Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

The Hurt Locker


The Hurt Locker là một phim được đề cử khá nhiều Oscar, và tôi hi vọng nó sẽ dành vị trí thống lĩnh chúng. Bởi đơn giản, với tôi, nó xứng đáng là bộ phim hay nhất năm và cũng xứng đáng là một trong những bộ phim hay nhất về chiến tranh.

Iraq, một buổi nắng gắt, biệt đội Delta đang gỡ bom trên một con phố hổn lốn. Sự cẩn thận trong từng chút một. Quả bom có nổ ? Hiện thực liệu có tan biến trong bụi mù. Ta tự hỏi bản thân. Một cú điện thoại, một phút giây chạy không kịp. Bom nổ, người chỉ huy đội hòa mình vào cát bụi. Bộ phim bắt đầu thế đó, hấp dẫn, ngột ngạt. Thân xác người đã chết được trả về với những kỉ vật. Một người lính mới gia nhập biệt đội Delta. William James. Ba người, ba tính cách, họ cùng chiến đấu và gỡ bom trên một chiến trường Iraq đầy rẫy bom đạn hòa mình ẩn nấp sau lớp cát sa mạt mù mịt đó. Cuộc chiến nào cũng thế, cũng trông vô tận và mịt mù, dài tít mù xa như bãi sa mạt là mồ chôn biết bao người kia. Ba người lính trong Delta Company gồm : James, một con người đắm chìm trong việc gỡ mìn một cách kì lạ, như có ma lực hút anh vào bên trong những thứ có thể giết người ta trong nháy mắt. Anh thích thế, anh thích mạo hiểm, phá bỏ lề luật thông thường. Anh sưu tập những kíp nổ về đựng dưới giường, như một nỗi ám ảnh với công việc. Sanborn, một người lính da đen khô cằng và cứng nhắc - như màu da của anh vậy. Anh thẳng thắng, có phần quá cẩn thận. Owen, người lính trẻ ít kinh nghiệm, trông thật thà ngơ ngác và có vẻ nhút nhác như phần lớn những người mới nhập ngũ, nhưng anh cũng đã góp công trong việc trợ giúp hai người đồng đội trong cuộc chiến.

Đó là ba nhân vật chính của chúng ta trong bộ phim dài đằng đẵng này. Phim đề tài chiến tranh nhưng không quá màu mè vào những màn bắn nhau chí chóe cho lắm, cũng không xây dựng hình tượng nhân vật theo kiểu siêu nhân anh hùng chính nghĩa, không xây dựng nước Mỹ luôn là một đất nước chính nghĩa trong các cuộc chiến, không bôi nhọ những con người Iraq hiền lành. Ai là thiện, ai là ác. Ai biết được. Bởi thế, phim khác biệt so với hằng hà sa số những phim chiến tranh khác của Hollywood. Do vậy, nó thú vị hơn, sống động hơn và thực tế hơn. Phim chủ yếu đánh vào màn tâm lý của những người lính, cảm giác của họ trong cuộc chiến. Ai cũng có ưu điểm và nhược điểm. Những nỗi sợ hãi khắp nơi. Nay mai mình sẽ chết ? Vợ con mình ? Mình có bị bắn trong sa mạc vô biên ? Mọi thứ. Mọi thứ đều có vẻ khô khốc khắc nghiệt. Sanborn đã nói : Tôi ghét cực kì cái vùng đất chó chết này. James thì lại yêu mến nó, nơi đây có những đứa trẻ với khuôn mặt hồn nhiên đến sợ, bán DVDs cho lính Mỹ với cái giá rẻ bèo 5USD một đĩa, với niềm đam mê bóng đá. Owen chửi thề trong khi được trung chuyển đi chữa bệnh : Chó chết. Thế cậu đã biết cái cảm giác bị bắn là thế nào rồi chứ ? Họ đã từng mâu thuẫn tột độ, Sanborn và William ấy, có lúc muốn giết nhau – bắn nhầm là chuyện thường thấy trong chiến tranh cơ mà – lời Sanborn. Nhưng họ vẫn có những tình cảm cho nhau, họ chiến đấu bên nhau, lo lắng bên nhau, họ uống rượu và đánh nhau trong phòng. Những khoảnh trời riêng của những người đàn ông lột bỏ áo lính còn bộc lộ sâu thẳm tâm can của họ - James lo lắng gọi về gia đình, Sanborn nhớ đến bạn gái và áp lực sinh con đẻ cái. Tâm lý nhân vật diễn biết liên tục và phức tạp, cho ta một cái nhìn chân thật và sống động và sâu nhất về những người lính trên sa trường. Họ, những người lính lúc nào cũng có một ngăn tủ của riêng mình để cất giấu tâm hồn, khiến ta không thấy được bản chất bên trong những con người trẻ khỏe cường tráng chửi thề liên tục bắn giết không ngứa tay đó nó như thế nào và trông ra sao. Bộ phim là một chiếc chìa khóa cho ngăn tủ đó. Theo tôi đó cũng là ý nghĩa của tựa phim, “The Hurt Locker”.

Chiến tranh là một thứ gì đó khốc liệt, đúng thế. Theo sau từng người lính trong những phút giây gỡ bom là những màn căng thẳng tột độ vận dụng nhiều trí lực cũng như máu và mạng sống của những người xung quanh. Bom, bom khắp nơi, nối chùm dính liền với nhau. Khi thì sâu dưới lòng đất, khi thì chất đầy trong một chiếc xe hơi, khi thì được khóa khắp mình người đàn ông nào đấy. Chúng được nối với nhau thành một hệ thống dây nào đó rất gắng kết. Điều đó dường như mang ý nghĩa, hậu quả của những cuộc chiến thường rất dài, lê lết qua nhiều thân phận, nhiều thế hệ, nhiều kiếp người. Những quả bom như những hậu quả mà nó mang lại thật khủng khiếp. Việc tháo gỡ nó hiển nhiên là rất nguy hiểm, được bồi thêm căng thẳng bằng những áp lực khủng khiếp trong công việc, những ánh nhìn tò mò đôi khi ngu ngốc của những cư dân xung quanh, những bất đồng trong mệnh lệnh. Nhiều cảnh khó quên trong những giây phút này như cảnh James lôi ra một chùm dây toàn bom, hay khi anh cố gắng tìm kíp nổ trong xe, hay khúc cuối cùng – người đàn ông với thân mình toàn bom – dang tay cầu nguyện rồi tan tành về với Thánh của ông ta. War is a Drug, đúng thế, chiến tranh là ma túy, dễ nghiện ngập, vì thế ta thấy James của chúng ta lại quay về cuộc chiến bất tận này ở cuối phim. Đếm ngược : 365 ngày nữa. Một nỗi niềm vô tận lại sắp bắt đầu. Điều đó còn cho thấy, chiến tranh không bao giờ kết thúc. Sự sống cái chết, tất cả đều là một trò may rủi trong chiến tranh. Liệu chúng ta, những người ngoài cuộc có hiểu được cái cảm giác đó không ? Không, không ai hiểu được những người lính ấy họ như thế nào ngoài đó cả. Cũng như một vị Colonel nào đó ngồi suốt trong bàn giấy giảng đạo với họ, một ngày đẹp trời muốn hòa nhập cùng với 3 người lính, đã phải bỏ mạng dưới sức ép của một quả bom khiến thân thể tan tành.

Phim bối cảnh Iraq cho nên trong phim ta toàn thấy sa mạc rộng lớn, những đường phố xác xơ và rác rưới với những quả bom ẩn chứa sâu bên trong, tạo cho ta một cảm giác nóng bứt nơi mi mắt, nhức đầu với một cuộc chiến chán chường và bế tắc. Phim hồi hộp, căng thẳng tột độ như đưa ta vào cuộc chiến nóng bỏng và nặng nề, kề vai sát cánh với những người lính ấy. Điều đó thứ nhất là do một kịch bản hay . Thứ hai, nó được trợ giúp bởi những cú máy tay như phim tài liệu, lia liên tục, zoom out in đủ cả, khuôn hình rung động lắc lư theo từng diễn biến. Nó cho ta thấy rõ, chiến tranh khốc nghiệt, tâm lý người lính chao đảo như thế nào. Tất cả những người lính trên chiến trường đều hiện thân như một kẻ vô danh thực hiện nghĩa vụ của mình cho đất nước. Mấy ai biết đến họ. Bởi thế, những NV chính hầu hết là những diễn viên vô danh không tên không tuổi với nghề. Họ diễn rất thật, miêu tả mọi trạng thái cung bậc cảm xúc, điều đó làm ta đắm chìm hơn vào bộ phim. Âm thanh chân thật với những tiếng động hỉ nộ ái ố của một cuộc chiến tranh ngoài sa mạc hay trong đường phố vang vọng hay đập dồn dập vào màn nhĩ của ta.

Phim kết thúc trong nhiều nỗi niềm của tôi. Liệu cuộc chiến ấy mịt mù ấy có bao giờ kết thúc, hay vẫn mãi tiếp diễn. War is a Drug, thế nên khó có thể dứt bỏ được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thư số 2: ‘Sự nhẹ bẫng không chịu nổi của những đám mây lang thang’ Gửi H (công chúa),  Nếu em hỏi anh anh là ai thì anh sẽ bảo ...