Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Đèn không hắt bóng

Chạy ngang qua một ngã tư xưa, nơi đó hằn vềt tuổi già trôi quá độ. Một mai sau khi trở lại, có lẽ ta vẫn thấy ở nơi này đôi ba cột điện im lìm chờ chết, giẫy giụa trong những hàng dây dăng đầy rẫy, chằn chịt, ươm mầm bầu trời những thanh thập tự giá, lệch đôi ba phân, mỏi mòn chờ Chúa.

Cái thế cô quạnh của nó tạo đà cho những con chim đương mình đáp xuống, ngắm nghía thế sự trong giây lát, rồi lại vung cánh bay đi. Không tiếng kêu, không tiếng hót, chỉ có những ánh nhìn vô hướng. Gió quên thổi ở chốn này.

Xa xa là một cây cầu trắng dã, một nhà tang lễ không màu, một con đường mới lấp, chưa phủ bụi.

Gần gần là cái tượng đài chỉ chỏ một phương (bắc nam tây đông ???), bất khuất, hiên ngang, mắt trừng gửi mộng qua một ngã năm ngã sáu ủ màu bụi đường, đèn mờ, phất phơ những tiếng rao không chợ búa nên tuy lỏng lẻo nhưng quyến rũ đến quỵ người, đây đó những tiếng cười hay chửi rủa vọng lại đều đều như bị nén hãm, như vừa vấp phải một cái phễu vô hình nào đó của hư vô.

Ngồi đó, giữa lòng xe cộ, ta thấy một thế hệ xói mòn, nay bừng tỉnh. Khó có thể nói tuổi già nuôi dưỡng chính nó hay chính nó vun đấp tuổi già. Hay cái sự tách bạch đã quá không rõ ràng đến một mức độ sợ sệt, không thốt nên lời.

Đâu đó vẫn còn in vết chiêm bao những kẻ đương mơ. Mơ những giấc mơ hão huyền.

Một lão già xương xẩu lấn át da thịt, ve vẩy một điếu Bastos trong tay, gợi những gợn sóng đăm chiêu, hỏi : “Mày kiếm tìm gì ở chốn này ?”

Căn hẻm rộng một cách thừa thải, chặn ngay đầu hẻm là một quán hủ tiếu Tàu, bán thâu đêm suốt sáng, khói bốc trắng nhợt nhạt nhưng ấm nồng đến mức ai đi ngang qua cũng phải ráng nhướn mình lại mà đắm chìm vào bên trong. Căng dọc theo hẻm là những sợi dây điện song song, giắt vào đó những chiếc bóng đèn kiểu cách, mắc so le, trông vui mắt. Hiếm khi tôi thấy chúng được bật.

Hẻm cụt, chần dần một chỗ gửi xe của hai ông bà già người Hoa, cả hai đều khó chịu. Với nhau, chứ không phải với người.

Hết hẻm, băng qua đường bên kia, vượt hai làn xe chạy một cách kinh hoàng, ta thấy một bệnh viện lớn, tô trên mình màu xanh lá gì hông biết. Nhìn chán ngán, đúng là bệnh viện có khác, một vẻ ngoài vô tình, khó gần, nhưng gần được rồi thì dứt mãi không ra.

Học, nơi mà những ánh mắt giả thật nhìn nhau trừng trừng, xoay qua xoay lại, nheo mắt liên hồi, những ông già em bé khi cười khi khóc, một ông Phật chễm chệ góc phòng nhìn ra. lộng giả thành chân, khó lường. Không có cảm giác kinh sợ khi bóng tối trỗi dậy hay sao ? Đèn không hắt bóng thì làm sao mà thấy được thù hình. Rõ dớ dẩn. Dở hơi. Ngồi cứng lưng đau mắt suốt 3 tiếng, tay làm hàm không nhai, mắt láo liên đôi ba phút lại dòm đồng hồ.

Rõ dớ dẩn, dở hơi. Tối 10 giờ chạy từ nơi chốn đấy của người Hoa về nhà, giữa đường chịu sự níu kéo của quán xá lề đường, căng mắt ra để không đâm vào một chiếc xe tải chết dẫm nào đó, chập choạng đầu óc rủ mình nhắm mắt. Giữa đường ngóng mưa bay.

Thế là hết một đêm đi học. Nắng khuya chưa lên, đèn không hắt bóng.

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

20 tháng 11

Ta đếm một vài hạt nắng vắt ngoài sân, bò lê lết. Ngày thường chả dại, hai mươi tháng mười một, hỏi thăm thầy cô chưa kịp, thì cái kí ức ất ơ về những đứa bạn chẳng ra bạn, bè chẳng ra bè , lại quay về. Khi đó, chúng tôi chơi nhau, hay đá nhau, nào ai biết.

Ấy là khi tôi nhớ đến cái thằng bạn đó. Nói là 'đó', vì đến cái tên cũng đã kết tinh thành một thứ lãng quên trong đầu óc lộn xộn và không thành thật này. Nhớ nhất, là da nó màu đen, đen do cháy nắng lâu năm, hay do lộn xộn alen aliết  gì chẳng biết, mà cái sự đen đó tồn đọng như một tội lỗi hóa rồ bởi lũ bạn bè nhăng nhố. Nhớ thứ hai, là nó hô răng, cái hô bất biến do không nào biết đến cái niềng khi nhỏ, tạo cho thằng 'đó' một vẻ mặc cảm dù không mấy tội lỗi. Một thứ rũ bỏ bản thân mình dù chẳng ai ngoài nó nào hay nào biết. Nó cũng vui lắm, nhưng do hoàn cảnh đẩy đưa nó vào một cái lớp chẳng ra gì. Nó hay khoe chiến tích rồ dại của mình cho tôi nghe, nhưng sự gật gà gật gù tỏ vẻ quan tâm chỉ để chứng tỏ rằng tôi chẳng quan tâm đếch gì cả. Mỗi lần bị bóp thó, nó cúi lì đầu, mặt hầm hầm trông kinh khủng – một phần cũng vì cái sự đen của nó – làm ai cũng khiếp đảm. Nhưng tụ trung lại thì nó là một đứa đáng mến, và chơi được.

Cái nhà xe, hay chính xác hơn là cái hẻm chứa xe của ngôi trường cấp 2 chật chội, nằm bên cạnh nhà vệ sinh đầy mùi amôniắc, tôi bắt gặp một cái gói kín mít, cộm cộm, nằm trên giỏ trước xe đạp của nó. Một con dao thái. Nó dấu kĩ, nhưng rồi thì cũng lòi ra. Hỏi nó, nó lại dồn khí nóng lên mặt như mọi khi và trả lời gọn lỏn : “Tao sợ đi đường tụi nó chơi tao.” Tôi chẳng biết tụi nó là tụi nào, và tại sao lại có chuyện chơi nhau giữa đường thế này. Nhưng tôi im lìm, và chẳng đả động gì đến chuyện đó nữa. Vũ khí tồn tại mặc sức cho lũ trẻ hầm hố bộc tả mình. Rồi cũng chẳng đi về đâu. Nếu có thì cũng chỉ là những nỗi đau.

Đấy là năm lớp 9.

Thằng bạn đó đã bị lưu đày đến một chốn nào đấy, tôi chẳng còn hay biết. Và con dao thái ấy liệu có được dùng để ướm thử vào mông, vào má, vào mặt một con người nào đấy không, tôi cũng chẳng tường. Chỉ đôi khi, đồ vật lại hiện diện như một thứ để bám víu lấy quá khứ, dù chóng tàn. Nắng vàng chỉ là một thứ chói lóa tạm thời. Rồi sẽ phai mất. Liệu tôi có chết trẻ, có bấu víu cuộc đời khi nắng chưa đổi màu ? Nghe Q tâm sự về một nét chấm rũ mục của đời mình : “Tôi sẽ chết năm tôi 35 tuổi.” Thú vị, và cũng nên thơ ra phết. Nếu con người có quyền quyết định được số năm ta tồn tại, thì đời quả là vui thú hơn biết bao. Sự sống sẽ như bày ra tất thảy trước mắt, tuyển chọn hướng đi cho mình, và tận hưởng.

Nhớ đến một câu nói của ai đó : “Không sợ để sống.” Nghe phi lý đến gai người.

Ừ, mà hay mà biết làm chi, chân trời người nào, người đó bay. Thế cho khỏe người.

3 năm, cái trường ấy đã tàn rụi, mất dạng, không còn mảy may tí thù hình cụ thể nào trong đầu. Chỉ nhớ, khi vừa đặt chân đến đấy, lớp 6 trẻ trung ngây dại,  thì những bức tượng khỏa thân chưng dèm ở ĐH Mỹ Thuật kế bên luôn là đối tượng quan sát của lũ học trò chúng tôi, không thèm khát, khi đó nào có biết dục vọng là chi, chỉ khoái, cái khoái a dua lèm bèm ta đây biết tuốt mọi đàn bà, hay chính xác hơn là thân thể họ. Tội nghiệp chúng tôi biết mấy.

Đời thế mà vui.

Những nẻo đường đã chịu đựng bàn chân tôi đấy, đã đi về đâu ? Cái cảm giác đi tìm thời gian đã mất thật thú vị. Lộn xộn, chạy chọt, như những mảnh xếp hình  - vô dạng. Tôi thích Yugen, cái đẹp của những điều lửng lờ, không hoàn chỉnh. Đôi khi, nó là những nỗi đau.

20 tháng 11, chả cần thăm ai. Việc tiếp xúc với những điều đã mất từ quá lâu có lẽ chỉ để làm vỡ thêm trái tim của chính mình mà thôi.

… Người ta vẫn chết vì trái tim tan vỡ. Chuyện ấy xảy ra hàng ngày, và sẽ còn như vậy cho tới tận cùng thời gian
-Paul Auster-

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Tướng về hưu


Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Khắc Lợi. Một câu chuyện của một tác gia họ Nguyễn, một bộ phim với một đạo diễn cũng họ Nguyễn. Nói thế là để thấy rằng, sự đồng bộ trong tư tưởng của hai nhân vật ấy đã được biểu hiện rõ ràng ngay từ đấy. Chẳng phải khó khăn gì để nhận ra bộ phim bám sát vách với cái sườn nguyên bản. Nhưng một người tên Lợi, một ông tên Thiệp. Hằn đó những dấu vết thay đổi, không dở đi, cũng chưa hẳn hay hơn, nhưng thể hiện một tư duy và một cái nhìn của riêng đạo diễn với tác phẩm chuyển thể. Tướng về hưu, đó đây một bầu không khí u ám và nặng nề của một xã hội Việt Nam thời hậu chiến, mở cửa, đồng tiền ùa vào.

(MK. Cái mở đầu vô duyên quá chừng ....)

Phim mở đầu bằng một cảnh dùng tracking shot dõi theo chiếc xe Jeep quân sự đang chạy băng băng qua một cây cầu sắt, với góc máy làm tôi nhớ đến vài đoạn trong ‘Trăng nơi đáy giếng’ của Nguyễn Vinh Sơn. Sau đó, từ góc máy khách quan, phim đổi bất chợt qua góc máy chủ quan – điểm nhìn từ trên xe đối với đường phố và đời sống nhộn nhịp, như một lời báo hiệu cho cái nhìn chính yếu, hay nói cách khác – nhân vật chính của bộ phim – ông Tướng về hưu. Đối với - cuộc sống thời đó. Chủ đề tư tưởng bộ phim đã được bày ra ngay từ những giây phút đầu tiên. Đó là một sự đối nghịch, một mâu thuẫn đang ngầm ẩn chứa. Phải chăng những thanh sắt chằng chéo của cây cầu càng nhằm muốn nói cho chúng ta thấy rõ hơn cái mâu thuẫn, cái đối nghịch đó, với chiếc xe quân sự chở ông Tướng dường như bị giam cầm giữa cái cuộc sống mới đang chạy ro ro chung quanh.

Sau đó, cảnh đến nơi và chất đồ đạc lại báo hiệu cho chúng ta bối cảnh nơi xảy ra tấn kịch này, một căn nhà với nhiều con chó. Hình ảnh những con chó với tiếng sủa dữ dội rơi vãi rất là nhiều nước dãi  – lại là một lời cảnh báo. Nó giống như một cánh cổng biệt lập, một sự bày tỏ, nhắn nhủ khéo léo cho khán giả rằng, bạn chớ có rớ vào phim nì. Nó dữ dội đấy, nó đồi bại đấy, bạn có khả năng sẽ bị shock đấy. Nó cũng biểu hiện lấy sự đe dọa khi bước vào một gia đình vốn được xem là khá giả và rất mực vinh quang, nhưng thật ra là một căn nhà tha hóa và tồi tệ trên từng mặt nghĩa. 

Nhân vật ông Tướng bao giờ cũng là hình ảnh của niềm vinh dự, tự hào. Cả ở trong họ, trong làng, tên tuổi ông được mọi người ngưỡng vọng. Ông Tướng là một con người đi biền biệt, thỉnh thoảng cũng ghé về nhà, nhưng những lần về đều ngắn. Nói cách khác, cuộc đời của ông gắn bó với vận mệnh của dân tộc, cuộc đời ông, là ở chiến trường. Sự thành công nơi chinh chiến khiến cho ông được suy tôn như một vị anh hùng, một niềm tự hào của cả họ, cả làng, khiến ai ai cũng phải vỗ tay, hô hào và ra vẻ đồng thuận nhiệt liệt khi ông phát biểu. Đấy là một ông tướng, với quân hàm sáng chói và được ghi công oai ra phết, nhưng lại hiện hữu như một chủ thể bất lực trước hiện thực không như ông mong đợi. Một hiện thực thối nát.

Lại nói về những cảnh phim, kế tiếp cuộc ra mắt của những con chó là cuộc ra mắt của toàn thể gia đình ông Tướng, giữa một bữa tiệc chào mừng cái hoàn cảnh ‘về hưu’ của ông. Một thủ pháp được Nguyễn Khắc Lợi sử dụng, mà người ta có thể thấy rõ nhất trong ‘Bố Già’ của Coppola. Dùng một bữa tiệc để khơi mào câu chuyện, để lần lượt điểm xuyến hết toàn bộ các nhân vật với tính cách của riêng họ. Ở đấy, giữa nền nhạc bập bùng ầm ĩ, ta đã thấy một ông Bổng mưu toan lọc lừa xảo trá nhưng lại hằn vết yếu đuối của một thời đã quá xa, quá vãng, một quá khứ giang hồ oai hùng đã mất. Đấy là Thủy, một con mẹ tính toán, vô luân. Đấy là Tuân, con ông Bổng, một kẻ lưu manh, mất dạy, chửi và hăm đánh cả bố mình. Đấy là ông Cơ – cô Lài, hai bố con bỏ quê cha đất tổ mồ mã tổ tiên để ăn nhờ ở đợ cho nhà ông Tướng, hiền lành và chịu khó nhưng bị chèn ép như những con người dưới đáy tận cùng xã hội. Đấy là một ông chồng nhu nhược, yếu hèn, không ngây thơ nhưng chẳng thèm tính toán, một con người đứng đó như một công trình ngã ba, một vị trí trung lập, chẳng biết phải làm gì ngoài việc khổ sai chính mình. Trong truyện, đấy là nhân vật xưng tôi, đã từng nói một cách vô thưởng vô phạt “Không phải trò đùa, nhưng cũng không phải nghiêm trọng"  khi nghe ông Tướng phàn nàn về cuộc ngoại tình của Thủy . Đấy là vợ ông Tướng, điên nhưng lại tỉnh, hiện hữu như một nạn nhân bị đay nén nhưng lại uất ức và muốn chống trả, muốn cười nhạo lại cái hiện thực điên rồ đang hiện hữu xung quanh. Phim còn đây đó nhiều lớp nhân vật phụ khác, rải rác, không tiêu biểu, nhưng vẫn tồn tại với cá tính riêng biệt. 

Sau những cảnh ban đầu ấy, câu chuyện của gia đình ông dần dần được bóc tách ra, những chuyện có lẽ chẳng ai ngờ được. Đó là những mâu thuẫn và xung độ : nổi và chìm, như một tảng băng trôi. Người và người, tiền và đạo đức. Một cuộc ngoại tình xảy ra ngay trong căn nhà này, không mảy may thèm che đi dấu vết của nó. Một đàn chó được nuôi dưỡng bằng những bào thai hỏng, nghiền nát trong một chiếc máy xay thịt – hình ảnh mang đầy ý nghĩa. Những nhân vật u mê dùng tiền để mưu cầu chính mình. Những kẻ đồi bại chỉ biết đến đồng tiền. Những bữa tiệc vun đầy âm thanh và tiêu pha phun phí. Tất cả để chỉ lên một sự tha hóa, mất dần nhân tính trong một cuộc sống dường như ‘đầy đủ, vui vẻ, giàu có’ đến nỗi ông tướng phải thét lên : “Khốn nạn. Tao không cần cái sự giàu có này.” .Ta phải thấy hình ảnh chiếc máy xay thịt như là một biến tướng của một cỗ máy khổng lồ nghiền nát nền tảng đạo đức con người – cho chó gặm.

Dĩ nhiên, ta thấy không vui cho ông Tướng, một người đã từng oai hùm, đã từng làm vua ngoài chiến trường. Nay về gia đình, thấy đồng tiền – như một vị vua mới không ngai -  đè đầu cưỡi cổ mọi người, một cách dễ dàng, không súng không đạn không xe tăng máy móc, chỉ lợi dụng lòng tham không đáy của con người, và ăn mòn nó.

Dĩ nhiên, nguyên nhân ‘tiền’ dẫn đến sự tha hóa con người và sự phi nhân tính là một lớp nghĩa dễ dàng để thấy. Nhưng, ta lại phải đặt ra cho mình câu hỏi nhỏ : Tại sao tên truyện lại là Tướng về hưu, tại sao lại chọn nhân vật ông tướng, tại sao lại đặt hoàn cảnh về hưu, chiến tranh có ý nghĩa gì trong này, và một câu hỏi quan trọng hơn : tại sao ông lại lạc lõng ?

Vẫn tồn tại đâu đó một dấu vết của thời chiến tranh khốc liệc, nơi mà cái nguyên nhân cho bi kịch xã hội ấy không hẳn là tiền bạc. Một thời kỳ đầy máu, đầy giết chóc đã quá vãng chẳng qua chỉ là một lời biện hộ cho một thứ gì đó không thuộc về chính ông . Ông tướng sống trong cuộc chiến quá lâu, ông tướng hiện diện bất lực, cô đơn khi trở về, vì hẳn trong chiến tranh, nhân tính không màn đến, vì giết chóc chẳng qua đó là đang bắn giết kẻ thù đó sao.Nhưng nay, chíên tranh vẫn hiện diện như một bóng ma níu kéo ám ảnh và cũng đồng thời hiện hữu trong cuộc sống với nhiều bất đồng và mâu thuẫn gay gắt. Như thế, ngoài việc đại diện cho một nhân vật điển hình ‘người lính’ – ông còn đại diện cho một nền tảng đạo đức đáng lẽ nay ngày một đi lên sau khi thoát khỏi chiến tranh, khi đời sống đổi mới, khi đất nước vắng bóng kẻ thù, thì nó lại đi xuống - nhân tính  càng đi xuống, và những con người thân thuộc bắn chính nhau. Ông bị  động. Ông chạy không kịp. Đám ma vợ ông, ông thốt lên cay đắng “Trong đời mình, tôi chôn ba nghìn người chẳng có người nào thế này". Quả thật, chiến tranh và hiện tại gắn bó với nhau, còn hơn cả một ám ảnh, nó là một nguyên do ngầm, một nguyên do vô hình khiến ông Tướng ngày một lạc lõng trong cuộc sống hòa bình. Nói cho kỹ hơn, ta có thể hiểu, chiến tranh không chỉ là xông pha trận mạc bắn Mỹ bắn Tây hồi đó – nơi mà ông Tướng chịu được, là một anh hùng, chiến tranh vẫn đang hiện hữu như một khẩu súng vô hình bắn giết (đau lòng thay ) chính dân tộc ta, chính những con người gần ta hơn cả - nơi mà ông bất lực, như một kẻ lạc lõng. Có lẽ hình tượng người điên dùng súng bắn trong không trung và kêu pằng pằng cũng mang lớp nghĩa đó.

Với một cách nghĩ khác, chưa hẳn đã là chính xác, tôi thấy được một sự giễu nại giữa cái thật và cái ảo, và sự giễu nại ấy như bổ trợ cho việc mỉm cười với một cái chân lý cũ đang dần xói mòn, một hệ tư tưởng đã bị ăn mòn bởi hiện thực như những thanh kim loại không được chăm sóc kĩ lưỡng. Nhân vật ông Tướng, bị chiến tranh lý tưởng hoá chính mình, trở nên khô cứng. Đấy là một cái ảo tưởng do ông tạo ra (tuy xúc tác dĩ nhiên vẫn là người khác, thứ khác, một chân trời nào đó – ai biết được). Vẫn là một cái ảo tưởng khi danh xưng ông Tướng luôn được mọi người ngưỡng vọng cho dù ông chẳng bao giờ hiện diện như một con người thực sự tồn tại cho chính gia đình mình, cho chính ngôi làng mình, thế mà khi ông về biết bao kẻ xum xuê, khua mép khua mồm xin xỏ nhờ vả. Vẫn là một cái ảo tưởng khi hay tin ông được về lại cuộc đời ‘cũ’ của mình, ông đi ra phố dưới ánh mắt của một kẻ tự hào, một kẻ thấy hòa bình ươm mầm một cuộc sống ‘mới’ hạnh phúc – nhưng khi quay về đến nhà, thì sự điên rồ, sự tha hóa lại khiến ông loạng choạng, chóng mặt. Một sự nghiệt ngã khi Tướng – trận mạc lại trở thành Kẻ lạc loài – gia đình, xã hội. Đấy là cái ảo do mọi người tạo ra, do ông Tướng tự tạo ra. Có lẽ, sự lạc đường khi đứng trước ngã ba, ngã tư, giữa những thứ mình đã được lưu vào đầu như một tư tưởng khó bỏ, một sự ảo tưởng khi nhìn về cuộc sống, so sánh với những thứ đang hiện diện một cách tồi tệ như ông đã thấy – khiến ông mất phương hướng, lạc loài trong chính máu mủ, dòng tộc của mình. Ông Tướng lạc lõng khi không tìm được chính mình, không thấy được thứ mình cần, thứ cần mình, và lẽ phải.

Rồi chết. Sự bi quan đã được hạn định trong phim, khi những điểm nhìn của đạo diễn về nguyên tác được thấy. Tôi xin mạn phép nói về những thay đổi của đạo diễn đi kèm với phần quay phim. Đầu tiên, Ông Cơ và cô Lài không về quê giữa buổi như trong truyện, ở đây, hai người nói nôm na là bị đuổi – mang danh xưng giúp đỡ gầy dựng tương lai trong mắt vị Tướng. Ông có lẽ rất vui vì có thể giúp người, nói nôm na là ông đang Cách mạng đấy, ông đang giải phóng dân tộc đấy, không còn bóc lột, tất cả đều có quyền được sống như ai. Nhưng cuối phim, khi cô Lài lại được trông thấy như một kẻ cắp, ông Cơ chết, thì ông Tướng quay cuồng. Nhà quay phim Trần Trung Nhàn đã xử lý khéo léo trong cảnh này, đó là một sự quay cuồng, đảo lộn mọi giá trị, Trần Trung Nhàn cho góc máy chủ quan của ông Tướng, nhìn cảnh cô Lài bị công an bắt trong choáng váng, khuôn hình bị xoay dần dần, rồi lật ngược 180 độ, không còn giữ vị trí của nó lúc ban đầu nữa. Đấy là một xử lý khéo, tôi nghĩ là còn hơi lộ và không tinh tế lắm, nhưng khéo, và bắt nhịp hình thức được với nội dung, vốn đã đồng bộ ngay từ những cảnh đầu tiên. Còn nhiều thú vị nữa với quay phim, đôi khi ông xử lý ánh sáng để nổi bật lên một hình tượng, một hình ảnh nào đó – như cảnh cái máy xay. Như đã nói, quay phim hay dùng góc máy chủ quan với cái nhìn của ông Tướng, tuy đôi lúc còn lạc và chưa bật lên được chủ đề chính. Thay đổi thứ hai là cái chết của ông Tướng nơi chân cầu thang, trước đó, âm nhạc nổi lên tạo xúc cảm, khuôn hình động đậy liên tục, chóng mặt nơi ông Tướng cũng như người xem, rồi những khuôn hình cận thi nhau xuất hiện, như sự thể hiện con người đã điên rồ đến mức nào.

Khi đó, ông bước lên cầu thang, loạng choạng, chết. Thú vị nhất là ông chết ngược, 180 độ, đâm đầu xuống nền đất. Cảnh đấy là một xử lý tinh tế của đạo diễn. Trong khi ông Tướng đang cố gắng đi lên, thì cái chết lại đến với ông khi ông ngã xuống ngược ngạo như thế, cảnh đã đạt đến sự công phu và dụng ý rất mực kỹ lưỡng, một sự châm biếm toàn kỳ - nhân tính đang ngày một đi xuống với nền tảng đạo đức phải đi lên như chúng ta muốn nó vốn phải thế. Đấy cũng là một sự chống chọi bất lực dẫn đến cái chết. Cũng như vợ ông, khi thấy cảnh ngoại tình, đã liên tục đập cửa ầm ĩ, rồi đi ra vườn cười một cách điên dại, liên miệng hô ‘đùng đoàng’, rồi nhảy xuống sông, huơ tay múa chân chi đó. Sau đó ít lâu, bà chết. Thủy, kẻ ngoại tình cắt những miếng vải trắng tan, khi bà còn đang nằm quay qua quay lại, rồi nói với anh chồng một cách ngạo nghễ “Mẹ già rồi.

Sự bi quan nữa khi trong nguyên tác, ông Tướng chết khi ở quân ngũ ‘lính’, trong phim, ông chết tại cái ‘thật’ đang vây bủa lấy ông. Tại sao lại thế, sự lạc lõng được đẩy mạnh hơn trong phim, khi chính ông là người không chịu nổi nên chết tại chỗ. Trong khi sự chịu đựng của ông Tướng trong nguyên tác đã đến hồi chấm dứt khi ông trở lại cái ‘cũ’ xưa kia, cuộc sống ‘cũ’ xưa kia, và ông chết trong đó. Cái chết nào đáng sợ hơn, trong một cái hạnh phúc dường như ảo tưởng như thật ra là lẽ sống của ông, tư tưởng của ông nằm đó. Hay chết giữa một hiện thực tàn bạo, như một con tôm co lại dưới nước sôi ??? Chấp nhận nó, hay chối bỏ nó. Cái nào chân chính hơn ? Cái nào ‘người’ hơn.

Sau đó, mọi thứ lại lập lại như một vòng quay khép kín. Nguyên tác cũng thế, phim cũng thế. Kinh sợ là thế chăng, khi cái chết của ông Tướng chỉ để chấm dứt một cái gì đó mang tính lẻ đơn và nhỏ bé, xã hội vẫn thế, đảo điên vô cùng tận, chẳng đổi thay. Vẫn bi quan, vẫn chìm ngập trong sự tha hóa đó. Bán chó rồi lại có chó, Cách mạng rồi lại cũng thế, cũng như không. Cái máy xay vẫn tốt lành, xay nát những bào thai hỏng. Chó vẫn gặm.

Những diễn viên với vai diễn ấn tượng của mình đã làm cho người xem cuốn mình vào đó. Chọn diễn viên rất tốt, có lẽ là rất giống với những gì đã tưởng tượng khi đọc truyện. Một bất ngờ là ông Cơ, tôi cứ tưởng phải to con hộ pháp lắm (như truyện tả), nhưng sự thay đổi về vóc dáng trong phim lại hợp lý và tôi nghĩ hay ho hơn đến mức khó tin. Một kẻ gian xảo nhưng yếu đuối. Một sự mâu thuẫn trong nhân cách con người được tạo ra dưới áp lực của xã hội.

Âm nhạc chỉ có một bài chủ đạo, tùy vào hoàn cảnh mà nó thay đổi, hòa mình vào phim hơn, tạo nhịp điệu khác nhau và gợi cảm xúc khác nhau. Hơn nữa, đó là một bài nhạc hay. Nếu trên Internet lạc lõng đâu đó một Tuongvehuu Theme thì chẳng cũng khoái ru ?

Đây là một bộ phim với những xung đột và mâu thuẫn liên miên, hiện và ẩn, mà ẩn nhiều hơn hiện, khiến cho đạo diễn có lẽ phải chắc tay trong việc tạo không khí – một bầu không khí đảo điên, xám xịt. Hơn nữa, nguyên bản theo tôi rất khó khăn để làm ra được một bộ phim hay đúng nghĩa, vì bản thân câu chữ trong truyện tạo sức mạnh, không phải chỉ là một câu chuyện, mà nó là một câu chuyện như không có chuyện, một bầu không khí đè nặng trên vai. Phim có làm ra được cái bầu không khí đó không, tôi nghĩ là có. Có đấy, trong từng cảnh, với đôi lúc sự im lặng nói lên tất cả, đôi lúc ánh mắt diễn viên như chợt quét vào hồn ta một bận, những tiếng chó sủa vang lừng với nước dãi cũng gợi ra một không khí ám ảnh, rồi những cảnh zoom, cận, xoay máy, vòng vèo chi đó của chuyển động máy quay cũng đã tạo nên một thứ chao đảo trong phim.

Hết, bực bội vì chất lượng âm thanh DVD như ****, phim rè rè khó chịu, màu đen trắng đâm vậy mà hợp. Nằm xả lai quên mọi lo toang rằng sẽ có những thứ khó khăn đang ùa đến trong chính cuộc đời mình bây giờ. Gió không thổi, chỉ tồn đọng những tiếng kêu vù vù của một chiếc máy điều hòa đang chờ ngày quá hạng và vứt xó. Không có bắp rang, ngồi hiện đại chần dần mà xem một phim cũ mèm kể cũng tréo nghoe cẳng ngỗng, nhưng điện ảnh nào biên giới. Xóa bỏ mọi rào cản, mọi kinh nghiệm đã qua, và chỉ cần chìm mình vào nó. Chẳng cũng khoái ru ?

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

đèn

Nguyễn Tuân nói rượu vang là thứ rượu đàn bà.

Không sai khi nói rằng, cái chốn ăn chơi đàn đúm rất hấp dẫn, nhất là khi chúng ta không biết tự kìm chế lấy bản thân. Một thằng bạn cùng lớp chắc chỉ vừa chạm lưỡi vào những thứ khoái lạc đó lại nhanh chóng khua môi rằng tao sẽ đi đập đá, tao phải đi đập đá. Chắc mày chỉ nên đập đầu vào tường thì hơn.

Cafe Sài Gòn có lẽ tương đương với Trà Đá Hà Nội, bày ra vệ đường mới thấy thú, thấy đã, thấy ngon. Hôm trước đi học về trong mưa, ngồi chờ người ở một quán cóc bên cạnh Parkson Hùng Vương, nhìn cái đèn xanh lam nhấp nháy bên góc đường. Quên mất rằng các ánh đèn mang tính thôi miên, bản năng trỗi dậy mà đạp xe lòng vòng qua những làn đường hỗn loạn, nghe lanh canh như đang băng mình trên những  tà vẹt sân ga . Đi ngược chiều, cái cảm giác như xem Rosemary Baby của Polanski, ngờ vực một mối họa mang tính thường trực sẽ đến, trong khoảng không đen mù trước mắt, nhưng lại lí thú và đã đến vô cùng.

Đã đi qua nhiều chốn cóc nhái vệ đường, mỗi chỗ đều có một tí ti gì đó lạ lẫm. Hàn Thuyên kéo mình qua những tán cây dòm ngó lấy một Nhà thờ Đức Bà vĩ đại, Đông Du tràn ngập xe hơi xịn xếp hàng làm những chiếc xe đạp liếc ngược thèm thuồng cay cú, Bà Già ở cạnh Nhà Hát mang một thứ trang nghiêm không sao nghiệm ra nổi. Và những chiếc dù bay.

Đã ca cẩm ra lề đường thì phải nhớ lấy những ánh đèn. Chói mắt người đi, người ngồi. Trông xa lạ nhưng mà gần gũi, hệt như một thứ đồ uống nồng ấm, dễ thương là chai ruợu vodka Hà Nội được bày vệ ngòai vỉa hè ở Bà Gìa lúc về đêm. Đã nói khi nãy, ánh đèn mang tính thôi miên, cuốn ta vào trong cái tâm vòng tròn chói lóa của chúng mà cũng như chính chúng ta đang làm tâm cho chúng xoay đều vơ vẩn. Say đèn, thú hơn say rượu.

Đã hình dung ra chưa cái con đường bốn bề bờ bụi Điện Biên Phủ ấy, những hàng đèn đều đặng dông dài như đưa đám, ta đi lòng vòng, chăm chăm nhìn chúng, vàng vọt, đẩy đưa, như một thiếu nữ dậy thì đôi mươi lượn lờ trước cổng, không cưỡng lại được. Phải cố lấy, cố chiếm hữu nó, vồ vập nó, cho nó vỡ òa như bong bóng nước. Liếm trọn từng giọt bắn ra, như phóng tinh, như hỏa táng, như hữu hình.

Tôi nhớ lấy một hôm Q đèo tôi về, hai cô gái chạy tay ga rất xịn nhào tới, đỏm đáng : “Đi không anh ?” .Tôi cười. Q lắc đầu. Những cô nàng ấy, đắp lên mặt lớp phấn dày không tả nổi, leo lề đi mất, tìm cho mình một khách hàng để chung chạ ca đêm. Lại nhớ đến ‘Tuổi 20 yêu dấu’ của Nguyễn Huy Thiệp, với đôi chương được đề tên : Cave 1, Cave 2. Nghe buồn cười, nhưng xót.

15/10/2010

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Lan man trong lúc trời mưa

thành phố chiều nay có cơn mưa điếc
mưa điếc vô tình chảy xuống phố câm
anh đứng một mình vừa câm vừa điếc
nghĩ về cuộc tình vừa điếc vừa câm
-Nguyễn Lãm Thắng-

Nắng mất ngủ
Vắt ngoài sân phơi
Chuông cổ
Khàn hơi.
-Lê Thánh Thư-

Bắt chước, ăn theo cái tựa sách của Bảo Ninh một cách không hoàn chỉnh. Lan man. Lan man. 3 giờ rưỡi  chiều nay mưa đã đến trong một phút chốc ngỡ ngàng. Mẹ nó, mưa tối tăm mặt mũi, mưa mù trời, mù người, mù đất. Mưa cuốn phăn cả cái nắng chiều đẹp tươi rói (chả của gì riêng tôi). Tôi mệt mỏi quay lăn lốc ngoài đường, gió cuốn bụi mù li ti, không kịp rơi lại trên mặt đất.

Quả là trời đang mưa dữ, phải công nhận là thế. Nắng chưa lành và trọn vẹn thì đã bị xua tan bởi mây mù, đôi lúc tiếng chớp thét gào làm ai đó khựng tay lái và đổ oặp xuống đường. Tiếng còi rú xa mờ giữa những khoảng cách được căng ra bởi sự sợ hãi. Những chiếc lá rơi rụng tường đợt, từng đợt, vồ vập giữa không trung.

Tôi sợ rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ chán ngán tiếng khóc của ông trời, mà chỉ hằn nhớ đến tiếng khóc của những nạn nhân rên rỉ dưới lòng đường, những em bé quên mất gia đình bị cuốn trôi đi, những ông già bà lão chẳng còn quá khứ bị vùi lấp trong nước. Xoay vòng, như một cái miệng đầy răng nanh chực chờ ăn tươi nuốt sống con người trong một câu chuyện kinh dị của Stephen King. Nhưng, nếu ông trời không mảy may thèm khóc, thì cũng thật mệt mỏi cho nhân loại.

Đường xá ta lắm cống, lắm hố, và chẳng may chúng không được vững chắc cho lắm. Ngoại lực khiến chúng sập. Và người cũng sập theo. Lắm người chết. Lắm người chối đây đẩy. Thù ai, ghét ai ? Nào ai biết.

Đi đường trời mưa lại nhớ đến nắng. Nắng buồn không ? Nắng buồn chứ. Nắng chuyển mình nhiều lần trong ngày, rồi tàn khi màn đêm chợt tỏ, rồi lại bừng dậy nơi bình mình khơi mào hôm sau.

Tôi thấy nắng buồn, vì nắng làm tôi say, say đến độ ê ẩm đầu. Say nắng = điên và mụ mị, có lẽ trong một thời gian khá dài sau đó.

Lại nó đến chuyện mưa. Hôm bữa lâu lắm rồi chị A hát ngân nga ‘Mưa hồng’ khi mưa đang ầm ĩ. Tôi cứ băn khoăn mãi xem mưa thế này thì hồng chỗ nào. Và sự băn khoăn đó nhanh chóng chuyển thành câu hỏi không lời đáp : “Tại sao ông nhạc sĩ không đặt tên nó là mưa cam, mưa vàng, mưa tím, thành thật hơn chút nữa là mưa nâu. Tại sao mưa lại màu hồng ? ”

Nhưng lại nhớ đến sự lí giải đầy lí thú của một thi nhân về mấy câu như sau :
            Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng
            Ước gì anh lấy được nàng...

Lời ông nói : “Nhà luận lí khảo cứu mãi xem vì sao mà chuyện mây trắng mây vàng lại đưa đến chuyện anh với nàng. Luận lí chưa hiểu, nhưng cả tam hồn chúng ta đã hiểu và âm vang theo.”

Chí lí. Như muốn vỗ đùi cái đéc và hét : “Tiên sư anh Tào Tháo”, nay sẽ đổi lại thành “Tiên sư anh Nguyễn Đình Thi.”.

Mưa rơi rụng, thì có nước. Mưa bay ngang dọc xiên xéo, làm sao để có một hệ tọa độ quy chúng về một mối bây giờ ? Không thể.

Nước tràn về tứ phía. Đạp xe đạp trong mưa có cái thú của nó, không phải vì những thứ lãng mạn người ta bày ra trong các tình khúc khi xưa, mà vì cái tính tự kiêu tràn đầy khoái cảm. Lũ choai choai chạy bạt mạt, dâng sóng vỗ ồ oạp khiến tôi như đi ngược dòng nước lũ. Vui biết bao khi ngay sau đó, nước bịt kín họng của những cái bô xe vừa mới đây gầm rú kêu hãnh, nay thở không ra hơi, chỉ còn độc hành một chiếc xe đạp boong boong trước gió, nụ cười thoáng nở trên môi.

Mưa Hà Nội khác mưa Sài Gòn. Mấy kiểu, vài ba thứ lai rai đủ để thấm tháp được một cơn mưa đã trôi qua. Nhưng số trời rong ruổi cho hai đầu nỗi nhớ những vang vọng quá buồn, quá khác. Mưa Sài Gòn lúc nào cũng dữ, cũng thét, cũng đến khi chưa kịp trở mình. Mới nắng còn tươi ám lên lớp gạch ngói đỏ au của một ngôi nhà giả Tây nào đó, thì sau dăm ba phút mây đen đã kéo đến, ầm ầm những bài ca tụ mưa tụ bão của riêng mình. Và rít. Ghét sấm, chúng luôn đến bất chợt, làm tôi thót cả tim hồi hộp chờ một nhánh cây to rơi xuống – và điều tệ nhất là người ta chẳng mảy may ghi chú ban hành luật lệ gì về việc đội nồi cơm điện khi đi xe đạp cả. Rớt oành, là tiêu tan.

Không biết may mắn hay xui xẻo mà tôi đã được nếm thử vị mưa Hà Nội đầu tháng Sáu. Đó là một sáng tinh khôi, đang đứng nép mình trong một chiếc xe bus vàng vọt, đài ra rả về con đường me Pasteur Sài Gòn, thì mưa đến. Mưa thưa, ấy là cái khoảng cách giữa từng giọi, đẩy nhẹ, rồi mau mắn ưỡn ra. Mưa khiến các con phố trông đẹp hơn, sạch hơn mấy độ. Mưa Hà Nội trong, mưa Sài Gòn đục. Mưa Hà Nội đẩy đưa như một nàng công chúa lõa lồ thân thể, mưa Sài Gòn vồ vập như một cô em người mẫu Playboy với cửa mình thơm tho nóng bỏng. Hít hà kĩ lưỡng đều ra mùi đàn bà, khoái cảm .

Mưa nào cũng có nước. Nước nào cũng có thời. Nhớ Mùa Len Trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Phim đầu tay mà đâm ra cũng tốt chán. Xem nhờ Phương Nam hảo lòng phát hành DVD, chất lượng cũng không đến nỗi nào.

Nước tràn ngập trong phim, nhưng ta nhớ đến con người nhiều hơn. Có một vài cảnh làm tôi thé lòng : cảnh Kim sững mặt cầm rựa, bố anh níu tay anh lại. Cảnh cái xác bọc trong chiếu giữa biển nước, treo lắc lư, quạ bu và kêu réo. Cảnh những ngọn lửa lập loè trong đêm, giữa bốn bề, bóng tối và nước bao trùm. Tắt, rồi bùm lên trở lại. Lay lất. Con người, ba chìm bảy nổi, bấp bên giữa đời, nhưng vẫn kiên quyết được sống, được vươn lên – như những cây khô còi cọc mọc cô độc giữa biển. Đến cái chết vẫn còn mang đâu đó khát vọng được sống.

Thích những đoạn im lặng, dù xài có hơi quá đà. Thích âm nhạc cóc cóc, như níu kéo, dập dìu như sóng. Nghe rợn, dù giống nhạc phim Xích lô quá độ.

Nước làm rũ mục tất cả. Để rồi mùa mưa sẽ qua, mùa cạn sẽ đến. Con người vẫn sống, sẽ chết, lại sống, kéo dài mãi cho đến bất tận thời gian.

Một hôm mưa bão khác, chạy băng băng qua những con đường xa vắng vướn đầy lô cốt. Bóng tối trỗi dậy. Q chỉ chỏ một hình ảnh nhập nhòa trong làn nước. Một người đàn bà, lưng còng, ngồi đó, kéo căng ra những sợi thép người ta dùng làm vòng hoa tan lễ, chất lên chiếc xe chở ve chai của mình. Ra rằng những thứ dùng cho cái chết cũng có ích cho người sống gớm.

Mưa, đứng dưới một tán cây, cao vút, bao trùm, trời âm u. Nghe ai đó nói, ‘Bi đừng sợ’ đã không được chiếu ở IDECAF, lí do : ‘phim có vấn đề’. D nói, vấn đề của phim không là sex, không là bạo lực, mà vì hình ảnh con người bên trong quá xấu xa, quá tha hóa. Và chúng ta không chấp nhận nó.

Chấp nhận cái gì cơ chứ ?

Lan man trong lúc trời mưa. Rồi mưa cũng hết. Hết trong khi nước chưa rút kịp. Cũng như ghế đá công viên dời ra đường phố. Bạn bè hãn hữu, phố xá điều hiêu, dây điện mắc đều, vòng vèo rồi cũng tận.

Mưa thoáng chốc lại rơi. Mưa tạnh, mưa rơi ở chốn khác. Ở trong từng khúc ca của chính chúng ta đếm được bao nhiêu lần mưa ? Vô nghĩa. Đẹp một nét buồn khốn khổ là chính ở trong mưa, chúng ta đều đi tìm cho mình một chỗ trú. Để cứu rỗi chính mình.   

Và rồi, sau cơn mưa, tôi sẽ bỏ lại mọi thứ, khi còn cô đơn. Khi còn ngồi vững trên sự vấp vá, mọi thứ sẽ dễ chịu hơn nếu ta từ bỏ.

Biết sống thế nào khi không biết mình sống thế nào ?

Tôi chỉ ngồi chờ dưới cột đèn bỏ. Và nhìn một cột đèn khác. Rơi, vào trong bóng tối.


Tuy nhiên, mưa vẫn đang nặng hạt.


Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Nhân một lần xem kịch Nỏ Thần

Mấy hôm nay trời Sài Gòn u tối, gió thổi rét, bầu trời như đứng lại, thẫn thờ, mưa không được, nắng không xong. Mỗi lần bước chân ra đường là mỗi lần sợ, sợ cái lạnh đếm được trong từng hơi thở, từng bước chân, sợ cái tiếng còi xe hối hả, sợ ánh mắt cau có đưa đám hằn trên mặt người đi. Bốn bề bờ bụi, lạnh nhưng không sạch, họa chăng chỉ là cái sạch sẽ giả tạo, không thật, không tường.

Có điều, một cái vé kịch đang chờ được xé dùng dằng mãi trong túi, và rõ ràng là nỗi sợ hãi đấy phải nhường chỗ cho sự hiếu kỳ, sự háo hức để được nếm trải một vở kịch mà nghe đồn được giải Nhất chi mô đó, vở kịch thứ 3 (hay 2 nhỉ) trong đời một đứa trẻ chưa tròn 17 tuổi.

‘Nỏ thần’ là cái tên của nó, sân khấu không quá lớn, nhưng chẳng đến nỗi bít bùng, và hiển nhiên là sự nghiêm trang vẫn tồn đọng lại trên từng chiếc ghế, không bọc nhung lụa chi cả, nhưng êm đến sướng cả người, cả óc, cả mông. Ngồi trên lầu, máy lạnh không mò đến được. Chúi cả người xuống dưới mới thấy rõ. Nhưng chả sao, có lẽ cái phiền phức nhứt có lẽ là con người – khán giả, với những tiếng nói chuyện ồn ào đến kinh sợ, những lời văng tục bạt mạng, những lời bình luận nhăng nhít nhảm nhí cứ văng vẳng bên tai, bịt mãi – chẳng lẽ con người phải nói nhiều đến thế khi ngồi với đám đông ? Không sao dõi tâm theo được, và có lẽ đã phải bỏ qua đôi ba chi tiết nhỏ, cực chẳng đã, đành chịu.

Nhớ đến lúc hồi đầu Hè, ở Hà Nội, vào Lespace thưởng thức điện ảnh chui vì vé chỉ có hai mà người thì tới ba, khỏi cần năng nỉ, chỉ một câu thảo mai nào đó cũng đủ để chiếm lấy một chỗ ngồi bên trong phòng chiếu. Khi đó, lạnh, lục đục chi mô những tiếng cười, xầm xì phía sau, đằng trước, những lời nói nhăng nhít nhảm nhí lại vang lên, và khó chịu. Có lẽ chỉ vì ‘Trăng nơi đáy giếng’ không phải là một phim để người ta ra rạp cùng với gia đình bạn bè bù khú mà nhâm nhi bắp rang - cười nói cho đã đời cái mỏ, cho no tròn con mắt. Đó là một phim mà theo tôi là rất cá nhân, rất điên, rất chậm, và đòi hỏi khán giả phải biến hóa theo nó, theo từng nhịp đóng – mở cửa (những tiếng cười to nhất là ở đây), theo từng sự biến chuyển tâm lý dù là nhỏ nhất trong nhân vật Hạnh, theo từng chuyển động máy khó chịu, quái chiêu, theo từng câu hát, từng cảnh một với sự dàn dựng đầy ngụ ý – mỉa mai mang nhiều hàm ý chính trị, theo từng nổi đau và hành trình tâm linh của Hạnh đến những giá trị ảo tưởng hiện diện xóa nhòa những giá trị thật đã bị đánh mất. Và, cả cái chất Huế lãng đãng đâu đó mà chẳng cần ngoại cảnh lắm điều tôn vinh. Mọi thứ hiện diện tinh tế, đẹp và buồn. Nguyễn Vinh Sơn (nhớ chăng bộ phim Đất phương nam) là đạo diễn.

Đấy là về Điện ảnh, với những thú vui nhỏ nhặt được tích góp qua những kinh nghiệm, những nếm trải qua nhiều lần thưởng thức, nhiều lần bị hút chặt vào nó, nhiều lần không thể nào cưỡng ra được. Ngọt có, bùi có, nhưng đó là một thế giới bao la, rộng lớn, và ảo diệu cực kỳ. Có điều, chúng đến với ta qua khoảng ngăn màn ảnh. Sự chung đụng chỉ có lẽ nằm ở bên trong, cảm xúc.

Thích nhất ở Sân khấu, là cái khoảng cách giữa người nghệ sĩ và khán giả nay gần hơn bao giờ hết, tưởng chừng có thể đụng lấy, có thể nhào đến ôm lấy tác phẩm, nơi những nhân vật hiện diện trong một bộ cánh mỏng manh, tay họ run run đón nhận những tình cảm, những tiếng vỗ tay vang vọng từ khán đài – hay có khi là những tiếng bĩu môi, la ó khó chịu. Tôi nghĩ, họ có phần dũng cảm khi dám đứng trên sân khấu, trình diễn tấn kịch của thiên hạ, hay có lẽ là của đời mình, không run sợ, chỉ bỏ hết sức lực, tấm thân, tấm lòng vào vai diễn. Đấy phải chăng là một sự dấn thân ?

Lại nói về vở kịch hôm nay, Nỏ thần. Một câu chuyện cũ kỹ được làm mới, được sân khấu hóa lên với những thêm thắt, những chỉnh đổi, bổ sung, nhằm tạo nên một lớp truyện mới dầy hơn, đậm hơn, sâu sắc hơn so với nguyên tác đã quá quen thuộc. Những vấn đề, những câu hỏi tràn đầy trong tâm trí khán giả. Liệu nó có đơn thuần chỉ là một sự đấu tranh thiện ác, hay sự đánh thức tham vọng chiếm hữu bên trong mỗi con người, hay những thứ chân lý, những hiện hữu nhập nhằng giữa thực và giả, giữa tình yêu và lý trí, giữa con người và con người, giữa bề trái và bề mặt, giữa nỗi đau cá nhân và nỗi đau nhân loại. Một bi kịch về con người.

Chúng ta phải đóng khố cho cẩn thận (kẻo tuột) khi giao tranh chiến trường. Nhưng còn chính chúng ta thì sao, có cần phải đóng khố cả tư tưởng, cả đầu óc, cả những ám ảnh vang vọng trong chúng ta. Vàng thật, cái tâm con người, vàng giả, những thỏi vàng lấp lánh ẩn mình trong túi áo.

Lẽ dĩ nhiên, cái bi kịch, cái mâu thuẫn được tạo ra và giải quyết như trong nguyên tác, với một kết thúc đầy tính bi tráng, cái chết kéo đến, ai cũng vơ lấy, đó là đất nước, đó là thứ tình yêu có lẽ quá đẹp đến nỗi huyễn hoặc và bị chìm dưới biển sâu, nơi bóng tối tràn đầy. Đất nước chìm trong máu. Nhưng, chính nỗi đau lại đó làm chúng ta phải nhớ, phải khắc sâu vào trong tim, đó không chỉ là hành trình tìm lấy cái tôi chân chính không hằn dục vọng - ám ảnh, hay hành trình cứu rỗi nỗi đau của nhân loại, mà còn là hành trình cứu lấy đất nước, giữ lấy non sông, nơi đó còn ánh mãi những ánh mặt trời, những giọt máu khô, những con người nước Nam bất khuất, khi chết vẫn đứng oai hùng.

Tiết tấu nhanh, kịch tính, xung đột hiện diện ngay trong từng lớp cảnh, xen lẫn là những cảnh yêu đương, khi nhẹ bẫng trong suốt, khi mâu thuẫn cao trào. Sự tĩnh lược tạo ra một khoảng cách khá xa trong nhịp độ câu chuyện. Vở kịch chia làm hai phần, khi mà sự tĩnh lược ấy tạo ra ở phần 1 một chút gì đó chắt lọc, lắng đọng, nâng tiết tấu nhanh hơn, hấp dẫn khán giả hơn thì ở phần 2, mọi thứ có vẻ hơi đuối, sự lộn xộn và hơi ẩu tạo ra những mảnh cảm xúc không rõ ràng, có phần chấp vá. Nhịp điệu bị đánh mất. Cùng với việc xuất hiện rất nhiều nhân vật cùng với tham vọng cá nhân hóa họ quá cao, khiến cho đất diễn không đồng đều, dễ nhớ mà cũng dễ quên. Tạo nên cái loãng, cái hẫng hụt khó chịu cho khán giả.

Nói về Dàn Dựng. Rõ ràng là đạo diễn đã khá chắc tay trong từng cảnh. Bố cục được phân bố theo tôi là làm hai loại : cân bằng – đối xứng và phi cân bằng – không đối xứng, được thấy qua những hành động, những diễn biến và chỗ đứng của nhân vật trong sân khấu hay là từ đạo cụ bày ra trên sàn diễn. Muốn hiểu rõ tác dụng thì ta phải lắng theo câu chuyện, với mâu thuẫn bên ngoài chủ yếu là giữa Thục Phán – nuớc Nam và Triệu Đà – xứ Bắc. Cân bằng một cách hết mực chỉn chu là trong những cảnh về nuớc Nam, biểu trưng cho một sức mạnh can trường, ngay thẳng. Phi cân bằng là những cảnh hiện diện xứ Bắc, những quốc sư hay quân lính Triệu Đà, thể hiện một sự gian trá, không ngay thẳng, tréo nghoe trong tâm, dùng những thủ đoạn đê tiện để chiếm hữu lấy nước Nam.

Khung cảnh được bày bố đơn giản, với những chiếc cầu thang xoắn vòng cung, đơn giản, đối xứng nhưng điều đó khiến sự tùy biến trở nên dễ dàng, và sự đa dạng là điều dễ dàng trông thấy. Khung cảnh là một công cụ tuyệt vời đồng bộ với câu chuyện, từ chiếc bóng nỏ thẩn thấm thoáng sau tấm màn nhung – sự bí mật cho đến cảnh sóng biển ào ạt – tâm người lay động.

Cái theo tôi là hay nhất trong vở kịch chính là cách sử dụng màu sắc. Màu sắc trong ánh sáng, và rõ ràng hơn là màu sắc trong phục trang nhân vật. Đấy là màu đỏ, thứ màu sắc mạnh mẽ, bạo liệt, vận vào lớp cảnh của Triệu Đà, của lão Quốc sư gian ác, của những tham vọng, mưu mô xấu xa thâm độc. Nó cũng được dùng để che dấu bí mật, bên trong tấm màn chứa nỏ thần, và tham vọng của lão Quốc sư để chiếm đoạt nó. Cảnh này rất hay, rất tuyệt, ánh sáng khi đó tắt dần cho đến khi cả sân khấu chỉ còn ánh đèn đỏ phía sau tấm màn in bóng nỏ, và màu đỏ trên phục trang của lão Quốc sư càng gần đến cái bí mật đó. Hồi hộp lắm cơ. Hiệu ứng thị giác mạnh mẽ cùng tiết tấu nhanh khiến cho cảnh đấy rất đắt. Đỏ cũng là màu của máu, của sa trường, của giấc mơ chiếm trọn bờ cõi nước Nam từ phía xứ Bắc. Và có lẽ cũng chẳng ai quên được lần đầu Triệu Đà xuất hiện, với tấm nhung đỏ lòm được đặt xiên đặt chéo, bản thân nó cũng mang nhiều hàm ý.

Màu vàng của Thục Phán, của những chàng trai xứ Nam, của dân tộc ta, của rồng vàng, của thần Kim Quy, của sự chân chính, của lẽ phải. Hay có lẽ đó là thứ vàng thật trong tâm đang bị lu mờ bởi thứ vàng vật chất giả tạo từ nơi Triệu Đà đấy sao ?

Màu trắng của sự tinh khiết, cùa sự trong trắng từ bên trong tâm hồn. Màu trắng hiện diện trong tấm áo choàng lông ngỗng Mỵ Chân vận, hay tấm áo của cô nàng công chúa xứ Bắc.

Và có cần phải tinh ý không mới thấy rằng, trang phục mà Mỵ Châu đang vận là sự hòa hợp giữa vàng, trắng và đỏ. Vàng – đỏ có lẽ là chỉ lên một thứ cầu nối giữa hai bề, Bắc Nam. Trắng, là sự tinh khiết, sáng trong.

Màu bạc lạnh lẽo, u mê.

Màu xanh tràn đầy trong những cảnh tình yêu. Là sự khát khao, sự hi vọng hòa hợp giữa hai ngã Bắc Nam, giữa hai thái cực trong tâm hồn, giữa mối tình của đôi lứa. Đấy là một thứ tình yêu của tuổi trẻ trong sáng, nơi chân trời chỉ tồn tại những giấc mơ, những cánh hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt cho một mối tình buồn. Và sự giả dối có hiện diện nơi đây ? Giữa những thứ tình cảm ấy ?

Màu nâu đất bình dân, chất phác, đậm đà tính dân tộc nông nghiệp chính yếu.

Hết phần màu sắc, lại nói về ánh sáng. Đấy là một thứ tinh tế, sự tối giản được sử dụng khá nhuần nhuyễn tạo ra những đoạn chỉ còn hằn lại vết bóng nhân vật, sự kết hợp với những gam màu, tăng nhịp điệu, đẩy nhanh tiết tấu, tạo cảm xúc, gây ra những ấn tượng mạnh về mặt thị giác. Còn phải kể đến hiệu quả của âm nhạc, vốn được dùng để tạo tiết tấu. Sự đồng phối vị của nó với các hiệu ứng khác gia tăng hiệu quả chính là tạo cảm xúc cho khán giả.

Dĩ nhiên, trong Sân khấu, con người là quan trọng hơn cả. Diễn xuất tốt đấy, nhưng ấn tượng thì chỉ có một, là lão Quốc sư. Có lẽ như tôi đã nói, nhiều nhân vật xuất hiện cùng với tham vọng cá nhân hóa họ quá cao, khiến cho đất diễn không đồng đều, dễ nhớ mà cũng dễ quên. Cá tính rõ ràng, nhưng không được đẩy mạnh đến tột cùng, mà chỉ là những nét nhỏ nhắn, chưa là tinh tế, chỉ có thế nói là mang tính điểm xuyến nhiều hơn là lột tả.

Có lẽ chẳng cần những sự sắp đặt giả tạo tặng hoa cám ơn gì gì đó ở cuối CT cũng có thể biết rằng, vở kịch thành công trong lòng khán giả, và tuy vẫn còn đó những hạn chế nho nhỏ, nhưng với một đứa trẻ sống chưa tròn 17 năm cuộc đời, thì ‘Nỏ thần’ xứng đáng được lưu trữ đâu đó trong cái trí nhớ nhỏ bé và hữu hạn này.

Thư số 2: ‘Sự nhẹ bẫng không chịu nổi của những đám mây lang thang’ Gửi H (công chúa),  Nếu em hỏi anh anh là ai thì anh sẽ bảo ...