Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

2 : 37


2 giờ 37 phút chiều, người ta tìm thấy một cô nữ sinh tự sát trong phòng vệ sinh của nhà trường, máu thấm qua khe cửa. Trước đó một chút, nhiều số phận đau thương va đập vào nhau ....

Ở bài review trước, tôi đã nói đến Elephant, một phim nói về giới trẻ. Nay, tôi lại nói đến một phim cùng chủ đề đó , 2:37. Phim đầu tay của một đạo diễn Australia Murali K. Thalluri, khi làm phim này ông mới 19 tuổi (hay 21 gì đó không nhớ nữa), một cái tuổi quá nhỏ để nhận được đề cử giải thưởng danh giá như Un Certain Regard của 2006 Cannes Film Festival. Phim có nhiều điểm tương đồng với Elephant của Gus Van Sant.

Vẫn tiếp nói cái chủ đề học đường, 2:37 kể về 6 câu chuyện của 6 học sinh trung học. Melody, Marcus, Luke, Sean, Sarah, Steven và Kelly. Mỗi câu chuyện của từng nhân vật là một nỗi niềm, một sự bày tỏ, một tính cách, một số phận. Không câu chuyện nào tốt đẹp cả. Tất cả đều được phủ lên bởi một màu đen tối u ám. Họ bao gồm : Melody, một nữ sinh trung học trầm lắng, chịu sự bỏ bê và không quan tâm của cha mẹ, bị cưỡng bức bởi anh trai từ khi cô 13 tuổi. Rồi sau này, phát hiện mình có thai. Marcus, anh trai Melody, chịu sự kì vọng quá mức của gia đình khiến nó trở thành một áp lực, một gánh nặng bên vai cậu. Luke, một ngôi sai thể thao, che giấu sự Gay của mình bằn cách yêu một cô gái và quậy phá cứng đầu chọc gẹo người khác. Sarah, bạn gái Luke, yêu cậu ta rồ dại. Sean, một Gay chính thống, bị sự nhạo báng và chê cười của những học sinh khác, tìm đến ma túy để xoa dịu chính mình. Quan hệ đồng tính với Luke một cách bí mật. Sean muốn chứng tỏ cái Gay của mình, cậu không care đến mọi chuyện. Steven, chuyển từ Anh quốc xa xôi đến, gặp vấn đề về thận và chân khiến cậu có thể tè ra quần bất cứ lúc nào ngoài tầm kiển soát, chân đi khập khiễng. Điều đó khiến ai ai cũng chê cười cậu. Và cuối cùng là Kelly.

Bởi thế, cuộc sống trường học đối với chúng thật là một nơi điên rồ và chán nản. Câu chuyện đen tối và vạch trần cuộc sống của những đứa trẻ 16-17 này khiến chúng ta sững sờ với quá nhiều vấn đề. Mạch phim bắt chước Elephant, chia ra theo nhiều lời kể của nhiều nhân vật khác nhau rồi có khi đụng lấy nhau theo nhiều hướng nhìn khác nhau, xen kẽ đó là những đoạn phỏng vấn từng nhân vật nêu rõ vấn đề và cảm xúc – tâm tư của chúng. Những đoạn phỏng vấn đó, dùng màu đen trắng, cho ta thấy tài diễn xuất của những diễn viên không chuyên này, góc quay cận mặt để chúng trình bày mọi chuyện.

Tài năng của đạo diễn trẻ tuổi được bộc lộ qua việc đưa nhân vật cuối cùng trong danh sách của chúng ta, Kelly ra ngoài lề những câu chuyện trong phim. Kelly xuất hiện xen kẽ với những nhân vật chính với những số phận thê thảm còn lại, chia sẻ nỗi niềm với họ nhưng bị họ phớt lờ - và làm cho ta cũng như khán giả thấy phớt lờ luôn cô ấy. Ta thấy Kelly như là một thiên thần, một cô gái quan tâm đến người khác, một cô gái hạnh phúc với chính mình. Kelly như là một nhân vật trung lập trong câu chuyện, chỉ làm nền cho những nhân vật khác, với một con mắt nhìn lấy mọi sự việc. Ngay cả đến những giây cuối phim ta mới thấy được tên và đoạn phỏng vấn của cô. (và đoạn phỏng vấn của cô rất vui vẻ, thế mới chết chứ). Thế nhưng không, cảnh cuối phim là cảnh Kelly tự sát – còn 5 nhân vật kia thì không. Rúng động và bất ngờ. Cảnh đó dài tận 15 phút thì phải, quay lại cận cảnh tất tần tật mọi công đoạn của việc rạch tay. Khi đó, Kelly đã trầm cảm và điên dại đến tột cùng, dùng kéo cố rạch tay mình. Và rồi, máu xịt ra ướt đẫm một nền nhà trắng tinh và đẹp. Cô cười, cô khóc những tiếng man dại. Chúng ta, những khán thính giả bắt đầu nhắm mắt, bị chặt miệng lại, khóc và la hét tột độ theo từng hành động của Kelly. Phải nói rằng nó rất kinh khủng, khi thấy cô run rẩy và hát khe khẽ người giật lên từng đợt. Tuy điên là thế, nhưng cảnh đó là cảnh có giá nhất phim.

Vì sao ? Thứ nhất, việc mở đầu phim bằng cảnh tượng máu chảy lan ra ngòai cho ta biết có chuyện gì đó không hay. Và những câu chuyện tiếp theo khiến ta băng khoăng không biết ai sẽ là người nằm trong vũng máu ấy. Sự tò mò kích thích chúng ta nhưng khi cái kết tiết lộ, chúng ta bàn hoàng. Đến tận cuối cùng ta vẫn không biết tại sao Kelly chết. Ta chỉ thấy, cô ta đi thẫn thờ, lạc lõng giữa học sinh khác, không bạn không bè. Cô ta cũng không nói cho ai biết về vấn đề của riêng cô. Chúng ta, những người lớn, những người bạn, có lẽ đã quá vô tâm. Và như thế càng tồi tệ thêm mọi vấn đề. Những nỗi đau thầm kính và tự vấn trong tim luôn luôn sẽ tìm chổ để bộc phát, và Kelly tự tử là cái hậu quả cao trào của nó. Việc phỏng vấn sau cái chết càng làm minh chứng cho việc đó : người thì cảm thấy cô ta quá hạnh phúc đến nỗi chả cần quan tâm đến cô, người thì thuyết giáo một hồi về cái chết thiên đường địa ngục, Mel thì nói rằng Kelly chết đi là may mắn lắm rồi. Trong nhiều trường hợp, những người không bộc lộ gì có thể là những người có nhiều vấn đề nhất.

Về kĩ thuật, góc máy thì bắt chước i chang Elephant, dùng tracking shot, steadicam dõi theo nhân vật suốt những đoạn hành lang và cầu thang dài đằng đẵng, rung rinh. Montage không lạm dụng để gây ra cắt cảnh nhiều. Nhưng, tuy bắt chước, nhưng ít ra nó cũng làm ta hài lòng ta một phần nào đó. Âm nhạc thì khác với Elephant một chút, là những khúc piano nhẩn nhơ và có phần đẩy đưa, nghe đến gai người. Âm nhạc làm cho câu chuyện thêm phần mệt mỏi. Âm thanh là điểm mạnh của phim, dùng rất nhiều tiếng động ngoài hình như tiếng chửi thề, nói chuyện, tiếng la hét, tiếng tạp âm, tiếng khóc, tiếng cười, tiếng nước chảy và đủ thứ khác. Điều đó tạo cho ta thấy một bầu không khí hoảng loạn và điên dại tột độ trong trường học.

Không rõ có phải là copy hay không nhưng phim cũng sử dụng tán lá cây xanh vòm như Elephant sử dụng đám mây trôi. Tán lá mang tính chất ám chỉ sự trong sạch và thanh xuân của tuổi trẻ. Ta nghe lắc lẻo những tiếng chuông như mang hàm ý về một nỗi nguy, một sự cảnh báo cho việc sự thanh xuân đó đang bị vấy đục.

Về thủ pháp ta thấy nhiều điểm copy Elephant rõ rệt như đã nói ở trên. Chỉ có khác nhất là 2:37 đi sâu hơn vào từng nhân vật, bởi vậy ta thấy rõ hơn cái nhìn chủ quan của bọn trẻ. Điều đó được thể hiện ở những chỗ Interview nhân vật xen kẽ phim. Cho ta cái nhìn của chúng về thế giới, về trường học nơi chúng đang chìm sâu trong đó. Thế nên, phim cho ta đắm chìm hơn vào câu chuyện và nhân vật. Và hiển nhiên, gây shock chúng ta hơn. Phim kể lại những câu chuyện đen tối của từng lứa học trò, và vẫn đưa ra nguyên nhân nào đó, nhưng vẫn không quá nhấn mạnh chúng. Và không trả lời chúng. Tất cả chỉ là một mớ hỗn loạn bên trong từng nhân vật. Ta thấy nhân vật khóc, la hét, buồn bã. Cảm xúc tràn ngập. Phim không có lối thoát, (nếu ta bỏ qua việc tự sát), cho nên điều đó khiến phim trở nên đau đáu trong lòng người xem.

Cái khác nữa đó là màu sắc của phim. Elephant cho ta một bầu không khí khách quan nhất bởi thế khung cảnh vẫn trông một vẻ ngoài rất trung lập và bình thường nhất. Trường học vẫn đầy rẫy tiếng cười. Nhưng trong 2:37, tone màu không hẳng là xám xịt nhưng mang đậm vẻ u ám.

Phim ám ảnh, đặc biệt là đoạn cuối. Có khá nhiều cảnh nặng nề trong phim như loạn luân, tự sát, hút ma túy, nude, thủ dâm, ... có khả năng gây bắt chước cao, không mang tính nhân văn hay giáo dục gì chi hết, cho nên có lẽ sẽ không phù hợp với một số người (đặc biệt là người trẻ và không ổn định tâm lý). Nó vạch trần mọi mặt tồi tệ nhất của cuộc sống học sinh, và dường như làm cho nó thêm phần khó thở. Phim là một cú chấm phá mạnh. Tuy mang danh copy Elephant nhưng phim vẫn tạo dấu ấn cho người xem, mặc dù theo tôi thì Elephant có giá trị hơn. Cuối cùng, phim không dành cho mọi người, nhất là trong một cuộc sống quá dỗi ngạt thở như hiện nay. 18 + .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thư số 2: ‘Sự nhẹ bẫng không chịu nổi của những đám mây lang thang’ Gửi H (công chúa),  Nếu em hỏi anh anh là ai thì anh sẽ bảo ...