Mấy hôm nay trời Sài Gòn u tối, gió thổi rét, bầu trời như đứng lại, thẫn thờ, mưa không được, nắng không xong. Mỗi lần bước chân ra đường là mỗi lần sợ, sợ cái lạnh đếm được trong từng hơi thở, từng bước chân, sợ cái tiếng còi xe hối hả, sợ ánh mắt cau có đưa đám hằn trên mặt người đi. Bốn bề bờ bụi, lạnh nhưng không sạch, họa chăng chỉ là cái sạch sẽ giả tạo, không thật, không tường.
Có điều, một cái vé kịch đang chờ được xé dùng dằng mãi trong túi, và rõ ràng là nỗi sợ hãi đấy phải nhường chỗ cho sự hiếu kỳ, sự háo hức để được nếm trải một vở kịch mà nghe đồn được giải Nhất chi mô đó, vở kịch thứ 3 (hay 2 nhỉ) trong đời một đứa trẻ chưa tròn 17 tuổi.
‘Nỏ thần’ là cái tên của nó, sân khấu không quá lớn, nhưng chẳng đến nỗi bít bùng, và hiển nhiên là sự nghiêm trang vẫn tồn đọng lại trên từng chiếc ghế, không bọc nhung lụa chi cả, nhưng êm đến sướng cả người, cả óc, cả mông. Ngồi trên lầu, máy lạnh không mò đến được. Chúi cả người xuống dưới mới thấy rõ. Nhưng chả sao, có lẽ cái phiền phức nhứt có lẽ là con người – khán giả, với những tiếng nói chuyện ồn ào đến kinh sợ, những lời văng tục bạt mạng, những lời bình luận nhăng nhít nhảm nhí cứ văng vẳng bên tai, bịt mãi – chẳng lẽ con người phải nói nhiều đến thế khi ngồi với đám đông ? Không sao dõi tâm theo được, và có lẽ đã phải bỏ qua đôi ba chi tiết nhỏ, cực chẳng đã, đành chịu.
Nhớ đến lúc hồi đầu Hè, ở Hà Nội, vào Lespace thưởng thức điện ảnh chui vì vé chỉ có hai mà người thì tới ba, khỏi cần năng nỉ, chỉ một câu thảo mai nào đó cũng đủ để chiếm lấy một chỗ ngồi bên trong phòng chiếu. Khi đó, lạnh, lục đục chi mô những tiếng cười, xầm xì phía sau, đằng trước, những lời nói nhăng nhít nhảm nhí lại vang lên, và khó chịu. Có lẽ chỉ vì ‘Trăng nơi đáy giếng’ không phải là một phim để người ta ra rạp cùng với gia đình bạn bè bù khú mà nhâm nhi bắp rang - cười nói cho đã đời cái mỏ, cho no tròn con mắt. Đó là một phim mà theo tôi là rất cá nhân, rất điên, rất chậm, và đòi hỏi khán giả phải biến hóa theo nó, theo từng nhịp đóng – mở cửa (những tiếng cười to nhất là ở đây), theo từng sự biến chuyển tâm lý dù là nhỏ nhất trong nhân vật Hạnh, theo từng chuyển động máy khó chịu, quái chiêu, theo từng câu hát, từng cảnh một với sự dàn dựng đầy ngụ ý – mỉa mai mang nhiều hàm ý chính trị, theo từng nổi đau và hành trình tâm linh của Hạnh đến những giá trị ảo tưởng hiện diện xóa nhòa những giá trị thật đã bị đánh mất. Và, cả cái chất Huế lãng đãng đâu đó mà chẳng cần ngoại cảnh lắm điều tôn vinh. Mọi thứ hiện diện tinh tế, đẹp và buồn. Nguyễn Vinh Sơn (nhớ chăng bộ phim Đất phương nam) là đạo diễn.
Đấy là về Điện ảnh, với những thú vui nhỏ nhặt được tích góp qua những kinh nghiệm, những nếm trải qua nhiều lần thưởng thức, nhiều lần bị hút chặt vào nó, nhiều lần không thể nào cưỡng ra được. Ngọt có, bùi có, nhưng đó là một thế giới bao la, rộng lớn, và ảo diệu cực kỳ. Có điều, chúng đến với ta qua khoảng ngăn màn ảnh. Sự chung đụng chỉ có lẽ nằm ở bên trong, cảm xúc.
Thích nhất ở Sân khấu, là cái khoảng cách giữa người nghệ sĩ và khán giả nay gần hơn bao giờ hết, tưởng chừng có thể đụng lấy, có thể nhào đến ôm lấy tác phẩm, nơi những nhân vật hiện diện trong một bộ cánh mỏng manh, tay họ run run đón nhận những tình cảm, những tiếng vỗ tay vang vọng từ khán đài – hay có khi là những tiếng bĩu môi, la ó khó chịu. Tôi nghĩ, họ có phần dũng cảm khi dám đứng trên sân khấu, trình diễn tấn kịch của thiên hạ, hay có lẽ là của đời mình, không run sợ, chỉ bỏ hết sức lực, tấm thân, tấm lòng vào vai diễn. Đấy phải chăng là một sự dấn thân ?
