Vận một cái áo trắng toát, tay áo viền 7 sắc cầu vòng, trông Dương như một nhà dân tộc học ngớ ngẩn nào đó đã xa rời quá lâu khỏi cuộc sống thành thị, nay trở về ngơ ngác giữa chốn phố xá không đèn. Sau một vài lời chỉ dẫn thiết thực bổ ích của tôi, Dương dắt xe đến chợ Bến Thành tìm cây xăng để vục vào mồm con Resport vài ba lít. Xong, nó gầm gừ. Dương, vẫn quặc tay lái, nhưng lần này là vào một trong những con đường sầm uất náo nhiệt nhất Sài Gòn, xưa tên là Tự Do, nhưng khi đã tự do thì đổi thành Đồng Khởi. Hỏng, thế là hỏng, tôi lại chửi đổng lên giữa phố, đường này một chiều cậu à, phải chạy lại từ Nhà thờ mà dò tìm thôi. Chúng tôi gặp anh Lâm Vũ Thao. Uống cafe, ngắm mặt nhau, cười khì khì, ra về quên mất công đoạn rút ví trả tiền, không còn ngắm mặt nhau, đội mưa về, cũng quên mắt công đoạn trùm áo mưa, thế nên ướt nhẹp, lại cười khì khì, lại ngắm mặt nhau.
Hôm thứ hai xem xong cuốn 69 của Ryu Murakami, nhộn nhịp tươi vui khó lường. Đến đoạn phong tỏa trường học phải phì cười, đến đoạn "ý thức hệ của một cục cứt" cũng phải phì cười. Ryu viết tự nhiên. Sách mỏng, đọc nhanh. Chương kết thúc chán, cắt bỏ nó ra thì đẹp.
Cũng tối hôm đấy ngốn gần hết cuốn "Cánh bướm và đóa hướng dương" của bác Vương Trí Nhàn, không thích bằng cuốn “Cây bút, đời người”, có lẽ vì nó gọn gẽ quá, nhưng thích một vài đoạn - ví như đoạn này (viết về Nguyễn Huy Thiệp) :
Với thói bi phẫn thường trực, ở cuối Kiếm sắc, Nguyễn Huy Thiệp viết rằng công việc viết văn phức tạp, nhọc nhằn, lại buồn tẻ nữa. Nhưng tôi ngờ có lúc Nguyễn Huy Thiệp sẽ thấy mình nhầm ! Cái việc oan nghiệt ấy cũng rất thú vị, dù chỉ là một thứ thú vị kiểu Xi-díp (Sisiphe). Nếu tác giả không cảm thấy trước, thì làm sao tác phẩm của anh có được cái hấp dẫn ma quái với bạn đọc như nó đang có?
Sắc thật.
Còn nhiều đoạn rất hay ho trong "Cánh bướm và đóa hướng dương", nhưng xét về tổng thể thì thích “Cây bút, đời người” hơn, có lẽ chỉ là do cảm tính.
Còn cuốn "Cát bụi chân ai", Dương, tình cảm bẹn bà cho, đổi lại bằng vài chục tiền xăng đi đường cộng thêm một cuốn "Bạn văn", đang nằm trên bàn, đè lên đống sách Ryu Murakami, để lại sự băn khoăn nơi chủ nhân của chúng- nên đọc gì trước, 3 cuốn Ryu hay 1 cuốn Tô Hoài.
đến giờ vẫn chưa hết băn khoăn.
Hay là đọc "Biên niên kỉ chim vặn dây cót" để đổi gió nhỉ. Nhớ hồi đấy, mùa hè lớp 8 lên lớp 9, vào một buổi chiều đẹp trời, tôi bắt xe ôm đi mua. Nhá nhem tối, trời đổ mưa, ngồi thu mình trong một chiếc xa lông êm như nhung, cạnh cửa sổ -trông ra rất đẹp - đọc lò mò từng con chữ, chữ nhỏ, đọc vài trăm trang vẫn chưa hiểu mô tê gì. Vứt đó. Hôm sau lò mò đọc tiếp, rồi không dứt ra được, đọc cho đến tận cùng, dù vẫn chẳng hiểu mô tê gì cả. Thế là ấn tượng mãi thằng cha nhà văn mang cái tên Haruki Murakami này, tự nhủ sẽ không bao giờ mua sách ổng nữa, vậy mà sau đó vẫn mua, vẫn trữ, vẫn đọc và vẫn chẳng hiểu mô tê gì. Thôi thì cứ để dành đó, mình không hiểu thì con mình hiểu, cháu mình hiểu. Dương thòm thèm "Kafka bên bờ biển", dứt khoát không cho, để mặc bộ mặt nhăn nheo và giọng nói nũng nịu của hắn lại Hà Nội, lại cái thành phố mà hắn luôn khoe là đầy sách vở, đầy tri thức, đầy vốn văn hóa nhưng lại thiếu mất một cuốn sách của Haruki Murakami. Thật đáng thương làm sao.
Sắp đi học đại học, học đại học ở tận Thủ Đức. Sẽ phải đi xe bus. Xe bus hẳn là đắt. Nghe nói thuê một ngày mấy mươi triệu. Vé xe bus rẻ, một vé 4 nghìn các tuyến có cự ly dưới 31 cây số, từ 31 cây trở lên là 5 nghìn. Bắt đầu từ khi nào xe bus hiện diện trên khắp phố phường ? Quên rồi. Hay là chẳng cần nhớ. 5 năm. 10 năm. Lúc trước người ta đi bằng gì ? Đi bằng xe máy ? Thời của xe máy ? Chẳng rõ. Tôi đi xe đạp. Cái xe đạp mà dây xích đã mỏi mòn qua bao tháng, chế dầu nhớt mãi chẳng xi nhê. Lọc cọc, lọc cọc. Đi trong đêm giựt cục. Lọc cọc, cái âm thanh ấy nghe ra gì ? Một sự đứt quãng. Chẳng rõ. Chẳng có thứ gì rõ ràng ở đây cả.
Sẽ đến thời của xe đạp.
Lảm nhảm đủ rồi, giờ ngồi nhà chờ, chờ được đi xem phim của Trương Minh Quý, tên phim là - Ngày chủ nhật bình thường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét