Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Đi tìm Gatxbi (1)

Người ta gọi anh là Gatxbi. Tôi quen anh vào khoảng hơn 1 năm trước ở Hà Nội. Tại căn kháng phòng chiếu phim vĩ đại đó, anh đứng im lặng như một đứa trẻ, như tôi, cầm cây đèn cầy quơ quào theo giai điệu của một bài hát cũ. Trên màn ảnh rộng chạy rông một loạt hình. Mọi người cùng hát. Đèn tắt. Những cái bóng cắt ngang màn hình trông như những vệt máu. Anh vẫn đứng im lặng như một đứa trẻ. Như tôi.

Hàng ghế bọc nhung. Hàng ghế đỏ. Anh đứng tựa lưng vào chúng, một tay để nơi miệng, trông suy tư. Hẳn nhiên là anh đang suy nghĩ. Khi đó anh trông như một triết gia, một vĩ nhân, một vĩ nhân gầy gò. Tôi luôn cảm giác thấy anh luôn là một con người khó ở, một kẻ lạc lõng, vừa muốn chối bỏ thế giới này, vừa muốn đập tan nó, vừa muốn hòa vào nó. Anh đứng rất xa màn hình, rất xa mọi người. Bóng của cả anh và tôi đều không tài nào với tới được những vệt máu.

Có một đêm nào đó, tôi gặp anh trong giấc mơ của mình. Tôi không tài nào nhớ chi tiết được nó. Chỉ nhớ được giọng anh cười. Giọng cười thơ ngây. Giọng cười của một kẻ khó ở. Lại nghe thấy giọng anh đọc một bài thơ của Lưu Quang Vũ :

Nửa đêm, những con tàu
Thả neo ngoài cảng
Ngôi nhà cũ đã tan
Vì một thói quen
Tôi vẫn khoá cửa cất chìa khoá vào túi
Bậc đá lấm bùn
Lòng tôi như sỏi hoang
Trên cầu Hạ Lý.



Lòng tôi như sỏi hoang trên cầu Hạ Lý. Tôi thức giấc lúc nửa đêm để rồi không ngủ lại được nữa.

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Hà Nội lần thứ hai tôi đến

Ngủ muộn. Thức dậy đã là nửa đêm. Ngoài kia im ắng. Con đường im ắng. Ánh đèn im ắng. Ai đó ho nhẹ trong đêm. Tiếng ho vang ra xa, rất lâu, rồi thôi. Nó dừng lại bất chợt. Bóng tối tịch mịch. Hồn ai cô liêu giữa chốn này ?

Và còn đó, âm vang của những ngày cuối thu Hà Nội. Thu cô liêu, tịch tiêu. Trời mát, cái mát không cân đo đong đếm được. Bầu trời vẩn đục. Giữa trưa không thấy nắng. Thời tiết thuận lợi cho việc u sầu nghệ sĩ. Ví như việc ngồi trà chanh Bờ Hồ vẩn vơ cho một sự tàn tiệc mặc dù bữa tiệc chỉ mới bắt đầu. Hay như việc ngồi trong một quán cafe đẹp đẽ nhưng cliché bỏ mẹ trông ra những mái nhà cổ đen lòm bên dưới và tưởng tượng lấy cảnh mình biến thành một con gecko chân bám dính bò loằn ngoằn trông lên lũ người ngợm bên trên với một cái nhếch mép cùng một ý nghĩa xấu xa quái gở nào đó về cái pizza mà họ đang ăn, cốc cafe mà họ đang uống, thứ âm nhạc mà họ đang nghe.U sầu nghệ sĩ. Đó là những thứ u sầu chẳng có lí do rõ rệt, thường là rất vô duyên, vớ vẩn, giả tạo và dị hợm.

Cuộc sống này không tồi, đúng không ? Vâng, cuộc sống này không hề tồi nếu như công việc của bạn chỉ là sáng sớm ngồi cafe trà đá chờ mặt trời lên, chiều tối ngồi trà đá cafe chờ mặt trời xuống. Nó vẫn không hề tồi nếu như bạn chêm thêm vài công việc lắt nhắt ở giữa, như ăn một dĩa bún đậu mắm tôm trong một cái ngõ nhỏ đầy gạch, hay đứng trên hoàng thành Thăng Long mà ngó nghiêng dòm gái, hay cắn răng bị công an giao thông chôm đứt vài trăm nghìn khi rẽ vào con đường Kim Mã để rồi thảng nhiên trả thù bằng cách văng tục chửi đổng ngay giữa quầy thịt chó - không quên gắp mấy miếng dồi lòng chấm mắm tôm bỏ vào mồm. Vâng, cuộc sống này không hề tồi. Nó quá vui, quá nhộn. Thế là lại có cớ bỏ lại sau lưng cái u sầu nghệ sĩ mà hát vu vơ mấy câu trên đường. Có phải em là mùa thu Hà Nội ? Có phải em là mùa thu Hà Nội ? Có phải em .......

Hà Nội lần thứ hai tôi đến chẳng đổi thay gì cả. Màu sắc của nó vẫn vậy. Con người vẫn vậy. Những bóng người loang trên Hồ Gươm vẫn vậy. Từng góc phố, góc đường, góc nhà giấu một cái bóng cổ kính. Ta biết rằng nó luôn có ở đó. Ta luôn sợ rằng một ngày nào đó, ta phải lôi nó ra, và thế là sẽ hết một Hà Nội ngày xưa còn lại.

Hà Nội lần thứ hai tôi đến. Vẫn chưa cảm thấy là mình đã sống sâu sắc được với nó. Ngẫm lại, đến mình còn chưa sống cho sâu sắc được với mình. Huống hồ chi.

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Right Into The Bliss

Thứ nhất, dường như đang hối hả để sống, nhưng cũng dường như đang ù lì để chết. Hoặc có lẽ, chẳng rõ đang làm gì, vướn bận, something in the way. Hoặc có lẽ, đang làm gì để biết mình đang làm gì, dù sau cùng thì vẫn chẳng biết. Đầu rỗng.

Thứ hai, chỉ muốn lặng im, không thở dài.

Thứ ba, nghe lại một bài của Katatonia

by a black road
giving a brief smile
something's on the way
forgotten for a while
and you try to speak this
without a voice down by a black road
we try to forget and try to make it through
mù quáng

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Rừng Na Uy ......

Tay đỡ cằm, cô hút đến nửa điếu thuốc thì dụi nó vào cái gạt tàn. Cô dụi mắt như thể vừa bị khói xộc vào.

"Con gái nhẽ ra phải duyên dáng hơn khi tắt thuốc lá. Cậu dụi thuốc như một ga thợ xẻ vậy. Cậu không nên dúi nó xuống ngay thế, mà phải nhẹ nhàng gạt quanh một tí đã. Như thế nó mới không cong gẫy thế kia. Với lại con gái không ai nhả khói ra đằng mũi như thế. Mà cũng chẳng bao giờ đi kể chuyện chỉ mặc một cái xu-chiêng liền trong ba tháng trong khi ngồi ăn một mình với đàn ông."

"Thì tớ là thợ xẻ mà," Midori nói, gãi gãi cạnh sống mũi. "Tớ không bao giờ có thể sành điệu được. Tớ đã đùa thử nhiều lần, nhưng không thể được. Còn chê trách gì nữa không?"

"Con gái không hút Marlboro," tôi bảo.

"Khác quái gì? Thuốc nào thì cũng dở như nhau cả." Cô xoay xoay cái bao Marlboro trong tay. "Tớ bắt đầu hút thuốc từ tháng trước. Chẳng phải thèm thuồng gì. Chỉ thinh thích thế thôi."

Tôi nói chị giống Midori, vì những lẽ giản đơn, cá tính, hút thuốc lá hiệu Malboro, và nhả khói qua đằng mũi. Đấy là khi tôi và chị ngồi cafe xập xệ trên hai chiếc ghế nhựa đỏ, kế cận một quán Bar chưa mở, đối diện Sheraton, bao bọc bởi những chiếc xe taxi lặng lẽ. Mùi tanh của nước bọt và những tàn thuốc được thải ra bằng đường mồm của những gã lái xe nồng nặc quanh đây. Lí thú như mùi một loại nước hoa xịn bên tận trời Âu xứ Pháp.

Ấy là một lời phỏng đoán hồ đồ trong lần đầu tiên gặp gỡ, và chị chỉ đáp lại gọn lỏn : "Bạn  chị nói chị giống Naoko hơn."

Rừng Na Uy, chỉ là một ca khúc lâu lắc, lâu lơ, chỉ là một thứ hiện diện như khêu gợi nỗi nhớ trỗi dậy. Cái chết, những cuộc tình, những cuộc làm tình.

Nguời ta nói, Rừng Na Uy cấu tứ như một bản nhạc Jazz.

Một bản nhạc Jazz.

Trông cô liêu đến sợ. Tôi thích lắm khi hai người leo lên mái nhà, rong chơi trong đầu óc của chính họ, mỉa mai thay - một căn nhà đang cháy. Nóng, và lạnh cùng hiện diện trong một cảnh. Bay.

'Con gái không hút Mal.'

Tôi đang nghe Anathema, không phải vì một chút hậm hực vì Q đã bỏ mình để đi ăn đi nhậu. Đói bụng đến cào ruột. Thả khói Malbroro ra đằng mũi, tôi ước gì mình giống như Midori, trong một chừng mực nào đó. Mỗi khi có những ước muốn điên rồ nào đấy, tôi lại nghe Anathema. Một thứ âm nhạc cân bằng. Có buồn, nhưng buồn để rồi lại hi vọng. Nỗi buồn cảnh tỉnh.

Để rồi tự hỏi, cảnh tỉnh để làm gì ?

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

ngày thứ ba bình thường

Hỏng, thế là hỏng, tôi chửi đổng lên giữa con đường một chiều Lê Thánh Tôn vào lúc 4 giờ 30 phút ngày hôm qua, một ngày thứ ba bình thường. Đấy là khi chiếc xe Resport của ngài nghệ sĩ nhớn Vũ Ánh Dương chợt im bặt, thôi thở phì phò. Xăng hết rồi cậu à, Dương nhanh nhảu giải bày trong khi quặc tay lái vào lề đường. Hỏng, thế là hỏng.

Vận một cái áo trắng toát, tay áo viền 7 sắc cầu vòng, trông Dương như một nhà dân tộc học ngớ ngẩn nào đó đã xa rời quá lâu khỏi cuộc sống thành thị, nay trở về ngơ ngác giữa chốn phố xá không đèn. Sau một vài lời chỉ dẫn thiết thực bổ ích của tôi, Dương dắt xe đến chợ Bến Thành tìm cây xăng để vục vào mồm con Resport vài ba lít. Xong, nó gầm gừ. Dương, vẫn quặc tay lái, nhưng lần này là vào một trong những con đường sầm uất náo nhiệt nhất Sài Gòn, xưa tên là Tự Do, nhưng khi đã tự do thì đổi thành Đồng Khởi. Hỏng, thế là hỏng, tôi lại chửi đổng lên giữa phố, đường này một chiều cậu à, phải chạy lại từ Nhà thờ mà dò tìm thôi. Chúng tôi gặp anh Lâm Vũ Thao. Uống cafe, ngắm mặt nhau, cười khì khì, ra về quên mất công đoạn rút ví trả tiền, không còn ngắm mặt nhau, đội mưa về, cũng quên mắt công đoạn trùm áo mưa, thế nên ướt nhẹp, lại cười khì khì, lại ngắm mặt nhau.

Hôm thứ hai xem xong cuốn 69 của Ryu Murakami, nhộn nhịp tươi vui khó lường. Đến đoạn phong tỏa trường học phải phì cười, đến đoạn "ý thức hệ của một cục cứt" cũng phải phì cười. Ryu viết tự nhiên. Sách mỏng, đọc nhanh. Chương kết thúc chán, cắt bỏ nó ra thì đẹp.

Cũng tối hôm đấy ngốn gần hết cuốn "Cánh bướm và đóa hướng dương" của bác Vương Trí Nhàn, không thích bằng cuốn “Cây bút, đời người”, có lẽ vì nó gọn gẽ quá, nhưng thích một vài đoạn - ví như đoạn này (viết về Nguyễn Huy Thiệp) :  

Với thói bi phẫn thường trực, ở cuối Kiếm sắc, Nguyễn Huy Thiệp viết rằng công việc viết văn phức tạp, nhọc nhằn, lại buồn tẻ nữa. Nhưng tôi ngờ có lúc Nguyễn Huy Thiệp sẽ thấy mình nhầm ! Cái việc oan nghiệt ấy cũng rất thú vị, dù chỉ là một thứ thú vị kiểu Xi-díp (Sisiphe). Nếu tác giả không cảm thấy trước, thì làm sao tác phẩm của anh có được cái hấp dẫn ma quái với bạn đọc như nó đang có?

