Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

Thư số 2: ‘Sự nhẹ bẫng không chịu nổi của những đám mây lang thang’
Gửi H (công chúa), 

Nếu em hỏi anh anh là ai thì anh sẽ bảo anh là một đám mây thẩm thấu hết nỗi buồn thiên hạ. Anh đã kể với em về một dự án cũ: ‘Sự nhẹ bẫng không chịu nổi của những đám mây lang thang’ mà anh chưa bao giờ hoàn thành (hay chưa bao giờ bắt đầu) vì anh sợ nó va chạm trực tiếp đến bản thân anh quá. Có một bài thơ hay ho của Mikhail Lermontov mà anh đính kèm, hi vọng làm em nhẹ hơn một tí (về mặt tâm hồn, chứ không phải về cái thể xác 39kg của em mà anh công an bế lên dễ dàng để đưa vào trạm xá). 

Anh nghiện cái cảm giác vật vã của người khác khi anh là một đám mây nặng mất hút vào nỗi buồn của nhân thế. Cũng như em nói về việc em nhớ đến những khoảnh thời gian được yêu và yêu chứ không màn chi đến cái con người thực ấy, anh luôn tự hỏi rằng anh có quan tâm đến những con người ấy không, hay chỉ muốn nhao vào nhai ngấu nghiến những nỗi đau không thù hình không hình dạng ấy. Những thứ không thấy được và không tài nào trọn vẹn. Anh muốn nắm bắt được chúng. 

Đấy là lý do tại sao anh thích nghe em độc thoại, là lý do anh mè nheo với em hằng ngày vì không được em trút vào. Anh cảm thấy chẳng may anh bị lỡ mất những nỗi đau đẹp đẽ thì anh sẽ không còn là gì với em: một đám mây nặng chình ịch ất ơ ở xa mà em nương vào để lành lặn hơn sau một nỗi đau lớn. Anh thích nghe chuyện buồn hơn vui. Anh chỉ thích moi móc và nhìn ra được tim gan em. Anh muốn thấy được linh hồn em. Nó là thứ duy nhất mà anh nghĩ có thể dùng để kết nối với em. Em là một cái bình chứa đầy một nỗi đau đẹp đẽ lấp lánh.

Một thứ của hiếm. 

Mà anh có thể sưu tập được

Đấy là một niềm tin thơ ngây, anh nghĩ vậy.  

Hồi xưa anh cũng sưu tập và biến những nỗi đau thành những thù hình cụ thể. Anh luôn làm dự án nói về bi kịch của những người bị ám ảnh cực độ. Những cực điểm cảm xúc và si mê mà con người luôn vướn phải. 

Cả thảy những nỗi đau con người đó đều thuộc về anh, đều là nỗi đau của anh. Anh nghiện cái việc thẩm thấu nỗi đau ấy. Nghiện ngập là một điều xấu, vì những con người đau đớn ấy đều biến mất khỏi cuộc đời anh mỗi khi họ đã lành lặn (liệu ta có bao giờ lành lặn được hoàn toàn sau một nỗi đau lớn?). Nhưng anh luôn tự vấn bản thân và cho rằng, anh có cần gì từ họ đâu. Anh đều có được một dự án hay ho sau mỗi lần ấy. Nhưng cũng như em nói, thế giới này ai cần những thứ như thế. Thế thì anh chẳng còn là gì cả, chẳng có giá trị với ai, anh lại trở thành một đám mây lang thang. Điều đó cô đơn lắm. 

Ở trường kiến trúc, bọn thầy anh bảo, tại sao lúc nào mày cũng đi vào sâu bên trong? Họ đã rất tức giận vì họ không hiểu anh nói gì cả. Anh tự độc thoại và làm lành với những suy tư của bản thân mình. Anh tạo nên một cái gì đấy đẹp đẽ cho anh và không cho ai cả. Mặc kệ họ. Anh không tin đã có ai đó cố gắng moi móc tim gan anh ra để hiểu được anh là ai từ trước đến giờ. Thì anh sẽ tự làm điều đó cho bản thân. 
Anh đã bắt đầu vẽ cho em một bức tranh. Anh sẽ chỉ gửi em những bản phát thảo nháp mà anh làm (không trọn vẹn). Em có thể tưởng tượng. Còn bức tranh hoàn chỉnh, khi nào gặp, anh sẽ tặng em. 

Nhưng có lẽ em sẽ chẳng bao giờ vào đây với anh đâu. Nếu em chỉ giữ những cái không trọn vẹn từ anh, anh hi vọng em sẽ có thể yêu những thứ như thế hơn chút nữa. 

Hay là anh luôn hi vọng rằng em sẽ chẳng bao giờ vào đây với anh. Cũng như anh đã thở phào vì không lên Đà Lạt gặp em được. Anh sợ rằng khi đó, anh sẽ nhận ra rằng anh không hiểu gì về em hay tim gan em cả. Những nỗi đau cá biệt mà anh không bao giờ đủ giỏi để tìm kiếm và hiểu được. Nhưng có lẽ anh vui vì nhờ em, anh đã bắt đầu lại cái dự án cũ này để hoàn thành. Anh sẽ làm nó chỉ để dành tặng cho em thôi.    

Anh mong em sẽ là một đám mây nhẹ bẫng (như tên em ấy) và bay vi vu trong vũ trụ bao la của mình.   

Thương em nhiều,

Từ một đám mây nặng chình ịch ất ơ ở xa mà em nương vào để lành lặn hơn sau một nỗi đau lớn

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’

 

‘Làm thế nào để tìm lại được tóc đã rụng’

 

 

Người Đức khái niệm Umwelt dùng để miêu tả cảm giác tồn tại giữa thế giới dựa trên những bộ phận giác quan đặc thù của mỗi sinh vật. Umwelt của chúng ta thể được miêu tả bằng những đặc điểm biệt của thể con người mà chúng ta dùng để nhìn nhận thế giới: mắt nhìn về trước, tầm nhìn khoảng 180 độ, chỉ nhìn được một vài sắc độ màu, chúng ta chạm ngửi để cảm nhận, chúng ta đi bằng hai chân cân bằng để định hình thể trên mặt đất này. Thế giới của chúng ta khác với thế giới của chuột, của dơi. Bản thân thế giới mỗi người đều khác nhau dựa trên những đặc điểm thể các biệt của mỗi người. rất nhiều thế giới song song tồn tại cùng một lúc.

 

 

 

 

 

 


Pierre Huyghe một triển lãm ở Serpentine, London, Anh hồi 2018, đặt tên nó là UUmwelt. Ông chụp ảnh fMRI bộ não một người khi họ dùng giác quan của mình để đọc một chuỗi hình ảnh câu chữ. Ông dùng nó để tạo nên những tấm ảnh thay đổi không ngừng. Có những con ruồi chung quanh những tấm ảnh thay đổi không ngừng đó. Làm thế nào để kết nối những umwelts khác nhau, để thống nhất thế giới của những sinh vật khác nhau là câu hỏi mà ông đặt ra trong buổi triển lãm.

 

Chúng ta, bản thân con người, đi lòng vòng nhìn vào những hình ảnh của một thứ diễn

giải cái xảy ra trong chính não bộ chúng ta (vốn đã qua thêm một vòng xâm phạm bằng fMRI) bằng một hình ảnh khác (chiếu trên màn ảnh, chớp tắt liên hồi).

 

 

 

   

 

 


 

 

 

 

 

một nỗi sợ mà Julio Cortazar hào phúng nói lên trong mẩu chuyện ‘Làm thế nào để tìm lại tóc đã rụng, là một nỗi sợ rằng những thứ tri kia sẽ ăn mất da thịt, nuốt trọn thể của chúng ta. Ông đề xuất cắt lấy những ống nước chảy từ phòng ông đến tận tầng 1, đếm trọn từng mẩu tóc tìm được để lấy ra được mẩu tóc đã mất của chính ông. Cái hình ảnh một người đàn ông giữa vàn tóc ướt những mảnh ống nước vỡ vụn xung quanh lẽ thể hiện cái ý chí bảo vệ thể, nhân mình khỏi những sự xâm nhập, tấn công từ thế giới xây dựng xung quanh. .

 

Làm thế nào tìm lại được tóc đã rụng là một câu hỏi về bản thân chúng ta trong thế giới của sự xâm nhập của kiến trúc vào sự nhận thức của mỗi bản thể này.



 

 

 

Chúng ta đều sợ lấy việc mình già đi, dần chết, héo úa, tóc rụng, da vẩy ra từng ngày. Chúng ta sợ tim chúng ta đập nhanh hơn, người trở nên béo dần, móng tay gãy. Nhưng chúng ta quên rằng, căn phòng của riêng

ta là một nhân chứng song song, trong một thế giới của riêng nó, không những những giác quan của riêng nó,còn chứa trong mình sự kiên nhẫn đón nhận lấy những vết thải của chúng ra, những sự trầm cảm, những nỗi lo, sự hạnh phúc (bạn bao giờ đá vào tường mỗi khi hạnh phúc quá?).

 

 

 

 

 

 

 


Deleuze, khi nói về Francis Bacon, nói về những tổng cảm giác vượt ra khỏi bề mặt bức tranh tấn công chúng ta. Duchamp, khi làm nên Etant Donnes, tạo nên một con mắt nhìn ngược lại người xem (trộm). Khi đó, những thứ tri dường như sống dậy, ở một bức màng mỏng manh của trí tưởng tượng, bao trùm lấy những thể, những giác quan thực.


Làm thế nào tể tạo dựng ra cái umwelt của những căn phòng của riêng ta? Trong một phim của Polanski,


nhân vật chính, khi dọn đến một căn phòng mới, cảm thấy sợ hãi vì cảm thấy thể bị xâm phạm bởi những bức tường ẩm ướt, rạn nứt. Những vết nứt của thạch cao: cái gì ở bên trong chúng? Nước Anh thời hậu chiến thấy sự gia tăng của việc sử dụng vật liệu cách nhiệt giữa những bức tường gạch. Họ dùng formaldehyde, một chất xa lạ để lấy những không gian rỗng bên trong những bức tường xây vẻ như là vững chãi lắm xung quanh chúng ta. Độc tố của formaldehyde dần dà xâm nhập vào không gian sống một cách hình theo dạng khí, làm thể ta đã già đi nay càng héo mòn thêm. Những vật liệu cách âm, cách nhiệt, dấu mình trong kiền trúc, dường như muốn làm cho chúng ta sống tốt hơn, lại vẻ như dần dà bào mòn lấy cả thể đầu óc chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.

 

 

 

  


Những bức tường đó cảm giác, thể riêng, ngọ nguậy, đòi thoát ra bên ngoài. Cái ranh giới giữa bên trong bên trong nữa dường như thú vị hơn những thứ mà chúng ta đã hoài nói đến trong kiến trúc: trong ngoài.




Còn cái ranh giới giữa trong trong thì sao?


 


 

Thứ Năm, 15 tháng 7, 2021

Những Linh Hồn Sống (1)

 Những Linh Hồn Sống 

1: Về cái khe hở bao trùm cái bóng màu đen của móng chân phủ lên thịt chân, 

hòn sỏi chứa linh hồn của Jung, 

những-thứ-không-thể-nắm-bắt-được-trọn-vẹn, 

làm thể nào để cạo đứt vệt sơn của Francis Bacon,

và cái xác chết có linh hồn của Marcel Duchamp 

(phần 1) 

Mọi người bảo, nhìn bàn chân của nó phẳng thế chắc sau này sướng lắm. Nó bảo, chưa thấy sướng gì cả chỉ thấy rất lười đi bộ: phẳng quá làm chân không đủ độ đàn hồi. Làm sao mà cái độ cong của bàn chân có thể ảnh hưởng đến vận mệnh? 

Ở công ty có một đứa tỉ lệ móng chân với tỉ lệ thịt chân rất nhỏ: không biết điều đó có ảnh hưởng gì đến việc hằng ngày con bé phải leo cầu thang lên xuống mấy tầng mới đến được chỗ ngồi một cách đều đặn và không khoan nhượng cả năm nay? 

Liệu việc mang dép quá nhiều thay vì mang giày có ảnh hưởng đến sự nhỏ bé của móng chân hay không vì Sài Gòn mấy bữa nay nóng, hầm, và mưa xen kẽ. Cái nũng nịu mưa đầu mùa có làm da chân co rúm lại sau hàng giờ ngồi máy lạnh rồi ra đường hít lên mùi đất ẩm? Hình như mưa gió mùa có khả năng ảnh hưởng đến việc mọc tóc (càng mưa dữ dội tóc càng mọc nhanh?). Hay nó chỉ đang suy nghĩ theo một lối nghĩ ma thuật phỏng theo những niềm tin cổ xưa của shaman giáo? 

Năm trước, nó dùng Jesmonite để tạo khuôn của bàn chân nó để làm mô hình thạch cao. Một thứ ẩm ướt và nhõng nhẹo được dùng để tạo ra một thứ cứng cáp. Gần gũi với đôi bàn chân của chính mình là một cảm giác thú vị. 

Nó hỏi, liệu cách khoảnh hở giữa móng chân và thịt chân có phải là nơi để linh hồn của nó thoát ra ngoài môi trường. Hay cái môi trường vật lý xung quanh nó có lọt vào cơ thể nó bằng cách ấy được không? Người ta bảo, mắt là cửa sổ tâm hồn. Nhưng nó bảo không: cái khe hở bao trùm cái bóng màu đen của móng chân phủ lên thịt chân mới là cửa sổ tâm hồn chứ.  

Thầy cô nó hỏi: tại sao mày đi học kiến trúc mà lại lo lắng về chuyện móng chân và linh hồn?   

Những đôi giày của nó không bao giờ khít và vừa vặn cả. Nó chỉ biết dùng dây buộc dày để nới lỏng hay khít vào tùy vào kích thước linh hồn nó co vào hay dãn ra tùy ngày mưa hay ngày nắng. 

Người ta cứ phải quy định công năng chi chít cho những công trình mà quên rằng Corbusier đã nói thêm một câu ‘Nhưng con người cũng có trái tim’ sau cái câu nói nổi tiếng ‘Nhà là những cỗ máy được sống trong’. Con người là một động vật sáng tao luôn muốn rũ bỏ sự cầm tù để tìm ra được tự do nhưng kiến trúc sư thì luôn tìm cách để định đoạt về sự ở của con người. Corbusier còn chép lưỡi khi đến Pessac bao nhiêu đấy năm sau để thấy những người ở đã định đoạt thay cho ông số phận của cái công trình ấy mất rồi. 

Nó nghe bảo rằng những tòa nhà của Phát Xít ở Đức thời Hitler phải làm cửa to lắm để đủ cho những người phát xít đi qua một cách vừa vặn. Nó cũng nghe thầy nó năm ngoái bảo ở Doge Palace ở Venice có một cái cửa đôi: một đủ to để vừa cho cái tôi của Doge và một đủ nhỏ để vừa cho cả thảy người khác. 

Làm thế nào để một thứ mang tính vật chất có thể tương tác được với một thứ không-thể-nắm-bắt-được như linh hồn? To hay nhỏ, vừa hay không vừa, mạnh mẽ hay yếu đuối, chua chát hay nhu mì? 

Nó nhớ đến cái nắm cửa phòng làm việc của bà Marie Curie vẫn bị ám lấy bởi chất phóng xạ.

Nó nhớ đến Carl Jung. Jung vốn là một đứa trẻ bệnh tật yếu đuối nên hằng ngày ông ra bờ sông, ngồi lên một hòn sỏi và đem nó về cất giữ. Hòn sỏi trở thành một vật chứa linh hồn. Bảo vệ hòn sỏi là bảo vệ lấy chính linh hồn thật của Jung. 

Nó nhớ đến cái căn phòng mà Ilya Kabakov đã sắp đặt, chứa một cái slingshot to oành bắn chủ nhân của căn phòng đó lên vũ trụ. Cái trần hở một lỗ toang hoác. Ta thấy một khoảnh khắc sau cuộc nhưng ta cũng thấy sự ám ảnh của một người muốn thoát khỏi một nơi tù túng để được dạo chơi một mình ngoài không gian. 

Linh hồn là một thứ không tài nào nắm bắt được. Cái chuyện biết và chưa biết và không tài nào biết được nó khác nhau lắm chứ. Có một lần một ai đó bảo nó: những thổ dân hồi xưa họ rất nhạy bén, dường như có một sự kết nối giữa linh hồn họ, những bộ phận giác quan trên cơ thể họ, và thế giới bên ngoài. Họ có thể linh cảm được bao giờ trời mưa bằng cách áp tai xuống đất, hay ngửi mùi gió mà cảm được bao giờ núi lửa sẽ phun trào. Cái trực giác siêu phàm đó là một thứ mà con người hiện đại đã đánh mất. 

Xưởng vẽ của Francis Bacon nằm ở 7 Reece Mews, South Kensington, London. Căn phòng là một hiện thân của cái bạo lực hỗn loạn của Bacon trong lúc vẽ, in dấu lên tranh của ông. Bacon bịt kín một nguồn sáng tự nhiên duy nhất trong phòng là cái skylight và chỉ dùng ánh sáng nhân tạo. Vì thế, những cái bóng trong tranh ông thường là bóng đổ mạnh. Ông vẫy sơn mạnh bạo để chúng ám dày chi chít lên tường, cửa ra vào, và sàn. Người ta không thể nào cạo chúng ra được nữa. Ông đi tới đi lui qua những mẫu báo cắt dàn bùi nhùi có ảnh người hay vật mà ông dùng để thay thế người mẫu. Những thứ của Bacon được nghiêm khắc sắp xếp một cách hỗn loạn nhưng đậm đặc cái đặc tính của Bacon-duy-nhất. 

Khi nó nhìn vào cái lỗ nhìn trộm của Étant donnés, tác phẩm cuối cùng của Duchamp, tất cả những gì nó thấy là một cái xác chết đột nhiên sống dậy, được trao cho linh hồn, đổi ngôi, và nhìn trộm ngược lại nó.






















Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

Gửi Hân

TP. HCM ra Hải Phòng,  

Nửa đêm, ngày Mười Chín tháng Tư năm Hai Nghìn Không Trăm Hai Mốt

Gửi Hân,

Hồi đấy anh hay chia đôi anh ra để viết thư cho chính mình. Cái sự trao đổi với bản thân dùng mọi thủ đoạn để đẩy con người tiêu cực của anh ra để được nhâm nhi cũng là một thứ thú vị. Anh lục tìm những lá thư cũ, được đánh máy xịn xò bằng một chiếc máy đánh chữ cũ của Đức mà anh mua được ở một hàng đồ cổ ở Wellington vào năm 2015 (khi đó, anh phải thay dây ribbon mực đỏ). 

Những lá thư được chia ra làm hai nhân vật: một cô nàng quái tính Alice ở Reykjavik, Iceland và một gã nghiêm túc Franz ở Berlin, Đức. Họ tìm mọi cách để kết nối với nhau. Ở lá thư cuối, Franz gửi Alice một bài hát của Kevin Ayers: 

“Hãy quên đi việc giải phóng.

Cả thảy chỉ là sự tưởng tượng mà thôi.”

(Và điều đó chẳng may chọc điên Alice lên. Alice dựa trên một cô bạn mà anh đã lỡ đánh mất.)

Ở một lá thư khác anh viết vào năm 2018 để gửi cho một cô bạn khác mà anh cũng đã lỡ đánh mất: 

“Sartre say đắm mặt trăng vì nó là một vệ tinh huyễn tưởng. Nó là một cái dĩa tròn rất xa thế giới, tận ở vũ trụ, là một nguồn sáng yếu đuối nhưng đầy hi vọng. Chúng ta nhìn lên nó với trí tưởng tượng của chính chúng ta, như một vật chúng ta sở hữu – một vật nằm xa tít tận trên kia, nhưng kết nối với chúng ta.” Khi mà con người đi lên được mặt trăng, cái sự huyền bí mê hoặc đó đã bị đánh mất và mặt trăng trở thành một đồ vật cho khoa học. 

Anh không bao giờ gửi lá thư đó. Anh cũng không bao giờ muốn đặt chân lên mặt trăng. Nhưng anh có thể nói rất nhiều về việc ngắm trăng từ ban công. Anh cũng có thể thực hiện một hành động không tưởng là kéo trăng về để tặng em, nếu em muốn. 

Bao giờ anh về Hải Phòng? Anh sẽ chẳng về Hải Phòng của em đâu mặc dù anh đã viết nhiều về những người bạn anh ở đó. Anh cũng nhớ LQV cũng từng reo lên: 

"Lòng tôi như sỏi hoang

Trên cầu Hạ Lý."

Anh chưa từng đến cầu Hạ Lý nhưng anh nghĩ nó sẽ nhiều sỏi hoang lắm nếu anh phải dạo ngang qua. Anh không muốn đường phố mình càng thêm sỏi thêm bụi. 

Hôm nay, anh vừa viết xong một mẩu bio về bản thân để gửi bài tạp chí. Anh suy nghĩ mãi mới viết ra một câu "Nhựt thích những thứ đẹp đẽ nhưng trêu ngươi và không bao giờ nắm bắt được trọn vẹn." Anh sẽ không viết về việc em tài như thế này em giỏi như thế nọ vì điều đó sẽ quy em về những thứ nắm bắt được. Nhưng nếu muốn, anh có thể vẽ cho em chân dung miêu tả việc em chớp mắt bao nhiêu lần một giây hay em mím môi bao sâu hay việc em cười sẽ hở bao nhiêu cái răng và môi cong vào bao nhiêu độ. 

Cái việc viết thư cho một người chưa quen biết cũng là một thứ đẹp đẽ trêu ngươi và không bao giờ nắm bắt được trọn vẹn. Dù gì thì cũng đã là năm 2021, anh không thích viết thư cho ai đấy sau khi đã lỡ đánh mất họ nữa. 

Thân, 

Nhựt

#GửiHân

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

Thư gửi đến cái vai tưởng tượng của em

Gửi Dorothy,

Như em đã nghe được từ radio, đống truyện cổ tích của chúng ta đã dịch chuyển lên những đám mây đen trên đấy mất rồi – thế giới của chúng ta, không phải là của riêng em.

Em chọn cách rời bỏ tôi. Tôi chẳng bao giờ quên điều đấy.

Tôi muốn mình là một con cá voi bay, đi qua những vùng đất lạ lùng, mơ mị và mộng du của dòng suy tưởng đã xâm chiếm tôi trong suốt hai năm qua (Em chọn cách rời bỏ tôi). Tôi có một giấc mơ về cảnh tôi đóng vai chúa Giê-su, đứng hút một điếu thuốc ở ban công. Bên dưới nhiều người lắm. Tôi bị trừng phạt bằng việc bị kéo phăn chân mày ra khỏi mặt. Tôi run bước trên đường và hô hào với đám đông bảo họ nên nghĩ rằng họ đích thị là những vị Chúa. Họ bắt đầu tàn sát lẫn nhau và máu chảy khắp nơi. Tôi tỉnh giấc và chửi thề vào sự ngu ngốc của con người.

Em chọn cách rời bỏ tôi. Tôi chẳng bao giờ quên điều đấy.

Tôi đọc ở đâu đó việc Satre dần dần bị mù lòa. Ông nói với De Beauvoir, ‘Tôi không cảm giác được gì cả. Tôi không hiện hữu. Tôi trống rỗng.’ Và tôi nhớ lấy việc em dần đục tai. Tôi nghĩ đến một hoàn cảnh khi mà một nhân vật cố gắng tìm kiếm lý do sao mà mình không nghe được gì cả. Cô ta dấn mình vào một cuộc hành trình kỳ lạ đi vào lỗ tai của chính cô ta. Cô ta dung thang để đi sâu hơn vào bên trong, chỉ để thấy sự trống rỗng ở cuối đường. Cái ý nghĩ rằng một người nào đấy chỉ là cái bình trống rỗng thật là đáng sợ.

Bởi thế, chúng ta lấp đầy chúng bằng ký ức. Việc bi kịch nhất ở chuyện đánh mất bản thân chính là việc chúng ta đánh mất quá khứ mình. Thật là tốt nếu như ta có thể tẩy ký ức nhỉ? Hay tốt hơn nêu như ta có thể giữ nó, đồng thời thích nghi bản thân mình vào vĩnh cửu. Một người tái sinh từng giây phút họ đang sống, với kiến thức tốt hơn và sự nhận thức tốt hơn để suy cho cùng trở thành con người tốt hơn. Hay, như tôi đã nói với em, có khi là tốt nhất khi chúng ta có thể tinh thông nghệ thuật nhớ và quên, để mà sự tùy tiện đấy trở thành một phần cuộc sống. Chằng bao giờ buồn.

Em chọn cách rời bỏ tôi. Tôi chẳng bao giờ quên điều đấy.

Người ta dùng đủ mẹo để nhớ. Sao họ không phát minh ra một phương thức nào đấy để quen. Nhưng rồi tôi hiểu. Satre say đắm mặt trăng vì nó là một vệ tinh huyễn tưởng. Nó là một cái dĩa tròn rất xa thế giới, tận ở vũ trụ, là một nguồn sáng yếu đuối nhưng đầy hi vọng. Chúng ta nhìn lên nó với trí tưởng tượng của chính chúng ta, như một vật chúng ta sở hữu – một vật nằm tận trên kia, nhưng kết nối với chúng ta.

“Nhìn trăng đi.
Nó xinh nhỉ. Anh thấy trăng mỗi ngày mà.
Nó xinh vì nó tròn
Đơn giản thế thôi.”

Tôi muốn bắt cóc mặt trăng cho cá nhân tôi. Và mặt trời. Và mây. Tôi không nghĩ chúng xứng đáng để được thả rong và ưỡn ẹo sao cũng được.

Em chọn cách rời bỏ tôi. Tôi chẳng bao giờ quên điều đấy.

Tôi ghét thời gian trôi qua. Tôi đã dừng nhìn đồng hồ vì tôi sợ tôi đã dành ra bao nhiêu phần trăm giây để dành cho việc nhớ đến em. Tôi đi đến những góc phố để tưởng nhớ em. Tôi nhờ bọn ăn xin đóng vai những người (bạn tôi, bạn em, gia đình tôi, gia đình em, người dung, những người mà em ghét, những người mà tôi ghét.) trong những ký ức chỉ thuộc về riêng tôi. Tôi quát lấy bọn chúng vì đã không chú ý đến cái vai tưởng tượng của em để diễn cho một cách hoàn hảo. Tôi quát lấy bản thân tôi vì tôi đã không chú ý đến cái vai tưởng tượng của em.

Những hình ảnh đó là giả và không chính xác. Chúng không bao giờ đại diện được cho những ký ức thật mà tôi có về em.

Thành phố nhiều bụi, bụi từ cung trăng. Tôi biết phải làm gì rồi. Tôi sẽ sống lại những ký ức đấy một cách đầy đủ nhất. Tôi đã chuẩn bị mọi thứ.

Tôi bỏ những ký ức của riêng tôi vào cái vali này: bảo tàng của tôi. Tôi sẽ lêu bêu đến những nơi mà tối có ký ức về em. Tôi sẽ thu thập chúng. Tôi sẽ bỏ chúng vào vali. Tôi sẽ chiếu chúng vào bảo tàng của tôi. Để mà tôi có thể thu hồi lại em. Để mà tôi có thể sống lại nhưng ký ức đấy một lần nữa.

Những hình ảnh đó sẽ là thật và chính xác.

Đừng cười tôi, em ơi. Nếu em cười, hãy cười vang trời hay là hãy giận sảng cuồng điên lên.

Sáng nay, tôi đang suy tư về chất béo trong bốn chai bia mà tôi đã uống vào ngày hôm trước.  
Nhưng dĩ nhiên, tôi đã quên điều đấy.


Yêu và nhớ em cuồng dại. 

Mir(r)cae

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

H (1)

Tôi gọi cô ấy là H. Đã gần hai tuần không đụng mặt, không mở mồm với nhau, nó thấy chán nản đến xa lạ. Bắt đầu với sự rầu rĩ, âm ỉ và im lặng, rồi đến sự vui vẻ chán chường, nó thấy buồn. Nó ước gì nó có gan mở mồm xin lỗi.

Cái sự hèn nhát nó kiêu hãnh một cách đáng sợ.




Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Kể (2)

Khi vừa vào thành phố, mọi thứ vẫn như cũ. Những căn nhà gỗ thấp sặc sỡ vẫn nằm cạnh biển. Khi trước, tôi vẫn thường hay đi dọc bờ biển đầy sỏi và đá xám xịt. Tôi không đến biển lần nào nữa. Hôm cuối cùng ở thành phố, một đứa bạn rủ đi biển. Tôi lại chọn ngồi ở một quán cafe Cuba cùng một đứa bạn khác. Quán gần trường, có hai khu vực ngoài trời cách biệt; một khu chật, chỉ gồm bốn cái bàn cùng dãy ghế gỗ, ngồi trong nhìn mặt lẫn nhau; một khu rộng, ngồi trong có thể nhìn ra được đường phố. Bên cạnh là một tiệm chuyên bán đồ biển. Lũ sinh viên chúng tôi quyết định cạch mặt quán sau nhiều lần ăn vì cá tẩm quá nhiều bột và chiên thì quá mỡ. Tôi thích uống cafe ở một quán khác cách đó tầm năm mươi mét mỗi khi phải ở lại trường quá khuya. Cafe đen: 2 đồng rưỡi.Quán mở đến ba giờ sáng.

Mọi thứ vẫn như cũ sau cơn động đất, chỉ trừ việc trường học đóng cửa vài hôm. Chúng tôi có cớ để uống bia. Chúng tôi có cớ để nghỉ xả hơi một lát. Thành phố không náo loạn lắm. Tuy vậy, vẫn có kẹt xe trên những tuyến đường thoát khỏi thành phố. Đôi chỗ nứt. Một vài cột chỉ dẫn giao thông sập. Cái đèn ở trần phòng tôi đứt bóng. Khi động đất tới đợt đầu tiên, chúng tôi cười.

Chỗ ở cũ của tôi ở gần sân bay, hằng ngày lắng nghe tiếng máy rền vang cửa biển cũng thú.

tôi ở gần một ngôi nhà cũ
cây dương xỉ ngập lá
trước sự lặp lại của thời gian
nó dường như vô hình.

bạn tôi bảo, anh muốn được yên tĩnh trong một ngày chủ nhật hoang dại
tôi bảo, thế là đúng
để sống được ở một thành phố như Sài Gòn
ta phải tự mình tìm lấy yên tĩnh.

nơi đây, tôi đứng giữa một ngã tư xa lạ
tìm lấy chính mình
trong rầm rập bước chân đi
những con người đi không ngoảnh đầu.

chẳng gì hơn một ngày chủ nhật buôn mình ra biển
ít ra, biển chẳng bao giờ nói gì.

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

đi tìm sự im lặng

Chỗ ở cũ của tôi ở gần sân bay, hằng ngày lắng nghe tiếng máy rền vang cửa biển cũng thú


tôi ở gần một ngôi nhà cũ
cây dương xỉ ngập lá
trước sự lặp lại của thời gian
nó dường như vô hình.

bạn tôi bảo, anh muốn được yên tĩnh trong một ngày chủ nhật hoang dại
tôi bảo, thế là đúng
để sống được ở một thành phố như Sài Gòn
ta phải tự mình tìm lấy yên tĩnh.

nơi đây, tôi đứng giữa một ngã tư xa lạ
tìm lấy chính mình
trong rầm rập bước chân đi
những con người đi không ngoảnh đầu.

chẳng gì hơn một ngày chủ nhật buôn mình ra biển
ít ra, biển chẳng bao giờ nói gì.

Kể

Khi vừa vào thành phố, nó vẫn mặc bên ngoài một lớp áo khoác mỏng. Nó dừng tạm bên đường, gọi cho một người bạn cũ để cùng nhau kéo vali lên dốc đồi nơi bạn nó ở. Cái nóng làm nó đổ mồ hôi. Những tuần ở nhờ, nó cũng ngại lắm. Sau bao lần tìm kiếm chỗ trọ, nó chọn cho mình một căn phòng nhỏ xíu có hai cửa sổ trong một ngôi nhà cũ. Mùi gỗ nhứt mũi. Mỗi lần đi, sàn kêu cọt kẹt. Mỗi tối, nó đều nghe tiếng chuột chạy ở căn bếp kế cạnh. Mỗi sáng, nó mở cửa sổ đón nắng vào. Mùa hè nóng, ruồi bu đầy. Mùa đông lạnh, nó thôi mở cửa sổ mà cái rét vẫn len được vào phòng. Để tiết kiệm tiền máy sưởi, ông chủ nhà cho nó mấy cái chăn cũ. Nó vứt đấy tứ tung giữa đống sách và vật liệu làm mô hình.

Nó lọ mọ đi học. Sau vài tuần đầu tiên, năm mươi người trong lớp bỏ cuộc. Sau năm thứ nhất, khoảng ba mươi phần trăm sẽ vào năm hai. Cái sự chọi nhau khiến cho con người ta dễ, thứ nhất, nản lòng; thứ hai, tự phụ; thứ ba, ganh ghét nhau: lúc nào cũng phải nghĩ rằng mình đặc biệt, lúc nào cũng phải nghĩ rằng mình trên cả thảy. Người ta nói xấu về nhau không nghỉ. Người ta đạp lên nhau để gồng mình với mớ projects đòi hỏi phải căng hết mọi nơ rôn thần kinh, căng hết những đêm trắng cùng những lon nước tăng lực để mày mò thiết kế, làm mô hình, vẽ vời, dựng hình, render rồi dàn trang, căng hết những cái miệng để thuyết trình về chúng; để rồi ngã phịch ra ghế mỗi lần kết thúc, mắt nhòa chân đi không vững. Ngày hôm sau lại đổi kiểu tư duy để đọc sách viết báo cáo phịa chữ về một cái nhà chết tiệt nào đó, rồi lại cặm cụi bấm máy tính cho một bài vật lý khô khan, và rồi lại làm toán về cấu trúc công trình với những thanh kết cấu giàn nhàm chán. Xong hết mọi việt, bọn nó thường tự cho cái quyền cười nhạo lên những ngành học khác. Nó luôn cố giữ mình, nhưng sự mệt mỏi không khỏi làm cho nó đôi khi phải, thứ nhất, nản lòng; thứ hai, tự phụ; thứ ba, ganh ghét nhau. 

Nó phải lòng Chị. Chị nhỏ con tóc vàng, chuẩn bị tốt nghiệp, là người tutor nhóm nó cho một cái project đáng chán. Nó muốn gây ấn tượng với chị. Bằng cách vượt qua khỏi cái khuôn khổ của cái bản chỉ dẫn ban đầu nhàm chán để làm ra một thứ gì đó không giống ai, nó té chổng vó vào đoạn cuối khi thời gian trở nên hạn hẹp và những lý giải cho cái không giống ai ấy không đủ. Trước đó, nó luôn tự hào rằng nó luôn có những projects lạ lùng và 'trừu tượng. Nó thất bại lần này vì đã cố để làm hài lòng chị quá. Nó đâm đầu vào những suy nghĩ ray rứt, u mê và sầu thảm. Sau cùng, sự chạm mặt nhau trở nên khó xử. Nhưng nó vẫn cố để được chạm mặt nhau trong những nỗ lực gàn dở. Đó là một cảm giác khó chịu. 

Đêm cuối cùng ở thành phố, nó không mặc áo khoác đi lòng vòng nữa. Nó ngồi cafe với một người bạn. Nó ngồi bar uống bia với những người bạn. Nó tụ tập xem phim vào lúc 12 giờ tối, rồi tạm biệt lẫn nhau. Nó thức suốt đêm đó. Mặc kệ, nó vẫn thường ít ngủ.

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

27/10/2012


Tôi muốn đến ngồi ở một quán café mà ở đó mùa xuân trông ra rộn ràng nhất. Cái cây sau nhà mùa đông trụi lá, cộc cằng; chớm xuân đổ rạp hoa trắng xuống nền đá và giữa xuân thì xanh rợn người. Đài báo tuyết sẽ rơi trắng thành phố, nhưng trông mãi chỉ thấy xám xịt mưa và gió. Lê mình lên từng đoạn dốc chỉ để thấy gió cuốn quanh mình.

Tôi muốn đến ngồi ở một quán café mà ở đó mùa xuân trông ra rộn ràng nhất. Dạo này café chẳng mấy khi. Vị chợm đắng len chua của chúng không tài nào nếm được. Gần hết xuân nắng và mưa chen vào nhau. Mặt trời lặn lúc tám giờ tối. Nhiệt độ tối đa 17 độ. Ngày nào cũng như nhau trong một thói quen đều đặn chán ngán sau khi mọi thứ học hành đã đường hoàng chấm dứt. Chỉnh đốn lại phòng ốc cho ngăn nắp; vò giấy vụn vứt đi. Ăn uống trông chờ vào lò vi sóng. Thi thoảng nấu cơm rồi để đó, rồi đổ đi.

Tôi muốn đến ngồi ở một quán café mà ở đó mùa xuân trông ra rộn ràng nhất. Mùa xuân bắt đầu bằng những đêm trắng cùng Bò Cụng và những điếu thuốc cuộn dang dở bị vứt vào chai nước Lipton cũ. Mùa xuân dở dang với những đợt hiềm khích không nói thành lời với bọn Kiwi cùng nhà. Anh bạn người Úc phòng trên học làm nhạc sĩ và thành thạo tiếng Đức chuẩn bị bay sang Berlin hội hè. Khi đã quen nhau, chúng tôi hay ngồi ở khoảnh sân sau nói chuyện. Anh bảo, anh đã từng nấu ăn cho anh chàng nam chính trong Goodbye Lenin hồi anh còn làm đầu bếp ở Đức. Anh bảo, Berlin là một chốn thập cẩm với đủ loại người, đủ màu da. Anh bảo, giờ này Berlin chớm đông, lạnh và trời tuyết rơi. Anh bảo, anh đã từng ở London hai tháng nhưng anh không thích London vì nó là một chốn hỗn loạn.

Tôi muốn đến ngồi ở một quán café mà ở đó mùa xuân trông ra rộn ràng nhất. Hôm nay cuối xuân, trời nhiều mây, ba giờ chiều 16 độ. Tôi đương ngóng vọng vào hạ.

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Mệt


Dọn nhà. Mệt. 2 ngày chạy tới chạy lui. Khiên tới khiên lui đủ thứ đồ. Vác trên vai một cái bàn to oành trên đường rồi trên dốc rất tốn sức. Chị họ từ dưới quê lên thành phố thi đậu đại học. Mẹ mua nhà mới, chuẩn bị xây. Tôi có phòng mới. Phòng nằm cạnh bếp và sân sau của một căn nhà nằm trên dốc nhìn xuống thành phố và xa lộ bên dưới. Tôi ra sân sau để một chai nước suối xuống cái bàn gỗ giữa sân làm tàn thuốc. Trời lạnh thấu xương. Bạn tôi ngạc nhiên khi thấy máy giặt và máy sấy không cần bỏ xu vào vẫn chạy. So với chốn cũ, đó là một phép màu.

Dọn nhà. Tôi gọi thằng bạn thân nhất theo giúp. Bị trẹo mắt cá do đá banh, thế nhưng bạn vẫn đủ mạnh. Chúng tôi trò chuyện với nhau trong lúc khiên vác đồ đạc, không phải để đỡ mệt, mà để đỡ cảm thấy cô đơn.

Tối thứ 6 và 7, thành phố nhộn nhịp hơn mọi khi. Đi ngang qua một quán rượu mà người ta đến cũng chỉ để xem múa thoát y. Đi ngang qua một căn hẻm mà người ta dọn ra bán sách cũ 1 đồng một cuốn. Đi ngang qua những thanh niên trượt ván giữa đường thi thoảng nhìn lại phía sau trông chừng xe hơi vọt đến. Đi ngang qua những cột đèn và những tấm poster dán dầy trên tường. Đi ngang qua những nghệ sĩ đường phố vác guitar trên tay, râu tóc xồm xoàm miệng lúc nào cũng ngậm thuốc. Đi ngang qua một tấm bảng mà phía sau in đậm hàng chữ “Mơ là gì?”, bên dưới kí tên: Roger.

Dạo này lên mạng thấy ai cũng chính chị chính em, gặp ai cũng nghe rao giảng đạo đức và tri thức. Mệt.

Thư số 2: ‘Sự nhẹ bẫng không chịu nổi của những đám mây lang thang’ Gửi H (công chúa),  Nếu em hỏi anh anh là ai thì anh sẽ bảo ...