trệu trạo cả một ngày sau khi ăn phải.
Book Haven nhỏ; mấy cây đèn bàn vàng vọt đặt ngẫu nhiên trên những hàng kệ lộn xộn tạo cảm giác ấm cúng của một nơi trú ngụ thật sự. Ông chủ hiệu là một ông già hói nửa đầu, râu và phần tóc còn lại bạc trắng. Ông để bên ngoài cửa hàng một sạp sách giảm giá. Bên trong, ngoài cùng là ngăn dành cho những Dos những Camus những Joyce những thứ sách mà người bình thường hoặc ngại đọc hoặc mê muội cắm đầu vào đọc. Bên cạnh là những sách bớt hàn lâm hơn; vào sâu trong cùng là sách bestseller kinh dị, diễm tình hoặc khoa học viễn tưỡng đồng giá 10 đồng rẻ mạt và nặng mùi khi dễ. Tôi chọn một cuốn hardback dày cộm 10 đồng vì thích tác giả của nó. Tôi thấy một cuốn thơ in rất đẹp của Paul Mccartney. Ông chủ vừa lúc đóng cửa giới thiệu tôi trang web bán sách của hiệu. Tôi bảo, lượn lờ quanh cửa hàng như thế này vui hơn. Bên ngoài, trời vừa tối.
Vào ngày cuối cùng của lớp Literature, cả lớp được xem bộ phim phỏng theo cuốn tiểu thuyết mà chúng tôi dành 2 tuần để phân tích. Không ai mang theo bắp rang. Bộ phim overdramatize và dở hơn nguyên bản. Dương bảo, nó nằm trong số những bộ phim Châu Á Thái Bình Dương hay nhất mọi thời đại. Anh bảo anh chưa xem nó. Dương là thế và vì lẽ đó tôi không bao giờ tin tưởng anh cả.
Để về đến nhà tôi phải lên dốc mấy đoạn, và nếu không nhờ cái máy nghe nhạc thì hành trình đó sẽ trở nên chán ngắt, nhất là khi trời rét buốt thế này. Ở mỗi ngã tư đều có đèn qua đường, nhưng tôi thường xuyên băng bừa qua mỗi khi không thấy xe đến. Kể ra cũng mạo hiểm.
Mấy ngày nghỉ này thường xuyên trong tình trạng không có gì làm. Thời tiết mùa đông thích hợp cho việc trùm mền và ngủ. Chực chờ đống sữa và café trong tủ. Dạo này làm biếng nấu ăn; món cá kho đã xơi hết từ chặp tối. Mở tủ lạnh chỉ thấy nước lã.
Một hôm, quyết định đem bán vài cuốn sách free lấy từ common room lẫn thư viện trường và bù thêm 6 đồng để mua A Moveable Feast bản năm 1965 mỏng dính thơm mùi sách cũ ở một tiệm sách cũ ở trung tâm thành phố. Để rồi tối hôm đó trong tiếng hú của gió cắm đầu vào đọc để nhận ra Paris trong A Moveable Feast cô độc hơn bạn nghĩ. Để rồi nhận ra cái Paris của tình yêu và tình dục trong một cuốn sách của một tay nhà báo Úc nhộn nhạo hơn bội phần với mớ hình ảnh minh họa đầy thú vị. Để rồi đóng sách cái rụp và cất nó vào ngăn tủ cùng chung với cuốn từ điển dày cộm và hàng đống sách khác. Để rồi nhận ra rằng có rất nhiều sách vẫn chưa đọc. Lời biện hộ: có những cuốn sách, chỉ nhìn bìa thôi, là đủ để biết là sách để dành cho mai sau. Để rồi nhận ra rằng thói lười biếng sinh ra từ việc nhận thức rằng mình còn quá nhiều thời gian phía sau, tự mặc định tương lai mình luôn rãnh rỗi, dù tương lai là một thứ nhờ nhợ chẳng tài nào biết chắc được.
Để rồi nhận ra rằng mùa đông buồn quá, buồn hơn tôi nghĩ. Để rồi tự hỏi: liệu những con người bước vội trên đường đang lỡ mất một thứ gì đó, hay chính là tôi đang lạc mất chính mình?
“I know I'm afraid, I know I'm afraid,
I'm drunk and I'm tired,
And the city I walk in, the city I walk in,
It feels like it swallows,
With my hand in my pocket,
I feel like a shadow, I feel like a shadow.” – Warpaint
Cái lạnh ko đến từ những góc phố trắng tuyết, cũng ko đến từ những trang sách đượm mùi giấy cũ, cái lạnh thực ra đến từ lòng người.
Trả lờiXóa