Sắc thật.

Còn nhiều đoạn rất hay ho trong "Cánh bướm và đóa hướng dương", nhưng xét về tổng thể thì thích “Cây bút, đời người” hơn, có lẽ chỉ là do cảm tính.

Còn cuốn "Cát bụi chân ai", Dương, tình cảm bẹn bà cho, đổi lại bằng vài chục tiền xăng đi đường cộng thêm một cuốn "Bạn văn", đang nằm trên bàn, đè lên đống sách Ryu Murakami, để lại sự băn khoăn nơi chủ nhân của chúng- nên đọc gì trước, 3 cuốn Ryu hay 1 cuốn Tô Hoài.

đến giờ vẫn chưa hết băn khoăn.

Hay là đọc "Biên niên kỉ chim vặn dây cót" để đổi gió nhỉ. Nhớ hồi đấy, mùa hè lớp 8 lên lớp 9, vào một buổi chiều đẹp trời, tôi bắt xe ôm đi mua. Nhá nhem tối, trời đổ mưa, ngồi thu mình trong một chiếc xa lông êm như nhung, cạnh cửa sổ -trông ra rất đẹp - đọc lò mò từng con chữ, chữ nhỏ, đọc vài trăm trang vẫn chưa hiểu mô tê gì. Vứt đó. Hôm sau lò mò đọc tiếp, rồi không dứt ra được, đọc cho đến tận cùng, dù vẫn chẳng hiểu mô tê gì cả. Thế là ấn tượng mãi thằng cha nhà văn mang cái tên Haruki Murakami này, tự nhủ sẽ không bao giờ mua sách ổng nữa, vậy mà sau đó vẫn mua, vẫn trữ, vẫn đọc và vẫn chẳng hiểu mô tê gì. Thôi thì cứ để dành đó, mình không hiểu thì con mình hiểu, cháu mình hiểu. Dương thòm thèm "Kafka bên bờ biển", dứt khoát không cho, để mặc bộ mặt nhăn nheo và giọng nói nũng nịu của hắn lại Hà Nội, lại cái thành phố mà hắn luôn khoe là đầy sách vở, đầy tri thức, đầy vốn văn hóa nhưng lại thiếu mất một cuốn sách của Haruki Murakami. Thật đáng thương làm sao.

Sắp đi học đại học, học đại học ở tận Thủ Đức. Sẽ phải đi xe bus. Xe bus hẳn là đắt. Nghe nói thuê một ngày mấy mươi triệu. Vé xe bus rẻ, một vé 4 nghìn các tuyến có cự ly dưới  31 cây số, từ 31 cây trở lên là 5 nghìn. Bắt đầu từ khi nào xe bus hiện diện trên khắp phố phường ? Quên rồi. Hay là chẳng cần nhớ. 5 năm. 10 năm. Lúc trước người ta đi bằng gì ? Đi bằng xe máy ? Thời của xe máy ? Chẳng rõ. Tôi đi xe đạp. Cái xe đạp mà dây xích đã mỏi mòn qua bao tháng, chế dầu nhớt mãi chẳng xi nhê. Lọc cọc, lọc cọc. Đi trong đêm giựt cục. Lọc cọc, cái âm thanh ấy nghe ra gì ? Một sự đứt quãng. Chẳng rõ. Chẳng có thứ gì rõ ràng ở đây cả.

Sẽ đến thời của xe đạp.

Lảm nhảm đủ rồi, giờ ngồi nhà chờ, chờ được đi xem phim của Trương Minh Quý, tên phim là - Ngày chủ nhật bình thường.

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Chị (2)

Hôm nay nghe tin chị từ bỏ nhạc buồn để nghe New Age. Nhạc buồn bao gồm đủ mọi thể loại, doom - depressive - suicidal các kiểu, không buồn nhạc cũng buồn lời. Ngạc nhiên ghê. Ấy mà lúc trước chị sầu đau ghê lắm. Lần gặp gần đây nhất với chị là vào ngày 23 tháng 8 năm 2010. Nhớ rõ vì bữa đó có chép lại : http://kingpersnake.blogspot.com/2010/08/chi.html

Thôi từ nay ta bỏ
Nỗi lạnh gáy
Bập bùng


thôi, thế cũng tốt.

thôi, ngủ.

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Trà đá, nước ngọt.

Gặp Vinh lần nào cũng chóng vánh, rồi đi. Ngồi nói chuyện, chuyện lảm nhảm, đúng chính xác là như thế. Vì biết nói gì ? Lần gặp gần đây nhất là từ Tết, cũng nói chuyện, chuyện lảm nhảm. Thế mà vui. Vừa có cái gì xa cách cũng vừa có cái gì rất gần. Tối nay ngồi giữa một xa lộ không đèn, xe chạy theo đợt, lúc ào ạt ầm ĩ, lúc êm ả như ru. Nước ngọt tận miệng, trà đá tận răng. Không uống càfê, hay chất kích thích. Chẳng bỗ bã, chẳng ồn ào, chỉ rù rù thu lú ngồi yên đó, cười những nụ cười đơn độc.

Gặp Vinh lần nào cũng vui. Vui vì chẳng có gì đáng kể xảy ra cả. Ngồi lảm nhảm, chỉ thế thôi. Lần này lảm nhảm những gì lần trước đã lảm nhảm rồi, thế mà vẫn vui, vì có nhớ lần trước nói những gì đâu. Vẫn cười hà hà những câu chuyện cười đã kể, vẫn chửi rủa những cái đã chửi, vẫn khâm phục những người đã khâm phục. Vinh thoạt trông có vẻ hấp tấp, nhưng anh sống không vội, vì anh còn trẻ lắm (sinh năm 1989 thì phải), thế mà lại hay, hay vì chẳng phải mất công ú ớ tụ năm tụ bảy bạn bè lại – rồi tìm cách lấy lòng nhau, bợ đích nhau, nịnh bợ nhau, thảo mai nhau, rồi dần dà quên mất nhau - những người bạn tự đến với Vinh, thầm lặng. Vinh không phô trương, mặc dù tôi thấy anh rất giỏi, giỏi ở những gì anh biết, giỏi ở chuyên môn (anh học Đại học Kiến Trúc TPHCM), ở cách nói, ở chỗ đối nhân xử thế. Đôi khi cơn bốc đồng lại dấy lên trong anh, để rồi chửi đổng lên một tiếng, để rồi tiếng chửi lọt thỏm vào hư không, lại rù rù thu lú ngồi yên đó, cười những nụ cười đơn độc.

Có lẽ vì chưa gần Vinh đến mức tận tường mọi thứ nơi anh, để rồi chỉ thấy những thứ mà anh muốn cho tôi thấy. Nhưng tôi tin anh sống thật, thật từ việc tụ tập bạn bè lại cover bản Down in the hole cùng 3 bè đệm, thật từ việc mải mê cùng đống tranh Fractal khó hiểu, thật từ việc tổ chức những trò chơi tâm lý đánh đố cho bạn bè nơi một quán càfê thưa thớt nào đó, thật từ chỗ làm một bộ phim cùng cú máy tĩnh dài 5 phút – thật atmospheric, thật cảm giác - để rồi cười cợt khi nghĩ đến chuyện phát giấy mời cho những Trần Anh Hùng, cho những nhà đạo diễn điện ảnh lớn trên toàn thế giới, để rồi xem xong có thể hất mặt hỏi nhau : “Ê Hùng, thấy phim tui thế nào ? Khá khẩm chứ ? Đem dự Cannes được chứ ?”. Còn nếu giả như là tôi chỉ nhìn thấy một Vinh giả tạo, thì chẳng sao. Vì đôi lúc, chỉ cần những người bạn để ngồi nói chuyện, chuyện lảm nhảm, để khỏi mất công lo âu cho nhau, nghĩ suy về nhau, bực tức vì nhau.

Có lẽ lần gặp sau với Vinh sẽ là vào 3 tháng nữa, 6 tháng, hay một năm không chừng. Nhưng có lẽ anh vẫn chỉ thế, vẫn là Vinh như thể lần đầu gặp mặt, chẳng là ai, vì anh chẳng cần là ai cả. Để rồi lại nói chuyện, chuyện lảm nhảm. Không càfê, không chất kích thích. Chỉ nước ngọt, chỉ trà đá. Chẳng bỗ bã, chẳng ồn ào, chỉ rù rù thu lú ngồi yên đó, cười những nụ cười đơn độc, trên một xa lộ không đèn, nơi mà gió chẳng tài nào thổi tới được.

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Trích dẫn

Dạy cho con người một chuyên ngành là chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng.
---Albert Einstein


Gửi ai đấy (học rất cao, biết rất nhiều).

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Ai cần lấy khoảnh khắc ?

Cầu lấp lánh sao trời. Ngõ tối đen kịt. Cảnh sát dí, huýt còi. Thủ Thiêm trong tiếng tàu xa. Mân mê tiếng rao hàng ban đêm. Leo lên. Leo xuống. Dốc như dựng đứng. Những cọng hành dăng đèn như muốn đổ sụp. Tan tành. Xe đạp, xích gần đứt, lọc cọc gõ nhịp xuống đường. Mọi âm thanh dồn lại. Mọi hình ảnh dồn lại. Ai cần lấy khoảnh khắc ? Chuyến tàu bay ban xa.

Gần hơn chút nữa. Mùi thơm của gió, của rét, của bụi, đương tỏa trong không khí. Miệng lưỡi nếm một mẩu bánh đa, trông ra mảnh trăng cuối làn nước, mờ đục. Ai bảo thành phố này buồn ? Tôi không bảo. Xe máy nẹt pô trên đường. Họ va vào nhau, rồi với một cú liếc ngược, mồm tỏa búa xua thứ ngôn ngữ mà bất cứ người lương thiện tử tế nào khi nghe cũng thấy ngượng mặt. Ai bảo thành phố này vui ? Tôi không bảo.

Tiếng nhạc rập rờn trong đầu. Không phải tiếng violin. Không phải tiếng guitar. Là tiếng đàn đáy, tiếng trống chầu, bần bật trong không trung. Thời gian, không gian như căn ra giữa chúng. Chỉ căn vừa đủ, thở nhẹ là đứt. Thế mà cô đào nương thở mạnh, vậy là chẳng xảy ra chuyện gì. Nhịp chạy loạn xạ trên xa lộ không đèn. Tốc độ trôi của mây, có ai tính được ?

Xa hơn chút nữa. Có thế nhìn thấy gì ? Không thể nhìn thấy gì cả, ai đó bảo. Tôi thì thấy. Tôi nhìn thấy tôi.

Gravity, một ca khúc của cô ca sĩ Thái Lan nào đấy, vang lên, nghe nhẹ bẫng, nghe như đang đứng ở rìa vũ trụ, vục mặt xuống, thì chạm đất.

in this dead hour
when all is blank
minutes are worthlesss


                              chờ ngày nghe lại Katatonia...

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Tình yêu có màu gì ?

Có đang nghe một bản nhạc quá hay về tình yêu ? Có đang tự hỏi, tình yêu có màu gì ?


Chúng ta đang ở giữa lòng Paris, không phồn hoa, tráng lệ, không mĩ miều, kiêu sa. Chỉ có một màu vàng, của những ánh đèn. Bên ta, cạnh ta. Da diết, màu hoan ca. Một chàng nghệ sĩ đường phố cứ quay vòng vòng quanh những vòng tròn bất định. Một nghệ nhân kịch câm giễu người đi đường. Nhưng giờ này còn mấy người đi ? Giờ này chỉ còn hai ta. Chung đụng một mối tình câm. Không giễu ai được cả.

Anh nghĩ đến ngày cưới em. Ngày đó có màu gì ? (Ngày đó là ngày bắt đầu tình yêu thật sự). Hiển nhiên là màu trắng, màu của sự trinh khiết, màu áo cưới, màu tinh khôi. Trắng, để khám phá, để lục lọi, truy tìm. Điều gì ? Anh không biết.

Ngày đó có màu đỏ, của rượu, của son môi em, của trái tim em. Màu vàng , của ánh đèn, của thân thể. Màu nâu của đất, của bánh mì, của những dãy ruy băng, của tiếng đàn ghita. Màu xanh của mắt em, của bầu trời (hay cả hai là một) ? ! ?

Sáo mòn thay cho việc cưới xin. Liệu có thể quẳng đi tất cả để cùng bưng bê nhau lên một con thuyền nhỏ nhắn, nơi anh khua mái chèo và em thì hát. Hát bài nào hay đi, anh không thích nghe mớ nhạc rẻ tiền về tình yêu mà bọn loắt choắt chẳng biết gì về tình yêu cứ rao rảo luôn mồm trên truyền hình vô tuyến. Đừng hát những bài ca chia tay, chúng ta vừa mới bắt đầu mà. Hãy hát Cuộc đời màu hồng, của Edith Piaf ấy. Ừ, đúng bài đấy rồi.

Nhưng hãy nghĩ thử xem. Tại sao chúng ta lại không tổ chức lễ thành hôn ? Ở đó có anh chàng nhạc công đánh piano (có khi là một người da đen), tệ lắm là một band nhạc (đầy những anh da vàng, da trắng). Anh sẽ kêu họ đánh một bài nào thật bốc, thật đỉnh, bỏ qua những thứ ỉ ôi èo uột, bỏ qua Ave Maria, bỏ qua Cát Bụi (em có tin nổi không, đám cưới mà người ta vận bài đấy) – anh từ chối nhạc Trịnh Công Sơn trong bất cứ ngày vui nào của chúng ta. Anh sẽ vận “The man who sold the world” của David Bowie (thú thật là anh thích bản của Nirvana hơn). Anh sẽ vận Ray Charles, sẽ vận Eric Clapton với bản tình ca Layla anh đã từng nghe đi nghe lại hàng trăm lần, sẽ vận Beatles – không Paul Mccartney, tức là chỉ có những bài của John Lennon, Across the Universe, chẳng hạn.

Ta có khách khứa, có bàn tiệc, có thảm đỏ, có một gã MC nói đi nói lại những điều rỗng tuếch, những điều trăm lần đám cưới đều như một. Nào là sống hạnh phúc răng long đầu bạc, nào là vĩnh cửu mãi tình yêu đôi uyên ương trẻ. Sẽ phát giấy mời bạn bè như thế nào nhỉ. Bỏ vào một phong bì vàng, đỏ, hay trắng ? Giấy xịn hay không, giấy láng cóong hay nham nhám xù xì. Ghi thế nào bây giờ ? Tiếng Anh hay tiếng Pháp, hay tiếng Việt ? Sẽ dặn dò mọi người khi cầm theo thiệp mời nhớ bỏ vào vài trăm đô hoan hỉ, để rồi đừng khóc, đừng cười, đừng trốn tránh, vì chúng tôi sẽ đến tận nhà mời bạn đi, chêm một câu, “Đồ ăn ngon lắm đấy.” Ừ mà ngon thật chứ em, nào tôm hùm cá biển, nào thịt thỏ lỗ tai heo, nào gà quay chim nướng. Thơm phức cả một phòng. Chúng ta trao nhẫn, khuyến mãi thêm một nụ hôn nồng cháy. Rượu đổ xuống trên những tầng ly. Khách vỗ hai tay, xong vội vội vàng vàng dùng một tay chộp một cái cẳng gà nhai nhồm nhoàm, một tay nâng li bia Con Cọp lên hô ào một cái, “Dzô...” . Vang dội cả một phòng. Rồi anh và em sẽ khóa tay nhau đi đến từng bàn chào thân ái, chào hữu tình, chào những người rất quen, quen, hơi quen, tạm quen, và không quen lắm. Có những người là bạn học cùng lớp cấp 3 năm xưa, hồi đấy ghét cay ghét đắng mà giờ tay bắt mặt mừng. Có những cô gái anh đã yêu, anh đã thích, gặp lại thấy xao xuyến bồi hồi, muốn véo má, véo mông nhưng đành hãm cái sự sung sướng lại. Có những thầy cô, giờ tóc bạc phơ, cố vắt óc xem sao thằng này là thằng nào trong số vô vàn đám học trò mình đã dạy, và anh chỉ cần nhẹ nhàng nhắc nhở, con là cái đứa chuyên gia ăn trứng ngỗng (hay nên nói là trứng con ngỗng, trứng của con ngỗng, trứng của con ngỗng đẻ ra) môn Toán đấy. Thầy có nhớ không ? Vẫn không nhớ. À, thế thì thôi vậy, pon a-be-ti thầy nhé. Cố phát âm ra một câu tiếng Pháp bập bẹ. Học trò thầy mà, tiếng Tây tiếng u rành lắm. Nói như nó là Mo-đơ tưng ấy. Thế mà gặp lại giáo viên Anh ngữ xưa, miệng líu ríu lại, anh như con chim ngứa cổ hót chơi, rồi anh cười một cái, tiếng cười nhơ vỡ ra thành trăm mảnh thủy tinh. Chốc chốc lại nhặt nhạnh một miếng cứa vào ký ức, đau chứ, ký ức nào chả đau, đau tóe máu, vì hiển nhiên nó chỉ còn là ký ức, chẳng hiện hữu rõ ràng, như nhân ảnh, khi mờ khi rạng. Có người anh nhớ, dù anh không cố tình nhớ. Có người anh quên, dù trong đầu cứ biết rằng người đấy đã từng rất quen thân với ta, trong một khoảng thời gian nào đó, rằng nếu ta cố gắng thêm chút nữa, màn sương mù của chứng quên đó sẽ bị xóa mờ. Nhưng anh không muốn cố gắng, vì ngày hôm nay không phải dành cho họ, ngày hôm nay là để dành cho em.

Đêm đó anh sẽ đọc thơ cho em nghe, một bài thơ tình (hay là không phải) .

“Anh biết em từ độ
Em mới tuổi mười hai
Anh yêu em từ thuở
Em còn tóc xõa vai...”

Anh sẽ nằm kế em, hỏi, tình yêu có màu gì ? Em sẽ cười , màu gì thì em không biết, nhưng nó sặc mùi rượu, mùi men nồng cuối xứ Mê Li. Ồ, anh chỉ hạnh phúc quá đó thôi. Anh chỉ hạnh phúc quá đó thôi.

Đêm đó là đêm của sự hoài niệm.

Tình yêu là cái tuyệt đích nên không bao giờ được thỏa mãn. Thế nên những bản nhạc tình hay nhất đều là nói về sự tan vỡ. Tình yêu có màu gì ? Ai mà biết. Chẳng ai cần hỏi những câu hỏi đậm mùi siêu hình ấy đối với một thứ giản đơn vô cùng như tình yêu. Giản đơn, nhưng làm sao chiếm trọn được nó ? Làm sao hiểu được nó ? Ai mà biết ? Anh sẽ yêu em, với bất cứ giá nào. Ai dám nói điều đó, và giữ lời. Ai dám nâng tầm nó lên ? Anh sẽ cưới em, với bất cứ giá nào. Người ta có thể nói những câu nghe vĩ đại như, Anh muốn sống bên em trọn đời, Anh sẵng lòng chết vì em. Nghe giả tạo tợn. Bình dị hơn, và chân thật hơn, ít người dám nói, và càng ít hơn những người dám làm.

Một lễ thành hôn. Tất cả chỉ là sự tưởng tượng.

Tình yêu có màu gì ? Ai trả lời giùm tôi câu hỏi đó.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Oạch

Oạch oạch
mưa lá đỏ tan hoang
những dấu chấm thang xuống dòng
đòi ngủ, ăn và làm tình như con người
chưa biết rằng con người khổ nhất là ăn, ngủ và làm tình

oạch oạch
con người chỉ cần một vai phụ
dễ dãi phóng tinh
linh kinh đồ đạc
nào thơ Hoàng Cầm
nào trần trụi
- với văn chương
nào nguyệt đài
sao chổi
ánh dương bay những khúc tàn
trơ trụi lá
lông mao
chào thế kỷ

oạch oạch
năm 2000 là năm nào
tôi không biết
cháy
nóng quá
nóng bỏng tay
rụi thế hệ buồn
buồn
vì không có linh kinh đồ đạc
không có thơ Hoàng Cầm để đọc
không có trần trụi với văn chương
hay nguyệt đài
để dễ dãi phóng tinh

oạch oạch
mưa láp nháp ngoài ngõ vắng
những vết sơn xanh lục
trên những phiến đá mòn
tan hoang
những dấu chấm câu
bị nhốt
để không bao giờ được tìm thấy
xin đừng đếm những sự tổn thương trên vai gầy nhỏ mọn
xin đừng nhỏ nước mắt dựa trên những niềm tin, lòng tin, vớ vẩn
xin đừng nói nữa, hét nữa, bỗ bã, vụn về
chặn họng lại
câm họng lại

oạch oạch
tan hoang
làm tình
phóng tinh
nơi nguyệt đài
nơi trăng tròn giữa hai thế giới
một anh
một em
một trái tim
một hi vọng
một sự sám hối
một  nhúm lông mao
một cười khi thỏa mãn
một khóc khi đớn đau
nhục nhã ê chề
vớ vẩn

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Nhớ Hà Nội

Tôi có thể nghe thấy ở tiếng nhạc của The Black Heart Procession một âm u Hà Nội. Tôi có thể nghe thấy tiếng cầu hồn của những dãy phố ngân nga, tôi có thể nghe thấy những dãy nhà không tuổi, những con người không tên, những động đậy khôn cùng trong một khoảng thời gian chết. Ở Hà Nội, thời gian luôn chết, có một cái gì đó đọng lại ở từng bước ta đi, khắc khoải thời gian, mênh mông thời điểm.

Tuổi trẻ vui như hội. Rồi tuổi trẻ cũng buồn như đưa đám. Con người luôn khát vọng chộp lấy sự bất tử, rồi chợt nhận ra thời gian quấy quá, rồi đổ thừa cho những con ruồi. Hạnh phúc chỉ là thời điểm, còn rạn vỡ và đối diện với các vấn đề mới là cái hàng ngày của cuộc sống. . PĐDi nói đúng quá. Ai chối bỏ được. Cuộc đời này luôn chạy. Thời gian chết chỉ là một cảm thức nhất thời. Đứng trước thế giới, khó ai có thể làm ngơ, bỏ mặc cuộc đời (vốn vui như hội), chỉ sợ con tim ta không đủ. Nhưng cuộc vật lộn để đạt tới đỉnh cao tự nó đã đủ để lấp đầy trái tim một con người.

Nhớ một Hà Nội dù chưa được đi qua năm cửa ô - năm cửa gió, dù chưa được đi qua ba mươi sáu phố - bao nhiêu mảnh vỡ, chưa được nghe tiếng chuông chiều tan lễ trên vòm cao nhà thờ cửa Bắc (mà Phú Quang khéo léo sửa thành 'tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân'), chưa được nhiều thứ. Đến tận cổng Lăng Bác cũng chỉ biết đứng chép miệng thở dài trông anh gác lăng đứng thế chào cờ nghiêm nghị. Ra tận cột cờ cao vút ngó lên nắng vàng le lói. Cầm cái chai nhựa trống rỗng quơ quào trông cho ai đó trông thấy. Ai đó nghĩa là không ai cả, họa chăng chỉ có một 'mặt trời đi qua trên lăng' ngó nghiêng cúi chào. Vẫn chỉ là không ai cả. Chỉ còn em, một màu xanh thời gian, một màu xám hư vô.

Nhớ một Hà Nội im lìm trong đêm vắng, lặn lội ra quán hội vịt lộn đầu hẻm kêu vài ba trứng, người Hà Nội ăn đến lạ, họ lột trần quả trứng đến cùng cực, ăn kêu rôm rốp vui tai. Người bán cầm quạt thổi cho qua cái lặng lẽ nơi đây. Người ăn gần đấy thổi phù phù những hương ớt nồng cay kịch liệt của một tô hủ tiếu, một tô mì không giá. Chả ai nói một tiếng nào.

Tôi trân trọng những sự im lặng thật sự chứ không phải giả dối.

Tôi nhớ một Hà Nội còn đó những phút giây thật sự của một niềm vui cảm giác, một bầu không khí sướng khoái kinh hồn chẳng cần cái gì cao sang. Một buổi chiều đẹp bên một bờ hồ nhỏ bé xinh xinh, một buổi tối đẹp qua những con đường lớn nhưng vắng người với nỗi lo sợ nơm nớp về một ai đó đang dõi theo sau lưng mình, một buổi sáng dọc theo những mảng trưng bày lạ lùng nơi Bào tàng dân tộc học, một rạp chiếu bóng lạ lùng - mặt đối mặt, một show múa rối nước oành oành vui tai chẳng hiểu mô tê gì.

Tôi chưa kịp yêu mùi vị của một tô bún ốc to bành nhưng nhạt nhòa hay một bát bánh đa Hải Phòng lềnh kềnh đống thịt thà bánh tráng. Tôi chưa kịp thích tiếng chửi yêu kiều của một cô bán hàng ngoài chợ làm xanh xao mặt mày người mua hay kịp chửi lộn với một chàng thanh niên tôi lỡ đâm phải vào ngày đầu tiên đến Hà Nội. Hắn ta chửi, "Địt mẹ mày chạy xe thế à ?". Nhận ra phần lỗi thuộc về mình nên tôi cứ "sorry, sorry" liên hồi (cứ như mình là Việt kiều vậy), rồi vọt lẹ đi mất.

Tôi chỉ kịp diện kiến một vụ móc túi quy mô kinh hồn, nạn nhân là tôi. Địa điểm, một trạm xe búyt trung tâm. Thời gian, trưa thứ sáu. Vụ việc xảy ra như sau, cái quần kaki vốn lỏng lẻo nơi túi đựng nhanh chóng được hai thằng du côn nào đấy nghía. Xe buýt đến, một thằng vọt lẹ lên xe, một thằng áp vào sau tôi. Tôi bước lên, thằng đó lùi dần lại và trong một phút đông đúc người ra vào, hắn thò tay vào túi tôi - trong đó có một cái ví chứa chứng minh nhân dân và tiền và thẻ ATM và vé máy bay bận về - tôi nhột, nghi ngờ cái hành động của thằng du côn đội mũ lưỡi trai ngược đó, tôi quay phắt lại vào chụp tay hắn. Hắn chửi "Địt mẹ mày làm gì thế. Bỏ tay tao ra." Rồi nhanh chóng lùi ra sau chuồn đi mất. Thằng du côn khi nãy lên xe trước cũng đột nhiên lủi xuống. Tôi toát mồ hôi. Những người trên xe đưa một cặp mắt - chẳng biết sắc thái gì - nhìn tôi. Tôi nhìn họ. Tôi biết rằng tôi gặp nhiều may mắn khi ra Hà Nội. Có nhiều cái chẳng tin nổi nữa kia kìa.

Ra Hà Nội được nghe nhiều tiếng chửi thề phong phú, dù bây giờ chả nhớ được mấy chử để đi chửi lộn với thiên hạ, thiên hạ bao gồm vài người tôi ghét, vài người tôi không ưa, và vài người đôi lúc chả biết nên ghét hay thương.

Ngày đầu tiên đến Hà Nội, tôi đâu có reo lên "HN là một chiếc máy điều hòa khổng lồ." như ai đó nói. Tôi chỉ lặng căm kéo lê cái vali của mình trên con đường gồ ghề như rải sỏi. Nhận ra cái bầu không khí xám xịt này là thứ mình cần, cái phong cảnh trong vắt này là thứ mình mê, cẩn thận khi bước lên cái xe bus Hà Nội đầu tiên với một màu vàng khè, cái màu của cái thời xưa cũ, níu kéo mãi không được. Giữ trọn nó trong tay cũng không xong.

Nhớ một Hà Nội với bao cốc nước sấu dọc đường ta uống, bao mảnh lá khô ta nhặt, bao ngọn đèn đường ta ngắm, bao cô gái ta lẽ đưa mắt nhìn - trong một khoái cảm tuyệt nhiên hề không bậy bạ. Nhớ Hồ Gươm đi hoài không hết, một tháp bút chỉ kịp lướt tay sờ, một cơn mưa chỉ kịp dóng lên một chút lòng thanh thản giữa bao giờ cúp điện. Khi đó tối om, bật một ngọn lửa nhỏ nhoi ở một cái bật lửa chỉ để thấy mặt nhau. Im lặng thở dài.

Tôi trân trọng những sự im lặng thật sự chứ không phải giả dối.


Tôi chưa kịp thấy cơn mưa phùn xứ Bắc, những mảnh quà nhỏ như trong Hà Nội 36 phố phường, cũng chả kịp thấy mấy cái bảng hiệu chằng chịt chữ Tây như Thạch Lam có tả.


Tôi chỉ kịp thấy Điện Ảnh không phải là chốn để khoe mẽ cho nhau những kiến thức hàn lâm ta có - những khái niệm trừu tượng triết học này này nọ nọ, điện ảnh cốt để sẻ chia cảm xúc, và sẻ chia những nỗi lòng con người. Lắng đọng bên trong một Lespace xem 'Trăng nơi đáy giếng', trước đó có dịp ăn vài tôi bún bụi đời, lững thững qua vài gian phố sách. Rồi lại lặng im trong những tiếng mở cửa đóng cửa hòa quyện với nhịp đậm trái tim của một thằng nhóc chưa bao giờ đặt chân đến Huế.

Nhớ đến Bát Tràng trong một ngày bụi bặm, đèo nhau đi trên những xa lộ không đèn, lặn lội vào trong một cái xưởng tí ti chỉ để xoay cho mình những thứ đồ vật tí ti tặng cho nhau. Nhòa mình vào trong những con người Hà Nội rồi cũng thấy mình lập bập lai giọng Bắc kỳ. Cứ lơ lớ lơ lớ vui tai, chả ra gì.


Cho đến tận cùng nỗi nhớ cũng chỉ là một căn hẻm nhỏ, một cột đèn ít khi được bật, một nhà xí bằng đá không tên, một bậc thang đi lên những dây căng phơi đồ, một bát cơm, một chén sấu, và một chút Trần Tiến "Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè thôi."


Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

All the Boys Are Called Patrick



All the Boys Are Called Patrick là một phim ngắn dài 21 phút của Godard. Phim ngắn nên gọn, đẹp, một tình huống thú vị. Hai cô sinh viên đợi nhau. Một cô trắng, một cô đen. Patrick với cái mồm dẻo tán tỉnh cô trắng. Vào quán nước, anh uống coca. Hẹn xem phim ngày sau đó. Cô đen chạy đến, với cặp kính đen, Patrick quẩn quanh rào đón và lại vào quán nước đó, cô uống coca. Hẹn xem phim ngày sau sau đó, với một lí do bịa ra nhất thời là đi gặp ông chú của anh. Làm sao anh biết được cô trắng cô đen ở chung phòng, với một tấm poster James Dean tô đùng che chắn và một tấm gương soi. Hai cô đỏm đáng khoe nhau về chàng Patrick của mình. Rồi hôm sau, trong một thoáng đường đông phố đúc, hai cô thấy được Patrick cùng một cô gái thứ ba khác, vội vã trèo lên taxi. Cuộc hẹn xem phim ngày sau và ngày sau sau đó kết thúc trong tiếng nhạc. Mờ dần và hết phim.

Cái hay ho của phim là khả năng dàn dựng của Godard. Cùng một quán nước, hai thời gian khác nhau, hai cô nàng khác nhau (trắng và đen) về tính cách. Cô trắng, vận đồ trắng, trông mong manh, anh chàng Patrick mang cặp kiếng đen, rủ rê cô nàng hút thuốc, khi đó Patrick uống Coca, một người đàn ông với tờ báo Arts (Nghệ thuật) sau hậu cảnh, Patrick nói với cô rằng anh học Luật. Cô đen, vận đồ đen, vận một cặp kính đen, trông mạnh mẽ, học Luật, cô uống Coca, cô hút thuốc, một người đàn ông với một tờ truyện tranh sau hậu cảnh. Ta thấy những chi tiết đối xứng nhỏ nhoi nhưng tinh tế.

Hai người đàn bà đều chia sẻ với nhau trò láu lỉnh của anh chàng Patrick, một nụ hôn bất ngờ khi chia tay, và những lời hứa hẹn. Những câu thoại lặp lại nhưng sắc thái khác nhau được sử dụng triệt để xuyên suốt phim. Với một chút gì đó tiên phong và sơ khai trong cách dựng nhảy vọt.

Với cô trắng, Patrick chiếm chủ động. Với cô đen, Patrick dường như yếu thế hơn đôi chút. Trong căn phòng chung, lúc thì hai khuôn hình chứa trọn hai cô, lúc thì tách bạch riêng lẻ. Hai cô chia sẻ nhau người tình mới gặp Patrick - với niềm tin rằng có vô vàn chàng trai như thế trên đời. Một anh chàng học Luật ư ? Nhiều quá. Quá nhiều. Những câu thoại tưởng như vô nghĩa lại được quay ra dùng đi, dùng lại, lộ rõ ràng hơn cá tính hai người.

Câu chuyện đơn giản, chẳng có bí mật gì dấu diếm người xem. Godard, phim ngắn, thú vị, kết thúc. Nhạc hay.

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Có nhiều thứ để nói về một buổi trời mưa

Có nhiều thứ để nói về một con người.

Hãy hô hào rằng hôm nay trời đẹp, hãy hô hào rằng hôm nay trời lắm mưa. Giọt mưa, hạt mưa, lặng lẽ, lạnh lẽo, li ti. Có nhiều thứ để nói về một buổi trời mưa. Mưa nặng hạt, mưa nhẹ hạt, mưa ít hạt, mưa nhiều hạt, mưa tí ti hạt, mưa tùm lum hạt, mưa xối xả hạt, mưa mini hạt. Mỗi loại mưa có một câu chuyện của riêng nó, khi ít, khi nhiều, khi nhiều, khi ít. Mưa nặng hạt kể cho ta nghe về một thứ gì đó rỗng không, hư vô, trời trắng xóa, đường trắng xóa, kẽ mắt kèm nhèm trong gió lốc bụi gào. Mưa nhiều hạt kể cho nghe về một thứ gì đó hối hả, như một đứa trẻ vồ vập tránh mưa, như một người mẹ vỗ về con trẻ bên bờ một ngôi nhà mái thấp lè tè mặc mưa mặc gió hối hả bắn riết vào người. Mưa ít hạt cho ta một tiếng khóc ầm ĩ trên tầng cao của một chung cư cao tầng nào đấy. Mưa tùm lum hạt cho ta một khúc ca mếu máo của người đi đường, người đứng đường, người ngồi đường và cả người nằm đường lê lết. Mưa xối xả hạt cho ta một chút thời lỡ vận của những chiếc xe bus khổng lồ vặn vẹo đủ hướng trên những mảnh đường tí ti trong ngoài thành phố. Mưa nhẹ hạt cho ta một khung cửa sổ lung linh hoa sắc những giọt mưa tàn lụi trên mặt kính trong veo. Mưa mini hạt cho ta một thoáng thi sĩ làm thơ bên một quán cafe bờ bụi với một điếu thuốc tàn trên tay.

Mưa khác nhau tùy mùa, tùy chốn, tùy nơi. Dạo này, mưa dư ba một bầu không khí mát lạnh tỉnh queo suốt cả ngày, lúc mưa thì chỉ tí ti vài hạt rồi lặn mất dạng. Đứng bên này quận trông ra bên kia quận thấy mây đen ầm ầm, tăm tối. Thoắt cái mây đen dời qua chốn nọ, thoắt nữa dời qua chốn kia. Một thứ mưa ẩm ương day dứt, một thứ mưa chỉ đem lại khoái cảm, tuyệt nhiên không có một sự khó chịu nào đọng lại. Hành trình du hí của những hạt mưa cũng đến hồi kết thúc. Mưa vấn lại thành cục trên từng mảng hỏng hóc cuộc đời, để rồi có ngày ta nhận ra rằng cuộc đời không có hỏng hóc thì thật vô vị. Lại thèm mưa, lại muốn ưỡn mình ra trong mưa, đạp xe trong mưa, rồi bất giác hắt hơi ra một nỗi cô đơn tồn đọng trong mình ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Để rồi rơi vào vòng quay quên lãng của chính mình, để rồi nhớ, rồi quên, rồi được nhớ, rồi được quên.

