Ta đếm một vài hạt nắng vắt ngoài sân, bò lê lết. Ngày thường chả dại, hai mươi tháng mười một, hỏi thăm thầy cô chưa kịp, thì cái kí ức ất ơ về những đứa bạn chẳng ra bạn, bè chẳng ra bè , lại quay về. Khi đó, chúng tôi chơi nhau, hay đá nhau, nào ai biết.
Ấy là khi tôi nhớ đến cái thằng bạn đó. Nói là 'đó', vì đến cái tên cũng đã kết tinh thành một thứ lãng quên trong đầu óc lộn xộn và không thành thật này. Nhớ nhất, là da nó màu đen, đen do cháy nắng lâu năm, hay do lộn xộn alen aliết gì chẳng biết, mà cái sự đen đó tồn đọng như một tội lỗi hóa rồ bởi lũ bạn bè nhăng nhố. Nhớ thứ hai, là nó hô răng, cái hô bất biến do không nào biết đến cái niềng khi nhỏ, tạo cho thằng 'đó' một vẻ mặc cảm dù không mấy tội lỗi. Một thứ rũ bỏ bản thân mình dù chẳng ai ngoài nó nào hay nào biết. Nó cũng vui lắm, nhưng do hoàn cảnh đẩy đưa nó vào một cái lớp chẳng ra gì. Nó hay khoe chiến tích rồ dại của mình cho tôi nghe, nhưng sự gật gà gật gù tỏ vẻ quan tâm chỉ để chứng tỏ rằng tôi chẳng quan tâm đếch gì cả. Mỗi lần bị bóp thó, nó cúi lì đầu, mặt hầm hầm trông kinh khủng – một phần cũng vì cái sự đen của nó – làm ai cũng khiếp đảm. Nhưng tụ trung lại thì nó là một đứa đáng mến, và chơi được.
Cái nhà xe, hay chính xác hơn là cái hẻm chứa xe của ngôi trường cấp 2 chật chội, nằm bên cạnh nhà vệ sinh đầy mùi amôniắc, tôi bắt gặp một cái gói kín mít, cộm cộm, nằm trên giỏ trước xe đạp của nó. Một con dao thái. Nó dấu kĩ, nhưng rồi thì cũng lòi ra. Hỏi nó, nó lại dồn khí nóng lên mặt như mọi khi và trả lời gọn lỏn : “Tao sợ đi đường tụi nó chơi tao.” Tôi chẳng biết tụi nó là tụi nào, và tại sao lại có chuyện chơi nhau giữa đường thế này. Nhưng tôi im lìm, và chẳng đả động gì đến chuyện đó nữa. Vũ khí tồn tại mặc sức cho lũ trẻ hầm hố bộc tả mình. Rồi cũng chẳng đi về đâu. Nếu có thì cũng chỉ là những nỗi đau.
Đấy là năm lớp 9.
Thằng bạn đó đã bị lưu đày đến một chốn nào đấy, tôi chẳng còn hay biết. Và con dao thái ấy liệu có được dùng để ướm thử vào mông, vào má, vào mặt một con người nào đấy không, tôi cũng chẳng tường. Chỉ đôi khi, đồ vật lại hiện diện như một thứ để bám víu lấy quá khứ, dù chóng tàn. Nắng vàng chỉ là một thứ chói lóa tạm thời. Rồi sẽ phai mất. Liệu tôi có chết trẻ, có bấu víu cuộc đời khi nắng chưa đổi màu ? Nghe Q tâm sự về một nét chấm rũ mục của đời mình : “Tôi sẽ chết năm tôi 35 tuổi.” Thú vị, và cũng nên thơ ra phết. Nếu con người có quyền quyết định được số năm ta tồn tại, thì đời quả là vui thú hơn biết bao. Sự sống sẽ như bày ra tất thảy trước mắt, tuyển chọn hướng đi cho mình, và tận hưởng.
Nhớ đến một câu nói của ai đó : “Không sợ để sống.” Nghe phi lý đến gai người.
Ừ, mà hay mà biết làm chi, chân trời người nào, người đó bay. Thế cho khỏe người.
3 năm, cái trường ấy đã tàn rụi, mất dạng, không còn mảy may tí thù hình cụ thể nào trong đầu. Chỉ nhớ, khi vừa đặt chân đến đấy, lớp 6 trẻ trung ngây dại, thì những bức tượng khỏa thân chưng dèm ở ĐH Mỹ Thuật kế bên luôn là đối tượng quan sát của lũ học trò chúng tôi, không thèm khát, khi đó nào có biết dục vọng là chi, chỉ khoái, cái khoái a dua lèm bèm ta đây biết tuốt mọi đàn bà, hay chính xác hơn là thân thể họ. Tội nghiệp chúng tôi biết mấy.
Đời thế mà vui.
Những nẻo đường đã chịu đựng bàn chân tôi đấy, đã đi về đâu ? Cái cảm giác đi tìm thời gian đã mất thật thú vị. Lộn xộn, chạy chọt, như những mảnh xếp hình - vô dạng. Tôi thích Yugen, cái đẹp của những điều lửng lờ, không hoàn chỉnh. Đôi khi, nó là những nỗi đau.
20 tháng 11, chả cần thăm ai. Việc tiếp xúc với những điều đã mất từ quá lâu có lẽ chỉ để làm vỡ thêm trái tim của chính mình mà thôi.
… Người ta vẫn chết vì trái tim tan vỡ. Chuyện ấy xảy ra hàng ngày, và sẽ còn như vậy cho tới tận cùng thời gian
-Paul Auster-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét