Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010
Elephant
Thảm sát Colombine xảy ra vào ngày 20/4/1999 đã làm rúng động toàn cầu về giới trẻ. Chúng nghĩ gì ? Chúng làm gì hằng ngày ? Tại sao lại xảy ra chuyện động trời đó ? Đó là câu hỏi mà đa phần người lớn đều muốn biết. Họ dường như đã quên đi vai trò của các bậc làm cha làm mẹ, làm thầy làm cô cho đến khi một hồi chuông quá lớn đánh bậc họ ra khỏi chiếc ghế vô tâm của mình. “Elephant” là một cuốn sách minh họa, dù có thể chưa hoàn chỉnh với một số người, về con trẻ. Nó kể lại mọi chuyện, với một trường Trung học giả định, với tên nhân vật giả định, nhưng mọi thứ vẫn như thế, vẫn rúng động, vẫn làm ta phải bần thần sau khi mọi thứ dường như kết thúc.
Về cốt truyện, Elephant không có gì để kể. Một ngày như mọi ngày ở một trường trung học. Với bao nhân vật, với bao suy nghĩ, bao tính cách. Và kết thúc dĩ nhiên ta đã biết trước, là một vụ thảm sát. Bình thường, cốt truyện dường như quá chán đúng không ? Bạn biết trước luôn kết thúc. Nhưng, với cấu trúc đặc biệt và thủ pháp dàn dựng tuyệt vời, Elephant sẽ đủ để cuốn hút nhiều người.
Khi tôi nói đến cấu trúc đặc biệt, là ý tôi muốn nói Elephant không kể lại câu chuyện theo cách thông thường, tức là nó không chạy theo một timeline nhất định từ đầu đến cuối, nó cũng chả thèm flashback kể lể quá khứ bi thảm hay những chuyện đại loại như thế. Cấu trúc của phim là non-linear timeline, chạy theo nhân vật. Câu chuyện sẽ đi theo các học sinh thân yêu của chúng ta, từ một John tóc vàng hoe lái xe vào trường với một ông bố rượu chè, đến Elias – một nhà nhiếp ảnh (nghe kiêu quá) , Michelle – một cô gái ngượng ngập và xấu hổ về bản thân mình, 3 cô gái bạn thân chuyên tán nhảm – hay ta gọi là gossip, 2 đứa thủ phạm đồng tính và rối loạn. Mọi thứ cứ diễn ra theo cái nhìn của từng nhân vật và đụng nhau trên con đường cấu trúc của chúng. Tức là một cảnh có thể bạn sẽ thấy hai ba lần gì đó với cùng một thoại, khi thì dưới mắt của nhân vật này, khi thì nhân vật kia. Đó dường như giúp kết nối rõ câu chuyện hơn, theo nhiều góc nhìn hơn và tạo cho ta một cảm giác hết sức hứng thú và khoái (nếu như bạn đủ kiên nhẫn). Khi ở đầu phim, với góc nhìn của John, bạn thấy hai đứa mang súng vào trường thì rồi nhảy sang nhân vật khác ,thì ở đoạn cuối bạn cũng sẽ thấy cảnh i như vậy nhưng sẽ được tiếp tục theo dõi diễn biến của vụ thảm sát dưới góc nhìn của chúng. Bạn sẽ hỏi rằng : mọi thứ sẽ xảy ra như thế nào ? Tại sao lại thế ? Và cứ dõi theo bộ phim sẽ đưa cho bạn nhiều câu trả lời. Bởi thế, dù ta biết trước cái kết của phim nhưng bạn vẫn phải căng mắt dõi theo bộ phim.
Bạn cũng sẽ thấy ngạc nhiên với cảnh bầu trời được lập lại đến 3 lần, một lần ở đầu phim, một lần giữa phim và một lần cuối phim. Những đám mây di chuyển một cách cuồng nộ và âm u như nêu lên cái sự đen tối của bộ phim, của từng cá thể học sinh trong trường. Nó báo hiệu một cái gì đó âm u và chuyển động trong tâm hồn. Cảnh đầu, mây bay rồi trời tối òm báo hiệu tính chất của phim (như A short film about killing vậy). Cảnh giữa (thật ra là gần chót nhưng gọi vậy cho tiện), nó báo hiệu một cuộc thảm sát sắp xảy ra. Và cảnh cuối, nhạc nổi lên, mây trôi trong những âm thanh ambient rề rà đằng sau, không kết thúc, không lời giải khiến cho mọi thứ trở nên ám ảnh.
Bỏ qua chi tiết đám mây trôi vù vù thì bộ phim mở đầu với một cú quay chúc xuống, vẽ nên một con đường dài, đẹp tuyệt vời với lá vàng rơi rụng đầy đường. Cuộc đời học sinh bắt đầu thật đẹp. Ta sẽ nói đến thủ pháp của phim. Đó là tracking shot, steadicam và long take. Chúng hòa quyện và bổ sung cho nhau. Long take tạo cho ta một không khí và thời gian dài đằng đẵng suốt các hành lang hay cầu thang trong trường, tracking shot, chạy theo nhân vật thật lâu trong thời gian di chuyển giữa các hành lang đó, một cách chậm rãi và rung rinh liên hồi, steadicam bổ trợ cho nó theo dõi nhân vật một cách gọn gàng và nhanh chóng, lia qua từng gương mặt, theo dấu họ đi lên từ từng bậc cầu thang, nói chuyện với từng người, vào phòng này phòng nọ bước ra, tán nhảm nói dóc đủ điều. Điều đó khiến phim trở nên từ tốn bằng phẳng đều đều và có vẻ nhàm chán. Những phút giây tầm thường và không có gì nổi trội ấy được thể hiện thành công qua từng chuyển động của máy quay như thể hiện cái tâm trạng và cuộc sống bất ổn của giới trẻ, và gia tăng phần rung sợ và ám ảnh hơn khi cái kết đau thương đến. Ngoài ra, Gus Van Sant còn sử dụng một vài đoạn slow motion như một biện pháp thị giác làm tăng thêm cái vẻ bình thản chậm chạp bên ngoài đó, và làm bộ phim trở nên nhấn nhá và đẹp hơn trong một vài cảnh khá ấn tượng.
Và, phim cũng sử dụng thành thạo việc kết nối những góc máy : chủ quan và khách quan. Chủ quan : nhân vật – khách quan : máy quay. Chúng ta nhìn ngắm bọn trẻ nhưng không kịp phán xét rồi bất ngờ nó làm ta giật bắn mình. Có lẽ đạo diễn muốn nói : Tôi làm một phim dựa trên một sự kiện có thật, và nó có lẽ còn thật hơn cả sự thật. Và tôi không phán xét, tôi chỉ làm mọi người sợ nó, giật mình vì nó, không thể bình thản vì nó. Ngoài ra, với góc máy chủ quan : đưa ta vào tầm mắt nhân vật để thấy mọi thứ gần gũi, mọi thứ quen thuộc, những người bạn của nhân vật, những việc thường ngày, những không gian thường trực. Rồi sau đó sự va đảo vị trí giữa góc máy chủ quan và khách quan (tức là nhìn từ bên ngoài vào) thể hiện rằng một sự việc không đơn giản là đúng hay sai mà cần được nhìn theo nhiều chiều khác nhau. Điều đó giúp cho bộ phim càng gần đến sự thật hơn.
Âm nhạc lại là một điểm nhất khi đưa những đoạn nhạc cổ điển tuyệt vời lồng ghép vào phim. Từ Moonlight Sonata đến Fur Elise. Một biện pháp tương phản đối lập chăng. Hay nó muốn nói lên sự mâu thuẫn trong bản chất của con người. Một cảnh phim : 1 đứa với gương mặt thiên thần đang đánh piano, một đứa đang bắn súng trong laptop. Sau đó, đứa đánh đàn piano rời bỏ vị trí trang trọng của mình và nhảy vào laptop tìm mua súng, đứa kia lại ngồi đọc sách. Rồi sau đó, đứa trẻ bị bắt nạt với gương mặt hiền hậu đánh piano ấy lại là người cầm đầu cuộc thảm sát, rồi sau đó còn giết người bạn của nó. Điều đó thể hiện rằng, tâm lý con người phức tạp và bất ổn – nhất là đối với lứa tuổi đó và, đôi khi người lớn nên xem xét con em mình kĩ càng và sâu kín hơn chút nữa. Cũng như John thoạt đầu có vẻ bất mãn với người bố rồi sau đó bị ông hiệu trưởng phạt vì đi trễ khiến ta bắt đầu cảm thấy “Chà, một thằng học sinh tồi nữa đây” - nhưng sau đó ta lại biết được rằng, lý do sâu xa là do cậu yêu bố, cũng như lúc cậu chạy ra thông báo cho mọi người tránh xa khỏi ngôi trường khi biết có chuyện sắp xảy ra, hay cảnh cậu tìm bố với bộ mặt hốt hoảng rồi hai người nói chuyện quàn vai nhau ở cuối phim, nhìn về ngôi trường đang bốc khói. Cảnh đó thật đẹp, ta trở nên đồng cảm với nhân vật John hơn. Mọi thứ đôi lúc không nên nhìn vào vẻ bên ngoài. Âm thanh rất tuyệt và sử dụng hợp lý – chân thật, những tiếng bước chân vang vọng giữa hành lang với những cái bóng mờ mịt, tiếng súng không rõ từ đâu, tiếng nước chảy róc rách, tiếng ambient đôi lúc đáng sợ. Và đoạn cuối, trò chơi của kẻ cuồng sát vang lên lạnh lùng trong phòng căn phòng chứa thịt khói phủ, vang vọng và ám ảnh "eeny, meeny, miny, moe. cacth a tiger by his toe. if he holler let him go. eeny, meeny, miny, moe" rồi chợt chấm dứt, không rõ liệu trò chơi điên rồ đó sẽ trúng ai. Ai sẽ chết. Ai sẽ trả giá. Đó cũng là một cái kết mở. Không có lời giải.
Phim nhiều nhân vật và nhiều cảm xúc nhưng không nói rõ ra từng cái background (hay tiểu sử nhân vật) cụ thể, điều đó khiến phim có một cái nhìn trung lập- khách quan nhất, như người đứng ngoài cuộc. Thế nhưng, ta vẫn cảm thấy từng cảm xúc của nhân vật và vẫn cảm nhận được tâm trạng của họ : lạc lõng, cô đơn (cảnh hai đứa trẻ đồng tính hôn nhau thật là kinh), khát vọng, tình yêu (hai đứa bồ bịch và một cảch ngọt ngào khi một cô bé hôn John), sự ích kỉ. Chúng ta cảm thấy nhân vật nhưng không cần biết tại sao lại có cảm giác đó. Chúng ta có cảm giác như bỗng dưng bị thả vào trong một sân trường với toàn người lạ và dõi theo diễn biến của họ, đồng cảm với họ mà không quan tâm họ như thế nào và tại sao lại làm việc đó. Sẽ trở nên thừa thãi nếu nói oang oang lên mọi thứ. Phim giản lược một cách triệt để, như khi ta đang xem một phim tài liệu, dửng dưng và lạnh lẽo. Điều đó có ích lợi gì : thứ nhất, nó không cho ta một cơ hội nào để xét nét từng cá nhân trong phim. Gus Van Sant không có chủ đích dạy đời một cách lộ liễu hay khuyên dạy giới trẻ gì hết, cũng chả thèm phê phán ai cả. Nó đơn giản chỉ là một cái nhìn về cái ngày tan thương đó một cách dũng cảm và chân thật. Và bởi vì, ai ai cũng có mâu thuẫn và vấn đề của riêng mình thì nên trách ai bây giờ ? Không như Bowling For Columbine của Michael Moore vốn chỉ trích đủ thứ về cuộc thảm sát một cách dường như quá kích động, dưới cái nhìn của người lớn, thì Elephant cho ta góc nhìn của tụi trẻ, một cách nhẹ nhàng và điềm tĩnh và khôn ngoan hơn. Thứ hai, nó khiến cho nhân vật có vẻ bị động hơn, dưới sự chèn ép, tác động của mọi vấn đề và với bộ óc chưa chính chắng khiến chúng trở nên như bị đưa ra rìa cuộc sống xô bồ và có nhiều hành động rồ dại. Thứ ba, chúng ta không cần mọi chuyện trở nên quá chi tiết, bởi vì càng biết nhiều về nhân vật bấy nhiêu, càng hiểu rõ về họ bấy nhiêu, thì khi đó, cái chết của nhân vật sẽ càng làm rúng động khán giả hơn bấy nhiêu, và điều đó dường như quá mức chịu đựng của một bộ phim vốn đã nhạy cảm và đen tối như thế này. Thứ tư (cái này có thể gộp chung vào cái thứ ba cũng được), việc đó khiến ta thấy khủng hoảng hơn khi thấy hai đứa trẻ với bộ mặt dửng dưng ngang nhiên lập kế hoạch chi tiết rồi bình thản bắn giết mọi người. Thứ năm, việc không đi sâu vào tiểu sử từng nhân vật trong phim còn cho ta thấy rằng, điều này có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ ngôi trường nào, với bất cứ ai.
Bởi dửng dưng vậy, nên ta khó có thể tìm ra một lời tố cáo rằng ai tốt ai xấu một cách hoàn toàn. Như đã nói, ai ai cũng đều có vấn đề của riêng mình cả. Thế nhưng, người lớn trong phim dường như bị đánh giá là một cái gì đó bất lực : người bố say rượu, ông hiệu trưởng vui vẻ mỉm cười với trò chơi quyền lực nho nhỏ của ông, cha mẹ li hôn – không quan tâm đến con cái, .... Điều đó có thể nào ảnh hưởng gián tiếp đến mọi chuyện khủng khiếp xảy ra ? Ai biết được.
Và, Gus Van Sant đã đưa ra (hay gợi ra có vẻ chính xác hơn) nhiều vấn đề : ảnh hưởng của truyền thông, video games, tự do súng ống đến nỗi giao hàng tận nhà luôn cơ chứ, áp lực trường học xã hội. Nhưng, ông không tìm cách để chứng tỏ, kết án hay giải thích nguyên do vụ việc cả. Trong một cảnh như đã nói ở trên : hai kẻ cuồn sát một đứa đang chơi piano, một đứa đang chơi video game. Hoàn tòan trung lập, ta thấy rằng liệu âm nhạc là thứ cuốn quanh tâm trí bọn trẻ hay video games, hay một thứ gì đó khác nữa ? Nhiều vấn đề được đưa ra một cách xen kẽ và chồng chéo vào nhau khiến ta thấy như Gus Van Sant quá tham lam chăng ? Và dù đưa ra nhiều lời cảnh báo như vậy, ông vẫn giữ nguyên tính chất khách quan và trung lập của mình, không giải thích - không áp đặt (như nhiều người đã đơn giản áp đặt cho phim). Và việc đó cũng có thể là một lời châm biếm về những thái độ của người lớn khi nhìn nhận một chiều về vấn đề của giới trẻ, đó là áp đặt, đó là suy diễn, đó là viện cớ, dường như họ đã quên đi một phần lỗi lầm là do họ. Điều đó đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Nhưng, như Gus Van Sant đã phát biểu : 'We didn't want to explain anything. As soon as you explain one thing, there are five other possibilities that are somehow negated because you explained it in one way. There was also the issue of finding an explanation for something that doesn't necessarily have an explanation.'
Nhạy cảm, đúng thế. Bởi vậy, bộ phim đã có nhiều ý kiến dư luận trái chiều gay gắt. Và câu hỏi được đặt ra : Liệu bộ phim như thế này có được phép làm không ? Đã có người nói, bộ phim làm cảm hứng cho một vài vụ thảm sát sau đó. Điều đó thật mỉa mai thay cho một tác phẩm chân thật về học đường thế này (dù nó ở tận xa lắc bên Mỹ).
Khi tôi nói chân thật, ấy là tôi nói thật lòng đấy. Cuộc sống trong trường học được mô tả hết sức sinh động. Lớp học, bắt nạt, bóng bầu dục, tán chuyện, mâu thuẫn, tình yêu đều được bộc lộ một cách khéo léo với những câu thoại chân thật với lứa tuổi. Đã có nhiều bộ phim làm về học trò (VN lẫn quốc tế), nhưng hầu hết tôi thấy thoại rất chán, đó dường như là những câu thoại từ miệng người lớn nói ra và bắt lũ trẻ lập lại, răng dạy và sáo rỗng. Không, thoại trong Elephant không như thế. Ngắn gọn và đúng mực, không ngượng ngùng, không đao to búa lớn. Diễn viên trong phim không nổi tiếng, toàn dân nghiệp dư hoặc tay non với tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, nhưng phải nói là diễn xuất rất ổn (mà có khi cũng chả cần diễn gì nhiều – vì mọi việc họ cần làm là lập lại những gì mà hằng ngày họ làm trên trường lớp, đơn giản và bình thường). Và điều đặc biệt hơn nữa, tên của nhân vật trong phim gần như trùng với tên diễn viên. Tại sao ? Phải chăng Gus Van Sant muốn cho ta thấy, ai trong chúng ta cũng có thể là một trong số những học sinh trong vụ thảm sát ấy. Điều đó giúp ta nhận thức được hơn, không cần than khóc, không rề rà nhưng ta sẽ nghĩ rằng : Có chăng mình sẽ là một trong số những nhân vật trong đó ? Và sự cảm thông, sự nhận thức từ khán giả với vụ thảm sát, với bộ phim được tăng lên một cách gián tiếp.
Mọi thứ có chấm dứt không ? Ai biết được. Ngay từ cái tên cũng cho ta thấy một mối hoài nghi lớn lao. “Elephant” được bắt nguồn từ thành ngữ “Elephant in the room” của Anh. Hàm ý muốn chỉ đến một vấn đề to lớn cần được giải quyết nhưng không ai đếm xỉa hay dám nói lên cả. Con voi có thể là giới trẻ, có thể là tình trạng đáng báo động của việc súng ống tự do, có thể là phản ánh lên những vấn đề đáng nguy khác. Bạo lực học đường chẳng hạn ? Hay, “Elephant” cũng có thể hiểu theo câu chuyện thầy bói xem voi ở nước ta, mỗi người nắm lấy một phần con voi và luôn cho mình đúng, nhưng thật ra chẳng ai đúng cả. Những gì họ nắm lấy chỉ là một phần rất nhỏ con con voi to lớn và đồ sộ.
Theo tôi, Elephant được tạo nên với một phong cách Châu âu hơn là Mỹ, đó cũng có thể là lí do bộ phim đạt được lắm giải ở các LHP quốc tế, ví dụ như Cannes Film Festival 2003 phim đạt được các giải : Best Director, Cinema Prize of the French National Education System, và quan trọng là Golden Palm.
Sau khi xem xong, tôi tự hỏi, với những đứa trẻ khuôn mặt thiên thần, trầm tĩnh, tâm hồn nghệ thuật phơi phới (tạm gọi thế), thì mầm mống cái ác xuất phát từ đâu ? Có phải do đó là một phần bản chất của con người hay không ? Như đã nói, phim không đưa ra câu trả lời, không đưa ra giải pháp, không đưa ra lí do cụ thể. Những thứ ta đang thấy là sự thật, là những câu hỏi không lời đáp, là những nỗi ám ảnh về một thế giới mới với những đám mây trôi u ám trên bầu trời. Bạn, quý khán giả yêu dấu bị buộc phải dấn thân hơn để tìm ra câu trả lời cho riêng mình.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Thư số 2: ‘Sự nhẹ bẫng không chịu nổi của những đám mây lang thang’ Gửi H (công chúa), Nếu em hỏi anh anh là ai thì anh sẽ bảo ...
-
Hôm nay đi dạo quanh Sài Gòn tí ti,thấy cuộc sống chợt nhộn nhịp quá thể.Ánh đèn đường không hiểu vì sao trở nên rạng rỡ hơn mọi ngày.Khu vự...
-
Em có là cô gái trăm phần trăm hoàn hảo Như Haruki Murakami đã nói Tôi không biết Chỉ biết rằng tôi yêu em, Từ cái nhìn đầu tiên. Khi giọt n...
Tôi xem phim này khi còn ngây ngây thơ thơ chứ không có đượ thơ ngây như bây giờ. Khi đó thấy cái phim chi có hình hai đưa thơm nhau, rồi lại tên là Một ngày đẹo trời, tò mog bỏ mẹ, thế là thuê về xem. Xem được nửa phim thì ngáp ngắn ngáp dài, định bỏ đó nhưng tiếc tiền thuê đĩa nên cố xem hết. Ai ngờ xem xong lại đơ ra. Hay. Hay mà không lý giải nổi vì sao. Rồi sau này bộ phim được tôi xem lại vài lần và có những ...vỡ lẽ.
Trả lờiXóaLần đầu tiên xem phim và có những kiến giải thật trưởng thành. Thật tốt cho cậu.
Có khi nào ta lại nằm dưới lớp vỏ đạn đó với nét mặt thơ ngây chưa kịp định thần?
Trả lờiXóa