Có nhiều thứ để nói về một con người. Lúc này lúc nọ, lúc nọ lúc kia. Một con người – một người bạn - khoái mãi Bergman, ca cẩm đủ điều về một sự im lặng thật sự lặng im lại không quý giá lấy sự im lặng trong tim mình, sự im lặng thuộc về bản chất, sự im lặng tâm hồn - nó vóng lên thì thào với anh,"Hãy lặng im." Trí nhớ anh lại suy tàn trong sự thật giả dối, rằng anh là ai ? Anh ẩm ương trong cái tự kỷ giả dối, cái hiện sinh giả dối, cái anh giả dối, cái 'tội ác và trừng phạt' giả dối. Đến một cơn gió thốc mình qua đầu cũng đốn ngã anh đi. Nghĩ suy, suy nghĩ. Cần gì. Mấy thứ đó đâm ra cũng quá cực khổ đối với anh. Để rồi anh thoái mãi trong sự ngộ nhận đáng thương rằng ta đã lớn, đã hiện sinh, đã khổ hạnh. Ta là Chúa. Ta là một Übermensch. Ta làm nghệ thuật chân chính, ta bỏ dỡ cuộc đời để rồi vung tiền cha mẹ đi làm một trò hề khác, "Một trò hề hay một sự hổ thẹn đắng cay…" - Nietzsche. Ta vung lên những câu triết lý ẹo oặt vô nghĩa, hiện sinh này hiện sinh nọ, Nít này Heidegger nọ, mâu thuẫn này mâu thuẫn kia. Ta triết cuộc đời dưới con mắt của một kẻ tròn 20, quá ít tuổi để sống, quá ít tuổi đế chết. Quá thừa tuổi để nói nhiều, nói bậy, nói vặt, triết vặt, triết suông, triết báng nhào, triết vô bổ, triết thiếu nghĩ suy, triết để người ta biết ta triết, ta khôn. Nhưng mà thật ra ta dại, ta ngông. Ta quên rằng cuộc đời phức tạp khi ta đã sống đủ để biết nó phức tạp. Cuộc đời chỉ đơn giản là 'Thế thôi'.

Cuộc đời chỉ đơn giản là thế thôi. Mùa mưa bắt đầu khi những đám mây dừng trôi lững thững trên bầu trời. Gío rét qua da qua thịt. Thế rồi buồn. Buồn lay lất. Cái buồn quay cả đời ta trong ký ức, khi tỏ, khi rạng. Hừng đông không buồn trôi. Thời gian không buồn chảy. Nước mắt nào cho việc bỏ lỡ mọi thứ có ý nghĩa trên cuộc đời này. i never had a clue of the role that i played. Nhận ra ta vô tâm, vô cảm. Nhận ra ta mãi chạy theo, đua đòi những chớp mắt hư vô, những vòng xoay u uất, giả tạo. Enjoy the little things (Rule thứ 32 trong phim Zombieland). Thế thôi.

Thế rồi ta lại chạy đua cho việc đuổi bắt chính mình, với ai, có lẽ với bóng. Dạo này ta chỉ muốn cầu nguyện, nếu việc đó thực sự mang lại may mắn. Thật sự là chính ta, khó quá ư ? Ta đang tự làm khó ta. Rồi chợt nhận ra là ta đã làm khó ta đến mức ta chẳng nghĩ là chính ta đã làm khó ta nữa. Nắng bốc mùi sau căn bếp chật hẹp, gần như rũ mục một thân xác được bóc ra từng lớp theo những bộ quần áo ném ra hằng ngày. Mùi nước dãi và tinh khô bấu víu, quậy quạng quanh đây.

Thế rồi ta nghĩ, có lẽ nên hát một bài ca chăng ? Unforgiven thứ XXX, của band nhạc Metallica, trăm năm nữa. Không cần giọng hát của James Hetfield hay tiếng bass của Cliff Burton, chỉ cần nhịp đập con tim, mòn mỏi theo nhịp trống thở dài.

Để rồi nhớ, rồi quên, rồi được nhớ, rồi được quên.

Chạy dọc theo con đường Điện Biên Phủ dài sọc ấy, thấy nắng lên mà lòng đau thắt. Rồi sẽ hết những ngày mưa, rồi sẽ hết những buổi trời mưa, trời tươi mát, người tươi mát, khắp ngã muôn nơi vạn vật dấy lên sự sinh sôi nảy nở. Đôi khi điều duy nhất dấy lên trong ta là những nỗi buồn.

Nhưng cũng có nhiều thứ để nói về một buổi trời nắng...

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

hãy để những ánh đèn nêon chỉ lối ta đi

the night is calm so lets go for a ride.
it's these simple things that keep us alive.
we left the children sleeping for all i know.
we let the neons show us the way to go.
the night is calm but a cold wind blows.
living is dying sometimes i know.
there's a bad unkind thing in the air tonight.
but we let the neons show us where to hide.
alright















My heart has tired
Tired from the bag of stone

i never had a clue of the role that i played.

but that's the condition and the price that we pay










----Logh

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Tí ti

Dọn nhà cực nhọc. Gói những mảnh đồ tí ti trong những bọc nilông tí ti, những mảnh báo tí ti, những balô tí ti, ũ rũ trong một góc phòng tí ti của một căn phòng tí ti. Bấm 1080 hỏi ra một lô lốc dịch vụ tải hàng vận chuyển, nhắm mắt chọn đại một em số đẹp nhất nhưng giá cả chưa biết đẹp hay không. Nằm dài lăn lốc chờ người chờ thời. Vỗ bụng than đói. Chả ai quan tâm. Bịn rịn chia tay căn phòng lần cuối, nhìn ra cửa xổ tầng ba cao chót vót, gió thổi lồng lộng mát lỗ chân lông. Mồ hôi chảy ngược khi bê vác đồ đạc xuống nhà. Tí ti bậc cầu thang tí ti hành lang tí ti gạch bụi. Tí ti lỗ mũi ngứa mãi hoài mà tay bận tay rộn chả kéo lên chà lấy được một tí cho đỡ nhọc nhằn.

Nhà mới, kể ra cũng đẹp, cái đẹp tí ti. Trước mặt, cánh đồng bạt ngàn loại thực vật gì không biết. Xa xa tàu chở hàng chắn cả chân trời. Những thùng container xếp chồng lên nhau, đủ màu, trông nhẹ bẫng. Cái nhẹ tí ti.

Tối đạp xe mang nồi cơm điện sang. Đường đất đá tròng trành. Nấp thủy tinh ươm chặt vào mảnh giấy báo bao bọc. Tay vịn chặt ghi đông. Miệng cười khùng khục nhẩm một bài hát không nhớ tên của Hà Anh Tuấn. Nhớ mỗi đoạn điệp khúc.

Để đó nấu vội làm gì. Mặt trời lặng lẽ rút xuống sau những thùng container. Pip đóng cửa thu mình tẩy trần sau một ngày dài hơn bao thế kỷ. Khù khờ ngồi với Quý, cưỡi lên nhau đôi lời thóa mạ, đôi lúc bạt mạng, đôi lúc hồn nhiên kinh hồn. Bóng tối tấm táp nơi đây. Gió thổi mát lỗ chân lông còn hơn ở tầng ba. Quý lang thang trong một mảnh ký ức tí ti. Tìm đâu những ngày thơ ấu qua? 

Bên cạnh khu nhà thuê đôi phần lụp xụp này là cao ốc Saigon Pearl, cao ốc The Manor. Nhìn từ dưới trông lên rất đẹp. Không biết nhìn từ trên đấy trông xuống thế nào ?

Ai tìm giùm đàn bướm trắng ? 

Bữa cơm ngày đói. Bữa cơm mừng tân gia. Của Pip và Quý. Quý nói, tôi sẽ là một con người xê dịch, một ngày dọn nhà một lần, nhỉ. Hay mỗi giờ, mỗi phút, ai biết được thời gian. Ngày mai có thật là ngày mai, nhỉ. Má Angel đến trong một chút ngỡ ngàng. Những cành cây mỏng te dán dính trật chìa với bức tường. Hương vị anh đào đấy. Không, hồn bướm mơ tiên chứ. Không, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài đấy. Háhá. Hay mình hehe cho giống ông Nguyễn Quang Lập nhỉ. Cười khùng khục lần thứ hai. Hên là đã bỏ đũa từ lâu. Nước chảy lênh láng từ bịch đá khi nãy vừa mua. Những chai C2 uống quá nửa. Mùi nhà mới xộc lên tận mũi. Không hửi thấy mùi đồ ăn. Nhớ Hà Nội. Xe bus Hà Nội vàng khè (nhưng có thùng rác xịn hơn, Pip nhỉ), xe bus Sài Gòn xanh lè. Những chai nước rỗng không, những chai nước đầy nước tiểu của một người Hải Phòng ban đêm say quá không tài nào lò mò bước đến phòng vệ sinh được. Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối. 


Đôi khi. Đôi khi thấy trăm vết thương rồi như đá ngây ngô ...


Đường về trông những ngọn đèn đường cong veo như vành trăng khuyết. Khuyết tí ti.





PS : Mừng cho ngày Điện ảnh Việt Nam với một lễ trao giải Cánh Diều Vàng không thể nào chán hơn được nữa. Một cái chán không tí ti.

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

fish the holes on frozen lakes

đăng nhập
vào một cuộc hành trình
đi tìm cô đơn của ngày mai.

log in
log out
để thấy mình đang thở
đang chạy
refresh tương lai
để thấy mình đang nhớ
đang nhung
nobody knows
không ai biết
ai hay
tay tàn trong giấc ngủ vùi
chân tàn trong nắng nghiêng thềm ngoài xa

fish the holes on frozen lakes
fish the holes on frozen lakes
fish the holes on frozen lakes
and then
suicide...

I hope god is your friend
I like your suicide



i like your suicide
in a tin flask

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Night Prince

       
hello hello

i'm the night prince
blowing my money on shoes
blowing my money on booze
i'm the night prince
and if i sneer at other dancers
that's because attitude matters
attitude matters...

you think your smiles flatter my ego
but can't you see i'm just a pathetic weirdo
i wish there was a land
where i could just feel good for free

i'm the night prince
fresh mint breath
always
pearls of sweat on my forehead
pearls of sweat on my forehead
i'm a storm i'm futureless
i'm a storm i'm futureless
i smile at strangers
smile at rangers, hipsters, angels, builders
i'm the night prince i'am the night prince

yeah my life was dull
but i'm trying hard to sex it up
yeah my life was dull
but i'm trying hard to sex it up
and it doesn't really matter
if i'm deck or fin
no.

(Night Prince - The Married Monk)

Chào.
Tôi là hoàng tử bóng đêm.

Indie, lạ lùng, khó gần, khó cưỡng để lại gần.

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Summertime



Summertime, time, time,
Child, the living's easy.

Fish are jumping out
And the cotton, Lord,
Cotton's high, Lord, so high.



-from Janis Joplin

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

Xuân (5)

Tết chính thức hết từ đây. 3 ngày Tết không làm gì khác ngoài ngủ, ngủ rất say, rất ngon. Mơ mộng nhiều thứ quái chiêu, kì lạ. Có lẽ ảnh hưởng của mấy tập phim truyền hình The X-Files vừa xem (mẹ, thời xa vắng), hay The Exorcist (Quỷ ám - khiếp đảm cái vụ quay đầu 180 độ ra đằng sau - cái tiếng rắc rắc ám ảnh), hay In the mood for love (phim đẹp quá, tinh tế quá, gợi cảm vô cùng, cần quái gì tình dục, chỉ cần một cái vuốt nhẹ tay, một cái cúi đầu, một ánh mắt. Hãy tưởng tượng cái khoái cảm khi xem một bức ảnh bikini áo tắm đồ lót so với việc xem một bức ảnh khỏa thân trần trụi hoàn toàn.), hay mấy bản nhạc của Can (cái cách guitar vang lên ấy, phiêu không chịu được - nhất là khi quăng vào phim Trần Anh Hùng. Thích, day dứt mãnh liệt - nghe đi nghe lại hàng chục lần Mary Mary So Contrary [guitar solo quá đỉnh] và Paperhouse và She Brings the Rain[tiếng bass]).

Ờ thì mùng 1 cũng đi thăm thú đường hoa nì nọ chi đó, nhưng năm nào cũng như nhau chả đáng phải kể, cái kim tự tháp ngược chán òm, xấu hoắc, từa lưa vật thể lạ lùng chưng diện giữa rừng hoa. Vui nhất là năm nay đi sớm (5 giờ), ánh sáng mặt trời le lói, đường phố sạch boong, yên tĩnh. Thành phố nghỉ ngơi, thở dài. Gió thổi mang theo cái lạnh đầu năm. Đi chùa. Chùa yên tĩnh, vào chả muốn làm gì, lòng vòng quanh mấy bức thư pháp đắt đỏ kinh hồn. Ăn chay. Cầu an cả năm.

Mùng 1 đường vắng. Mùng 3 đường bớt vắng hơn đôi chút. Nói thẳng ra là vẫn như cũ. Ồn ào, xô bồ, hối hả. Đến lạ lùng, khi thành phố bắt đầu vắng thì buồn, khi thành phố bắt đầu đông lại cũng buồn nốt.

Thích ơi là thích quả táo trong the Steamroller and The Violin - bộ phim sinh viên cuối cùng của Tarkovsky.

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Xuân (4)

30 Tết. Sáng dậy sớm, đạp xe vòng vèo lên Nhà thờ Đức Bà, lên Nhà hát thành phố, qua Nguyễn Huệ, đến Hàn Thuyên. Đường vắng xe, mặt trời chưa lú, không khí thoáng đãng, gió thổi lồng lộng, cái rét nhạt lầm lũi qua da qua thịt.

Về nhà, ngồi lặt rau trên nền nhạc Arab Strap, Velvet Underground, The Married Monk, Radiohead, và cả Thanh Lam (em ơi Hà Nội phố hay tuyệt). Chồm hổm trong nhà vệ sinh. Màu xanh trong suốt, trông ciné dễ sợ.

Cúng xong vẫn tiếp nối truyền thống cũ, ăn no, ngủ một giấc dài đến 4h30 chiều. Mộng mị một trận chiến giải cứu tinh cầu. Tỉnh dậy nước dãi lòng thòng.

Dong qua Quận 10 mua hoa, đường phố tắt ngấm đèn. Giờ mới biết trên đời có hoa Đô la.

Coi Táo xong, cúng kiếng giao thừa, đã nghe ầm ĩ náo nhiệt ngoài đường. Ai đó quăng pháo nổ đì đoàng. Bánh chưng xanh, hạt cau rụng. Dưa đỏ tròn ngon mắt, hương dài quăng đó, ngũ quả đầy mâm.

Năm mới rồi, năm mới rồi...

Đêm 30 nghe tiếng pháo nổ... Đùng !... ờ ờ... Tết
Sáng mùng 1 ra chạm niêu đánh... Cộc !... á à... Xuân

Hội hè miên man.

Thứ Ba, 1 tháng 2, 2011

Xuân (3)

29 Tết. Không khí loãng dần. Tôi bật tắt màu nắng đang vươn mình qua cửa sổ. Dọn dẹp đầy đủ từ hôm qua, cửa kính sạch boong, giấy báo nùi cục quăng xó.

Bạn tôi ngồi chồm hổm xoa tay chống rét - cái rét Hải Phòng chắc kinh khiếp lắm -, miệng thổi phù phù nồi bánh chưng đương nấu. Lửa tắt bị gia đình mắng một chập. Bạn tôi thăm thú mộ phần ông bà, rướt họ về đón Tết. Tết đã chết tự bao giờ ?

Chỉ có vài niềm vui và nỗi buồn tồn đọng hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.

Marlon Brando trong Bố Già, nằm giường bệnh nhích mi mắt một tí thôi mà rúng động đến kinh người.

Đọc Film Club đến đoạn nói về John Lennon thấy thú vị quá.



Tôi không thể nói nên lời. Âm nhạc đó, bộ phim đó, phong cách diễn xuất... Nhưng trên hết, đó là Beatles đấy nhé !


"Chờ bố một chút được không ?" Tôi nói. Tôi lục quanh trong đống đĩa Beatles của mình cho đến khi tìm thấy Its Only Love trong album Rubber Soul. Tôi cho đĩa vào máy và bật bài này lên cho nó nghe (ngón tay tôi giơ lên để thu hút sự chú ý của nó, đề phòng nó mất tâp trung dù chỉ là một phần nghìn giây thôi.)


"Đợi đã, đợi đã," tôi gào lên đầy phấn khích. "Hãy đợi đến phần điệp khúc ! Lắng nghe giọng hát này đi, nó như dây thép gai vậy."


Tôi gào lên trên tiếng nhạc : "Đây không đơn giản chỉ là giọng hát tuyệt vời nhất trong dòng nhạc rock and roll đúng không ? "


Khi đến đoạn kết của ca khúc, tôi ngồi xuống chỗ của mình. Sau một hồi im lặng thận trọng và bằng giọng nói thiếu tự nhiên (nó vẫn hại tôi, cái tuổi này), tôi nói : "Thế con nghĩ sao ?"


"Họ có chất giọng khá được."


Khá được á.


"Nhưng con cảm thấy thế nào ?", tôi gào lên.

Đánh giá tôi một cách thận trọng bằng đôi mắt thừa hưởng từ mẹ nó, nó nói : "Thật lòng ạ ?"


"Thật lòng."


"Không thấy gì cả". Im lặng. "Con không thấy gì hết." Nó đặt tay lên vai tôi tỏ vẻ giảnghòa. "Con xin lỗi bố."


Liệu trên môi nó có một vẻ thích thú ẩn giấu không. Liệu có phải tôi đã trở thành một ông già lẩm cẩm rồi không ?

Có lẽ là không ?

Ấy thế mà chiều rồi.  Tối nay đi đâu ta ? Bạn tôi trai tráng ở nhà nấu cơm cho gia đình. Bà mắng mỏ kinh khiếp. Cười. Tai nghễnh ngãng. Hết.

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Xuân (2)

Tối. Sài Gòn. Thành phố này đang chết dần. Người ta về. Trên những chuyến xe, trên những chuyến tàu. Họ chở theo bên mình sức sống của thành phố. Thành phố này đang chết dần. Đường thưa, chỗ đông thì dân tình thúc nhau mà chạy, họ cũng phải về, trên những chuyến tàu, trên những chuyến xe. Bụi mù lan tỏa khắp phố phường, nhà nhà đóng kín cửa, họ đi chơi Xuân. Người về, người ở. Thành phố này đang chết dần. Dưa được chưng ra đường bán đầy. Phong bao lì xì cũng thế. Mai cũng thế. Quần lót áo lót cũng thế. Thứ gì cũng đem ra bán được Tết nhất này. Người ta bị thúc bởi không khí nô nức - phải buộc sắm sửa bộ hành chơi xuân. Bách bộ ngoài phố ngoài xá, không khí trong lành thoáng đãng, khó có thể không móc hầu bao mua vài thứ gì đó. Đôi khi không cần, đôi khi không thiếu. Cầu gì, cầu cho nụ cười của mấy con mụ bán hàng đi theo mình suốt năm - chúng cười tươi quá, mặc cho mồ hôi chảy nhầy chảy nhụa trên hai gò má.

Sáng. Long Hải. Nắng lên rồi, tôi đạp xe ra Chợ Long Hải, vượt qua trăm ngã tư cột đèn, vượt qua bao hạt nắng dây dưa trên đầu. Tươi tắn quá, nhộn nhịp quá. Hoa này nhiêu hử em ? Cặp dưa nhiêu hả em ? Gò má em nhiêu hả em ? Ngắm nhìn cái thẹn cái thùng mà thấy, Xuân tươi Xuân đẹp biết dường nào.

Tối đong đưa. Phố xá hàng đèn mắc võng quây nhau trong gió, trong bụi. Nhiều nhà dong cờ. Màu đỏ lóe mắt người đi, kẻ ở. Đồ ăn vứt đầy tủ lạnh. Dọn dẹp nhà cửa, nằm chèo queo ưỡn bụng và chuẩn bị đón năm mới vào lòng. Chẳng cũng khoái ru ?

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Millenium Mambo

Bạn có thấy Thư Kỳ đẹp ? Tôi thích em ấy lắm. Nhất là cặp môi. Nhất là mái tóc. Nhất là ánh nhìn.

Xem cảnh em ấy đi dọc cái đường hầm tỏa màu xanh biêng biếc nhập nhòa ấy mà phát rùng mình. Âm nhạc phiêu diêu. Em nhả thuốc, tóc trôi bồng bềnh, thi thoảng quay lại nhìn, thi thoảng quơ quào tay lên không trung, cái cách em ấy đọc "Again and again" (Baba FuFu gì đó) nghe thương dễ sợ. Ồ em, sao em cứ quay lại nhìn hoài vậy ? Em nhìn vào đâu ? Em tìm kiếm gì ở chốn nào ? Màu xanh như nuốt chửng em, có phải thế không ? Đường hầm như nuốt chửng em, có phải vậy không ? Nó hình như là vô tận. Nhưng rồi có lẽ em cũng thoát được khỏi nó, có lẽ thế, em nhỉ ? Em nhảy từng bậc xuống cầu thang, máy quay đứng lại.

Đấy, Millenium Mambo của Hầu Hiếu Hiền bắt đầu thế ấy. Một mở đầu tuyệt vời, một mở đầu không thể nào gợi hơn. Cái cách tựu trung lại toàn bộ tính chất của bộ phim chỉ với vài đôi phút khiến toàn bộ bộ phim hiện diên như một cách phục hiện cuộc đời em ấy. Lời trần thuật chối bỏ chính mình. Gọi nhân vật Vicky là 'she - cô ấy'. Có lẽ cô muốn quên đi một thời đã mất. Hay lẽ chăng, cô đang nhìn lại cuộc đời của mình qua một tấm gương.

Những khuôn hình tràn ngập màu xanh. Và những con người đang nhảy múa chơi bời ấy, họ bị chúng che mất, họ chỉ còn là những cái bóng hữu hình, lập lờ. Hãy xem cảnh Hao Hao hun hít Vicky, anh xuất hiện trong căn phòng, bị một màu xanh che lấp. Anh vận áo sẫm màu, dường như càng khiến anh lún sâu hơn vào nó. Hao Hao là một nhân vật bất lực, một kẻ nhu nhược và chối bỏ sự vươn lên để sống, để làm chính bản thân mình. Đàn ông trong phim là thế đấy, họ đều chạy trốn khỏi bản thân, khỏi hoàn cảnh, họ yếu đuối. Họ vô vọng. Vicky thì khác, ngay cùng trong cảnh đó, cô mặc áo lót trắng tinh, cô hút thuốc, cô vận áo khóac đỏ, cô cầm cốc nước đỏ, cô nổi bật hẳn lên. Cô muốn sống. Cô muốn làm chính mình. Cô muốn nổi loạn, nhưng cái cách mà cô nổi loạn lại làm cho cô dính sâu hơn vào ngõ tối. Cô chạy trốn Hao Hao, nhưng 'she always came came back'. Cô đến nhà Jack, nhưng Jack lại chạy trốn khỏi chính mình - đến tận Nhật Bản. Cô tìm Jack, nhưng vô vọng, Yubari đầy tuyết. Cô nghĩ rằng, Hao Hao chỉ như một người tuyết, mặt trời lên, sẽ tan mất. Sự vận động của phim là sự vận động của riêng cô, sự vận động của phái nữ. Đàn ông nhu nhược. Cô mạnh mẽ, nhưng rồi liệu cô có thoát khỏi cái đường hầm đầy đèn xanh đó. Tôi phải tự hỏi, liệu cái cách trần thuật theo góc nhìn thứ ba ấy có phải để nói lên rằng, đó là một quá khứ đã mất, đó không còn là tôi lúc này - hay là chỉ để nói lên rằng, tôi đã đánh mất bản thân mình. Và cái kết nữa, máy tĩnh, long take, đường tuyết như dài vô tận, một vài con chim đen vỗ cánh và bay lên, một vài con sóc nhảy trượt. Cánh cổng. Điều đó có nghĩa lý gì cơ chứ. Tôi thích sự lạc quan, và thiên niên kỷ mới có lẽ là một điều khởi nguồn cho sự lạc quan đó.

Giới trẻ phóng túng sa đọa với những hành trình mệt mỏi. Có vẻ như họ bị lạc giữa cái vòng quay để đi tìm chính mình. Tại sao Hầu Hiếu Hiền lại cho nhân vật phục hiện về giới trẻ - một lứa tuổi mà đáng lẽ phải sinh động nhất, sống nhất; nhưng nay lại u uẩn bế tắc. Ông hoài niệm và nuối tiếc về một quá khứ cũ kỹ - một tâm hồn tươi mới. Sự giao đãi giữa phong cách và chủ đề khiến cho dường như câu chuyện nhuốm màu một nỗi buồn, không phải chỉ là nỗi buồn về cái cách mà giới trẻ lạc lối, đó là nỗi buồn về cái cách mà quá khứ và hiện tại (lẫn tương lai) như hòa vào nhau nhanh chóng - nhanh đến nỗi nó thúc con người đi trong miễn cưỡng trước sức ép thời cuộc. Này Thư Kỳ, sao đôi lúc em kể chuyện trước khi nó bắt đầu, sao đôi lúc em kể song song. Sao đôi lúc em im bặt ? Sao thế hả em ?

Đây không là một bộ phim dễ dàng để thấu triệt. Tôi cũng nghĩ rằng muốn hiểu được nó, vài ba lần xem cũng bỏ công. Tôi chỉ mới xem một lần. Phim cảm giác quá mức. Chả có gì xảy ra ngoài những công chuyện hằng ngày của những con người trẻ tuổi. Câu chuyện cá nhân phảng phất đâu đó nỗi buồn của cả một thế hệ. Một thiên niên kỉ mới bắt đầu. Tôi như lạc vào bên trong bộ phim. Tôi thích màu xanh của phim. Tôi thích cả cái cách ép nhân vật vào bên trong khuôn hình, bức bối, ngột ngạt, và cái cách ông cho nhân vật điều khiển thời gian của chính họ- long take dài lê thê, làm não nề mệt mỏi thêm bầu không khí vốn đã ngột ngạt từ ma túy, từ khói thuốc, từ âm nhạc, và từ sâu thẳm bên trong nhân vật nữa.

Phim tự nhiên và trong suốt - mọi chuyện diễn ra như nó vốn phải thế, không màu mè kiểu cách, không lên án hay răng dạy giáo điều. Tôi muốn yêu luôn các nhân vật, tôi thích hành động của họ. Tôi yêu cái cách Hao Hao đi tìm và van nài Vicky. Cái cách mà cô ấy từ chối, cái vẻ mặt của Hao Hao, cái vẻ mặt của những người bảo kê.

Tôi sẽ xem lại Millenium Mambo lần thứ hai, lần thứ ba, và có lẽ sẽ nhiều hơn thế nữa. Tôi sẽ xem lại hàng chục lần những giây phút đầu tiên ấy, khi mà em nhả thuốc, khi mà em quay lại nhìn, khi mà em quơ quào tay lên không trung.

Và tôi sẽ nói, "Baba FuFu" (Again and Again).

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Xuân

Kìa Xuân đang về. Lại một cái Tết đi qua. Hãy lắng nghe âm thanh trong lòng. Phải sống! Phải sống cho ra giá trị cuộc sống con người, dù cho thế nào đi nữa...

-Nguyễn Huy Thiệp-

Xuân chớm đến. Vướn người ra và bạn sẽ thấy mọi nguồn cơn gió xuân vỗ ồ oạp vào người. Từng hơi thở lập lờ lưỡn lẹo, từng hạt bụi vướn lại chân mây.


Ừ thì rồi Xuân cũng phải đến chứ, vượt bao cửa đày cửa ải của thời gian. Dạo này trời lạnh, sáng sớm đi ra đường thấy mù sương, chung quanh xám xịt, hay tại cái mặt trời đỏ lòm chắn ngưỡng trên cao đó khiến ta mất hồn mất vía. Có lẽ vậy, có lẽ không. Bật một bản nhạc của Can - một band nhạc lụm lặt từ Rừng Na Uy của Trần Anh Hùng - thấy tê tái cả người và muốn chạy ngay ra ngoài đường mà thét lớn

She brings the rain, it feels like spring, 

- có thể thét đi thét lại vài lần. Lẽ dĩ nhiên, không còn chỉ là một cảm giác về mùa xuân nữa. Đó là một mùa xuân chính cống đang hiện diện nơi đây.

Cũng có lẽ vì thế mà sáng nay, dường như cái sự ấp ủ từ lâu của ông trời nay đã vỡ òa. Trời Sài Gòn lắt rắt mưa xuân. Bầu không khí thoáng đãng. Mưa nhỏ thôi. Nhưng mưa. Dù chỉ một chút thôi. Rồi tắt.

Mưa, Nguyễn Huy Thiệp đã từng viết : Cuộc sống cơ bản là buồn, phải thế không ? 

Cái truyện ngắn ấy tên là mưa. Nhớ mưa, nhớ những cảnh làm tình trong Rừng Na Uy.

Mở 'Mùa hè chiều thẳng đứng' ra xem. Không tài nào xem trọn vẹn bộ phim (tôi nghĩ xem một lần là quá đủ), bật cảnh Trần Nữ Yên Khê nhún nhẩy trong tiếng nhạc của Velvet Underground và The Married Monk. Ui chao. Ấy, cái bài Tell her Tell her ấy, cô lắc thật điệu nghệ, thật gợi cảm. Tôi xuýt xoa mái tóc. Cộng thêm cái hậu cảnh chung quanh. Khó có thễ cưỡng lại được sức hút đó.

Hết ngày, vận Day is Done - Nick Drake.

When the day is done
Down to earth then sinks the sun
Along with everything that was lost and won
When the day is done.


Mọi thứ rồi cũng sẽ mất, có đúng vậy không. Ừ thì Xuân đang đến đấy. Có cần thưởng ngoạn nó cho đến cùng, như tuổi trẻ, ừ thì phải sống! phải sống cho ra giá trị cuộc sống con người, dù cho thế nào đi nữa...

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

hẹn

anh có hẹn với hôm nay
chủ nhật rầu qua khung cửa sổ
đừng quên quá khứ
lẫn ngày mai
đang chảy

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

The Hole, The Remains of the Days, Memento, CĐBT, Up

July 30, 2010 : The Hole
 
Phim thứ hai của Thái Minh Lượng mà tôi xem được.

Có một cảm giác chung sau khi xem hai phim của ông này, đó là sự cứng và tê hết cả người.

Đó là sự tĩnh : cái tĩnh trong từng khuôn hình - với những cú fixed máy (mặc dù đã thấy vài khuôn hình động trong nì - hay mình hoa mắt nhỉ), cái tĩnh trong tiết tấu, đạt đến mức mà nó như đang lê mình chậm rãi soi mói bên trong từng nhân vật.

Xem phim mà như nhìn thấy chính bản thân con người trong đó. Nó có một cái gi đó, xuyên qua cái lỗ thủng trên sàn, như một chiếc ống nội soi - sự cô đơn của nhân vật.

Ừ đúng, họ cô đơn, hay bị cô lập với cuộc sống bên ngoài, người đàn ông tìm đến con mèo. Người đàn bà tìm đến những mảnh giấy, chùi mình, chà mình, những khoảnh khắc dục vọng, và cả những bài ca.

Đó là tính ảo - là việc cô gái trong những cảnh ca nhạc đối với cô gái dưới lầu. Cũng giống như trường hợp một người ba vai trong I Dont Want To Sleep Alone vậy. Điều đó thể hiện những ham muốn và khát vọng, bị đè nén (bởi những tiếng mưa rơi, bởi cô đơn, bởi bệnh dịch, hay là một thứ gì khác ?), chuyển hóa thành.

Thái Minh Lượng như đang dồn nén nhân vật. Qua tiếng mưa rơi không ngơi nghỉ, qua tiếng động đậy của con người, qua cả sự giai tiếp dành cho nhau, qua cả sự im lặng với cái tiếng tạp âm dai dẳng, qua cả hình ảnh nước dân lên và rỉ xuống từng chút một. Chúng, mọi thứ đang giam cầm nhân vật trong cái cô đơn bức bối đáng sợ của chính mình. Chỉ chờ cho khán giả soi mói sự chuyển động của nó.

Và những hình ảnh. Ấn tượng.

Cũng như I Dont Want To Sleep Alone, hai con người cuối cùng lại đến với nhau qua một sự bộc phá. Ở phim này, đó là khi cô gái đau đớn trong căn bệnh, đó là khi chàng trai đập những tiếng đinh tai nhứt óc vào cái lỗ dưới sàn. Ở phim trước, đó là sự làm tình trong khói độc.

Cuối phim, hay người nắm tay nhau cùng hát. Cũng như I Dont Want To Sleep Alone, ba người nắm tay nhau và trôi trên dòng sông lững lờ.

Không thích bằng I Dont Want To Sleep Alone. Nhưng có một cái gì đó nặng nề hơn, đau óc hơn.

May mắn là có những màn ca kịch, nếu không thì ngủ mất rồi =))

Lít Cafe chiếu phim này hôm nay, hầu hết khán giả đều bỏ về sau vài chục phút đầu. Nhớ đến câu nói của Thái Minh Lượng : “Khi xem phim tôi nếu bạn ra về xin hãy giữ trật tự để những người còn lại ngủ.”

September 29, 2010 : The Remains of the Days

Phỏng theo tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro (tác gia này được biết đến ở VN qua bản dịch Mãi đừng xa tôi của Trần Tiễn Cao Đăng).

Điện ảnh, có ngôn ngữ của riêng nó. Những câu chữ được chuyển hóa thành một bộ phim đầy rẫy sự bức bối. Cái bầu không khí , nặng nề, ngột ngạt, bối cảnh - một tòa lâu đài mang tên Darlington tận nước Anh xa xôi. Và những nhân vật ấy, những nhà chính trị đầy quyền thế, những chức trách quan trọng nhà nước, bàn tán chuyện đại sự. Trước chiến tranh TG thứ 2. Trong CTTG2. Hậu chiến. Những mảnh vụn lịch sử được vịn vào khéo léo, qua những buổi gặp mặt hoành tráng và nghiêm trọng đến toát mồ hôi.

Nhưng thật ra, phim không nhằm kể về một quá trình lịch sử. Nó chỉ là điểm tựa để kể về nhân vật chính : Stevens con, quản gia của lâu đài Darlington. Có lẽ Miss Kenton (và cả Stevens Cha) cũng là một sự hiện hữu khá quan trọng trong phim. Như một kết nối giữa cái bề mặt phẳng lì và cái bên trong vẫn còn tình cảm của Stevens. Nhưng Stevens có chối bỏ cái tình cảm đó không ? Có lẽ thế ? Có lẽ trong cái phút giây mà Kenton dồn ông đến tận chân tường - ông chợt tỉnh. Cái sự thức tỉnh đầy bất ngờ, ngoài sự mong muốn của ông. Rồi lại như cũ. Ông cố thoát, nhưng có cái gì đó ngăn ông lại.

Dĩ nhiên tôi vẫn coi Hopkins là một diễn viên có những vai diễn đáng sợ, xét về cả khuôn mặt lẫn cái tâm tính bên trong. Một cái gì đó đa chiều, và cô độc.

Tiết tấu chậm rãi như tờ, nó soi sâu vào hành trình của những con người mà người ta gọi là giúp việc, quản gia, hay này nọ này nọ - những con người yếu thế phục vụ cho những nhân vật quyền lực hơn. Sự nặng nề giữa cái mối quan hệ, trong đó có tình yêu, và tình cha con. Nhưng những tình cảm đó được dấu nhòa bởi tính nghiêm trọng và quy củ của bản chất công việc được giao cho họ. Tính lịch sử trong một thời kỳ đầy biến động cũng góp phần nâng lên sự nặng nề trong bộ phim.

Phim lai ghép giữa hai tuyến thời gian, thoạt trông không có vẻ nhuần nhuyễn lắm. Nhưng sự hay ho của nó là câu chuyện được kể và tiếp diễn cả trong hai tuyết thời gian - và được nhấn nhá qua thoại phim. Nói cách khác, tính giản lược của tuyến thời gian quá khứ được thể hiện trong tuyến thời gian hiện tại. Và nó làm cho ta thấy ngân lên một sự hẫng, như tiếc nuối - và ta rõ là tiếc nuối cho một sự ám ảnh đầy tính mỉa mai của cái mối nối là công việc của Stevens, và chính bản thân ông ta. - Là gì ? Liệu cái sự lạnh lùng ấy chỉ là một bức tường để giam hãm ông ta với một sự thật, một tuyến thời gian thật đang hiện hữu bên ngoài đấy (nơi đó có ong bướm và cả cá), và nó chỉ để phục vụ cho một ám ảnh, cho một chuyến du hành trong bề mặt của công việc. Một mặt thì đầy vẻ tự hào, nhưng chỉ là sự cô đơn, và sự trống rỗng trong con người ông ta, là một sự phục tùng mang cái hảo danh là tuyệt vời - cho những kẻ mang địa vị cao quý hơn.

Cuối phim, con chim bồ câu lạc vào căn phòng nơi xưa kia đã có những buổi họp mặt quan trọng của TG. Nó mắc kẹt. Và khi cánh cửa sổ mở ra, nó bay vào chân trời lạc quan nhất. Máy quay từ bên ngoài cánh cửa sổ, Stevens đứng đó - với ánh mắt như nhìn vào vô tận. Và ông đóng cửa lại. Cuối cùng thì ông vẫn mắc kẹt. Mắc kẹt mãi mãi. Tự do, hay không tự do ?

Chuyển động máy cuối cùng như một con chim, tung cánh bay xa dần ra khỏi tòa lâu đài. Có lẽ, nó mang hàm ý cho một ham muốn giải thoát, tự do. Thoát khỏi sự bức bối trong những bức tường vô hồn. Dù gì, ông vẫn cô đơn, bây giờ là trong chính ông. Có lẽ có cả sự thất vọng vì ông không dám hoàn toàn thức tỉnh trong cái đêm đó. Có lẽ ông thất vọng khi chính ông không dám liều mạng (như Kenton hay cô gái kia).

Để rồi cái giá của nó là sự vận động của thời gian đã tồn đọng ngay trong chính bản thân ông. Bức bối, và không còn lối thoát.

October 17, 2010 : Memento

"I have to believe in a world outside my own mind. I have to believe that my actions still have meaning, even if I can't remember them. I have to believe that when my eyes are closed, the world's still there. Do I believe the world's still there? Is it still out there?... Yeah. We all need mirrors to remind ourselves who we are. I'm no different. "


Memento, 2001, Nolan.

Phim chơi lạ, tạo ra một quy luật riêng trong trật tự thời gian và cấu trúc câu chuyện. Có hai tuyến thời gian chạy trong phim, một xuôi, một ngược, một màu, một đen. Rồi đụng nhau tại một mắc xích nào đó. Hiệu quả của nó : thách thức khán giả, buộc họ phải phá bỏ cách lập luận theo một hướng thông thường và kinh nghiệm sẵn có, điều chỉnh - tiếp nhận cách chơi của đạo diễn, và chính khán giả sẽ thâm nhập vào cuộc chơi đó, là người chơi, và cảm giác thỏa mãn khi thắng cuộc là điều không thể chối bỏ ; tạo nên sự mơ hồ, như một dẫn chứng cho căn bệnh mất trí nhớ tạm thời của nhân vật, tránh né đưa ra một sự trả lời hoàn hảo.

Hai kiểu màu khác nhau, như một khối rubik, như một trò xếp hình, xen kẽ đầy lý thú, hay cũng như một chiếc chìa khóa ẩn mình, giúp phân biệt rạch ròi giữa hai tuyến thời gian. Sự nhập nhằng càng hướng ta đến trạng thái mờ mịt của nhân vật.

Ký ức và sự mỏng manh của nó. Cuộc đời và khả năng đánh mất chính mình trong vòng xoáy vô tận. Liệu nó có phải chỉ là một ảnh ảo không người lái?  

October 23, 2010 : Cánh đồng Bất Tận

Tối nay dư tiền, trăng thanh gió mát, chạy ra HTK mua một box Bergman về ngâm cứu lâu dài. Hi vọng sẽ biết thêm nhiều bài học điện ảnh hay ho.

Xong, gió xuôi chiều khiến tôi lang bang đến Megastar HV, ừ thì đi lên xem thử ‘Cánh đồng bất tận’ rầm rộ bấy lâu xem sao. Bấm bụng tốn tiền mua một vé ở một hàng ghế thứ 5 từ màn hình đếm lên, hi vọng không quá gần để con mắt lem nhem này đủ đô thưởng ngoạn tác phẩm. Tổ cha cái gói bắp rang vẫn với cái giá kinh hồn 42 nghìn. Im lặng chờ máy chiếu chạy phim. Trễ 15 phút.

Khiếp, ‘cánh đồng bất tận’ mà xem cứ như ‘chơi vơi’. Điều đó quả là không nên. Lí do là mọi thứ chỉ là nửa vời, nói dân dã là nửa nạc nữa mỡ, không ra đâu vào đâu cả. Cảm xúc nửa vời, chúng ta không mấy đồng cảm được với nhân vật vốn bộc lộ những nỗi đau khổ xót xa gì đó chỉ qua thoại. Thoại dông dài, thoại kể lể, thoại miêu tả xót xa. Nhưng rần rần đó chỉ là những cảnh rời rạc, những cảnh mang chức năng tả hời hời bên ngoài là chính, cưỡi ngựa xem hoa thì được, nhưng để gợi xúc cảm thì chả ra ngô ra khoai chi cả.

Tôi hỏi, khiếp, tại sao trong truyện hay đến thế, khi ra phim lại quắn nó vào thoại, vào những hành động chả hiểu bắt nguồn từ đâu, chả hiểu diễn biến tâm lý thế nào cả, chả hiểu tác dụng gì, chả hiểu gì cả. Giống như một chùm phim ngắn, khi dựng phim thì trông ngay thẳng đấy, nhưng mạch phim chạy bên trong không thật sự chặt chẽ, không hoàn chỉnh tí nào.

Tôi hỏi, bất tận ở chỗ nào khi có vẻ như các nhân vật như đang dậm giò tại chỗ bước đều và chỉ chỏ vào nhau, tung hô rằng chúng ta khổ, chúng ta đau, chúng ta buồn, chúng ta tủi, hời hợt và khó tin.

Tôi hỏi, cái thứ âm nhạc gì đang được sử dụng trong phim thế này ? Sao lại quá đà, sao lại lạm dụng ? Nó có thật sự phù hợp cho phim, hay chỉ để màu mè che đựng cho một thứ cảm xúc giả dối, chưa tới ?

Tôi hỏi, tại sao mọi thứ đều có vẻ duy mỹ quá như thế, từ những cảnh trăng thanh gió mát, những con tàu, những vật dụng xung quanh, những phục trang, chúng chỉn chu quá, chúng làm ta hoa mắt quá. Đôi lúc, chúng Tây quá độ. Những chuyển động máy cầu kỳ vô bổ và lạm dụng. À không, chúng rất giản đơn đấy chứ, toàn trung cảnh, toàn để nền cho nv tự diễn, thì đột nhiên chúng trở thành một thứ gì đó cầu kỳ quái dị, không nhằm đạt nên một vai trò gì cả.

Tôi hỏi, không khí, phong cách chủ đạo của phim là gì ? Hay là không gì cả. Nó không có một bầu không khí nào đáng kể để minh họa cho những hình ảnh, những cảnh quay thi nhau chạy trong phim, không biết điểm đến, không rõ điểm đi, chỉ có con đường chạy bất tận, lạc nhịp.

Tôi hỏi, và tại sao phim lại chán như thế ?

Có lẽ, vì sự tình, là chuyển thể quá giống nguyên tác. Đến nỗi phim dường như chỉ là một bức vẽ lem nhem màu minh họa cho những câu chữ trong truyện. Không có sáng tạo, không có góc nhìn tác phẩm cụ thể, không có hướng đi riêng cho mình trong việc truyền tải tác phẩm. Vì thế, thay vì hùa nhau vào rạp xem một thứ tranh vẽ nhạt toẹt như thế, thì thà ở nhà đắm mình vào những câu chữ của NNT có còn hơn không.

Tôi đọc truyện ngắn ‘cánh đồng bất tận’ vào năm lớp 9, khi đó, tôi cảm thấy hơi shock, văn gì mà lạ thế, câu chuyện thô ráp đến thế, hiện thực đến thê, đau đớn đến thế mà nhìn ra vẫn đẹp, vẫn có nét gì đó tưng tửng, vô tư, như cười đùa vào chính nỗi đau con người, như cười đùa vào chính cuộc đời vốn còn chứa nhiều xót xa.

Tôi nghĩ đạo diễn đã không thể nào truyền tải được những thứ đó vào phim. Phim đau hời hợt, buồn hời hợt, cay hời hợt, cảm xúc hời hợt. Muốn lấy đi nước mắt khán giả hoặc đem đến cho họ sự sợ hãi kinh tởm, không dễ, và phim cũng không làm được. Cái kết định đem hi vọng đến, với cánh đồng lúa xanh rì, lại là một sự rẽ ngoặc không thành công - dở hơi, không thuyết phục, chung quy cũng vì cái sự hời hợt đó.

Tôi nghĩ, chỉ cho riêng tôi thôi, phim là một thất bại.

November 9, 2010 : Up

Có lẽ, tôi mang trong mình một cái định kiến rằng 'Phim của Pixar là những phim họat hình mang tính giả tạo' khá lâu. Những kẻ bị nó hấp dẫn họa chăng chỉ là những kẻ bị huyễn hoặc bới tính 'diễn' của nó. Nói cách khác, chúng không hề nhuần nhuyễn trong việc bới móc ra một triết lý nào đó mà đem ép mình vào thế giới của trẻ con. Chúng quá pretentious, vậy thôi.

Bởi thế, xem phim nào của Pixar, tôi đều thấy một sự khô khan cứng nhắc trong nội dung và cả cách thể hiện.

Tuy nhiên, có lẽ đó là một ý kiến nhỏ hẹp của riêng tôi. Và dĩ nhiên làm thế nào để đánh giá một thứ gì đó cho đúng đắn khi trong đầu đã thù hình một định kiến nào đó.

Xem Up, tôi có một cảm giác khác hơn. Có người bảo nó sến, nhưng tôi bảo nó giản đơn. Và sự giản đơn đó khiến tôi rung động. Đó là một câu chuyện với những mối quan hệ rất lý thú, tuy còn chưa sắc sảo cho lắm. Nó người hơn, nó nhộn nhịp hơn rất nhiều. Với một tình huống khơi mào là căn nhà với những quả bóng bay đủ màu vượt gió vượt mây đến 'Thiên Đường đã mất', từ đó câu chuyện dâng lên bởi sự hòa mình vào nhau của những kẻ tưởng chừng như xa lạ và mâu thuẫn. Một ông già với một đứa trẻ, một con chó săn chim và một con chim quý hiếm, một sự ngưỡng một và một sự thất vọng ngay sau đó. Đó là những đối cực xoay vòng, khắc chế nhau, nhưng để hòa hợp cho nhau. Đó là một vòng lặp ẩn mình.

Tại sao lại thế. Dường như cái tuổi già với quãng đời quá ư là đầy khát vọng đã khiến ông lão nay muốn quay lại, đi tìm lấy thời gian đã mất, đi tìm lấy cái hạnh phúc đã dường như bị ông quên lãng một thời gian quá dài. Đứa trẻ cô đơn cũng đi tìm cho mình một hạnh phúc bằng những huy hiệu thám hiểm treo đấy trên áo, con chó vốn quên mình có một người chủ và dấn thân theo một ông già xa lạ, con chim bay đi như tìm lấy tự do (hay những thanh chocolate quyến rũ) để rồi những đứa con, những mầm xanh mới có thể đoàn tụ qua bao khó khăn giang khổ.

Có lẽ, bộ phim là một nỗi ám ảnh về con đường đi đến hạnh phúc của riêng mỗi cá nhân, của mỗi con người.

Tuy nhiên, hạnh phúc trong sự vị kỷ cá nhân chỉ là những thứ quá vãng và đơn lẻ. Sự hòa hợp là điều mà chúng ta muốn nói đến. Có nhau, bên nhau, đó mới là hạnh phúc đích thực, có thế chăng ?

Và còn đó những điều chưa nói hết, những bất hòa giữa các thế hệ, những bất hòa giữa một thế giới của con người với cái bên trong và một thế giới mới giữa những cái phát triển vượt bậc bên ngoài. Những giá trị ảo và thực ẩn chứa một sự hoài niệm, một sự níu kéo. Những ám ảnh về một chân lý ảo tưởng nào đó trong sự nhất quán vâng dạ một cách ngu ngốc của số đông.

Tuy nhiên, cũng đồng nhất với chủ đề của phim, sự hòa hợp có lẽ là hướng giải quyết mâu thuẫn tốt đẹp nhất.


Tôi vẫn thích đoạn tua vòng cuộc đời ông lão, với những hình thức đối cực rất ư dễ thương và cảm động. Tinh tế đến độ nào mới có thể làm ra những thước phim như thế.

   
Góp nhặt lại bài từ Facebook.  

Thư số 2: ‘Sự nhẹ bẫng không chịu nổi của những đám mây lang thang’ Gửi H (công chúa),  Nếu em hỏi anh anh là ai thì anh sẽ bảo ...