Lại nói về vở kịch hôm nay, Nỏ thần. Một câu chuyện cũ kỹ được làm mới, được sân khấu hóa lên với những thêm thắt, những chỉnh đổi, bổ sung, nhằm tạo nên một lớp truyện mới dầy hơn, đậm hơn, sâu sắc hơn so với nguyên tác đã quá quen thuộc. Những vấn đề, những câu hỏi tràn đầy trong tâm trí khán giả. Liệu nó có đơn thuần chỉ là một sự đấu tranh thiện ác, hay sự đánh thức tham vọng chiếm hữu bên trong mỗi con người, hay những thứ chân lý, những hiện hữu nhập nhằng giữa thực và giả, giữa tình yêu và lý trí, giữa con người và con người, giữa bề trái và bề mặt, giữa nỗi đau cá nhân và nỗi đau nhân loại. Một bi kịch về con người.
Chúng ta phải đóng khố cho cẩn thận (kẻo tuột) khi giao tranh chiến trường. Nhưng còn chính chúng ta thì sao, có cần phải đóng khố cả tư tưởng, cả đầu óc, cả những ám ảnh vang vọng trong chúng ta. Vàng thật, cái tâm con người, vàng giả, những thỏi vàng lấp lánh ẩn mình trong túi áo.
Lẽ dĩ nhiên, cái bi kịch, cái mâu thuẫn được tạo ra và giải quyết như trong nguyên tác, với một kết thúc đầy tính bi tráng, cái chết kéo đến, ai cũng vơ lấy, đó là đất nước, đó là thứ tình yêu có lẽ quá đẹp đến nỗi huyễn hoặc và bị chìm dưới biển sâu, nơi bóng tối tràn đầy. Đất nước chìm trong máu. Nhưng, chính nỗi đau lại đó làm chúng ta phải nhớ, phải khắc sâu vào trong tim, đó không chỉ là hành trình tìm lấy cái tôi chân chính không hằn dục vọng - ám ảnh, hay hành trình cứu rỗi nỗi đau của nhân loại, mà còn là hành trình cứu lấy đất nước, giữ lấy non sông, nơi đó còn ánh mãi những ánh mặt trời, những giọt máu khô, những con người nước Nam bất khuất, khi chết vẫn đứng oai hùng.
Tiết tấu nhanh, kịch tính, xung đột hiện diện ngay trong từng lớp cảnh, xen lẫn là những cảnh yêu đương, khi nhẹ bẫng trong suốt, khi mâu thuẫn cao trào. Sự tĩnh lược tạo ra một khoảng cách khá xa trong nhịp độ câu chuyện. Vở kịch chia làm hai phần, khi mà sự tĩnh lược ấy tạo ra ở phần 1 một chút gì đó chắt lọc, lắng đọng, nâng tiết tấu nhanh hơn, hấp dẫn khán giả hơn thì ở phần 2, mọi thứ có vẻ hơi đuối, sự lộn xộn và hơi ẩu tạo ra những mảnh cảm xúc không rõ ràng, có phần chấp vá. Nhịp điệu bị đánh mất. Cùng với việc xuất hiện rất nhiều nhân vật cùng với tham vọng cá nhân hóa họ quá cao, khiến cho đất diễn không đồng đều, dễ nhớ mà cũng dễ quên. Tạo nên cái loãng, cái hẫng hụt khó chịu cho khán giả.
Nói về Dàn Dựng. Rõ ràng là đạo diễn đã khá chắc tay trong từng cảnh. Bố cục được phân bố theo tôi là làm hai loại : cân bằng – đối xứng và phi cân bằng – không đối xứng, được thấy qua những hành động, những diễn biến và chỗ đứng của nhân vật trong sân khấu hay là từ đạo cụ bày ra trên sàn diễn. Muốn hiểu rõ tác dụng thì ta phải lắng theo câu chuyện, với mâu thuẫn bên ngoài chủ yếu là giữa Thục Phán – nuớc Nam và Triệu Đà – xứ Bắc. Cân bằng một cách hết mực chỉn chu là trong những cảnh về nuớc Nam, biểu trưng cho một sức mạnh can trường, ngay thẳng. Phi cân bằng là những cảnh hiện diện xứ Bắc, những quốc sư hay quân lính Triệu Đà, thể hiện một sự gian trá, không ngay thẳng, tréo nghoe trong tâm, dùng những thủ đoạn đê tiện để chiếm hữu lấy nước Nam.
Khung cảnh được bày bố đơn giản, với những chiếc cầu thang xoắn vòng cung, đơn giản, đối xứng nhưng điều đó khiến sự tùy biến trở nên dễ dàng, và sự đa dạng là điều dễ dàng trông thấy. Khung cảnh là một công cụ tuyệt vời đồng bộ với câu chuyện, từ chiếc bóng nỏ thẩn thấm thoáng sau tấm màn nhung – sự bí mật cho đến cảnh sóng biển ào ạt – tâm người lay động.
Cái theo tôi là hay nhất trong vở kịch chính là cách sử dụng màu sắc. Màu sắc trong ánh sáng, và rõ ràng hơn là màu sắc trong phục trang nhân vật. Đấy là màu đỏ, thứ màu sắc mạnh mẽ, bạo liệt, vận vào lớp cảnh của Triệu Đà, của lão Quốc sư gian ác, của những tham vọng, mưu mô xấu xa thâm độc. Nó cũng được dùng để che dấu bí mật, bên trong tấm màn chứa nỏ thần, và tham vọng của lão Quốc sư để chiếm đoạt nó. Cảnh này rất hay, rất tuyệt, ánh sáng khi đó tắt dần cho đến khi cả sân khấu chỉ còn ánh đèn đỏ phía sau tấm màn in bóng nỏ, và màu đỏ trên phục trang của lão Quốc sư càng gần đến cái bí mật đó. Hồi hộp lắm cơ. Hiệu ứng thị giác mạnh mẽ cùng tiết tấu nhanh khiến cho cảnh đấy rất đắt. Đỏ cũng là màu của máu, của sa trường, của giấc mơ chiếm trọn bờ cõi nước Nam từ phía xứ Bắc. Và có lẽ cũng chẳng ai quên được lần đầu Triệu Đà xuất hiện, với tấm nhung đỏ lòm được đặt xiên đặt chéo, bản thân nó cũng mang nhiều hàm ý.
Màu vàng của Thục Phán, của những chàng trai xứ Nam, của dân tộc ta, của rồng vàng, của thần Kim Quy, của sự chân chính, của lẽ phải. Hay có lẽ đó là thứ vàng thật trong tâm đang bị lu mờ bởi thứ vàng vật chất giả tạo từ nơi Triệu Đà đấy sao ?
Màu trắng của sự tinh khiết, cùa sự trong trắng từ bên trong tâm hồn. Màu trắng hiện diện trong tấm áo choàng lông ngỗng Mỵ Chân vận, hay tấm áo của cô nàng công chúa xứ Bắc.
Và có cần phải tinh ý không mới thấy rằng, trang phục mà Mỵ Châu đang vận là sự hòa hợp giữa vàng, trắng và đỏ. Vàng – đỏ có lẽ là chỉ lên một thứ cầu nối giữa hai bề, Bắc Nam. Trắng, là sự tinh khiết, sáng trong.
Màu bạc lạnh lẽo, u mê.
Màu xanh tràn đầy trong những cảnh tình yêu. Là sự khát khao, sự hi vọng hòa hợp giữa hai ngã Bắc Nam, giữa hai thái cực trong tâm hồn, giữa mối tình của đôi lứa. Đấy là một thứ tình yêu của tuổi trẻ trong sáng, nơi chân trời chỉ tồn tại những giấc mơ, những cánh hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt cho một mối tình buồn. Và sự giả dối có hiện diện nơi đây ? Giữa những thứ tình cảm ấy ?
Màu nâu đất bình dân, chất phác, đậm đà tính dân tộc nông nghiệp chính yếu.
Hết phần màu sắc, lại nói về ánh sáng. Đấy là một thứ tinh tế, sự tối giản được sử dụng khá nhuần nhuyễn tạo ra những đoạn chỉ còn hằn lại vết bóng nhân vật, sự kết hợp với những gam màu, tăng nhịp điệu, đẩy nhanh tiết tấu, tạo cảm xúc, gây ra những ấn tượng mạnh về mặt thị giác. Còn phải kể đến hiệu quả của âm nhạc, vốn được dùng để tạo tiết tấu. Sự đồng phối vị của nó với các hiệu ứng khác gia tăng hiệu quả chính là tạo cảm xúc cho khán giả.
Dĩ nhiên, trong Sân khấu, con người là quan trọng hơn cả. Diễn xuất tốt đấy, nhưng ấn tượng thì chỉ có một, là lão Quốc sư. Có lẽ như tôi đã nói, nhiều nhân vật xuất hiện cùng với tham vọng cá nhân hóa họ quá cao, khiến cho đất diễn không đồng đều, dễ nhớ mà cũng dễ quên. Cá tính rõ ràng, nhưng không được đẩy mạnh đến tột cùng, mà chỉ là những nét nhỏ nhắn, chưa là tinh tế, chỉ có thế nói là mang tính điểm xuyến nhiều hơn là lột tả.
Có lẽ chẳng cần những sự sắp đặt giả tạo tặng hoa cám ơn gì gì đó ở cuối CT cũng có thể biết rằng, vở kịch thành công trong lòng khán giả, và tuy vẫn còn đó những hạn chế nho nhỏ, nhưng với một đứa trẻ sống chưa tròn 17 năm cuộc đời, thì ‘Nỏ thần’ xứng đáng được lưu trữ đâu đó trong cái trí nhớ nhỏ bé và hữu hạn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét